TTCT - Trong các đồ án trên địa bàn TP.HCM, đất quy hoạch công viên cây xanh (CVCX) có tới 11.400ha nhưng hiện tại toàn TP thực tế chỉ có khoảng 510ha. Trong 7 năm qua, mỗi năm diện tích CVCX toàn TP chỉ tăng trung bình khoảng 1,54ha. Theo quy hoạch, một phần đất đọc kênh Tham Lương - Bến Cát (quận Gò Vấp) sẽ là công viên cây xanh. Ảnh: QUANG ĐỊNH Ông Phạm Ngọc Ton ở khu phố 2, phường Thạnh Xuân, quận 12 tổng kết cuộc đời mình gắn liền với quy hoạch “treo” CVCX phường Thạnh Xuân như sau: “Quy hoạch CVCX bắt đầu từ năm tôi 27 tuổi (năm 1999), 15 năm sau (2014) Nhà nước giảm diện tích quy hoạch còn 150ha, nay tôi gần 50 tuổi, nghe nói Nhà nước chuẩn bị thực hiện quy hoạch CVCX nhưng chờ hoài chưa nghe thông tin gì về việc đo vẽ, bồi thường nhà, đất”. Công viên trên giấy Ông Ton đã sống hết thời thanh niên trong khu quy hoạch “treo” CVCX phường Thạnh Xuân, chứng kiến không biết bao nhiêu gia đình khổ sở vì không đủ điều kiện để sinh sống trên chính mảnh đất của mình. Nhiều gia đình phải bỏ đất hoang mà đi thuê nhà trọ bởi đất không thể trồng trọt, xin chuyển mục đích xây nhà càng không được. Đến nay, xung quanh đô thị hóa, đất nông nghiệp ở khu vực lân cận bán được 15 triệu đồng/m2, đất trong khu quy hoạch “treo” chỉ rao bán 6 triệu đồng/m2 mà cũng không ai mua. Chỗ nào có nguồn nước thì người ta thuê 1.000m2 trả 6 triệu đồng/năm để trồng rau nhút. “Quá thiệt thòi cho người dân trong quy hoạch treo. Không biết đến bao giờ Nhà nước mới thực hiện quy hoạch CVCX, bồi thường cho dân đi lập nghiệp chỗ mới để thoát treo” - ông Ton nói. Ở quận Thủ Đức, nhiều CVCX lớn được quy hoạch cách đây chục năm, đến nay vẫn cứ là… quy hoạch. Nhà ông Hai ở đường Cây Keo, phường Tam Phú lọt trong quy hoạch CVCX thể dục thể thao 79ha. Hơn 10 năm nay, ông Hai và những nhà hàng xóm chỉ được phép nới rộng mái hiên các phía của nhà mình bằng cây sắt, mái tôn. Khi con cái lớn, cần phòng riêng, ông dựng lưới B40 rồi cột ván ép ngăn thành phòng ở. Xóm ông ở cách đường chính không xa nhưng vẫn phải đi qua mương nước với cây cầu tạm làm bằng hai tấm ximăng, đường đất đổ xà bần lồi lõm, nước mưa đọng thành vũng, bùn đất nhão nhoẹt. “Hơn 10 năm quy hoạch treo, người dân khu này đói quá, bán đất giấy tay ăn dần. Không biết đến khi Nhà nước bồi thường thì còn chút nào để lo chỗ ở mới hay không” - ông Hai kể. Bà Mai Thị Dung ở phường Tam Phú cho biết trong thời gian dịch COVID-19 mới thấy tầm quan trọng của CVCX. Trước đây, hai vợ chồng bà suốt ngày đi làm, con học ở trường. Thứ bảy, chủ nhật thì lái xe cho con đi chơi ở các tỉnh. Tuần nào ít thời gian cũng cho con đi các khu trò chơi trong trung tâm thương mại… Mùa dịch bệnh, các con nghỉ học ở nhà, khu vui chơi đóng cửa. “Ngoài những ngày buộc phải ở nhà giãn cách xã hội theo lệnh thì những ngày khác các con tôi cũng phải ở nhà, kể cả thứ bảy, chủ nhật. Tìm một công viên để các cháu đổi gió cho đỡ tù túng mà không có. Tôi phải đưa các con lên tận công viên Gia Định (Gò Vấp) để chơi nhưng không đi thường xuyên được vì quá xa. Chúng tôi ước ao có một công viên gần nhà” - bà Dung chia sẻ. Theo quy hoạch, quận 12 có hơn 568ha đất CVCX nhưng hiện tại, quận này mới có… 2,35ha với bình quân đầu người thấp nhất TP: 0,03m2 cây xanh/người. Công viên lớn của quận này ở phường Thạnh Xuân - Thới An ban đầu quy hoạch 250ha nhưng sau đó phải giảm còn 150ha dưới áp lực phải giải quyết quyền lợi về đất đai cho người dân vì chậm thực hiện. Cuối năm 2019, người dân trong khu vực quy hoạch CVCX xôn xao vì UBND TP đồng ý cho thực hiện quy hoạch công viên. Nhưng đến nay, mọi việc lại đâu vào đó, chưa thấy tiến triển. Một cán bộ quận 12 cho biết theo quy trình còn phải làm nhiều thủ tục: nghiên cứu lập quy hoạch 1/2000, mời gọi đầu tư, xây dựng các chính sách… Trong khi đó, quận Thủ Đức hiện có 12 CVCX với tổng diện tích khoảng 1,73ha so với con số quy hoạch khoảng 509ha đất CVCX. Quận Bình Tân có quy hoạch gần 400ha CVCX nhưng đến nay mới có 75 CVCX và mảng xanh với diện tích hơn 20ha. Theo Sở Xây dựng, các quận 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân và các huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh chưa có công viên công cộng có diện tích lớn nào. Thiếu các công viên công cộng, đồng nghĩa với việc người dân thiếu nơi vui chơi giải trí, nhất là các vùng ven - vốn đã không có nhiều nơi để vui chơi như nội thành. Vẽ cây xanh trên nhà dân Theo Sở Xây dựng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng CVCX, mảng xanh của TP quy hoạch nhiều, làm ít. Về quy hoạch: đa phần nguồn gốc đất quy hoạch CVCX là đất của người dân đang sử dụng. Do đó chi phí đầu tư xây dựng CVCX cao, thời gian đầu tư kéo dài, nhất là đối với các CVCX có diện tích lớn nên dẫn đến tình trạng quy hoạch “treo”, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và cộng đồng dân cư. Nhiều trường hợp đất CVCX đã được điều chỉnh thành đất thương mại, đất dân cư xây dựng. Một kiến trúc sư nguyên là phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP nhận xét: nhiều khu quy hoạch CVCX của TP khó thực hiện bởi các đồ án quy hoạch không phù hợp thực tế. Đa phần các khu quy hoạch CVCX đều vẽ trên nhà, đất của người dân trong khi Nhà nước không có tiền bồi thường đất đai. Trong khi đó, các khu đất công, đất nhà xưởng do các cơ quan đơn vị nhà nước quản lý lại được quy hoạch thành đất thương mại, đất ở nên người dân có tâm lý so bì và không đồng ý giao đất cho Nhà nước làm CVCX. Về xây dựng, Nhà nước chưa có kế hoạch đầu tư lâu dài các quỹ đất quy hoạch CVCX, nhất là đối với các CVCX có diện tích lớn. 7 năm qua, diện tích CVCX của TP chỉ tăng thêm 10,78ha. Với tốc độ đầu tư như hiện nay (1,54ha/năm), để phủ xanh gần 10.000ha đất quy hoạch CVCX còn lại, TP.HCM sẽ mất hơn 6.500 năm. Để tăng diện tích CVCX, trong mỗi dự án nhà ở được duyệt đều có diện tích CVCX, tùy theo quy mô. Sau khi đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, chủ đầu tư sẽ giao CVCX cho Nhà nước quản lý. Nhưng rất ít chủ đầu tư làm việc này do chưa đầu tư CVCX hoặc đã đầu tư rồi nhưng đem cho thuê để thu tiền. Một số chủ đầu tư cố tình không đền bù, giải tỏa phần đất xây dựng CVCX hoặc xin điều chỉnh đất CVCX thành loại đất khác... Và đây là chuyện dài tập, quen thuộc lâu nay.■ TS Võ Kim Cương. -Ảnh: Ngọc Hà TS Võ Kim Cương (nguyên phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM): Nhiều nơi lấy đất quy hoạch công viên làm dự án nhà ở Một “thành phố đáng sống” phải có diện tích CVCX cao, người dân được tiếp cận công viên một cách tiện lợi nhất. Nhưng với TP.HCM, tỉ lệ CVCX trên đầu người quá thấp, lại phân bố không đồng đều. Trong khi khu vực trung tâm quận 1 tập trung nhiều công viên lớn như Tao Đàn, 30-4, Thảo cầm viên; ở các quận ven, huyện ngoại thành như Thủ Đức, Bình Tân, Bình Chánh, Nhà Bè… hầu như không có CVCX lớn nào hình thành. Đáng buồn là nhiều CVCX được quy hoạch ngay từ đồ án quy hoạch chung đầu tiên (quy hoạch tổng mặt bằng 1993), đến nay sau 27 năm vẫn chưa được thực hiện: công viên Tân Thắng (quận Tân Phú), công viên Đồng Diều (quận 8). Có những nơi quy hoạch từ năm 1998, dành diện tích đất cho công viên rất lớn nhưng đến năm 2012 đã thu hẹp lại, như khu vực quận 8. Cụ thể, qua nghiên cứu về quy hoạch chung của quận 8, nhiều CVCX bị thu nhỏ diện tích: công viên đường 41 quy hoạch năm 1998 là 5,2ha, đến năm 2012 thì không còn với lý do đất CVCX chuyển thành đất xây trường học. Công viên Rạch Hiệp Ân từ năm 1998 quy hoạch là 29ha, đến năm 2012 chỉ còn 6,65ha. Phần đất CVCX bị cắt đi được chuyển thành nhà tái định cư và công trình giáo dục. Công viên Đồng Diều năm 1998 có 35,83ha, năm 2012 còn 26,87ha với lý do giảm để bổ sung cụm công trình thể dục thể thao, thương mại và dự án nhà ở. Công viên Rạch Ba Lào năm 1998 quy hoạch 12ha, đến năm 2012 còn 4,2ha kể cả mặt nước. Diện tích CVCX bị thay đổi theo chiều hướng giảm dần đều có lý do không có tiền làm CVCX hay lấy đất xây nhà tái định cư, công trình giáo dục. Đây có phải là lý do chính đáng? Phải chăng do địa phương chưa thấy rõ tầm quan trọng của CVCX đối với môi trường sống? Giá của sinh thái rất rẻ, do đó nhiều đơn vị sẵn sàng bỏ đất CVCX để xây nhà nhưng lại không dám để đất làm CVCX. Chúng ta nên tránh chuyện đó, phải cố gắng bảo vệ quy hoạch CVCX. Quy hoạch đất CVCX ban đầu có thể là đất ruộng nhưng nó rất quý, tạo ra môi trường đô thị trong lành hơn, mình cứ bán nó đi thì giá trị của toàn đô thị sẽ giảm. Những bất cập trong quy hoạch và thực hiện quy hoạch CVCX đã tạo ra sự bất cập về chỉ tiêu CVCX, chỉ tiêu thụ hưởng CVCX của dân cư TP. Với các CVCX hiện hữu, cần phải bảo tồn, nâng cấp. Tuyệt đối không cắt đất đã quy hoạch CVCX để làm công trình khác, nhất là dự án nhà ở. Với dự án nhà ở, chủ đầu tư xây nhà bán rồi lại lần lữa không làm CVCX hoặc “bóp” CVCX teo tóp, cần có chế tài ngay đối với người quản lý dự án. Tags: TPHCMCây xanhMảng xanh trên giấyQui hoạch công viên
Các cửa khẩu nào sẽ tạm dừng thông quan với Trung Quốc? HÀ QUÂN 23/01/2025 Các cửa khẩu ở khu vực tỉnh Lạng Sơn sẽ tạm dừng thông quan hàng hóa với Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Đại gia gỗ Đỗ Xuân Lập bị bắt vì đánh bạc: Cơ ngơi nghìn tỉ, liên quan một công ty lớn trên sàn BÌNH KHÁNH 23/01/2025 Ông Đỗ Xuân Lập là chủ một công ty chế biến, xuất khẩu gỗ có doanh thu gần 1.000 tỉ đồng. Ngoài ra, ông Lập cũng là thành viên HĐQT độc lập của Công ty CP Phú Tài - một doanh nghiệp có doanh thu lên tới hơn 6.000 tỉ đồng năm 2024.
Nhóm nghi can đánh tử vong nam shipper ở Đà Nẵng khai gì? THÁI BÁ DŨNG 23/01/2025 Khai ban đầu với cơ quan điều tra, các nghi can trong nhóm phía người phụ nữ đặt hàng qua sàn Shopee nói do bức xúc nhất thời. Cả hai phía đều đã có nhậu từ trước.
Kẹt xe trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây từ 4h sáng, kéo dài ra cao tốc TP.HCM - Long Thành MINH HÒA 23/01/2025 Ngày 23-1, nhiều gia đình bắt đầu về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc ăn Tết 2025, lượng xe di chuyển lên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và TP.HCM - Long Thành tăng đột biến, gây kẹt xe kéo dài từ sáng sớm.