TTCT - Không phải tự nhiên mà nhiều quốc gia chịu nạn "chảy máu chất xám", và cũng không tình cờ mà lại có nền kinh tế vượt lên thành nam châm hút nhân tài so với nơi khác. Hơn nhau ở chỗ cách trải thảm đỏ ở thời nhân tài như lá mùa thu. Ảnh: Getty ImagesNhững người nhập cư tài năng luôn mang lại lợi ích to lớn cho các quốc gia nơi họ di cư tới, không chỉ bộ óc và tay nghề, mà còn có góc nhìn tươi mới về mọi thứ. Họ biết thứ dân bản xứ không biết, có thể tận dụng nguồn tài nguyên bằng các ngôn ngữ dân bản địa không rành. Kỹ năng, trải nghiệm, kiến thức và mối quan hệ của họ sẽ bổ sung cho đồng nghiệp sở tại, giúp tăng hiệu quả công việc.Tuy nhiên, The Economist ghi nhận trong khi nhiều chính phủ gây khó khăn cho lao động nhập cư, thậm chí từ chối ngay từ đầu; những nơi khác không biết cách chào mời người tài tứ xứ; thì cũng có nơi làm cực tốt, tha hồ hái quả ngọt.Vai trò tài năng ngoại nhậpChuyện gì sẽ xảy ra với các nhà khoa học nếu đồng nghiệp từng cộng tác với họ đoản mệnh (chết trước 60 tuổi)? PGS Shai Bernstein (Đại học Harvard) và cộng sự đã tìm ra cách lượng hóa tác động đó: số lượng bằng sáng chế mà các nhà khoa học còn lại sau đó nhận được giảm gần gấp đôi (17% so với 9%).Theo ước tính của các tác giả, người nhập cư chiếm 14% dân số Mỹ, chiếm 16% số nhà phát minh và trực tiếp tạo ra hơn 23% sáng kiến (số bằng sáng chế, trích dẫn bằng sáng chế và giá trị kinh tế của các bằng sáng chế đó). Nếu tính luôn việc hợp tác với cộng sự bản xứ và giúp họ làm việc hiệu quả hơn, người nhập cư có vai trò trong 36% tổng số sáng kiến.Những người thông minh nhất là những người ưa xê dịch. Chỉ có 3,6% dân số thế giới là người di cư. Nhưng trong số 1.000 người có điểm cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh vào các học viện công nghệ ưu tú của Ấn Độ, 36% sẽ xuất ngoại sau khi tốt nghiệp (tỉ lệ trong top 100 người đứng đầu là 62%). Trong số 20% nhà nghiên cứu AI hàng đầu thế giới, 42% làm việc ở nước ngoài, theo MacroPolo, một nhóm nghiên cứu tại Chicago.Trước tình hình nhân tài thích xê dịch như thế, hẳn các chính phủ phải ra sức cạnh tranh với nhau trong chuyện thu hút những tài năng sáng chói nhất, như cách các doanh nghiệp luôn làm. Thực tế chỉ đúng một phần - có thu hút, nhưng không thực sự "ra sức", làm hết lòng hết dạ hay thực tâm đối đãi nhân tài.Chẳng hạn, theo The Economist, người ngoại quốc ở Trung Quốc không mấy thoải mái vì chính quyền luôn lo ngại an ninh. Chương trình "Nghìn nhân tài" của nước này - dùng tiền thu hút học giả từ nước ngoài - chỉ tuyển được 8.000 nhà khoa học và kỹ sư từ năm 2008 - 2018, chủ yếu là người gốc Trung Quốc.Còn ở Anh, lo ngại quá tải nhập cư nói chung đã khiến chính phủ của Đảng Lao động thúc giục các công ty công nghệ thuê ít kỹ sư nước ngoài hơn, với tiền đề sai lầm rằng làm thế sẽ tạo ra nhiều việc làm công nghệ cao hơn cho người bản xứ. Với Mỹ, dù có thị trường lao động hấp dẫn nhất thế giới, hệ thống nhập cư của nước này cũng vào loại bất ổn hàng đầu.Hai câu chuyện đối đãi nhân tàiTại Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden từng hứa sẽ đơn giản hóa quy trình tuyển dụng người nước ngoài tài năng, đặc biệt là những người có kỹ năng về AI. Người tiền nhiệm Donald Trump cũng nói rằng ai tốt nghiệp đại học ở Mỹ nên được cấp thẻ xanh - tức thành thường trú nhân - ngay và luôn. Đó là nói, hãy xem thực tế thế nào.Deedy Das, một tài năng AI trẻ người Ấn Độ, đúng là dạng nhân tài nhập cư mà cả ông Biden lẫn Trump đều muốn có cho nước Mỹ: tốt nghiệp Đại học Cornell, từng làm cho Google, và hiện là một trong những nhà sáng lập start-up AI Glean được định giá 2 tỉ USD. Nhưng khi xin làm thường trú nhân, Das như đâm đầu vào đá. Luật Mỹ quy định không quốc gia nào được chiếm hơn 7% số "thẻ xanh" cấp mỗi năm. Với những nước đông dân như quê hương của Das, quy định này rõ là đánh đố. Mỗi người Ấn Độ nộp đơn (nhấn mạnh: bằng bản giấy) phải chờ trung bình 134 năm mới tới lượt được duyệt, theo ước tính của tổ chức học giả Cato Institute.Das phải đổi sang xin "thị thực thiên tài" (genius visa) - gửi 926 trang hồ sơ ghi rõ từng thành tựu công nghệ và thương mại cho một hội đồng thẩm định không hiểu gì về chúng. Đầu tiên Das bị từ chối vì lý do mà theo ông là vô lý: người ta nói ông không cung cấp đủ bằng chứng, trong khi đã đưa đủ. Das khiếu nại và cuối cùng được cấp thị thực.Das cho rằng quá trình này "kìm hãm sự đổi mới", thực tế nó đã và đang đẩy người tài ra khỏi nước Mỹ. Có tới 73% sinh viên nước ngoài tốt nghiệp các trường đại học Hoa Kỳ cho biết họ sẽ ở lại đất nước này nếu có thị thực. Nhưng thường thì không, vì vậy chỉ có 41% thực sự ở lại, theo nhóm chuyên gia tư vấn Economic Innovation Group. Đây cũng có thể là lý do tại sao, mặc dù có các trường đại học được coi là tốt nhất thế giới, Hoa Kỳ đã mất thị phần sinh viên quốc tế vào tay Úc và Canada trong hai thập kỷ qua.Cách mà Dubai trải thảm đón Simon Williams, một chuyên gia ngân hàng làm việc cho HSBC, hoàn toàn ngược lại: chỉ mất một tuần và vài thủ tục là có thị thực cư trú. Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất hầu như không bao giờ cho phép người nước ngoài trở thành công dân, nhưng giấy phép lao động cho các chuyên gia được trả lương cao thì rất đơn giản. Ai kiếm được hơn 50.000 dirham (13.600 đô la) một tháng, cũng như các nhà khoa học, nhà phát minh và thậm chí một số nghệ sĩ, đều đủ điều kiện để được cấp "thị thực vàng" (golden visa), có giá trị lên đến 10 năm. Quá trình an cư, hòa nhập địa phương cũng trơn tru. Williams nói ông chỉ mất thêm một tuần là có căn cước, bằng lái, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng và cả giấy phép mua rượu.Thay đổi thế nào?Có nhiều yếu tố thu hút tài năng nằm ngoài khả năng của chính phủ, dù muốn hay không. Bỉ không thể khao khát có vẻ đẹp danh lam thắng cảnh của New Zealand, New Zealand không thể có vị trí trung tâm châu Âu của Bỉ. Yếu tố thu hút quan trọng nhất - chất lượng và cơ hội việc làm - khó có thể thay đổi trong ngắn hạn.Tuy nhiên, bất kể xuất phát điểm là gì, mỗi chính phủ vẫn có rất nhiều thứ có thể làm để khiến đất nước hấp dẫn hơn đối với nhân tài nước ngoài, như đơn giản hóa các quy trình, thủ tục hay xây dựng cơ sở hạ tầng để người nhập cư dễ thích ứng…Bồ Đào Nha là một hình mẫu đáng tham khảo. Quốc gia châu Âu này đã trở thành nam châm thu hút lao động nước ngoài trong thập kỷ qua. Từ 2015 - 2023, số lượng người nước ngoài sống tại Bồ Đào Nha đã tăng 171%, đạt hơn 1 triệu người nước ngoài vào năm 2023, theo số liệu gần đây của cơ quan quản lý di cư AIMA. "[Chính phủ Bồ Đào Nha] đã thực sự nỗ lực để giúp việc xin thị thực [cho những người lao động có tay nghề] trở nên dễ dàng hơn… và có ít thủ tục hành chính hơn nhiều" - André Filipe của Critical TechWorks, một công ty Bồ Đào Nha thiết kế phần mềm cho BMW, lý giải.Nhìn rộng ra, theo The Economist, một hệ thống thu hút nhân tài hiệu quả cần tuân thủ hai nguyên tắc. Thứ nhất, loại bỏ các rào cản sẽ hiệu quả hơn là đưa ra các ưu đãi cho các ngành nghề cụ thể, như nhiều chính phủ vẫn làm. Thứ hai, tiêu chí phê duyệt hồ sơ phải càng đơn giản và khách quan càng tốt. Ví dụ, một quốc gia có thể chấp nhận bất kỳ ai có thu nhập cao hơn một số tiền nhất định hoặc đã tốt nghiệp từ một trường đại học có uy tín. Tất nhiên, cũng cần có một số biện pháp bảo vệ để tránh tình trạng làm giả mức lương hoặc các trường cấp bằng kém chất lượng chỉ nhằm mục đích xin thị thực lao động.Suy cho cùng, có tiêu chuẩn khách quan sẽ dẫn tới quy trình phê duyệt nhập cư nhanh hơn và công bằng hơn, so với phụ thuộc vào sự quan liêu và tùy ý của các cơ quan hành chính. Các viên chức nhập cư khó đủ khả năng đánh giá các kế hoạch kinh doanh hoặc dự án nghiên cứu (hãy nhớ trường hợp của Das).***Cuộc đua thu hút nhân tài tác động thế nào tới mỗi quốc gia, nhất là nơi bị chảy máu chất xám: việc các quốc gia giàu có săn bắt nhân tài có khiến những nơi nghèo đói mất đi nguồn nhân lực? Vấn đề phức tạp hơn thoạt nhìn.Khi các nhà khoa học chuyển đến các phòng thí nghiệm tốt hơn, họ sáng tạo nhiều hơn, vì lợi ích lớn hơn của nhân loại. Khi một người di cư khỏi quê hương để tới một nước giàu có hơn, họ kiếm được nhiều tiền hơn và gửi tiền về nhà, thường là để trả tiền học cho người thân của họ. Như vậy có thể xem là lợi ích ròng.Các nghiên cứu cho thấy các nước đang phát triển được hưởng lợi từ tình trạng "chảy máu chất xám" lên tới khoảng 10% số sinh viên tốt nghiệp. Với Ấn Độ và Trung Quốc, có thể để người tài tiếp tục "bay xa", nhưng một số nền kinh tế khác, vốn đã thiếu người tài, thì lại khó nói hơn. Lợi ích của người ra đi là rất lớn đối với cá nhân họ, và chưa chắc họ sẽ đặt lợi ích của quốc gia lên trên. Trong khi đó, quốc gia nào không trải thảm long trọng bằng nơi khác cũng chính là đánh mất cơ hội thịnh vượng cho chính mình.Mới hay tự cổ chí kim, chiêu hiền đãi sĩ lúc nào cũng là chuyện gian nan vậy. Sử dụng dữ liệu thăm dò của Gallup với gần 200.000 đến từ hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trong giai đoạn 2010-2023, phân tích của The Economist cho thấy Canada, Úc và Mỹ là 3 "nam châm hút người tài" mạnh nhất. Nếu không có rào cản gia nhập, ước tính 23 triệu sinh viên tốt nghiệp sẽ chuyển đến Mỹ, 17 triệu đến Canada và 9 triệu đến Úc. Ngược lại, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ mất số lượng sinh viên tốt nghiệp lớn nhất tính theo số tuyệt đối (lần lượt là 14 triệu và 12 triệu). Tags: Chảy máu chất xámNhân tàiTài năngNgười nhập cư
Tin tức sáng 24-1: Cách 'né' kẹt xe khi về miền Tây ăn Tết; Khai mạc hội hoa xuân TP.HCM TUỔI TRẺ ONLINE 24/01/2025 Tin tức đáng chú ý: Ngân hàng rao bán 400 khoản nợ vay tiêu dùng cận Tết; Cách 'né' kẹt xe khi về miền Tây; Hôm nay khai mạc hội hoa xuân TP.HCM...
Kẹt xe kéo dài trên cao tốc TP.HCM - Phan Thiết từ 3h sáng, phân luồng xuống quốc lộ 1 MINH HÒA 24/01/2025 Rạng sáng 24-1, người dân tiếp tục cuộc hành trình về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc; cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết lại kẹt xe kéo dài. Nhiều người đi từ 3h sáng cũng không thoát cảnh gian nan.
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Giá cao, khó bắt Grab ngày cận Tết: Tài xế than kẹt xe, vừa tới nơi 'thượng đế' hủy chuyến PHƯƠNG NHI 24/01/2025 Tình trạng kẹt xe, bị khách hủy chuyến bất ngờ, app cắt phần trăm cao... là những nguyên nhân khiến tài xế ngán ngẩm, tắt app thời gian qua.