04/07/2025 15:25 GMT+7

Chi 1.800 tỉ để phân luồng, tổ chức, quản lý giao thông, Hà Nội có giám sát không?

Chiều 4-7, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã tổ chức họp báo thông tin về kỳ họp thường kỳ giữa năm 2025, dự kiến diễn ra từ ngày 7 đến 11-7.

giao thông - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: PHẠM TUẤN

Bà Phạm Thị Thanh Mai - phó chủ tịch HĐND TP Hà Nội - chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, ông Đỗ Văn Trường - phó chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP Hà Nội - đã thông tin về chương trình kỳ họp. Sau đó, nhiều câu hỏi liên quan tới các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND TP Hà Nội được các cơ quan báo chí quan tâm, đặt câu hỏi.

Hà Nội giám sát việc chi tiền phân làn giao thông như thế nào?

Cụ thể về thông tin công tác giảm thiểu ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông trong các năm qua, sau khi có đề xuất của UBND TP, HĐND TP Hà Nội đã thông qua kế hoạch chi hơn 1.856 tỉ đồng cho công tác này trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2025.

Số ngân sách này được chi cho các hoạt động gồm phân luồng, tổ chức và quản lý giao thông; tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; thông tin tuyên truyền…

Trước thông tin trên, các cơ quan báo chí gửi câu hỏi tới HĐND TP Hà Nội về việc Hà Nội giám sát việc chi, sử dụng số tiền trên ra sao?

Điều hành buổi họp báo, bà Phạm Thị Thanh Mai đề nghị đại diện Ban Đô thị và Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội trả lời báo chí thông tin trên.

Chi 1.800 tỉ để phân luồng, tổ chức, quản lý giao thông, Hà Nội có giám sát không? - Ảnh 2.

Ông Đàm Quang Huân - trưởng Ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội - Ảnh: PHẠM TUẤN

Trả lời, ông Đàm Quang Huân - trưởng Ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội - cho biết về vấn đề phân làn giao thông, trong kỳ họp vào cuối năm 2023, HĐND TP Hà Nội đã tổ chức giám sát các vấn đề liên quan tới giao thông. 

Trong đó HĐND TP Hà Nội giám sát từ vấn đề đầu tư, xây dựng, duy tu duy trì, trong đó có việc phân làn giao thông.

"Vừa rồi chúng ta cũng thí điểm phân làn các tuyến đường, cụ thể như tuyến Nguyễn Trãi, cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu, nhiều nút giao thông đã giảm được ách tắc. Tuy nhiên so với kỳ vọng của nhân dân và cử tri, vẫn còn những điểm chưa tốt phải thực hiện" - ông Huân nói.

Sẽ điều chỉnh thông qua nghị quyết về việc hạn chế xe máy vào nội đô trong thời gian tới

Về việc hạn chế xe cộ vào nội đô, thông tin với báo chí, ông Đàm Quang Huân cho biết hiện Hà Nội đã có các nghị quyết 04, 07 triển khai từ trước đây, đến nay đã được HĐND TP Hà Nội xem xét.

Theo ông Huân, sau phiên chất vấn ở kỳ họp cuối năm 2023, HĐND TP Hà Nội đã đề nghị UBND TP tổng kết hai nghị quyết trên. Trong đó có các nội dung liên quan tới chỉ tiêu về vận tải hành khách công cộng, những chỉ tiêu liên quan tới việc hạn chế xe vào nội đô, theo ông Huân.

"Hiện UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở Giao thông vận tải (cũ, nay là Sở Xây dựng) đang tiến hành rà soát, tổng kết hai nghị quyết này. Xu hướng là căn cứ vào sự cho phép trong Luật Thủ đô và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi để điều chỉnh các nghị quyết này. 

Với nghị quyết 07, hiện đã được TP quan tâm và chuẩn bị điều chỉnh nội dung của nghị quyết này. Trong đó có vấn đề về vận tải hành khách công cộng, để làm tiền đề hạn chế xe cộ vào nội đô. Trong các kỳ họp tiếp theo sẽ thông qua nghị quyết này" - ông nói.

giao thông - Ảnh 4.

Bà Hồ Vân Nga - trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội - Ảnh: PHẠM TUẤN

Cung cấp thêm thông tin, bà Hồ Vân Nga - trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội - cho biết về việc giám sát, chi tiêu liên quan đến các vấn đề giao thông, các ban của HĐND thường xuyên khảo sát, giám sát về vấn đề này.

"Riêng trong năm 2025, trong kế hoạch công tác có nội dung giám sát phân bổ và sử dụng vốn sự nghiệp cho một số công tác, trong đó có việc duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông. 

Từ đầu năm đến nay các sở ngành TP bận cho việc tinh gọn bộ máy nên chương trình này chưa được thực hiện. Chúng tôi sẽ đẩy chương trình này vào cuối năm, đây là nội dung chúng tôi thường xuyên quan tâm" - bà Nga nói.

Hà Nội dành nửa ngày để chất vấn và trả lời chất vấn

Tại kỳ họp giữa năm HĐND TP, Hà Nội dự kiến sẽ xem xét thông qua nhiều nội dung, nghị quyết quan trọng.

Cụ thể Hà Nội sẽ xem xét nghị quyết quy định chính sách ưu đãi miễn tiền thuê đất đối với dự án sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư.

Nghị quyết quy định một số nội dung chi, mức chi cho các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nghị quyết về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố, công trình công cộng trên địa bàn TP Hà Nội năm 2025.

Nghị quyết quy định điều kiện, trình tự, thủ tục cấp phép xây dựng, loại công trình và tỉ lệ diện tích được xây dựng công trình trên đất nông nghiệp (thực hiện điểm b khoản 3 điều 32 Luật Thủ đô)...

Kỳ họp dành nửa ngày (ngày 10-7) để thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, và những vấn đề bức xúc mà đại biểu HĐND TP và cử tri thủ đô quan tâm.

Chi 1.800 tỉ để phân luồng, tổ chức, quản lý giao thông, Hà Nội có giám sát không? - Ảnh 4.Bà Phạm Thị Thanh Mai và ông Trương Việt Dũng được bầu làm phó chủ tịch HĐND và UBND TP Hà Nội

Bà Phạm Thị Thanh Mai được HĐND TP Hà Nội bầu bổ sung làm Phó chủ tịch HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026; ông Trương Việt Dũng - chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội - được bầu giữ chức Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên