TTCT - Chuyện Công ty TNHH Ảnh Việt Hop on-Hop off Việt Nam đề xuất không cấp phép cho các doanh nghiệp khác tham gia tuyến xe buýt hai tầng nội ô TP.HCM mà doanh nghiệp này đang khai thác có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không? Du khách ngồi xe buýt hai tầng tham quan các địa điểm nổi tiếng ở TP.HCM. Ảnh: TỰ TRUNG Chuyện Công ty TNHH Ảnh Việt Hop on-Hop off Việt Nam đề xuất không cấp phép cho các doanh nghiệp khác tham gia tuyến xe buýt hai tầng nội ô TP.HCM mà doanh nghiệp này đang khai thác có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không? Trường hợp nào cơ quan quản lý nhà nước có quyền hạn chế doanh nghiệp khác tham gia thị trường mà không vi phạm pháp luật về cạnh tranh? Tính đến tháng 7-2024, trên địa bàn TP.HCM có hai doanh nghiệp thí điểm hoạt động xe buýt hai tầng với bốn tuyến đưa đón khách du lịch tham quan các điểm du lịch ở các quận 1, 4, 5, 6 và TP Thủ Đức. Bốn tuyến xe buýt hai tầng trên hoạt động thí điểm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm triển khai dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe ô tô góp phần phát triển du lịch. Giá vé thấp nhất là 200.000 đồng đối với người lớn và 150.000 đồng cho trẻ em.CÂU CHUYỆN XE BUÝT NỘI THÀNHTháng 7-2024, Sở GTVT TP.HCM báo cáo với UBND TP về việc Công ty cổ phần vận tải du lịch và truyền thông Viet Bigbus (Công ty Viet Bigbus) muốn mở thêm hai tuyến xe buýt hai tầng tham quan TP. Lộ trình của hai tuyến này không hoàn toàn trùng với lộ trình các tuyến đang tồn tại. Giá vé dự kiến hơn 100.000 đồng. Nếu được UBND TP thông qua, hai tuyến xe buýt của công ty mới khám phá Sài Gòn và Chợ Lớn sẽ hoạt động vào cuối quý 3-2024.Ngay sau đó, Công ty TNHH Ảnh Việt Hop on-Hop off Việt Nam (Công ty Hop on-Hop off) có văn bản gửi Bộ GTVT và các cơ quan chức năng TP.HCM đề xuất "không cấp phép, xét duyệt hồ sơ xin cấp phép tham gia thí điểm dịch vụ vận chuyển du lịch bằng xe ô tô hai tầng, thoáng nóc của các đơn vị khác đến năm 2030".Doanh nghiệp này cũng kiến nghị UBND TP.HCM cân nhắc không mở mới các tuyến vận chuyển hành khách du lịch bằng xe buýt hai tầng trùng với các tuyến đường mà doanh nghiệp này đang khai thác, cho rằng việc này có thể gây nhầm lẫn về thương hiệu, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ở nội thành. Hơn nữa, doanh nghiệp này đã đầu tư quảng bá hình ảnh TP.HCM, đầu tư hạ tầng (ngầm hóa cáp điện trên các tuyến đường có xe buýt đi qua...) nên không thể đưa doanh nghiệp khác vào khai thác.Tuy nhiên, đa số các sở ngành lại thống nhất phương án đề xuất của Công ty Viet Bigbus. Sở Du lịch TP.HCM cho biết khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển loại hình, sản phẩm du lịch mới để nâng cao chất lượng phục vụ, tăng tính hấp dẫn, đa dạng hóa sản phẩm, thu hút khách du lịch đến TP.HCM. Sở KH&ĐT TP.HCM nhận định thêm tuyến xe buýt hai tầng chở khách du lịch là cần thiết và đề nghị Sở GTVT làm việc với chủ đầu tư về thời hạn thí điểm để hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và Nhà nước.Riêng Phòng cảnh sát giao thông (Công an TP.HCM) đề nghị chưa xem xét đối với đề xuất thí điểm của Công ty Viet Bigbus.Sở GTVT nhận định rằng các điểm đón trả khách do Công ty Viet Bigbus đề xuất phù hợp với danh sách 175 điểm đến của Sở Du lịch TP.HCM cung cấp. Xe buýt hai tầng của Công ty Viet Bigbus đáp ứng kích cỡ của xe ô tô và đạt tiêu chuẩn khí thải Euro V nên không ảnh hưởng về mặt giao thông và môi trường. Hơn nữa, chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh và việc cho phép đơn vị này tham gia thí điểm có thể góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, tạo sự cạnh tranh, chống độc quyền.Đến nay, UBND TP.HCM chưa có quyết định chính thức về việc này.Lợi ích bên này hay bên kia?Đây là một câu chuyện điển hình cho khác biệt giữa hoạt động quản lý ngành và thực thi pháp luật cạnh tranh. Thực chất, cơ quan nhà nước nghiêng về bên nào còn tùy thuộc mục tiêu từng giai đoạn phát triển kinh tế. Nếu chính sách quốc gia hay địa phương cần bảo vệ lợi ích của bên này thì phải hy sinh lợi ích của bên kia.Trước hết, đề xuất của Công ty Hop on-Hop off về việc không cấp phép hay mở thêm các tuyến buýt du lịch trong nội ô TP.HCM là cản trở việc tham gia thị trường của các nhà đầu tư tiềm năng và ngăn chặn cạnh tranh tự do, không cho doanh nghiệp khác thực hiện quyền tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh. Vì vậy, đề xuất ngừng cấp phép bị "ném đá", bị xem là vi phạm Luật Cạnh tranh.Việc cơ quan quản lý không tiếp tục cấp phép hoạt động của các tuyến buýt du lịch mới cũng có thể xảy ra. Ví dụ trong trường hợp tăng tuyến và số lượng xe buýt trong nội ô làm tăng áp lực giao thông, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông dân sự và không bảo đảm an toàn giao thông, hoặc thời gian hoạt động của các tuyến buýt không phù hợp, gây kẹt xe giờ cao điểm. Tại không ít quốc gia, cơ quan quản lý cũng đưa ra những lý do tương tự để không cấp phép một số dịch vụ du lịch liên quan đến giao thông. Bên đấu tranh cho Luật Cạnh tranh phải nhượng bộ khi cơ quan quản lý nhà nước đưa ra đầy đủ bằng chứng về số vụ tai nạn hay tắc nghẽn giao thông trong giờ cao điểm. Ở Việt Nam, Nhà nước giới hạn cấp phép cho các hãng taxi và số lượng taxi của các hãng đang hoạt động cũng là một ví dụ.Ngược lại, nếu các lý do ngừng cấp phép nói trên không được chứng minh đầy đủ, thì cơ quan quản lý đã cản trở sự tham gia của doanh nghiệp mới, và bảo vệ cho doanh nghiệp đang hoạt động. Quyết định không cấp phép do đó có thể tạo ra thị trường có tính tập trung cao, không phù hợp với mục tiêu bảo đảm cạnh tranh lành mạnh. Trường hợp này, chính cơ quan quản lý đã vi phạm Luật Cạnh tranh, mà nếu không khắc phục kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng độc quyền.Khi nhà sản xuất kêu cứuLịch sử phát triển pháp luật về cạnh tranh cũng gặp không ít trường hợp doanh nghiệp ta thán. Họ có hai lý do chính để phản đối:Doanh nghiệp mệt mỏi trước sức ép cạnh tranh quá mức trên thị trường. Nhà nước khuyến khích tự do kinh doanh và mở room cho tất cả các chủ thể tham gia được cho là cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Khi số lượng doanh nghiệp ngày càng nhiều, sức ép cạnh tranh đòi hỏi doanh nghiệp phải liên tục cải tiến để cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, giảm giá bán hàng.Bảo vệ cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo phúc lợi xã hội và quyền lợi của người tiêu dùng là mục tiêu số 1 mà pháp luật về cạnh tranh đang theo đuổi. Cũng có một vài "tuyên ngôn" khác của cơ chế cạnh tranh như nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhưng các mục tiêu của pháp