
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23-5 - Ảnh: REUTERS
Ngày 26-5, ông Trump đã đưa ra những chỉ trích hiếm hoi đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đợt không kích kỷ lục vào các thành phố của Ukraine bằng 367 máy bay không người lái.
Bất mãn trước một cuộc chiến không hồi kết
"Tôi luôn có mối quan hệ rất tốt với (Tổng thống) Vladimir Putin của Nga, nhưng có chuyện gì đó đã xảy ra với ông ấy. Ông ấy đã hoàn toàn PHÁT ĐIÊN!
Tôi luôn nói rằng ông ấy muốn TẤT CẢ Ukraine, không chỉ một phần của nó, và có lẽ điều đó đang cho thấy là đúng, nhưng nếu ông ấy làm vậy, điều đó sẽ dẫn đến sự sụp đổ của Nga!", ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social.
Trước đó, ông chủ Nhà Trắng nói với các phóng viên rằng: “Ông ấy (Tổng thống Putin) đang giết rất nhiều người. Tôi không biết chuyện quái gì đã xảy ra với ông Putin. Chúng tôi đang trong quá trình đàm phán và ông ấy phóng rocket vào Kiev và các thành phố khác… Tôi hoàn toàn không thích điều đó”.
Những lời chỉ trích của ông Trump khiến nhiều người hoài nghi liệu Washington có quay lưng lại với Matxcơva hay không, dù trước đó ông Trump có cách tiếp cận tương đối hài hòa và thiện chí với ông Putin.
Giới quan sát phỏng đoán ông Trump có thể đứng về phía Ukraine. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ cũng chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng: “Mọi thứ ông ấy nói đều gây ra vấn đề, tôi không thích điều đó và tốt hơn là nên dừng lại”.
Ông Trump cho rằng cuộc xung đột này "sẽ không bao giờ bắt đầu" nếu ông ấy còn tại nhiệm vào thời điểm tháng 2-2022.
"Đây là cuộc chiến của ông Zelensky, ông Putin và ông Biden (cựu tổng thống Joe Biden), không phải của Trump. Tôi chỉ đang giúp dập tắt những đám cháy lớn và xấu xí", ông Trump cho biết.
Tuần trước, ông Trump tuyên bố Nga và Ukraine nên đàm phán trực tiếp về một thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên. Nhưng cho đến nay, thỏa thuận hiệu quả duy nhất là đợt trao đổi 1.000 tù binh giữa hai bên vừa kết thúc vào ngày 25-5.
Chính sách đối ngoại khó đoán

Khung cảnh hoang tàn sau cuộc không kích của Nga tại Odesa, Ukraine ngày 25-5 - Ảnh: REUTERS
Có thể thấy mục tiêu kết thúc chiến sự Nga - Ukraine trong 24 giờ sau khi nhậm chức của ông Trump ngày càng xa vời khi bị cản trở bởi hàng loạt điều kiện và vấn đề khó giải quyết từ Nga và Ukraine.
Theo tiến sĩ Adam Garfinkle từ Trường đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), sau các cuộc điện đàm với ông Putin nhưng không đi tới thỏa thuận ngừng bắn cụ thể, ông Trump dần nhận ra nhà lãnh đạo Nga sẽ không chấp nhận hòa bình, trừ khi nền hòa bình đó đáp ứng các điều kiện của Matxcơva.
Nhiều chuyên gia không loại trừ khả năng liệu chính sách đối ngoại khó đoán định của Washington có chuyển hướng từ Matxcơva sang Kiev hay không.
Mặt khác, việc Mỹ tiếp tục can thiệp sâu vào cuộc chiến ở Ukraine thông qua các gói viện trợ Kiev hay lệnh trừng phạt lên Matxcơva chỉ khiến Washington ngày càng “lún sâu” vào một cuộc chiến dài hơi mà hiện tại chưa nhìn thấy hồi kết.
Với tư duy của một nhà kinh doanh như ông Trump, điều này không đem lại lợi ích thực tế cho nước Mỹ, càng đi ngược với phương châm "nước Mỹ trên hết" của vị tổng thống 78 tuổi.
Điều này giải thích phần nào lý do Washington không còn hào phóng trong các khoản viện trợ Ukraine như trước đây, thay vào đó Mỹ nhìn thấy lợi ích nếu duy trì quan hệ tốt với Nga.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận