
Bà Kaja Kallas trò chuyện với quan chức cấp cao các nước trong cuộc họp tại Brussels, Bỉ hôm 15-7 - Ảnh: REUTERS
Hãng tin AFP ngày 15-7 cho biết ngoại trưởng các nước trong khối Liên minh châu Âu (EU) đã có cuộc họp ở Brussels, nhằm thảo luận loạt biện pháp có thể áp dụng đối với Israel liên quan đến chiến sự tại Dải Gaza.
Tuy nhiên khả năng EU đạt được đồng thuận về bất kỳ hành động cụ thể nào vẫn rất thấp, trong bối cảnh các quốc gia thành viên tiếp tục chia rẽ sâu sắc.
Cuộc họp diễn ra sau khi Israel bị cho là đã vi phạm thỏa thuận hợp tác với EU, vì các lý do liên quan đến nhân quyền.
Theo đó, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh EU Kaja Kallas đã đề xuất 10 phương án trừng phạt tiềm năng, bao gồm đình chỉ toàn bộ thỏa thuận hợp tác, siết chặt quan hệ thương mại, trừng phạt các quan chức cấp cao Israel, áp đặt lệnh cấm vận vũ khí cho đến đình chỉ chế độ miễn thị thực.
"Chúng tôi thấy một số dấu hiệu tích cực của Israel như việc mở thêm các điểm qua lại biên giới, tái thiết đường điện, cấp nước và gia tăng viện trợ nhân đạo", bà Kallas nói. Tuy nhiên bà thừa nhận tình hình nhân đạo ở Gaza vẫn rất "thảm khốc", và nhấn mạnh EU cần thấy thêm tiến triển thật sự để đánh giá hiệu quả các biện pháp hiện tại.
Vào tuần trước, bà Kallas đã công bố thỏa thuận với Ngoại trưởng Israel Gideon Saar, theo đó Israel đồng ý mở thêm các điểm tiếp nhận viện trợ và cho phép nhập khẩu nhiều thực phẩm hơn vào Gaza - nhưng như vậy là chưa đủ để thuyết phục các nước thành viên EU tiến thêm một bước.
Nhiều quốc gia vẫn chưa thống nhất quan điểm về cách tiếp cận với Israel, khi khối này chia rẽ giữa các nước ủng hộ Tel Aviv và những nước thiên về phía Palestine.
Phát biểu tại Brussels, Ngoại trưởng Israel Gideon Saar tỏ ra tự tin rằng không biện pháp trừng phạt nào sẽ được thông qua.
"Tôi tin rằng các nước thành viên EU sẽ không chấp nhận bất kỳ đề xuất nào. Không có lý do chính đáng nào cho các đề xuất đó", ông nói.
Việc EU xem xét lại thỏa thuận hợp tác với Israel, điều vốn chưa từng xảy ra trước đây, được xem là bước đi quan trọng trong bối cảnh chiến sự ở Gaza tiếp tục leo thang. Trước đó, EU từng bị chỉ trích là thiếu hành động, đặc biệt sau khi lệnh ngừng bắn tại Gaza sụp đổ vào tháng 3 năm nay và Israel nối lại chiến dịch quân sự.
Hiện một số quốc gia như Hungary vẫn tiếp tục cản trở việc áp đặt thêm trừng phạt đối với người định cư Israel tại Bờ Tây, bất chấp lời kêu gọi từ Pháp.
Theo thống kê của AFP, chiến sự ở Gaza đã chính thức bùng nổ kể từ cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7-10-2023 khiến 1.219 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường. Trong số 251 con tin bị bắt cóc, 49 người vẫn bị giam giữ tại Gaza, trong đó 27 người được xác nhận đã thiệt mạng.
Trong khi đó, chính quyền Gaza cho biết hơn 58.000 người Palestine, phần lớn là dân thường, đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công trả đũa của Israel.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận