TTCT - Kể từ tháng 12-2019, thứ mà thế giới không muốn nghe nhất là tin "xuất hiện", "bùng phát" một loại vi rút nào đó, dù lạ hay quen. Trẻ em điều trị vì nhiễm "bệnh giống cúm" tại một bệnh viện ở Trung Quốc, tháng 11-2023. Ảnh: AFPKể từ tháng 12-2019, thứ mà thế giới không muốn nghe nhất là tin "xuất hiện", "bùng phát" một loại vi rút nào đó, dù lạ hay quen. Nhưng đời không như là mơ, hầu như năm nào cũng có ít nhất một lần chúng ta "lên ruột" vì chuyện đó.Đúng 5 năm trước, một căn bệnh giống cúm bí ẩn xuất hiện tại Vũ Hán (Trung Quốc) để rồi trở thành đại dịch toàn cầu, khiến hơn 14 triệu người chết và khoảng 400 triệu người trên toàn thế giới hiện vẫn đang phải sống chung với COVID kéo dài.Tháng 1-2025, Trung Quốc một lần nữa thu hút sự chú ý, với các bệnh viện quá tải vì số ca nhiễm một loại vi rút đường hô hấp tăng mạnh, nhất là ở trẻ em từ 14 tuổi trở xuống. Theo trang Live Science, vi rút này được xác định là vi rút metapneumo ở người (HMPV).Được phát hiện vào năm 2001, HMPV cùng họ với vi rút hợp bào hô hấp (RSV), cũng là vi rút gây bệnh hô hấp theo mùa. HMPV lây lan qua giọt bắn đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc với bề mặt bị nhiễm. Các triệu chứng gồm ho, sốt, nghẹt mũi và mệt mỏi, với thời gian ủ bệnh từ 3-6 ngày. Dù thường lành tính, bệnh có thể dẫn đến biến chứng nặng như viêm phổi, đặc biệt ở trẻ sơ sinh, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch suy yếu. Không giống như COVID-19, hiện chưa có vắc xin hoặc phương pháp điều trị kháng vi rút đặc hiệu cho HMPV; việc điều trị chủ yếu tập trung vào quản lý triệu chứng."HMPV đã được công nhận là một vấn đề đáng lo ngại đối với các nhóm dân số có nguy cơ trên toàn thế giới từ đầu thế kỷ 21 khi nó được phát hiện lần đầu. Nguy cơ này không thay đổi đáng kể trong gần 25 năm qua" - giáo sư Andrew Easton, chuyên gia nghiên cứu vi rút phổi tại Đại học Warwick (Anh), nói với Live Science.Theo truyền thông Trung Quốc, HMPV đang là một trong bốn bệnh nhiễm vi rút phổ biến nhất ở những người đến bệnh viện tại nước này. Tuy nhiên, Trung Quốc có vẻ cho rằng tình hình không đến mức nghiêm trọng. Hôm 3-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mao Ninh cho rằng nhiễm trùng đường hô hấp thường đạt đỉnh vào mùa đông và "các bệnh này có vẻ ít nghiêm trọng hơn và lây lan ở quy mô nhỏ hơn so với năm trước".Đúng là mùa đông thì bệnh hô hấp tăng, nhưng cũng vì thế mà các tuyên bố hay nhận định liên quan đến bùng phát ca nhiễm có thể bị ảnh hưởng - hoặc đánh giá không đủ hoặc phản ứng thái quá. Nhưng từ sau COVID-19, không ai dám nghiêng về hướng "thái quá". Mạng xã hội tràn ngập hình ảnh và video (chưa xác thực) ghi lại cảnh người dân đeo khẩu trang trong các bệnh viện ở Trung Quốc. Mọi thứ đều gợi nhớ những ngày đầu trước khi COVID-19 bùng phát.Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa xem tình hình này là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, nhưng số ca tăng cao đã khiến cơ quan chức năng Trung Quốc tăng cường hệ thống giám sát, còn giới chức y tế các nước cũng theo dõi sát sao tình hình. Riêng Ấn Độ trấn an "không cần hoảng".HMPV chỉ là mối đe dọa sức khỏe gần nhất xuất hiện, 5 năm sau COVID-19. Năm 2024, đợt bùng phát mpox ở châu Phi trở thành tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế, rồi đến cuối năm là "bệnh lạ" ở Congo (trước khi được xác định là sốt rét). Đó là chưa kể các đợt bùng phát cúm gia cầm. Maria van Kerkhove, quyền giám đốc Chương trình chuẩn bị và phòng ngừa dịch bệnh và đại dịch của WHO, bày tỏ lo ngại khi số ca nhiễm ở người đã gia tăng trong năm qua dù vi rút cúm gia cầm chưa lây lan từ người sang người.Các mối đe dọa sức khỏe mới chắc chắn sẽ tiếp tục xuất hiện, và năm nào các nhà lãnh đạo y tế thế giới cũng đối mặt với câu hỏi: nếu một mối đe dọa đại dịch mới xuất hiện, chúng ta có đối phó tốt hơn so với lần trước hay không? The Guardian cho biết nhiều chuyên gia vẫn chưa hoàn toàn tự tin nói có. Với riêng Van Kerkhove, câu trả lời là vừa có vừa không.Chuyên gia của WHO khẳng định "thế giới chưa bao giờ ở vị trí tốt hơn lúc này", xét về chuyên môn, công nghệ và hệ thống dữ liệu để nhanh chóng phát hiện một mối đe dọa. Cụ thể, năng lực giải mã gene được mở rộng ra hầu hết các quốc gia trên toàn cầu, cùng với việc cải thiện khả năng tiếp cận oxy y tế và các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát nhiễm trùng là những "bước tiến lớn" sau đại dịch COVID-19. "Mặt khác, tôi nghĩ rằng với những khó khăn và tổn thương mà chúng ta đã trải qua với COVID-19 và các đợt bùng phát khác, đặt trong bối cảnh chiến tranh, biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế và chính trị, chúng ta hoàn toàn chưa sẵn sàng để xử lý một đại dịch khác" - bà nói với The Guardian.Van Kerkhove cho rằng các quốc gia phải duy trì một trạng thái sẵn sàng ổn định, đầu tư đúng mức để đảm bảo hệ thống y tế không dễ tổn thương nếu một mối đe dọa thực sự nguy hiểm xuất hiện. Có vậy thì mỗi lần nghe "bùng nổ vi rút" ở đâu đó, có thể lo nhưng không sợ, và không rùng mình nhớ lại thế giới từ tháng 12-2019. Tags: Vi rútBệnh cúmVi rút cúmTrung QUốcCovid-19
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh THÀNH CHUNG 23/01/2025 Sáng 23-1, đoàn đại biểu lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, dâng hương tưởng niệm anh hùng liệt sĩ.
Đại gia gỗ Đỗ Xuân Lập bị bắt vì đánh bạc: Cơ ngơi nghìn tỉ, liên quan một công ty lớn trên sàn BÌNH KHÁNH 23/01/2025 Ông Đỗ Xuân Lập là chủ một công ty chế biến, xuất khẩu gỗ có doanh thu gần 1.000 tỉ đồng. Ngoài ra, ông Lập cũng là thành viên HĐQT độc lập của Công ty CP Phú Tài - một doanh nghiệp có doanh thu lên tới hơn 6.000 tỉ đồng năm 2024.
Nhóm nghi can đánh tử vong nam shipper ở Đà Nẵng khai gì? THÁI BÁ DŨNG 23/01/2025 Khai ban đầu với cơ quan điều tra, các nghi can trong nhóm phía người phụ nữ đặt hàng qua sàn Shopee nói do bức xúc nhất thời. Cả hai phía đều đã có nhậu từ trước.
Kẹt xe trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây từ 4h sáng, kéo dài ra cao tốc TP.HCM - Long Thành MINH HÒA 23/01/2025 Ngày 23-1, nhiều gia đình bắt đầu về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc ăn Tết 2025, lượng xe di chuyển lên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và TP.HCM - Long Thành tăng đột biến, gây kẹt xe kéo dài từ sáng sớm.