Chi nhánh công ty trong ‘hệ sinh thái’ sữa giả đã gỡ biển tên

Một trong bốn công ty trong “hệ sinh thái” sản xuất sữa giả đăng ký chi nhánh tại tỉnh Hòa Bình đã gỡ bỏ biển tên công ty sau khi nhận được phản ảnh của Tuổi Trẻ Online.

sữa giả - Ảnh 1.

Công ty y học BFF tại địa chỉ số 10 khu liền kề Dạ Hợp, tổ 12, phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình - Ảnh: CHÍ TUỆ

Biển tên công ty chỉ "treo nhờ"

Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin trước đó, trong gần 600 loại sữa giả của các công ty sản xuất sữa giả đang bị cơ quan công an điều tra, có 305 loại sữa được đăng ký công bố, tự công bố sản phẩm tại tỉnh Hòa Bình.

Trong đó theo hồ sơ đăng ký công bố, tự công bố sản phẩm gửi đến Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh Hòa Bình, chi nhánh Hòa Bình - Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group, và chi nhánh Hòa Bình - Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma, có cùng địa chỉ tại số 335 đường Trần Hưng Đạo, phường Quỳnh Lâm, TP Hòa Bình.

Còn chi nhánh Hòa Bình - Công ty cổ phần Dược quốc tế Big Four Pharma, và chi nhánh Hòa Bình - Công ty cổ phần dinh dưỡng y học BFF, có cùng địa chỉ số 10 khu liền kề Dạ Hợp, tổ 12, phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình.

Địa chỉ 335 Trần Hưng Đạo, TP Hòa Bình - nơi được hai công ty "cầm đầu" đường dây sản xuất, buôn bán sữa giả là Công ty Rance Pharm và Hacofood đăng ký "chi nhánh Hòa Bình" - thì bất ngờ địa chỉ này không hề có chi nhánh nào như bản đăng ký công bố mà các công ty gửi đến, thay vào đó, tại đây có một phòng khám sản phụ khoa và một cửa hàng bia hơi cùng có địa chỉ 335 Trần Hưng Đạo.

Còn tại địa chỉ số 10 khu liền kề Dạ Hợp, tổ 12, phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình - nơi được 2 công ty Big Four Pharma và y học BFF (nằm trong "hệ sinh thái" buôn bán sữa giả) - chỉ cách trụ sở Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Hòa Bình chưa đầy 100m. 

Tại đây không có biển hiệu của Công ty Big Four Pharma, nhưng xuất hiện biển hiệu của Công ty y học BFF và một công ty xây dựng trên địa bàn.

Ngày 18-4, ông T. - chủ công ty xây dựng cho hay tòa nhà được ông thuê để nhân viên làm việc. Về biển hiệu của Công ty y học BFF, ông T. nói "do người quen nhờ gắn hộ", và không biết công ty này sản xuất gì.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 21-4, ông T. cho hay sau khi báo phản ánh việc đây là một công ty nằm trong đường dây sản xuất sữa giả, ông đã gỡ ngay biển hiệu của công ty này.

"Tôi chỉ cho họ gắn nhờ, không nghĩ rằng họ lại dùng để đăng ký công bố sữa giả. Vì vậy ngay khi nhận được thông tin tôi đã gỡ bỏ biển quảng cáo để tránh rắc rối", ông T. nói.

Chi nhánh công ty trong ‘hệ sinh thái’ sữa giả đã gỡ biển tên - Ảnh 2.

Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Hòa Bình - nơi nhận hồ sơ đăng ký công bố và tự công bố của 4 công ty sản xuất sữa giả - Ảnh: CHÍ TUỆ

Lập chi nhánh tại Hòa Bình để nộp hồ sơ

Theo thông tin Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Hòa Bình cung cấp, các công ty này bắt đầu xin cấp phép tại chi cục từ năm 2023. Trong 3 năm, bốn công ty này đã nộp 184 hồ sơ đăng ký công bố sản phẩm và 121 hồ sơ tự công bố sản phẩm.

Các công ty này thay phiên nhau nộp hồ sơ đăng ký, tháng 1 Công ty Hacofood nộp hồ sơ, đến tháng 2 Công ty Rance Pharma nộp hồ sơ… mỗi tháng công bố hàng chục sản phẩm ra thị trường.

Ông Vũ Đức Toàn, trưởng phòng thanh tra - nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hòa Bình cho hay theo quy định về hồ sơ đăng ký công bố sản phẩm và tự công bố sản phẩm hiện nay, các công ty có chi nhánh trên địa bàn có thể nộp hồ sơ đến Chi cục ATTP trên địa bàn.

Lý giải về việc 305 sản phẩm nhưng chưa một sản phẩm nào "dính" hậu kiểm, ông Toàn nói do các sản phẩm sữa của các công ty đều đăng ký gia công tại tỉnh khác và chưa nhận được phản ánh của người tiêu dùng và không có sản phẩm phân phối trên địa bàn.

Về chi nhánh hoạt động của các công ty này, ông Toàn cho hay việc cấp giấy phép đăng ký kinh doanh không thuộc thẩm quyền của chi cục mà do đơn vị khác (Sở Kế hoạch và Đầu tư - PV), chi cục chỉ tiếp nhận hồ sơ gửi đến. Các công ty đăng ký kinh doanh và được cấp mà hợp lệ thì chi cục tiếp nhận.

Chi nhánh công ty trong ‘hệ sinh thái’ sản xuất sữa giả đã gỡ biển - Ảnh 3.Không tin nổi cách sữa giả 'trăm hoa đua nở' ở Hòa Bình

Trong 4 năm, gần 600 nhãn hiệu sữa bột giả được đưa ra thị trường Việt Nam, trong đó có tới 305 sản phẩm sữa giả nộp hồ sơ công bố ở tỉnh Hòa Bình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên