
Người dân có mặt ở bến Bạch Đằng với cờ đỏ sao vàng trên tay.
Bao phủ TP.HCM lúc này là những lá cờ đỏ sao vàng đủ kích cỡ. Từ tòa nhà, đường phố, panô cổ động hay trên các phương tiện giao thông đều nổi bật lên hình ảnh lá cờ, niềm tin, niềm tự hào của dân tộc Việt.
Lúc 20h tối 29-4, tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu đoạn từ giao lộ Pasteur đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa, dòng người ken đặc.
Mọi nẻo đường trung tâm TP.HCM đông nghẹt

Đông nghịt người dân chen chúc tại bến Bạch Đằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ xem biểu diễn lướt ván trên sông Sài Gòn - Ảnh: MINH HÒA
Lượng xe từ các hướng đổ dồn về trung tâm TP.HCM rất đông. Nhiều người dân tranh thủ đến sớm để chọn vị trí đẹp chờ xem diễu binh mừng đại lễ 30-4. Các tuyến đường lân cận như Lý Tự Trọng, Võ Thị Sáu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa cũng ghi nhận tình trạng tương tự.
Nhiều bạn trẻ hào hứng chia sẻ đi "concert quốc gia" để... ôn kiến thức lịch sử. Nhóm Nguyễn Ngọc Hân (học sinh lớp 12, ngụ Củ Chi) đã đến từ 16h. Hân cho biết đây là sự kiện đặc biệt 50 năm mới có một lần nên nhóm cố gắng xin cha mẹ cho phép đi xuyên đêm, chờ tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc đẹp này.
Cả 4 bạn đều yêu thích bộ môn lịch sử vì đây là nguồn cội của hòa bình hôm nay. Sự kiện này là dịp để cả nhóm ôn lại những kiến thức lịch sử và bày tỏ sự tri ân đối với thế hệ đã và đang bảo vệ hòa bình cho Tổ quốc.
"Tụi em mong sẽ gặp được các bác cựu chiến binh để nói lời cảm ơn họ. Vì nhờ có họ, tụi em mới được sống trong hòa bình như hôm nay", Hân bày tỏ. Ngoài ra sự kiện còn giúp nhóm Hân kết thêm nhiều bạn mới có chung niềm tự hào dân tộc.

Rất đông người dân tập trung trên trục đường Lê Lợi (quận 1), nơi các khối quân sẽ đi qua sau khi diễu hành, diễu binh. Thậm chí có người dựng lều để ở qua đêm - Ảnh: MINH HÒA

Phạm Linh Nhi (bên phải) cùng bạn đến bến Bạch Đằng từ 19h tối nay để chờ đến sáng mai xem diễu binh, cả hai có một chiếc kẹp nhỏ xinh in hình cờ Tổ quốc.
Chị Phạm Linh Nhi (27 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) vừa cười vừa nói khi chuẩn bị túi đồ cho một đêm thức trắng tại bến Bạch Đằng. "Sự kiện 50 năm mới có một lần, không đi coi thì tiếc cả đời. Mình còn trẻ, phải sống trọn từng khoảnh khắc", chị nói.
Chị kể khoảng nửa tháng trước, chị đã cùng bạn thân lên kế hoạch cho ngày đặc biệt này, cùng nhau chọn áo có cờ đỏ sao vàng, cờ nhỏ cầm tay, cả những cây kẹp tóc đậm chất thanh xuân để diện khi ra đường.
"Tôi học và làm việc ở TP.HCM gần 10 năm nay. Đây là lần đầu tiên tôi sắp được thấy lễ diễu binh, diễu hành với quy mô hoành tráng như vậy. Cảm giác thật sự rất hào hứng. Đêm nay, tôi ở bến Bạch Đằng từ sớm, cùng nhiều người dân khác đợi trời sáng. Ngồi đó, ngắm sông Sài Gòn, nghe chuyện, cùng chờ ánh bình minh lên", Nhi nói.
Chị Nhi cho biết thêm sự kiện không chỉ là dịp để xem diễu binh, máy bay lượn mà còn là cơ hội để kết nối lòng người dân cả nước, để cảm nhận sâu sắc hơn niềm tự hào dân tộc.

Rực rỡ màn pháo hoa nghệ thuật trên sông Sài Gòn.

Cả biển người dồn về trung tâm TP.HCM.

Bến Bạch Đằng là địa điểm lý tưởng được nhiều người lựa chọn.

Người dân đến sớm chọn vị trí đẹp trên đường Nguyễn Đình Chiểu để xem diễu binh.

Màn trình diễn trên sông Sài Gòn tối 29-4.

Nhóm Ngọc Hân được gia đình ủng hộ đi xuyên đêm để chờ xem "concert quốc gia".

Sắc cờ đỏ sao vàng là niềm tin và tự hào của dân tộc Việt.

Hai bạn trẻ vẫy lá cờ cổ vũ những màn trình diễn nghệ thuật trên sông Sài Gòn.

Màn lướt ván mang theo các lá cờ đỏ sao vàng.

Hàng ngàn người dân, du khách đổ về trung tâm TP.HCM xem biểu diễn lướt ván trên sông Sài Gòn, đường Tôn Đức Thắng kẹt cứng. Người dân sau đó chờ đến sáng xem diễu binh, diễu hành ngày 30-4 - Ảnh: MINH HÒA
Từ nhiều tỉnh thành về TP.HCM đón đại lễ

Một bạn trẻ đến chụp ảnh với ông Phạm Hữu Nghị (78 tuổi, ngụ Đồng Nai) và bày tỏ sự cảm ơn với những cống hiến, hy sinh của ông.
Ông Phạm Hữu Nghị (78 tuổi, ngụ Đồng Nai) được con trai và con dâu đưa lên TP.HCM chờ xem diễu binh, diễu hành từ 15h. Ông cho biết mình đã tham gia đánh ở các trận Khe Sanh và chiến trường Quảng Trị với nhiều kỷ niệm không sao kể xiết. Ông thấy mình may mắn hơn nhiều đồng đội đã ngã xuống, vì được tận mắt nhìn thấy đất nước hoà bình và phát triển không ngừng như hôm nay.
Dù phải chờ nửa ngày nữa mới đến khoảnh khắc diễu binh nhưng ông Nghị rất hồ hởi.
Khi nhìn thấy các bạn trẻ hát vang những ca khúc tự hào dân tộc, ông cười hiền, mãn nguyện như đạt được một "chiến công".
Thấy người cựu chiến binh với bộ quân phục và những huân chương nhuốm màu thời gian, nhiều người không giấu được niềm xúc động đến nói lời cảm ơn.
Dù đã thấm mệt, ông Nghị luôn nở nụ cười rất tươi khi thấy có những bạn trẻ đến bắt chuyện, xin chụp ảnh. Trò chuyện với các bạn trẻ, ông Nghị nói: "Bác mong các cháu phấn đấu học tập và làm việc để gìn giữ và phát triển đất nước mà cha ông đã đổ xương máu để giành lại".
Nghệ sĩ ưu tú Trịnh Kim Chi chia sẻ được gặp và trò chuyện với những cựu chiến binh như ông Nghị, chị thấy rất xúc động. "
Là một nghệ sĩ, mình thấy bản thân cần có trách nhiệm lan toả những đóng góp của cha anh để nhiều người được biết đến và thêm yêu đất nước hơn", chị nói.

Nghệ sĩ ưu tú Trịnh Kim Chi chụp ảnh với ông Phạm Hữu Nghị (78 tuổi, ngụ Đồng Nai).

Sa (22 tuổi, ngụ An Giang) háo hức chờ đợi xem diễu binh.
Còn trên đoạn đường Nguyễn Đình Chiểu tối 29-4, giữa dòng người đang dần đổ về khu trung tâm để chờ xem diễu binh mừng ngày 30-4, hai cô gái trẻ San và Sa, đều 22 tuổi, quê ở Tịnh Biên, An Giang, trải một tấm bạt nhỏ ngay vỉa hè, vừa trò chuyện vừa chuẩn bị phần ăn khuya.
Cả hai đều là sinh viên Đại học Cần Thơ, vừa bắt chuyến xe sớm, vượt gần 200km để đến TP.HCM sáng nay. Cả hai thuê phòng một khách sạn ở quận 1 với giá gần 1 triệu đồng.
"Cũng hơi chát, nhưng đáng", San cười nói.
Từ khoảng 20h, họ đã có mặt ở đây, chọn một góc ngồi ổn định để chờ đến sáng mai tận mắt chứng kiến màn diễu binh đặc biệt mừng đại lễ. Trong ba lô của họ là nước, bánh mì, trái cây, cả vài món ăn vặt quê nhà mang lên, đủ để qua đêm.
"Tụi em muốn xem trực tiếp ngày lịch sử này", Sa chia sẻ, ánh mắt sáng rực giữa không khí rộn ràng.
Nhóm của 2 bạn đi tổng cộng 4 người, nhưng lúc này chỉ còn lại San và Sa ngồi giữ chỗ. Hai người bạn còn lại đang đi tìm thêm một vị trí đẹp hơn. Ai cũng mặc áo có in dòng chữ "Độc lập - Tự do", tay cầm sẵn lá cờ đỏ sao vàng nhỏ xinh, cài gọn trong ba lô nhưng sẵn sàng vẫy lên bất cứ lúc nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận