TTCT - Đằng sau 'đại dịch đảo chánh' ở châu Phi vừa qua là những lý do gì? Tháng 4-2019 đảo chánh ở Sudan; tháng 8-2020 tới phiên Mali; tháng 4-2021 là Chad; một tháng sau "tái đảo chánh" ở Mali; tháng 9-2021, Guinea; tháng 10, Sudan lần hai; tháng 1-2022, Burkina Faso; tháng 9-2022, Burkina Faso lần hai; tháng 7-2023, Niger; rồi mới đây nhất 30-8 đến lượt Gabon. Ảnh: Les Jours"Đại dịch đảo chánh" là từ ngữ mà Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres đã sử dụng trong hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm thông qua Tuyên bố và Chương trình hành động Durban hôm 26-10-2021 ở trụ sở LHQ. Trong phát biểu của mình, ông có phần trách cứ các cường quốc: "Rõ ràng lời kêu gọi của tôi - đặc biệt với các cường quốc - là hãy cùng nhau đạt được sự thống nhất trong Hội đồng Bảo an để đảm bảo ngăn chặn hiệu quả đại dịch đảo chính này".Đảo chánh để "dân chủ"?Mới đây nhất, hôm 31-8 tại trụ sở LHQ, ông Guterres lại phát biểu với báo chí về hàng loạt cuộc đảo chính quân sự gần đây, chủ yếu ở châu Phi, trong đó ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập nền quản trị dân chủ lâu dài dựa trên pháp quyền. Cụ thể, ông Guterres nói: "Nhiều quốc gia phải đối mặt với những thách thức sâu xa về quản trị... Chính phủ quân sự không phải là giải pháp, mà chỉ làm vấn đề thêm trầm trọng".Khoảng hai năm vừa qua, ông Guterres quả là đã phải "quan ngại sâu sắc" liền liền với các vụ đảo chánh. Nhưng bất chấp những lời kêu gọi của ông, các cuộc "bầu cử dân chủ" mà LHQ không ngừng yêu cầu ở châu Phi tới nay đã thất bại. Có thể cảm nhận rõ điều này nhất chính ở quốc gia mới nhất xảy ra đảo chánh là Gabon. Từ năm 1967 tới giờ, qua các kỳ bầu cử ở nước này, thì làm tổng thống là hết cha rồi tới con.Câu hỏi là tại sao "cây cam" bầu cử dân chủ trồng ở đất Tấn thì xanh tốt, nhưng mang về đất Tần thì lại héo úa. Nếu nói do "thổ địa", chắc cần phải xem lại đã "làm đất" đúng và đủ chưa. Không hẳn do thể chế "bầu cử dân chủ" sai, mà là do chưa thực tâm muốn tổ chức, hoặc chưa đủ thời gian để ý thức công dân chín muồi. Hậu quả là dân chủ "chín dú" ở châu Phi cứ bị vùi dập bởi các vụ đảo chánh.Châu Phi đang giữ kỷ lục buồn với 214 cú đảo chánh, tính từ năm 1950 tới tháng 2-2022 (trong tổng số 486 vụ trên toàn cầu, theo nghiên cứu dữ liệu Coups in Africa). Tỉ lệ đảo chánh thành công cũng khá cao: 106/214, tương đương gần 52%. Trong tổng số 54 quốc gia ở lục địa này, đến 45 nước từng trải qua ít nhất một cú đảo chánh kể từ năm 1950.Các cú đảo chánh ở châu Phi giai đoạn gần đây khác với các cuộc cách mạng màu ở Bắc Phi và thế giới Ả Rập thời đầu những năm 2010. Ở châu Phi, chủ mưu đảo chánh thường là những "liên minh quân nhân - phe đối lập", khác với Mùa xuân Ả Rập, khi "dân chúng nổi dậy trong các chế độ chuyên quyền cầm quyền quá lâu", theo hai tác giả Kevin Koehler (Hà Lan) và Holger Albrecht (Mỹ), trong nghiên cứu "Cách mạng và quân đội: Những cuộc đảo chánh tàn cuộc, bất ổn và triển vọng cho dân chủ" (chuyên san SAGE, 2021).Hai tác giả nhắc nhở: "Có những cuộc đảo chánh dẫn tới việc thiết lập các chế độ còn độc tài hơn, thay vì lập nên các nền dân chủ". Bên cạnh đó, cũng có những vụ mà giới thủ lãnh quân sự hành động để bảo vệ vị thế chính trị của mình, cũng theo nghiên cứu đã dẫn. Từ Đông Nam Á nhìn lại, kinh nghiệm cho thấy kết quả, hay hậu quả, tới đâu tùy "phước phần" - gần gũi địa lý nhất là các vụ đảo chánh ở Thái Lan, mà rất nhiều khi quay trở lại ô xuất phát.Đảo chánh "để ăn"?Báo Nigeria The Guardian 7-9 vừa qua viết về giới lãnh đạo châu Phi: "(Họ) coi việc chiếm giữ các vị trí chính trị cao nhất của quốc gia là cơ hội để tích lũy khối tài sản khổng lồ, điều làm hại những đồng bào đã phải chịu đựng họ quá lâu. Là những kẻ cuồng vọng, họ chà đạp lên các quyền cơ bản của con người và sửa đổi hiến pháp của đất nước để kéo dài thời gian nắm quyền". Hậu quả là họ duy trì quyền lực bằng biến các chính phủ dân chủ thành những "vương triều". Điều này hiển hiện ở Gabon khi tổng thống mới bị lật đổ Ali Bongo đã cai trị từ năm 2009, sau khi "kế vị" cha là Omar Bongo, cầm quyền từ 1967 tới 2009.Tất nhiên, ở Gabon hay Niger, các ông tổng thống đâu có nắm quyền và giàu có một mình, mà là một gia tộc, hay đôi khi cả một tầng lớp ở trên nóc xã hội. Ali Idrissa của Tổ chức "Hãy công khai quý vị đã chi những gì" tố cáo: "Trong lĩnh vực quốc phòng, những số tiền cắt cổ dành cho việc mua vũ khí để bảo vệ đất nước đã được "bẻ lái", các lĩnh vực giáo dục, an ninh và y tế hoàn toàn suy giảm... quỹ chống Covid bị xà xẻo, những người đứng đầu cuộc đấu tranh chống tham nhũng bị buộc tội tham nhũng" (Đài Đức DW 9-12-2021). Một ví dụ DW đưa ra để minh họa là biểu đồ cho thấy ngân sách trả cho tập đoàn lính đánh thuê Wagner hằng năm của Mali là 103 triệu euro, gấp ba lần ngân sách Bộ Môi trường, và bằng 45% ngân sách Bộ Y tế.Trận địa địa chánh trịSở dĩ Wagner nhảy vào được Mali và một số nơi khác, vốn là "sân sau" của Pháp trước giờ, là do nay đang có làn sóng dân Tây Phi ghét Pháp có lẽ chưa từng thấy kể từ thời thuộc địa (BBC 5-12-2021). Nước Pháp nhảy vô khu vực Sahel ở phía nam sa mạc Sahara, từ Đại Tây Dương tới Hồng Hải (gồm 6 nước "francophone" Sénégal, Mauritanie, Burkina Faso, Mali, Niger và Chad) đã lâu, để chống khủng bố Hồi giáo, ít ra là từ 2014, có lúc tới 5.100 lính.Tiếc công "bình định", mãi tới 9-12-2021, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới loan báo rút về. Ở Mali, lính Pháp rút ra tới đâu thì lính Nga, mà cụ thể là lính Wagner, vô tới đó, nhằm trợ giúp quân đội nước sở tại (Le Parisien 16-8-2022). Tất nhiên cũng phải có một "người trong cuộc" mời vô: đó là đại tá Assimi Goïta, tổng thống lâm thời, người tổ chức cú đảo chánh đêm 24-5-2021 ở Mali.Nga có một lợi thế tự nhiên so với Pháp: họ chưa từng là đế quốc thực dân ở châu Phi, như chính Đài France Info của Pháp thừa nhận hôm 3-8-2023 trong bài "Đảo chánh ở Niger: Sao nước Nga lại hấp dẫn như vậy tại các nước Sahel?". Từ ưu thế đó, cộng với một thể chế và sinh hoạt gần với các nước này hơn mô hình "Tây", giới trẻ ở Sahel bây giờ không mấy người biết đến nước Pháp như các thế hệ cha ông qua giáo dục, văn hóa, sống cùng.Ở Niger, một tháng sau cú đảo chánh 26-7-2023 mà một số người dân nước đã ôm cờ Nga tấn công tòa đại sứ Pháp ở thủ đô Niamey, người phát ngôn Anne-Claire Legendre của Bộ Ngoại giao Pháp đã phát đi những bực dọc của Paris trên BFMTV 4-8: "Chúng tôi biết những gì Wagner thể hiện ngày nay trong khu vực, ở Mali, Cộng hòa Trung Phi, Mozambique: Đó là công thức dẫn đến hỗn loạn, cướp bóc tài nguyên, lạm dụng người dân và làm trỗi dậy bạo lực. Mối đe dọa khủng bố". Thậm chí bà này còn đề quyết rằng người Nga "tìm cách hỗ trợ các phong trào gây bất ổn..., cho dù hiện chúng tôi không thể nói rằng có sự tham gia trực tiếp của Nga vào cuộc đảo chánh".Paris có lý do để nghi kỵ và bực dọc khi chính thủ lĩnh Wagner quá cố Yevgeny Prigozhin từng phát biểu trên Telegram bày tỏ sự ủng hộ dành cho phe đảo chánh ở Niger: "Những gì đã xảy ra ở Niger không gì khác hơn là cuộc đấu tranh của người dân Niger đối với chế độ thực dân, với những kẻ đang tìm cách áp đặt các quy tắc sống và điều kiện sống của mình lên họ, đồng thời giữ họ ở tình trạng như châu Phi hàng trăm năm trước" (Al Jazeera 31-7). Chưa hết, trong một đoạn Telegram khác hôm 27-7, thủ lĩnh Wagner hứa hẹn rằng "1.000 binh sĩ Wagner là dư sức lập lại trật tự và tiêu diệt khủng bố, không cho chúng làm hại dân thường".Trong bối cảnh đó, các nước Tây Phi nói riêng và châu Phi nói chung, cứ thế mà "xoay chiều đổi gió". Còn ông tổng thư ký LHQ nói tới bầu cử dân chủ thôi, thì mình ông nghe mà thôi.■ Theo France Info, Mali là quốc gia mà người dân có thiện cảm với Nga nhất thế giới. Boubacar Haidara, nhà nghiên cứu khoa học chính trị tại Trường Sciences Po ở Bordeaux, chuyên gia về Mali, cho biết: "Chính Liên Xô đã đào tạo quân đội Mali mới sau khi giành được độc lập và thành lập một trường học dành cho công chức. Ngày nay, rất nhiều nhân viên an ninh và binh lính Mali nói tiếng Nga". Như trường hợp của đại tá Sadio Camara, được bổ nhiệm bộ trưởng quốc phòng sau cuộc đảo chính tháng 8-2020, là người được đào tạo tại Nga. Mali còn là nước mà dân chúng có thiện cảm với Nga nhất thế giới. Theo một thăm dò của Gallup thực hiện năm 2021, 84% số người được hỏi ở Mali cho ý kiến tốt về Nga; còn theo thăm dò của Tổ chức Đức Friedrich-Ebert-Stiftung cũng năm đó, cứ 10 người Mali thì 9 người tin rằng Nga sẽ giúp đất nước họ có được an ninh. Tags: Đảo chính quân sựSa mạc SaharaChâu PhiSahelSudanTổng thư ký Liên Hiệp QuốcLiên hiệp quốcKhoa học chính trịTổng Thư kýHội đồng bảo anMùa xuân Ả RậpPhe đối lậpKhối tài sản khổng lồ
Tin tức sáng 24-1: Cách 'né' kẹt xe khi về miền Tây ăn Tết; Khai mạc Hội hoa xuân TP.HCM TUỔI TRẺ ONLINE 24/01/2025 Tin tức đáng chú ý: Ngân hàng rao bán 400 khoản nợ vay tiêu dùng cận Tết; Cách 'né' kẹt xe khi về miền Tây; Hôm nay khai mạc Hội hoa xuân TP.HCM...
Kẹt xe kéo dài trên cao tốc TP.HCM - Phan Thiết từ 3h sáng, phân luồng xuống quốc lộ 1 MINH HÒA 24/01/2025 Rạng sáng 24-1, người dân tiếp tục cuộc hành trình về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc; cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết lại kẹt xe kéo dài. Nhiều người đi từ 3h sáng cũng không thoát cảnh gian nan.
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Giá cao, khó bắt Grab ngày cận Tết: Tài xế than kẹt xe, vừa tới nơi 'thượng đế' hủy chuyến PHƯƠNG NHI 24/01/2025 Tình trạng kẹt xe, bị khách hủy chuyến bất ngờ, app cắt phần trăm cao... là những nguyên nhân khiến tài xế ngán ngẩm, tắt app thời gian qua.