luật cạnh tranh có xu hướng chính là ngả về phía người tiêu dùng, không tránh khỏi việc doanh nghiệp thấy họ thường bị thiệt thòi, không ai bênh vực.Vì vậy, cơ quan quản lý ngành có vai trò rất quan trọng trong điều phối thị trường và mức độ cạnh tranh trong từng ngành sản xuất và nền kinh tế. Xác định chỗ đứng và vai trò của cơ quan quản lý ngành là nút thắt quan trọng cần được tháo gỡ khi thực hiện pháp luật cạnh tranh trong nền kinh tế hiện nay, nghĩa là phải phân định rạch ròi thẩm quyền giữa cơ quan quản lý cạnh tranh và cơ quan quản lý ngành.Luật Cạnh tranh 2018 quy định cấm các cơ quan nhà nước có hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường, như ép buộc, yêu cầu doanh nghiệp không thực hiện việc sản xuất, mua bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ hay phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp… (điều 8). Ban đầu, cơ quan quản lý ngành đưa ra những yêu cầu về mặt kỹ thuật như giấy phép, chứng chỉ hành nghề, vốn… nhằm tạo lập một thị trường có cấu trúc hợp lý, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng và công bằng. Khi doanh nghiệp đi vào hoạt động, cơ quan quản lý được quyền tiếp tục kiểm tra để bảo đảm doanh nghiệp hoạt động đúng quy định pháp luật. Nếu chỉ thực hiện quyền hậu kiểm này, cơ quan quản lý sẽ không bị xem là vi phạm các điều cấm của Luật Cạnh tranh nói trên.■ Xe buýt du lịch hai tầng bắt đầu hoạt động tại TP.HCM từ năm 2020. Công ty Hop on - Hop off Việt Nam đảm nhận tuyến DL01, hoạt động từ tháng 1-2020. Đến tháng 5-2024, công ty này có thêm tuyến xe buýt hai tầng DL03.Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam - Hà Nội khai thác tuyến DL02 từ tháng 8-2022, đến ngày 7-7-2024 có thêm tuyến DL04.Theo quyết định 2171 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm loại hình này, thời gian thí điểm là năm năm. Bộ GTVT sau đó đã điều chỉnh thời gian thí điểm mô hình xe buýt hai tầng chở khách du lịch cho đến khi Luật Giao thông đường bộ mới có hiệu lực thi hành (ngày 1-1-2025) hoặc đến hết ngày 31-12-2025. Tags: Tuyến xe buýtVi phạm pháp luậtXe buýt hai tầngQuản lý nhà nướcKhách Du lịch
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh THÀNH CHUNG 23/01/2025 Sáng 23-1, Đoàn đại biểu lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, dâng hương tưởng niệm anh hùng liệt sĩ.
Đại gia gỗ Đỗ Xuân Lập bị bắt vì đánh bạc: Cơ ngơi nghìn tỉ, liên quan một công ty lớn trên sàn BÌNH KHÁNH 23/01/2025 Ông Đỗ Xuân Lập là chủ một công ty chế biến, xuất khẩu gỗ có doanh thu gần 1.000 tỉ đồng. Ngoài ra, ông Lập cũng là thành viên HĐQT độc lập của Công ty CP Phú Tài - một doanh nghiệp có doanh thu lên tới hơn 6.000 tỉ đồng năm 2024.
Nhóm nghi can đánh tử vong nam shipper ở Đà Nẵng khai gì? THÁI BÁ DŨNG 23/01/2025 Khai ban đầu với cơ quan điều tra, các nghi can trong nhóm phía người phụ nữ đặt hàng qua sàn Shopee nói do bức xúc nhất thời. Cả hai phía đều đã có nhậu từ trước.
Kẹt xe trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây từ 4h sáng, kéo dài ra cao tốc TP.HCM - Long Thành MINH HÒA 23/01/2025 Ngày 23-1, nhiều gia đình bắt đầu về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc ăn Tết 2025, lượng xe di chuyển lên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và TP.HCM - Long Thành tăng đột biến, gây kẹt xe kéo dài từ sáng sớm.