TTCT - Mặc dù vẫn chưa có thỏa thuận cuối cùng về giải quyết ô nhiễm nhựa, cuộc sống hằng ngày của mỗi cá nhân và mô hình kinh doanh của nhiều ngành hàng chắc chắn sẽ thay đổi sau các nỗ lực hạn chế sản xuất và sử dụng nhựa ở nhiều quốc gia. "Terowongan 4444" hay đường hầm 4444, làm từ chai nhựa thu thập được từ các con sông. Đây là tác phẩm tại bảo tàng nhựa của nhóm Ecological Observation and Wetlands Conservation ở Indonesia. Ảnh: ReutersĐầu tháng 12-2024, INC-5 - hội nghị toàn cầu về nhựa ở Busan (Hàn Quốc) - không đạt được đồng thuận về dự thảo công ước có tính ràng buộc nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa. Nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy trong năm 2025, các nước đang có nhiều nỗ lực pháp lý riêng để kiềm chế con ngựa bất kham mang tên khủng hoảng nhựa mà không cần đợi có một công ước toàn cầu. Ngay cả khi hiệp ước toàn cầu bị đình trệ thêm một năm nếu kỳ họp tiếp theo của INC-5 một lần nữa đổ vỡ, nhiều luật hạn chế nhựa mới ở cấp quốc gia và địa phương sẽ có hiệu lực trong năm 2025.Thuế và EPRNăm 2021, Liên minh châu Âu (EU) đã áp thuế với các nước thành viên theo khối lượng rác thải là bao bì nhựa họ tạo ra mà không tái chế. EU cũng có động thái cấm các mặt hàng dùng một lần như dụng cụ ăn bằng nhựa, đĩa, ống hút và cây khuấy nhựa. Kể từ đó, một số quốc gia thành viên bắt đầu đưa ra các quy định hạn chế rác thải nhựa riêng, trong đó có luật về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), buộc các công ty sản xuất trả tiền tái chế nhựa sau tiêu dùng và thu thuế nhựa để trả cho phần thuế phải nộp cho EU.Từ năm 2025, tất cả các nước EU phải đảm bảo chai nhựa PET (thường dùng để đựng nước uống) chứa 25% vật liệu nhựa tái chế. Theo trang triplepundit.com, quyết định này nhằm hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và thân thiện với môi trường hơn theo lộ trình gồm nhiều giai đoạn. Đến năm 2030, tỉ lệ nhựa tái chế trong tất cả các chai đựng đồ uống ở EU sẽ được nâng lên ít nhất 30%. Mặc dù vẫn còn vài điều chưa rõ về biện pháp chế tài với các công ty không thực thi nghiêm túc và thống nhất quy trình kiểm tra tại các quốc gia thành viên, đây là tín hiệu cho thấy nền kinh tế tuần hoàn xoay quanh nhựa đang được thúc đẩy ở châu Âu.Bồ Đào Nha và Hà Lan, Vương quốc Anh… đều có mức thuế riêng với một số loại nhựa. Đức cũng sẽ tham gia hội nhóm này và sẽ đánh thuế một số loại nhựa dùng một lần từ đầu năm 2025 gồm hộp đựng thực phẩm, ly cốc chai lọ đựng đồ uống, khăn ướt, túi đựng, bong bóng bay… Khoản thuế này trước đó bị ngành nhựa ở Đức phản đối kịch liệt và đã bị hoãn một năm nhưng thuế nhựa giờ không chừa một ai, 2025 là thời điểm luật được thi hành ở Đức. Các doanh nghiệp sẽ phải lập báo cáo hằng năm về số lượng và loại nhựa sử dụng để làm căn cứ tính thuế. Mức phí dự kiến dao động từ 0,06 euro/kg khăn ướt, 24,50 euro/kg ly nhựa dùng một lần, 8.945 euro/kg với đầu lọc thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá khác.Người bán hàng đang dùng túi nhựa tại một khu chợ thực phẩm ngoài trời ở Cisternino, Ý. Ảnh: REUTERSEPR là công cụ được nhiều nước sử dụng. Ấn Độ là một trong những quốc gia đầu tiên triển khai chương trình EPR với nhựa vào năm 2011. Với cách tiếp cận theo từng giai đoạn, Ấn Độ yêu cầu các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và thương hiệu tiêu dùng phải lưu dữ liệu về các loại nhựa đã bán và thực hiện các biện pháp thu gom và tái chế nhựa. Bắt đầu từ tháng 4-2025, các nhà sản xuất sẽ phải đảm bảo ít nhất 30% nhựa tái chế trong các sản phẩm nhựa và phải đảm bảo một tỉ lệ nhựa đã sản xuất ra nhất định được tái chế.Tại Mỹ, không kể các nỗ lực cấp liên bang, ngày càng có nhiều tiểu bang đưa ra các nỗ lực nhằm hạn chế rác thải nhựa và đẩy lùi ô nhiễm. Tại Maine, tiểu bang đầu tiên của Mỹ thông qua luật EPR, các nhà sản xuất và công ty nhựa sẽ bắt đầu báo cáo dữ liệu về loại nhựa sử dụng cho tiểu bang từ năm 2025 và các khoản chi trả đầu tiên sẽ được thực hiện vào năm 2026. California, Colorado, Oregon và Minnesota cũng yêu cầu các nhà sản xuất phải đăng ký với tiểu bang hoặc bắt đầu báo cáo dữ liệu vào năm 2025. EPR cũng được giới thiệu ở một số tiểu bang trong năm 2025 như Michigan, New York, New Jersey, Tennessee và Washington. Các bang cũng đã cấm một số loại bao bì nhựa khó tái chế. Cụ thể, Illinois cấm chai dầu gội và xà phòng nhỏ tại các khách sạn, có hiệu lực vào mùa hè năm 2025.Tăng cường tái chếNhật Bản đang hướng đến mục tiêu quản lý các vật liệu sử dụng trong sản xuất bao bì thực phẩm và đồ đựng, đặc biệt là nhóm hóa chất PFAS - một nhóm các hóa chất tổng hợp phổ biến tồn tại trong môi trường và cơ thể con người, có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bắt đầu từ 2025, chỉ những chất có trong danh sách được phép của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi mới được dùng trong quá trình sản xuất hộp đựng, dụng cụ và bao bì thực phẩm ở Nhật. Nhật cũng nhắm đến các vật liệu dễ tái chế hơn nhằm hướng đến mục tiêu toàn bộ nhựa sản xuất trong nước đều có thể tái chế vào cuối năm 2025.Năm 2025, mục tiêu bao bì quốc gia 2025 của Úc (ban hành năm 2018) có hiệu lực. Cụ thể, tất cả bao bì được sản xuất và bán ở Úc phải có khả năng tái sử dụng, tái chế hoặc phân hủy sinh học. Tỉ lệ tái chế và phân hủy sinh học là 70% với bao bì và khuyến khích các nhà sản xuất sử dụng ít nhất 50% thành phần tái chế trong bao bì được sản xuất. Úc cũng tìm cách loại bỏ bao bì dùng một lần thuộc dạng "có vấn đề và không cần thiết" như bộ đồ ăn nhựa, ống hút và cây khuấy đồ uống.Dữ liệu cập nhật đến năm 2021 và 2022 cho thấy bao bì sản xuất và bán ở Úc mới chỉ có hàm lượng tái chế trung bình là 30%. Úc cũng đã giảm hơn 30% lượng nhựa có vấn đề so với 5 năm trước và năng lực tái chế được cải thiện nhưng tỉ lệ thu hồi vẫn ở mức thấp, chỉ khoảng 20% bao bì được tái chế hoặc ủ compost năm 2022. Chính phủ Úc thừa nhận khó đạt được các mục tiêu và đề xuất cải tổ mạnh các quy định về nhựa nhằm tăng tỉ lệ thu hồi và tái chế. Cụ thể, tất cả các loại bao bì nhập khẩu vào Úc phải được thiết kế để có khả năng tái chế, cấm thành phần PFAS trong bao bì và thiết lập chương trình EPR để buộc các nhà sản xuất trả phí thu hồi nhựa và tái chế.Một người tái chế rác phân loại các chai nước nhựa và các loại phế liệu tái chế khác ở Bangkok. Ảnh: AFPỞ Đông Nam Á, luật cấm nhập rác nhựa làm nguyên liệu cho các nhà máy công nghiệp có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 ở Thái Lan. Theo báo The Straits Times, động thái này nhằm ngăn chặn các mối nguy hiểm với môi trường và sức khỏe cộng đồng và không để Thái Lan biến thành thiên đường đổ rác từ các nước khác. Các công ty có thời hạn đến ngày 31-12 để hoàn tất thủ tục nhập khẩu các sản phẩm bị ảnh hưởng. Cơ quan hữu quan cũng yêu cầu phải tăng cường tái chế rác nhựa sinh hoạt. Lệnh cấm nhập rác nhựa làm nguyên liệu được kỳ vọng sẽ kích thích tái chế nhựa ở Thái Lan, giảm lượng rác thải nhựa ở Thái Lan và đảm bảo sử dụng nhựa hiệu quả hơn ở quốc gia vốn là một trong những cường quốc sử dụng đồ nhựa một lần.Tại Dubai, từ ngày 1-1-2025, nhiều loại nhựa dùng một lần như ống hút nhựa, cây khuấy nhựa, ly nhựa, hộp xốp đựng thức ăn, tăm bông nhựa, khăn trải bàn nhựa... sẽ bị cấm. Mặc dù động thái này sẽ tác động đáng kể đến cách thức hoạt động của dịch vụ bán đồ ăn uống mang đi nhưng nó phù hợp với mục tiêu thúc đẩy lối sống bền vững và giảm thiểu tác hại đến môi trường của Dubai. Giai đoạn tiếp theo, dự kiến có hiệu lực vào tháng 1-2026, sẽ nhắm vào các loại đĩa nhựa, hộp đựng thực phẩm, đồ dùng trên bàn ăn và nắp ly đựng đồ uống.Có thể thấy mặc dù vẫn chưa có thỏa thuận cuối cùng về giải quyết ô nhiễm nhựa và trong khi chờ cuộc họp tiếp theo của Ủy ban INC-5 năm 2025 - cuộc sống hằng ngày của mỗi cá nhân và mô hình kinh doanh của nhiều ngành hàng chắc chắn sẽ thay đổi sau các nỗ lực hạn chế sản xuất và sử dụng nhựa ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, các quy định riêng lẻ ở từng nước sẽ hiệu quả hơn nữa nếu được áp dụng rộng rãi và thống nhất hơn ở cấp độ toàn cầu. Chìa khóa để giải quyết ô nhiễm nhựa sẽ là kinh tế tuần hoàn - mô hình bền vững trong đó nhựa được tái sử dụng và tái chế khi hết vòng đời để chúng lưu thông lâu hơn. Trong một phỏng vấn giữa tháng 12-2-2024, Clemence Schmid, giám đốc chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa của Diễn đàn Kinh tế thế giới, cho biết: "Tất cả chúng ta với tư cách là một xã hội và những cá nhân tiêu thụ rất nhiều nhựa, dù vì lý do rất chính đáng hay vì lý do tiện lợi, cần nghiêm túc suy nghĩ xem loại nhựa nào là cần thiết? Những loại nào nên tiếp tục sử dụng và loại nào có thể tránh được?". Bà Schmid cho rằng chúng ta nên chuyển đổi khỏi nhựa là một cơ hội. "Chúng ta thường coi sự thay đổi là điều gì đó tiêu cực. Nhưng thay đổi có thể là tích cực. Thay đổi có thể tạo ra cơ hội, tạo ra việc làm mới, cải thiện việc tạo ra việc làm. Tôi không muốn đưa ra tuyên bố quá mạnh mẽ, nhưng tôi cho rằng bất kỳ công việc nào cũng tốt hơn là nhặt rác thải ở bãi rác". 460 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm mà khoảng một nửa khối lượng đó là sản xuất đồ nhựa dùng một lần. Rác nhựa đang là một trong những vấn đề lớn nhất mà các vùng biển trên thế giới phải đối mặt. Một báo cáo tháng 3-2018 của Văn phòng Khoa học chính phủ Anh dự báo số rác thải nhựa đại dương sẽ tăng gấp 3 vào năm 2025, từ con số lúc đó là hơn 5,25 tỉ mẩu rác nhựa. Thấm thoát đã gần 7 năm, thế giới chờ đợi xem dự báo này có đúng hay không, và nếu sai thì tệ hơn hay tốt hơn. Chuyên mục Việt Nam Xanh được thực hiện với sự đồng hành của PRO VIỆT NAM. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Việt Nam xanh Tiếp theo Tags: NhựaÔ nhiễm nhựaRác thải nhựaNhựa dùng một lầnBảo vệ môi trường
Tổng Bí thư Tô Lâm: Nghiên cứu áp dụng công nghệ, chuyển đổi số trong bảo vệ biên giới, cửa khẩu THÀNH CHUNG 22/01/2025 Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Bộ đội biên phòng tập trung nghiên cứu, đề xuất các vấn đề công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu.
Vụ nam shipper Đà Nẵng nghi bị đánh chết: Cuộc gọi, tin nhắn giữa shipper với khách tiết lộ điều gì? THÁI BÁ DŨNG 22/01/2025 Bức xúc vì khách chậm thanh toán, nam shipper Đà Nẵng và nữ khách hàng đã cự cãi. Bên mua hàng lên app đánh 'sao xấu' khiến shipper đối diện mức phạt 500.000 đồng.
Vĩnh Phúc lý giải việc nợ tiền VĐV canoeing số 1 Việt Nam HOÀNG TÙNG 22/01/2025 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc vừa thông tin chính thức về đơn xin nghỉ tập tại địa phương của VĐV canoeing Nguyễn Thị Hương do chưa nhận được tiền dinh dưỡng, tiền thưởng huy chương.
Ba địa phương đề nghị bộ chủ trì mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận TUẤN PHÙNG 22/01/2025 UBND tỉnh Long An, Tiền Giang và TP.HCM đề nghị Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận thay vì phân cấp cho địa phương.