
Giáo hoàng Francis tại Vatican vào ngày 14-2-2025 - Ảnh: REUTERS
Theo tờ Guardian, Giáo hoàng Francis qua đời ngày 21-4 ở tuổi 88 sau thời gian điều trị viêm phổi. Sự ra đi của ngài để lại niềm tiếc thương sâu sắc không chỉ trong lòng người Công giáo mà còn khắp thế giới.
Ngay sau khi Vatican công bố tin buồn, nhiều lãnh đạo các nước đã gửi lời chia buồn và ca ngợi di sản mà Giáo hoàng để lại.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ sự tôn kính với Giáo hoàng: "Từ Buenos Aires đến Rome, Giáo hoàng Francis luôn mong muốn Giáo hội mang niềm vui và hy vọng đến cho những người nghèo nhất. Để gắn kết con người với nhau và với thiên nhiên. Mong rằng ngọn lửa hy vọng ấy sẽ tiếp tục được thắp sáng, vượt qua cả sự ra đi của ngài".
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gửi lời chia buồn trên mạng xã hội X, gọi Giáo hoàng là người "truyền cảm hứng cho hàng triệu người, vượt xa phạm vi Giáo hội Công giáo, bằng sự khiêm nhường và tình yêu thuần khiết dành cho những người kém may mắn".
Từ Đức, ông Friedrich Merz - thủ tướng tương lai của nước này - viết: "Sự ra đi của Giáo hoàng Francis khiến tôi vô cùng đau buồn. Ngài sẽ được ghi nhớ vì sự dấn thân không mệt mỏi cho những người yếu thế, cho công lý và sự hòa giải".
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc: "Trong giờ phút đau buồn và tưởng niệm này, tôi xin gửi lời chia buồn chân thành đến cộng đồng Công giáo toàn cầu. Giáo hoàng Francis sẽ luôn được nhớ đến như một biểu tượng của lòng trắc ẩn, sự khiêm nhường và can đảm tinh thần".
Phó tổng thống Mỹ JD Vance, người vừa có buổi gặp riêng với Giáo hoàng một ngày trước khi Ngài qua đời, chia sẻ: "Tôi rất vui khi được gặp ngài vào ngày lễ Phục sinh, dù khi đó ngài đã rất yếu".
"Tôi vừa hay tin Giáo hoàng Francis qua đời. Xin gửi lời chia buồn tới hàng triệu tín hữu khắp thế giới yêu mến ngài. Tôi sẽ luôn ghi nhớ bài giảng đầy xúc động mà ngài từng đọc vào đầu đại dịch COVID - đó là một trong những thông điệp đẹp nhất mà tôi từng nghe", ông Vance viết trên X.
Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof mô tả Giáo hoàng là "một hình mẫu lãnh đạo gần gũi, đầy cảm hứng". Trong khi đó, Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon ca ngợi ngài vì sự dấn thân không ngừng nghỉ vì công lý và sự đoàn kết giữa các dân tộc.
Nhà Trắng cũng đã chia sẻ bài đăng tưởng niệm đầu tiên dành cho Đức Giáo hoàng trên X với dòng chữ ngắn gọn: "An nghỉ, Giáo hoàng Francis" (Rest in Peace, Pope Francis) kèm theo hình ảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó tổng thống JD Vance từng gặp gỡ ngài tại Vatican.
Thủ tướng Ý Giorgia Meloni bày tỏ nỗi đau buồn sâu sắc khi hay tin Đức Giáo hoàng qua đời, gọi đây là sự ra đi của "một con người vĩ đại, một vị chủ chăn vĩ đại". Bà chia sẻ: "Tôi có đặc ân được đón nhận tình bạn, những lời khuyên và giáo huấn của ngài - những điều chưa bao giờ dừng lại, ngay cả trong những lúc thử thách và đau đớn. Chúng tôi tiễn biệt Đức Thánh Cha với trái tim nặng trĩu nỗi buồn".
Tổng thống Kenya William Ruto chia buồn trên X, gọi sự ra đi của Đức Giáo hoàng là "mất mát lớn đối với Giáo hội Công giáo và thế giới Kitô giáo". Ông ca ngợi ngài là tấm gương lãnh đạo phục vụ với lòng khiêm nhường, cam kết vì công lý và lòng trắc ẩn sâu sắc với người nghèo.
"Ngài đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên toàn thế giới, bất kể tôn giáo hay xuất thân. Nguyện linh hồn ngài được yên nghỉ đời đời", ông viết.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng gửi lời chia buồn và trân trọng nỗ lực của Giáo hoàng Francis trong việc tích cực thúc đẩy đối thoại giữa Chính thống giáo Nga và Công giáo La Mã, cũng như tăng cường hợp tác giữa Nga và Tòa thánh.
Thủ tướng Anh Keir Starmer gọi Giáo hoàng Francis là "vị giáo hoàng của người nghèo, người bị áp bức và người bị lãng quên". Ông ca ngợi ngài vì sự lãnh đạo đầy dũng cảm trong thời kỳ nhiều thử thách, luôn xuất phát từ lòng khiêm nhường sâu sắc. "Dù đối mặt chiến tranh, đói nghèo và áp bức, Giáo hoàng chưa bao giờ đánh mất niềm hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn", ông nhấn mạnh.
Với thông điệp yêu thương, sự giản dị và tinh thần cải cách mạnh mẽ, Giáo hoàng Francis đã để lại dấu ấn khó phai không chỉ với Giáo hội Công giáo và đối với cộng đồng toàn cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận