Chuyện tiêu tiền và sự phân tầng mới

DANH ĐỨC 05/04/2018 22:04 GMT+7

Hiện có một bộ phận không ít mà chi tiêu thường được tính bằng tiền tỉ, một số khác đông hơn tính bằng tiền triệu và số còn lại vẫn loay hoay tính bằng tiền đồng. “Tấn tuồng con người” đó tác động ra sao, có thuốc gì chữa?

MH
MH

Những tin tức về vụ “bốn chiếc xe tải chở tiền và đôla tang vật” từ vụ đánh bạc online dẫu gây sốc nhưng cũng không mới mẻ gì, bởi nó na ná các vụ khác cả về bản chất lẫn hiện tượng: thêm một sự “hái ra tiền” phi pháp xuất phát từ quyền bính. Chẳng hạn các vụ “hóa phép” tiền vốn nhà nước mấy ngàn tỉ, hay những vụ “lãnh giùm” sổ tiết kiệm của khách hàng tới 245 tỉ. Mẫu số chung của tất cả là: số tiền mấy chục, mấy trăm, mấy ngàn tỉ được nêu ra nghe “nhẹ hều”, cứ như đang mua bán một mớ rau vài ngàn đồng. Tấn tuồng này càng bi đát khi mà trong cùng thời gian, “nhiều nông dân ở Nghệ An, Quảng Nam đã phải khóc ròng... vì rau xà lách hiện chỉ còn 3.000-4.000 đồng/kg, rau cải 1.000 đồng/kg...”. Sao cái thực tế của các vụ “mấy ngàn, mấy trăm, mấy chục tỉ” ấy lại vẫn cứ tự nhiên lồ lộ bên cạnh cái thực tế 1.000, 2.000 đồng/mớ rau của nông dân?

SỰ PHÂN TẦNG MỚI

Thật ra, sự phân tầng thành các nhóm tỉ phú, triệu phú, nghèo bình dân (tạm mượn đồng đôla làm “bản vị”) là một hiện tượng toàn cầu.

Nhà xã hội học Pháp Julien Damon đã đưa ra những suy nghĩ mới trong bài viết trên L’Observatoire des inégalités (Đài quan sát các sự bất bình đẳng) vào tháng 2-2018. Theo đó, các giai cấp xã hội đã không biến mất, mà tái tạo thành phần. Các ranh giới phân biệt chúng không nhất thiết như trước. Các thuật ngữ được sử dụng không còn thể hiện cùng những hiện tượng như trước, một số đã tỏ ra lỗi thời. Những nứt rạn xã hội mới xuất hiện. Nay có các phân tích phổ biến hơn, kết luận rằng thay cho đấu tranh giai cấp là đấu tranh của các vị trí.

Có thể nhận ra điều này qua hiện tượng phổ quát trong các xã hội đang đô thị hóa ngày nay, sự phân tầng đang là giữa (cư dân) quận này và (cư dân) quận kia. Và có một sự phân tầng khác song song và bổ sung. Đó là trong một nền kinh tế ngày càng số hóa hơn, linh động hơn, nay xuất hiện những giai tầng mới gồm những người lao động trong tình trạng tạm bợ bấp bênh, những lao động làm việc với kỹ thuật robot hay kỹ thuật không gian mạng. Các nhóm nghề nghiệp xã hội truyền thống chưa phải đã lỗi thời lắm. Công nhân và nhân viên vẫn chiếm một nửa lực lượng lao động như những năm đầu 1980. Tuy nhiên, ngành nghề, công việc và điều kiện của những nhân viên và công nhân này đã biến đổi mạnh mẽ, người lao động ít làm việc hơn ở các nhà máy, mà nhiều hơn trong văn phòng với nhiều phương pháp làm việc và kiểm soát cá nhân hơn. Việt Nam đã có một vài khởi đầu theo hướng mới mẻ này.

Trên một bình diện khác, sự tiêu dùng cũng không hẳn là một thước đo phân biệt, do hầu hết mọi người đều có quyền truy cập Internet, điện thoại di động và mua sắm các thương hiệu giá cả phải chăng. Các tầng lớp xã hội vẫn còn ở đó nhưng với sự khác biệt ít rõ ràng hơn, ít xung đột hơn. Do vậy, ngày nay người ta ít nói tới các giai cấp xã hội hơn, mà nói nhiều về bất bình đẳng xã hội, giữa các cá nhân và giữa các nhóm dân cư hơn bởi những khác biệt đáng lo ngại hơn. Bên cạnh những người dư dả trả tiền học cho con ở các trường tư thục, không ít người phải cho con nghỉ học vì không biết tìm đâu ra tiền đóng học phí.

