Chỉ có điều nhân dân không thực hiện trực tiếp quyền lực của mình trong các quyết định luật pháp, chính sách, quản lý nhà nước... mà bằng lá phiếu bầu đã ủy quyền cho người đại diện được mình tin tưởng.
Khi bỏ lá phiếu bầu vào hòm phiếu chính là cử tri đã chính thức ủy quyền cho người đại diện mình ở cơ quan quyền lực nhà nước tối cao - Quốc hội và cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương - HĐND các cấp. 500 đại biểu Quốc hội, hơn 3.800 đại biểu HĐND cấp tỉnh, 21.000 đại biểu cấp huyện và 281.000 đại biểu cấp xã sẽ nhận sự ủy quyền của hơn 62 triệu cử tri để quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, của tỉnh mình, huyện mình, xã mình trong một nhiệm kỳ năm năm tới.
“Đây là cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất từ trước đến nay” - Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu ngay sau khi ông thực hiện quyền công dân của mình tại một khu vực bỏ phiếu bên hồ Thiền Quang (Hà Nội). Cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất bởi số lượng cử tri đông nhất và bởi lần đầu tiên cử tri cùng lúc bầu đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.
Độ lớn của cuộc bầu cử còn được Tổng bí thư đề cập ở chỗ nó là nhiệm kỳ của “một giai đoạn đặc biệt”: đất nước trước ngưỡng cửa công nghiệp hóa. Thông điệp được người đứng đầu Đảng đồng thời đứng đầu Quốc hội truyền đi ngay đầu giờ bầu cử là “cử tri hãy chọn ra người xứng đáng nhất và hãy bầu đủ, đừng bầu lẫn, bầu nhầm”.
Đó không chỉ là mong muốn của Tổng bí thư. Từ hải đảo xa xôi đến vùng biên cương gian khó, từ các bạn thanh niên vừa đủ tuổi đi bầu đến những cụ già đã sống hơn trăm năm, từ các anh chị công nhân tại các khu công nghiệp đến những nông dân trải nắng ngoài đồng, từ trí thức đang vắt óc nghĩ suy bên bàn phím đến những doanh nhân lăn lộn ngoài thị trường..., tất cả đều mong chọn trúng được người đại diện nói lên tiếng nói của mình, giải quyết những vấn đề của mình, đề ra được những chính sách cho nghề mình, ngành mình, lĩnh vực mình phát triển.
Sự kỳ vọng của cử tri chắc không nằm ngoài bữa cơm của mỗi gia đình sao cho được ngon hơn, cuộc sống có chất lượng tốt hơn và xã hội văn minh, giàu đẹp hơn. Nghĩa là, mỗi lá phiếu của cử tri phải được từng đại biểu cảm nhận được gánh nặng trên đôi vai của mình.
“Chúng ta còn nhiều thách thức bởi chúng ta từ một nước kém phát triển đi lên”. Có lẽ khi nói câu ấy, Tổng bí thư vừa với tư cách một cử tri, vừa với tư cách là người ngồi ghế chủ tọa Quốc hội hơn một nhiệm kỳ, ông cảm nhận được sâu sắc những âu lo của người bỏ phiếu.
Đó là chỉ số giá leo cao theo những cơn nóng lạnh của thị trường hằn lên nếp nhăn trên trán người đi chợ; đó là chuyện người nông dân được mùa mất giá và ngay ngáy nỗi lo nước biển dâng cao; là nạn tham nhũng vẫn chưa bị đẩy lùi; là chênh lệch giàu nghèo, là tụt hậu...
Hôm qua, cử tri đã ủy quyền cho người đại diện của mình bằng lá phiếu bầu. Để quyền lực của cử tri được người đại diện thực thi nơi nghị trường, cử tri sẽ phải thiết lập một đường dây liên hệ với người đã nhận trọng trách để giám sát và yêu cầu những đại biểu ấy nghiêm túc thực hiện những lời đã hứa.
Vì vậy sau khi bầu cử, cử tri đừng bỏ quên quyền được giám sát đại biểu của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận