TTCT - Ngày 26-4, lần đầu tiên Nga chính thức thừa nhận quân đội Triều Tiên có tham chiến trong cuộc chiến với Ukraine. Ngay sau đó, Bình Nhưỡng đã xác nhận diễn tiến này. Ảnh: ReutersNgày 26-4, báo cáo cho Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc quân Ukraine bị đẩy lùi hoàn toàn khỏi các khu dân cư của tỉnh Kursk, Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov cho biết Kursk "đã được giải phóng với sự giúp đỡ của quân đội Triều Tiên… theo thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược giữa Triều Tiên và Nga". Ông cho biết tại Kursk, Ukraine đã chịu tổn thất hơn 76.000 quân mà không hoàn thành được hai nhiệm vụ chính là chiếm nhà máy điện hạt nhân Kursk và tạo ra bàn đạp chiến lược để ngăn chặn cuộc tấn công của Nga ở Donbass. Trong cuộc phản công, quân Nga đã nhận được sự giúp đỡ từ quân Triều Tiên. Ông ca ngợi binh sĩ Triều Tiên đã thể hiện "sự kiên cường, lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng".Cùng ngày, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA chính thức xác nhận sự tham gia của quân Triều Tiên trong chiến dịch Kursk. Theo đó, lãnh tụ tối cao Kim Jong Un đã quyết định hỗ trợ Nga trong hoạt động quân sự theo điều 4 của Hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện. KCNA cho biết binh lính Triều Tiên ở khu vực Kursk đã hoàn thành nhiệm vụ và ông Kim Jong Un tuyên bố xây dựng một tượng đài "để vinh danh những quân nhân đã tham gia đánh bại quân phát xít mới Kiev ở Kursk".Tính toán của Matxcơva và Bình NhưỡngCho đến trước ngày 26-4, Nga không khẳng định cũng không phủ nhận sự tham gia của binh lính Triều Tiên trong cuộc chiến, dù tin tức về sự hiện diện của quân nhân Triều Tiên đã được đề cập từ cuối tháng 10-2024. Tại hội nghị thượng đỉnh BRICS khi đó, trả lời câu hỏi của một nhà báo về "hình ảnh vệ tinh cho thấy có quân nhân Triều Tiên ở Nga", ông Vladimir Putin đã đáp: "Nếu chúng tồn tại, có nghĩa chúng phản ánh điều gì đó".Nghĩa là, Nga không phủ nhận, nhưng cũng không quảng bá thông tin đó. Có những lý do cho điều này, theo phân tích của pravda.ru: Việc công nhận chính thức có thể được sử dụng làm cái cớ cho sự can thiệp toàn diện của phương Tây vào chiến sự Ukraine. Sự hiện diện của quân Triều Tiên đã được thảo luận rất nhiều trên truyền thông dưới thời chính quyền Biden, khiến Matxcơva nghĩ tới nguy cơ Mỹ sẽ gây sức ép buộc Hàn Quốc tăng nguồn cung cấp vũ khí cho Ukraine để đáp trả, hoặc thậm chí gửi quân tới để có được kinh nghiệm chiến đấu tương tự như Triều Tiên. Một số nghị sĩ Hàn Quốc thực ra đã gửi những yêu cầu như vậy tới chính phủ. Đây sẽ là kịch bản xấu nhất mà cả Nga và Triều Tiên đều không mong muốn, vì nó sẽ trực tiếp dẫn tới nguy cơ xảy ra chiến tranh toàn diện trên bán đảo Triều Tiên.Nhưng đến tháng 4-2025, tình hình quốc tế và tính toán chiến thuật của Nga và Triều Tiên đã thay đổi. Chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump đã từ bỏ kế hoạch leo thang xung đột với Nga, và châu Âu đã bắt đầu đe dọa sẽ gửi quân đội và tăng viện trợ quân sự cho Kiev. Việc Nga và Triều Tiên công khai sự tham gia của binh đoàn Triều Tiên trong cuộc chiến là nhằm gửi tín hiệu đến Paris, Berlin và London rằng các đồng minh của Nga sẵn sàng tiếp tục cuộc chiến.Theo tường thuật của các phóng viên chiến trường Nga được pravda.ru đăng tải, quân đội Triều Tiên (theo dữ liệu của phương Tây, lên tới 10.000 người) đã tập trung tại khu vực chiến sự cùng vũ khí của họ, bao gồm cả vũ khí hạng nặng. Đầu tiên, họ được huấn luyện ở tuyến phòng thủ thứ hai, sau đó di chuyển gần hơn đến mặt trận, cuối cùng được điều đến các đơn vị tiền tuyến. Binh sĩ Triều Tiên đã tham gia chiến sự khi Nga giành lại quận Korenevsky, trong các trận chiến gần Staraya và Novaya Sorochiny và cuộc tấn công tới Kurilovka ở phía nam quận Sudzhansky, đều ở Kursk.Nhà khoa học chính trị Alexander Khramchikhin viết trên Svobodnaya Press về thời điểm Nga công khai thông tin này: "Đây cũng là một vấn đề chính trị. Cho đến khi có chiến thắng, việc nói đến bất kỳ sự giúp đỡ nào cũng đều vô nghĩa. Và khi thành công đến, phải cùng nhau chia sẻ như anh em. Tuyên bố rằng Nga có một đồng minh sẵn sàng chiến đấu là tín hiệu rất nghiêm trọng đối với nhiều người".Quân đội Triều Tiên có một số thế mạnh khiến họ trở thành nhân tố quan trọng trong các cuộc xung đột quân sự hiện đại. Konstantin Asmolov, nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu Hàn Quốc thuộc Viện Trung Quốc và châu Á hiện đại của Viện Hàn lâm khoa học Nga, phân tích trên aif.ru: chính trị, tinh thần và sự huấn luyện tốt của lực lượng đặc nhiệm, khả năng học tập cao và nhanh.Tình hình bán đảo Triều Tiên có thể trở nên phức tạp hơn vì cuộc chiến Ukraine. Ảnh: ReutersTuy nhiên, cho đến gần đây, quân đội Triều Tiên vẫn chưa được huấn luyện đầy đủ cho chiến tranh hiện đại. Ông Asmolov nhấn mạnh một trong những vấn đề chính của quân đội Triều Tiên vẫn là thiếu nhiên liệu, phụ tùng thay thế và các nguồn lực khác, khiến việc tiến hành các cuộc tập trận toàn diện tương tự các cuộc tập trận thường xuyên do Hoa Kỳ và Hàn Quốc tiến hành trở nên khó khăn."Thật khó để họ tiến hành các cuộc tập trận phức tạp, tích hợp", ông lưu ý, và cho biết Nga hiện "đang giúp đồng minh của mình lấp đầy những khoảng trống này". Còn theo Pravda.ru: "Từ nay, Triều Tiên nằm dưới sự bảo trợ quân sự của Nga. Bây giờ, việc bắt đầu một cuộc chiến chống lại Triều Tiên sẽ là một hành động mạo hiểm. Hàn Quốc và Hoa Kỳ hiểu điều này và nó làm thay đổi căn bản tình hình địa chính trị đối với Triều Tiên. Về mặt chiến thuật, hiện tại Bình Nhưỡng có thể đàm phán với ông Trump ở thế mạnh hơn"."Quốc tế hóa" cuộc chiến?Việc Matxcơva công khai sự hiện diện của quân Triều Tiên trong chiến sự Ukraine không khỏi gợi lại câu hỏi hiện có các tay súng của bao nhiêu nước tham gia cuộc chiến. Tờ Vzglyad hồi đầu năm 2024 cho rằng tham gia cuộc chiến hiện có quân tình nguyện đến từ châu Âu như Thụy Điển, Ý, Slovakia, Tây Ban Nha, Serbia, Pháp; từ Kavkaz như Abkhazia, Nam Ossetia, Armenia, từ Mỹ Latin như Chile, Bolivia, Ecuador, Guatemala, Cuba, hay châu Phi như Zimbabwe, Tanzania, Nigeria, Congo, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, từ châu Á có người Nhật…Tờ này nói thông tin đầu tiên về việc người nước ngoài muốn tham gia cuộc chiến được công bố vào tháng 3-2022. Bộ trưởng quốc phòng Nga khi đó Sergei Shoigu nói "Matxcơva nhận được số lượng lớn đơn đăng ký nhiều loại tình nguyện viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau", và Tổng thống Putin đã ra chỉ thị "đáp ứng một nửa" nguyện vọng của những người này và "giúp họ di chuyển đến vùng chiến sự". Đến cuối năm 2023, vẫn theo ông Shoigu, số lượng "tình nguyện viên nước ngoài" tham chiến phía Nga đã tăng gấp 7 lần.Dễ hiểu là không có dữ liệu đầy đủ về lực lượng này. Cuối tháng 11-2022, người đứng đầu Cục Tổ chức và động viên thuộc Bộ Tổng tham mưu Nga, tướng Alexander Tulyaganov, lưu ý rằng kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, 15.000 người nước ngoài đã tham gia tình nguyện. Chỉ riêng tại Matxcơva, từ ngày 1-1 đến ngày 17-4-2023, đã có hơn 200 người nước ngoài ký hợp đồng, theo chính ủy quân sự Matxcơva Maxim Loktev nói trên cổng thông tin news-front.su.Đầu tháng 1-2024, ông Putin đã ký sắc lệnh cấp quốc tịch Nga cho những người nước ngoài ký hợp đồng phục vụ trong lực lượng vũ trang và thành viên gia đình họ. Một người nước ngoài, sau khi chiến đấu trong sáu tháng, sẽ được quyền nhập quốc tịch Nga và có cơ hội đưa gia đình sang Nga.Hình thức tham gia của lực lượng này khá đa dạng. Gần đây nhất, tờ Báo Nga (RG) ngày 25-4 kể về biệt đội UAV "Sự trở lại của Normandie-Niemen" do công dân Pháp Sergei Munier thành lập. Munier là lính đánh thuê chuyên nghiệp, đã chiến đấu ở Donbass từ năm 2014. Munier nói đây là một đơn vị phi công máy bay không người lái, bao gồm cả người Pháp.■ Mới đây, có tin Michael Gloss, 21 tuổi, con trai một phó giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), đã thiệt mạng khi tham chiến trong cuộc xung đột tại Ukraine. Đưa tin trên vào 25-4, đài Mỹ NBC News không nói rõ Gloss chiến đấu cho phe nào. Nhưng theo nhiều báo Mỹ, bao gồm Wall Street Journal, The Washington Post và Newsweek, Gloss chết khi chiến đấu cho quân đội Nga. Gloss vốn là nhà hoạt động môi trường cánh tả, ủng hộ Palestine, từng tham gia xây dựng nhà cho người nghèo ở Honduras, chống nạn đói ở châu Phi và đấu tranh cho quyền phụ nữ và môi trường. Lúc đầu Gloss chiến đấu bên phía Ukraine, nhưng rồi chuyển phe.Mẹ của anh, bà Julian Gallina, được bổ nhiệm phó giám đốc phụ trách đổi mới kỹ thuật số tại CIA vào tháng 2-2024. Đầu tháng 4-2024, Gloss chết trong một cuộc tấn công của Nga tại vùng Donetsk. Tuy nhiên, phải 8 tháng sau, gia đình Michael Gloss mới có thể chôn cất anh tại Hoa Kỳ. Và câu chuyện chỉ được truyền thông biết đến vào tháng 4-2025. Theo trang web điều tra iStories được báo Anh The Guardian dẫn lại, Gloss là "một trong hơn 1.500 người nước ngoài ký hợp đồng đánh thuê cho quân đội Nga kể từ tháng 2-2022 (khi cuộc chiến nổ ra)". Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Chiến sự Nga - Ukraine Tiếp theo Tags: Tổng thống Nga Vladimir PutinTriều tiênQuân đội NgaUkraine
Nhiếp ảnh gia chiến trường Thomas Billhardt: Cô ấy chỉ mơ một cốc nước chanh đá… CODET HANOI 30/04/2025 2202 từ
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM 04/05/2025 Tuổi Trẻ Online trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm 'Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình'.
Hà Nội đấu Nam Định (19h15): Tranh ngôi đầu V-League QUỐC THẮNG 04/05/2025 CLB Hà Nội và Nam Định sẽ gặp nhau trên sân Hàng Đẫy vào 19h15 tối nay 4-5 ở vòng 21 V-League để tranh ngôi đầu bảng xếp hạng.
Đoàn xe doanh nhân TP.HCM chặn nhiều điểm quốc lộ 20 đoạn Lâm Đồng để qua đường M.V 04/05/2025 Không chỉ chặn quốc lộ 20 ở huyện Đạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng), một số thành viên thuộc đoàn doanh nhân ở TP.HCM còn chặn quốc lộ 20 ở huyện Đức Trọng để xe của đoàn qua đường.
Bè ở Nha Trang bán 1kg cá bò hòm 3,5 triệu đồng không được cấp phép kinh doanh NGUYỄN HOÀNG 04/05/2025 Bè nổi ở đảo Trí Nguyên (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) bị thực khách tố 'chặt chém' khi bán 1kg cá bò hòm với giá 3,5 triệu đồng là bè nuôi hải sản, không có giấy phép kinh doanh dịch vụ ăn uống.