Việt Nam mới “mấp mé” đi theo từng xu hướng phân tầng trên, song vẫn còn một bộ phận lớn ở nông thôn trong điều kiện tạm bợ từ công việc, thu nhập tới điều kiện sống. Trong bối cảnh đó, khoảng cách giữa các nhóm kiếm ra và tiêu tiền tỉ, tiền triệu và tiền ngàn đồng như đang chứng kiến rất là nguy hiểm, nhất là nếu thu nhập và kiểu tiêu tiền theo đơn vị tiền tỉ đó đến từ sự tham ô.

NHỮNG NGUY CƠ TỪ ĐỒNG TIỀN “BẨN”

Augusto Lopez-Claros, giám đốc Nhóm chỉ số toàn cầu của World Bank, đã viết về những nguy cơ từ đồng tiền “bẩn” như sau: “Chúng tôi đã lưu ý rằng sự xuất hiện của các quy định bất thường, hời hợt cùng các chính sách rối rắm trong câu chữ thường tạo ra động cơ khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp “đi tắt” qua chúng thông qua việc hối lộ”.

Ông trở lại việc nhìn vào hậu quả của tham nhũng, để hiểu rõ hơn tại sao tham nhũng là kẻ hủy diệt sự thịnh vượng: “Tham nhũng làm suy yếu thu nhập của chính phủ và do đó hạn chế khả năng của chính phủ đầu tư vào các lĩnh vực nâng cao năng suất. Khi tham nhũng tràn lan trong một đất nước, người ta sẽ đặt dấu hỏi về các đề xuất tăng thuế”. Hậu quả tất yếu xảy ra là: “Một sự căng thẳng rất khó chịu giữa chính phủ (người thu thuế) và cộng đồng doanh nghiệp cùng các cá nhân (người nộp thuế). Hệ thống sẽ hoạt động tốt nếu những người nộp thuế tin rằng họ nộp thuế chính là để sau này có thể nhận được phúc lợi bù đắp (payoff) trong tương lai, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng cải thiện, trường học tốt hơn, lực lượng lao động được đào tạo tốt hơn và khỏe mạnh hơn”.

Tác giả nhấn mạnh: “Tham nhũng phá hoại cái khế ước xã hội bất thành văn này”.

Khái niệm “payoff” tức lợi tức, kết quả từ một sự đầu tư của chính phủ, chính là một trong những nền tảng của sự mong đợi, tức niềm tin của dân chúng một nước dành cho chính phủ của mình. Từ khái niệm này nhìn lại các rối rắm từ vụ BOT sẽ thấy sáng rõ: người dân tin rằng đã đóng đủ loại thuế phí rồi thì phải được hưởng đường sá tốt hơn, từ đó dân sẽ thắc mắc sao lại BOT ngay trên các quốc lộ thường dùng và đã thu phí; và những đe dọa nay tăng thuế môi trường, mai sẽ thu BOT (cho bằng được) với các biện pháp kỹ thuật mới càng không tháo gỡ căng thẳng giữa Nhà nước thu thuế và người dân đóng thuế.

Augusto Lopez-Claros đưa ra kết luận như sau: “Tham nhũng bóp méo việc ra quyết định liên quan đến các dự án đầu tư công. Các dự án vốn lớn chính là cơ hội hấp dẫn tham nhũng. Chính phủ các nước sẽ thường thực hiện các dự án có phạm vi hoặc độ phức tạp lớn hơn nhu cầu của đất nước. Đầu tư công cao hơn thường được xây dựng với các khoản tín dụng bên ngoài và là một gánh nặng cho ngân sách ít ỏi. Trong bối cảnh nguồn lực khan hiếm, các chính phủ sẽ thấy cần phải cắt giảm chi tiêu ở những nơi khác, đôi khi trong những khu vực quan trọng về mặt xã hội hoặc trong hoạt động và duy trì, như giảm chi cho y tế và giáo dục”.

Từ đây, câu hỏi là làm thế nào mà lại có một sự giàu có không giải thích nổi của một số quan chức, hay vì sao vẫn cứ loay hoay chuyện xử lý tài sản “dôi dư”? Trong khi hầu như ai cũng chỉ có thu nhập chính thức tính bằng đơn vị tiền triệu, sao lại có thể có những chi tiêu mua sắm tiền tỉ và những tài sản hàng chục, trăm, ngàn tỉ? Có ai nhớ đến những người dân đang thu nhập, chi tiêu hằng ngày theo đơn vị tiền ngàn, những người vẫn phải chạy đi “đổ xăng” cho kịp trước giờ lên giá xăng, dù chỉ là mức tăng vài trăm đồng?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận