
Bà Cao Thị Ngọc Dung, chủ tịch hội đồng quản trị PNJ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Những trăn trở về sự phát triển của ngành kim hoàn được bà Cao Thị Ngọc Dung, chủ tịch hội đồng quản trị PNJ, chia sẻ trong khuôn khổ chương trình tôn vinh 50 doanh nghiệp - đơn vị tiêu biểu có thương hiệu và sản phẩm chủ lực của TP.HCM, vừa diễn ra tại trụ sở UBND thành phố.
Mơ ước lập bảo tàng kim hoàn
Góp phần xây dựng một khu công nghiệp chuyên biệt cho ngành kim hoàn là ước vọng mà bà Dung ấp ủ nhiều năm qua. Tuy nhiên, đến nay giấc mơ này vẫn chưa thành hiện thực. Theo bà, một trong những nguyên nhân là do ngành kim hoàn chưa được nhìn nhận đúng với tiềm năng của nó.
Bà cho rằng hiện nay Nhà nước chưa coi kim hoàn là một ngành kinh tế và nếu có điều kiện, ngành vàng sẽ rất phát triển.
Từ những ngày đầu chuyển mình phát triển, bà Dung đã định hướng doanh nghiệp dựa trên khát vọng và niềm tin xây dựng đội ngũ nghệ nhân, tạo ra một ngành sản xuất có giá trị cao.
Chính tinh thần tự chủ, dựa vào nội lực của mình thể hiện qua việc PNJ từ chối liên doanh với đối tác nước ngoài để giữ vững định hướng phát triển đã giúp doanh nghiệp tạo dựng nền tảng vững chắc như hiện nay.
"Trước đây, lợi nhuận từ kinh doanh vàng rất cao. PNJ đã lấy lợi nhuận từ mảng này để phát triển sản xuất, theo mô hình 'lấy ngắn nuôi dài'. Làm sản xuất mấy năm mà lỗ hoài, suýt bị kỷ luật, nhưng sau đó các cấp lãnh đạo xem xét thì tôi lỗ sản xuất nhưng lãi cái kia (mảng kinh doanh vàng - PV)" - bà Dung chia sẻ và gọi đây là kinh nghiệm, mà tại sao nhiều doanh nghiệp Nhà nước chưa thể vượt qua vì khi làm "là phải lãi, không dám lỗ".
Bước đều trên hành trình lấy ngắn nuôi dài và sau khi cổ phần hóa, PNJ kéo đà tăng trưởng liên tục và ngày nay, doanh nghiệp này không chỉ giữ được mảng sản xuất quan trọng mà còn mở rộng hệ thống kinh doanh bán lẻ toàn quốc.
Bà cũng mơ ước thành lập trung tâm phát triển ngành thời trang, xây dựng một bảo tàng cho ngành kim hoàn nhưng "đến nay chưa xin được giấy phép, bảy năm rồi".
Phản hồi đề xuất này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan bày tỏ sự ủng hộ ý tưởng thành lập bảo tàng kim hoàn. Nếu được triển khai, nơi đây không chỉ góp phần phát triển du lịch mà còn là kênh quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường.
"Khát vọng của chị có khó, có vướng gì thì chúng tôi sẽ xem xét để hỗ trợ" - ông Võ Văn Hoan nói.
Sức mạnh nằm ở đoàn kết
Không chỉ doanh nghiệp, các đơn vị y tế tiêu biểu cũng thể hiện tinh thần vượt khó dựa trên sức mạnh nội lực, trong đó có Bệnh viện Chợ Rẫy.
Chia sẻ tại buổi lễ, ông Nguyễn Tri Thức - thứ trưởng Bộ Y tế, phụ trách điều hành bệnh viện - khẳng định: "Chợ Rẫy là con của TP.HCM. Nếu không có sự đồng hành của lãnh đạo thành phố, bệnh viện không thể tồn tại, chưa nói đến phát triển như ngày nay".
Ông Thức cho biết yếu tố tạo nên sức mạnh cho bệnh viện nằm ở hai chữ "đoàn kết", của các thế hệ cán bộ, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn như đại dịch COVID-19, hay trong công tác mua sắm thiết bị vật tư y tế.

Ông Nguyễn Tri Thức - thứ trưởng Bộ Y tế, phụ trách điều hành Bệnh viện Chợ Rẫy - tại lễ vinh danh - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngoài đoàn kết và tiếp nối giá trị từ các thế hệ trước còn là sự nỗ lực phấn đấu của thế hệ hiện tại. Trong đó, nguồn nhân lực là trụ cột quan trọng hàng đầu. Ông đánh giá Chợ Rẫy may mắn vì nhiều bác sĩ trẻ ra trường muốn về làm việc, giúp bệnh viện có nhiều lựa chọn về nhân sự.
Khi đã có đầu vào tốt, bệnh viện đã có đề án nâng cao chất lượng như cử bác sĩ trẻ, những nhân sự làm việc dưới năm năm đi học nước ngoài tối thiểu nửa năm. Mọi chi phí do bệnh viện tài trợ, vì vậy "nhân viên nào năm nay không đi học thì sang năm đi, còn sang năm không đi thì về phòng tổ chức làm".
Ông Thức chia sẻ thêm đội ngũ này sau khi trở về đã tạo nên nhiều đột phá trong khoa học công nghệ. Họ được khuyến khích báo cáo lại những gì học được và đề xuất các trang thiết bị cần thiết để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
"Nhiều khi tôi và anh em trưởng khoa hơi 'nhột', vì mình không biết gì hết. Mình vẫn đang ở ao làng mà tưởng đã ở biển khơi", ông Thức nói.
Đồng thời, để khắc phục tư duy quản lý theo kinh nghiệm, bệnh viện đã có chính sách cử các trưởng khoa đi học về khoa học quản lý, một giải pháp nhằm nâng cao năng lực điều hành, phù hợp với quy mô phát triển ngày càng lớn của bệnh viện.

Chương trình bình chọn và tôn vinh 50 doanh nghiệp - đơn vị tiêu biểu có thương hiệu và sản phẩm chủ lực của TP.HCM do UBND TP chỉ đạo, Sở Công Thương TP.HCM thực hiện - Đồ họa: Báo Tuổi Trẻ
Ông Võ Văn Hoan cho biết thành phố hiện có lực lượng doanh nghiệp đông đảo, với hơn 230.000 doanh nghiệp và 400.000 hộ kinh doanh cá thể. Nhưng đa phần trong số này thuộc quy mô nhỏ và vừa.
50 đơn vị được vinh danh lần này được xem là những "ngôi sao sáng nhất" dù chưa phải tập đoàn lớn, mà là các doanh nghiệp "ăn chắc mặc bền, vượt qua sóng gió, tồn tại và phát triển cùng thành phố".
"Chúng tôi đánh giá cao tinh thần tiến về phía trước, tìm giải pháp vượt khó của các doanh nghiệp, chứ không than vãn với lãnh đạo thành phố. Ai cũng hiểu, thách thức là một phần tất yếu của hành trình phát triển", ông Hoan chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận