17/06/2018 09:06 GMT+7

Công khai danh tính đại biểu Quốc hội khi biểu quyết, tại sao không?

PHẠM MẠNH HÀ
PHẠM MẠNH HÀ

TTO - Xung quanh tranh luận nên hay không công khai danh tính đại biểu Quốc hội khi bấm nút biểu quyết, bạn đọc Phạm Mạnh Hà nói rất ủng hộ việc công khai danh tính các đại biểu đại diện cho tiếng nói của mình.

Công khai danh tính đại biểu Quốc hội khi biểu quyết, tại sao không? - Ảnh 1.

Kết quả biểu quyết của đại biểu Quốc hội thông qua Luật an ninh mạng sáng 12-6 - Ảnh: L.K.

Nhằm góp thêm một góc nhìn, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu ý kiến của bạn đọc này.

"Họp báo chiều 15-6, trả lời đề nghị của đại biểu Dương Trung Quốc về việc công khai danh tính đại biểu khi bấm nút biểu quyết, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc dẫn ra trong số 283 nghị viện trên thế giới thì chỉ có 70 nghị viện chọn hình thức biểu quyết công khai danh tính, còn lại là không công khai. 

Do đó, ông Phúc cho rằng: "Hình thức nào cũng có mặt tích cực và ngược lại, quyết định ra sao là quyền của Quốc hội. Quốc hội Việt Nam chọn hình thức công khai kết quả biểu quyết nhưng không nêu danh tính".

Là cử tri, tôi cho rằng nhân dân rất hoan nghênh đồng tình ủng hộ đề nghị công khai danh tính đại biểu Quốc hội khi bấm nút biểu quyết. Rất mong Quốc hội xem xét nhất trí, theo trách nhiệm của mình với nhân dân.

Phạm Mạnh Hà

Tuy nhiên, đối chiếu với luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam, với tư cách một cử tri, tôi thấy có mấy điều cần phải trao đổi lại như sau:

- Thứ nhất, cho đến thời điểm này chưa có điều ước quốc tế nào ràng buộc Việt Nam phải tuân theo quy định về việc lựa chọn có hay không công khai danh tính đại biểu quốc hội khi biểu quyết. 

Cho nên việc dẫn ra tình trạng trong số 283 nghị viện trên thế giới thì chỉ có 70 nghị viện chọn hình thức biểu quyết công khai danh tính, là không có ý nghĩa về mặt pháp lý, chỉ để tham khảo. 

Cũng lưu ý đất nước ta là đất nước có chủ quyền, cho nên theo luật Điều ước quốc tế thì ngay cả khi ký kết các điều ước quốc tế cũng phải đảm bảo không trái với Hiến pháp Việt Nam (điều 3).

- Thứ hai, theo luật pháp Việt Nam, tại điều 69 Hiến pháp và điều 1 Luật Tổ chức Quốc hội, Quốc hội là cơ quan đại biểu của Nhân dân.

Theo điều 79 Hiến pháp và điều 21, 27 Luật Tổ chức Quốc hội, "đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội."

"Đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình."

"Đại biểu Quốc hội liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội."

Như vậy, căn cứ vào các quy định của Hiến pháp và luật, việc bấm nút biểu quyết là đại biểu phải công khai cho nhân dân được biết danh tính của mình khi biểu quyết để đại biểu chịu sự giám sát của cử tri. Đó là điều không thể bác bỏ được!

Và vì đại biểu là người đại diện, thay mặt cho nhân dân chứ không phải cho cá nhân đại biểu hay cho Quốc hội, cho nên việc quyết định có hay không công khai danh tính đại biểu khi bấm nút biểu quyết là phải theo nguyện vọng của nhân dân chứ không phải "quyết định ra sao là quyền của Quốc hội", theo ý muốn riêng của các đại biểu quốc hội với nhau. 

Từ đó, tôi xin hỏi: ở đây việc công khai danh tính hay không thì nhân dân đã được hỏi ý kiến chưa? Các đại biểu Quốc hội đã hỏi ý kiến cử tri của mình về việc này chưa?

Lại nữa, về việc biểu quyết, theo điều 96 Luật Tổ chức Quốc hội thì Quốc hội có thể biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín. Tuy nhiên hình thức bấm nút biểu quyết công khai nhưng lại... giấu danh tính trước nhân dân như vậy lại mang tính chất bỏ phiếu kín hơn chứ không phải là biểu quyết công khai!

Giấu danh tính thì còn công khai cái gì nữa? Việc công khai kết quả số phiếu thì bỏ phiếu kín cũng công khai kết quả số phiếu đó chứ, đâu chỉ biểu quyết mới công khai?

Thế nhưng việc bỏ phiếu kín chỉ áp dụng trong bầu cử, bầu tín nhiệm hay không tín nhiệm, và mục đích của việc bỏ phiếu kín là để cho người bỏ phiếu được tự do quyết định theo ý chí của mình.

Vậy chẳng lẽ, đại biểu quốc hội ấn nút biểu quyết dự luật lại là theo tự do ý chí của riêng mình chứ không phải theo ý chí nguyện vọng của nhân dân mà mình làm người đại diện, như trong Hiến pháp và luật đã quy định?

Như vậy, có thể thấy đề nghị công khai danh tính đại biểu khi bấm nút biểu quyết, của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc là có cơ sở. 

Nhân dân rất hoan nghênh đồng tình ủng hộ đề nghị này, rất mong Quốc hội xem xét nhất trí, theo trách nhiệm của mình với nhân dân.

Là cử tri, bạn có đồng tình với đề nghị nên công khai danh tính đại biểu Quốc hội khi bấm nút biểu quyết? Bạn có suy nghĩ gì về đề xuất này? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: [email protected]. Cảm ơn bạn!

86,86 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Luật an ninh mạng 86,86 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Luật an ninh mạng

TTO - Với 423 đại biểu bấm nút tán thành, chiếm 86,86% tổng số đại biểu Quốc hội (15 đại biểu không tán thành, chiếm 3,08%), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật an ninh mạng vào lúc 9h57 sáng nay 12-6.

PHẠM MẠNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên