Ngày 21-4, Tòa thánh Vatican thông báo Giáo hoàng Francis đã qua đời, hưởng thọ 88 tuổi.
Giáo hoàng Francis đã lãnh đạo Giáo hội Công giáo trong suốt hơn một thập kỷ. Xuất thân khiêm nhường từ Argentina, ông đã trở thành vị Giáo hoàng tập trung vào công bằng xã hội, đối thoại giữa các tôn giáo và cải cách giáo hội.
Cuộc đời của ông gắn liền với nhiều cột mốc quan trọng và không ít thử thách.
Dưới đây là chùm ảnh về cuộc đời Giáo hoàng Francis, theo tổng hợp của tạp chí Newsweek và báo Guardian:

Giáo hoàng Francis, tên khai sinh là Jorge Mario Bergoglio, sinh ngày 17-12-1936 tại Buenos Aires, Argentina trong một gia đình di cư gốc Ý. Trong bức ảnh không ghi ngày tháng, trích từ cuốn sách El Jesuita: La historia de Francisco, el Papa argentino của Sergio Rubin và Francesca Ambrogetti, ông là người đứng thứ hai từ trái sang (API/Gamma/Gamma-Rapho/Getty Images).

Ngày 11-3-1958, ông gia nhập Dòng Tên, bắt đầu con đường trở thành linh mục. Ông được phong chức linh mục Dòng Tên vào ngày 13-12-1969. Bức ảnh chụp năm 1976, Giáo hoàng là người đứng giữa - Ảnh: API/GAMMA/GAMMA-RAPHO/GETTY IMAGES

Ngày 13-3-2013, Hồng y Bergoglio được bầu làm vị Giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo, lấy danh hiệu Francisco. Trong ảnh, ông xuất hiện cùng các hồng y từ Vương cung thánh đường Thánh Peter sau khi được bầu làm Giáo hoàng - Ảnh: AFP

Ngày 8-7-2013, Giáo hoàng thực hiện chuyến thăm mục vụ đầu tiên bên ngoài Rome đến Lampedusa, Ý, nhằm nêu bật hoàn cảnh khó khăn của những người di cư - Ảnh: AFP

Giáo hoàng Francis vẫy chào từ xe Giáo hoàng trong Ngày Giới trẻ thế giới tại Rio de Janeiro, Brazil ngày 27-7-2013. Đây là phương tiện đặc biệt dành cho người đứng đầu Giáo hội Công giáo khi xuất hiện trước công chúng, giúp ông chào đón và ban phước lành một cách an toàn. Khác với một số vị tiền nhiệm, Giáo hoàng Francis chọn phiên bản xe đơn giản, ít che chắn, thể hiện mong muốn gần gũi với mọi người - Ảnh: AFP.

Giáo hoàng Francis chơi với trái bóng rổ trong lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Trung tâm Thể thao Công giáo Ý năm 2014 tại quảng trường Thánh Peter, Vatican - Ảnh: AFP

Giáo hoàng Francis chủ trì Thánh lễ đêm Giáng sinh tại Vương cung thánh đường Thánh Peter vào ngày 24-12-2014. Ông truyền tải thông điệp về sự khiêm nhường, lòng trắc ẩn, kêu gọi giáo dân tránh xa chủ nghĩa vật chất và đề cao sự giản dị - Ảnh: AFP

Vào trưa chủ nhật hằng tuần, tại các buổi đọc Kinh Truyền Tin, Giáo hoàng Francis ban phép lành cho hàng nghìn người hành hương tại quảng trường Thánh Peter, Vatican. Ông thường tận dụng dịp này để nêu bật các vấn đề toàn cầu, kêu gọi hòa bình và gửi lời động viên đến giáo dân. Những thông điệp của ông nhấn mạnh lòng thương xót, đoàn kết và công bằng xã hội, thể hiện cam kết xây dựng một giáo hội nhân ái và bao trùm - Ảnh: AFP

Giáo hoàng Francis gặp Hoàng hậu Mathilde của Bỉ vào ngày 9-3-2015 tại Vatican. Cuộc gặp của họ tập trung vào các vấn đề nhân đạo, bao gồm công bằng xã hội, giáo dục và sức khỏe tâm thần - những lĩnh vực được Hoàng hậu Mathilde tích cực ủng hộ - Ảnh: AFP

Ngày 24-9-2015, Giáo hoàng Francis nhận được tràng pháo tay từ Phó tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện John Boehner. Ông là vị Giáo hoàng đầu tiên phát biểu trước phiên họp chung của Quốc hội Mỹ tại Đồi Capitol - Ảnh: AFP

Ngày 5-3-2021, Giáo hoàng Francis bắt đầu chuyến thăm lịch sử đến Iraq, trở thành vị Giáo hoàng đầu tiên đặt chân đến quốc gia này. Ông đã tới Baghdad, Najaf và Mosul, gặp gỡ các lãnh đạo tôn giáo và chính trị, đồng thời kêu gọi hòa bình và hòa giải giữa các cộng đồng đa dạng. Đây cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ năm 2019, sau thời gian phong tỏa vì đại dịch COVID-19. Trong ảnh: Tổng thống Iraq Barham Saleh đón tiếp Giáo hoàng tại Baghdad ngày 5-3-2021 - Ảnh: AFP.

Tháng 7-2022, trong chuyến thăm Canada, Giáo hoàng Francis đã chính thức xin lỗi vì những tổn thương mà các thành viên Giáo hội Công giáo gây ra cho trẻ em bản địa tại các trường nội trú từ cuối thế kỷ 19 đến những năm 1990. Khoảng 150.000 trẻ em bản địa Canada từng bị buộc rời xa gia đình để theo học tại các trường do giáo hội điều hành, với mục tiêu ép buộc hòa nhập - Ảnh: AFP

Tháng 9-2024, dù tuổi cao và sức khỏe suy giảm, Giáo hoàng Francis vẫn thực hiện chuyến công du kéo dài 12 ngày tới 4 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương gồm Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore. Đây là chuyến đi dài nhất của ông kể từ khi trở thành Giáo hoàng. Trong ảnh: Giáo hoàng đội mũ thổ dân trong buổi gặp gỡ giáo dân tại Papua New Guinea ngày 8-9-2024 - Ảnh: AFP.

Ngày 11-10-2024, Giáo hoàng Francis gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Vatican để thảo luận về cuộc xung đột ở Ukraine. Trong cuộc gặp, Giáo hoàng tái khẳng định cam kết của Vatican với các nỗ lực nhân đạo và đàm phán hòa bình - Ảnh: AFP.

Giáo hoàng Francis vui vẻ chụp ảnh selfie cùng các linh mục trong buổi tiếp kiến hằng tuần ở Vatican vào năm 2024 - Ảnh: VATICAN POOL

Giáo hoàng Francis gặp Phó tổng thống Mỹ JD Vance hôm 20-4 vừa qua tại Vatican - Ảnh: VATICAN POOL

Sức khỏe của Giáo hoàng Francis suy giảm liên tục kể từ khi nhập viện ở Rome ngày 14-2. Tuy vậy, ông vẫn xuất hiện vào ngày 20-4, gửi thông điệp Phục sinh và ban phước lành từ ban công Vương cung thánh đường Thánh Peter. Chỉ một ngày sau, ngày 21-4, Tòa thánh Vatican thông báo Giáo hoàng Francis đã qua đời, hưởng thọ 88 tuổi - Ảnh: SHUTTERSTOCK.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận