TTCT - Cú sốc của châu Âu diễn ra ở Hội nghị an ninh Munich (MSC) tuần trước khi Phó tổng thống Mỹ JD Vance tuyên bố rằng chính châu Âu - thay vì là Nga hay Trung Quốc - đang trở thành mối đe dọa với các giá trị dân chủ. Ảnh: Foreign PolicyBộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà (Đức) Boris Pistorius đã nổi đóa trước nhận xét này. "Không thể chấp nhận được", đám đông nghe ông thốt lên. Các lãnh đạo, tướng lĩnh và người đứng đầu tình báo châu Âu tề tựu tại MSC đã kỳ vọng được nghe chia sẻ rõ ràng hơn của Mỹ về các vấn đề như cách chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine, cách đối phó với ông Vladimir Putin trên nhiều mặt trận hay cách củng cố liên minh xuyên Đại Tây Dương.Cuộc hôn nhân sắp tan vỡThay vào đó, đại diện của ông Donald Trump quay sang chỉ trích đồng minh ngăn cản tự do ngôn luận, không chặn được làn sóng nhập cư và phê phán họ bằng những từ ngữ thời chiến tranh lạnh như "bóp méo thông tin", "tuyên truyền sai lạc". Sau khi ông Vance phát biểu, ông Pistorius chạy ngay vào căn phòng gần đó cùng hai cố vấn để viết lại bài phát biểu của ông. Gần một tiếng sau, vị bộ trưởng quốc phòng - chính trị gia được ủng hộ nhiều bậc nhất ở Đức - đứng trên bục đầy giận dữ."Ông ta nói về sự hủy diệt của nền dân chủ, và nếu tôi hiểu đúng thì ông so sánh tình hình ở một số khu vực châu Âu với chế độ độc tài - ông Pistorious nói - Thưa quý vị, điều này là không thể chấp nhận được".Những thông điệp nhức nhối từ ông Vance diễn ra trong một tuần đầy biến động với châu Âu: họ phát hiện hôm 12-2 là ông Trump đã điện đàm với ông Putin và bắt đầu "ngay lập tức" đàm phán về chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine mà không hề tham vấn Kiev hay châu Âu. Các đồng minh châu Âu giờ lo ngại Mỹ sẵn sàng đánh đổi một loạt vấn đề an ninh châu lục mà không thèm đếm xỉa tới họ.Khi các lãnh đạo EU họp khẩn ở Paris đầu tuần này nhằm tìm giải pháp đối phó với thái độ mới của Mỹ về tương lai của Ukraine, câu hỏi lớn lúc này là làm sao họ có thể tác động được vị tổng thống dường như đang bất chấp tất cả ở bờ bên kia Đại Tây Dương.Kỷ nguyên của kẻ mạnh?Sau MSC, châu Âu thống nhất rằng chính quyền Trump 2.0 hỗn loạn và đổ vỡ hơn cả kịch bản xấu nhất mà họ vẫn tưởng. Những quyết định đột ngột, lộn xộn về đối ngoại nối tiếp nhau. Alex Younger, cựu lãnh đạo cơ quan tình báo MI6, nói Trump mang tới một thế giới không luật lệ với hàng hóa duy nhất có giá trị là quyền lực và sức mạnh. "Chúng ta chuyển từ thế giới của luật lệ với các thể chế đa phương sang thế giới mà kẻ mạnh thỏa thuận trên đầu kẻ yếu và các nước nhỏ - ông nói - Sự dịch chuyển tâm lý lớn nhất là chúng ta không còn trong thế giới của luật lệ nữa mà là thế giới của (trao đổi) lợi ích".Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock gọi tuần vừa qua là "thời khắc sinh tồn mà giờ châu Âu phải đứng dậy". Đây cũng là thông điệp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp hôm 17-2.Câu hỏi với châu Âu giờ là kết cục tiếp theo của Hội nghị Munich này có giống Hội nghị Munich 1938, khi thủ tướng Anh Neville Chamberlain nhượng bộ trước tham vọng của Adolf Hitler; hay là Hội nghị Yalta 1945 khi Mỹ, Anh và Liên Xô chia châu Âu ra thành các vùng ảnh hưởng. Ảnh: ReutersHọ lo lắng giờ Mỹ và Nga sẽ chia châu Âu thành hai vùng ảnh hưởng. Trước tháng 12-2021, ông Putin từng yêu cầu NATO khai trừ các thành viên Trung và Đông Âu, rút về biên giới trước 1997. Rất nhiều nước châu Âu giờ lo ngại ông có thể đề xuất lại điều này và ông Trump có thể thấy vậy là hợp lý cho gói thỏa thuận về Ukraine.Từ sau Thế chiến II, Mỹ và các nước Tây Âu về căn bản luôn đồng thuận trong các vấn đề lớn khi đối đầu với Liên Xô, rồi Nga sau đó. Dù Mỹ từ lâu đã phàn nàn nhiều thành viên NATO không chịu tăng chi phí quốc phòng, chưa bao giờ giữa họ lại chia rẽ công khai như bây giờ.Ở Munich có hai điểm lớn mà châu Âu bất đồng: liệu đổ vỡ với Mỹ có hàn gắn được không; và ông Putin cuối cùng muốn gì. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói thẳng rằng ông Putin phủ bóng lên mọi cuộc trao đổi ở Munich: "Thành viên ảnh hưởng nhất ở NATO lúc này dường như là Vladimir Putin".Châu Âu vẫn cần "cuộc hôn nhân không tình yêu"Friedrich Merz, người dự kiến là thủ tướng tiếp theo của Đức sau bầu cử cuối tuần này, thừa nhận phát biểu của ông Vance khoét sâu thêm khác biệt giữa hai bờ Đại Tây Dương. "Khác biệt giữa Mỹ và châu Âu đã có những chiều kích hoàn toàn mới", ông nói.Nhưng với hầu hết châu Âu lúc này, giải pháp tốt nhất có lẽ vẫn là cứu vớt cuộc hôn nhân không tình yêu này: họ quá lo sợ các phương án khác, dù là ly thân tạm thời hay ly hôn hoàn toàn. Châu Âu không sẵn sàng đơn độc khi không có ô hạt nhân của Mỹ, dù Chủ tịch EC Ursula von der Leyen vẫn cam kết EU sẽ có cách tiếp cận mới về chi tiêu quốc phòng ở mức gần như "dời non lấp bể". Đà tăng chi quốc phòng từ 200 tỉ euro trước chiến tranh Ukraine lên 320 tỉ euro năm ngoái sẽ còn tăng nữa, và EU dự kiến sẽ tăng chi quốc phòng lên 3% từ mốc 2% GDP hiện nay. Nhưng cam kết đó có lẽ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của ông Trump. Những quan chức làm việc với Trump nói ông luôn muốn có giải pháp cho mọi thứ ngay ngày mai.Một vấn đề trọng đại khác là khả năng triển khai quân đội gìn giữ hòa bình ở Ukraine. Châu Âu có vẻ chưa sẵn sàng cho một chiến dịch như vậy, nếu không có Mỹ tham gia. Để đối trọng với Nga, họ sẽ cần "lực lượng tương đương khoảng 150.000 lính", theo Claudia Major, chuyên gia an ninh người Đức, viết cho viện nghiên cứu quốc tế và an ninh Đức SWP. "Nếu chỉ "hô to và cầu nguyện" và hy vọng Nga sẽ không nắn gân hay gây sức ép là chủ quan và tăng nguy cơ chiến tranh". Theo bà Major, "dựa trên sức mạnh quân đội Nga triển khai ở Ukraine (khoảng 600.000 - 700.000 quân), và tính toán lực lượng của Ukraine với hơn 100 lữ đoàn, lực lượng lý tưởng của phương Tây sẽ cần là 150.000 lính. Đây là số lính thường trực, chưa kể lực lượng hậu bị để luân chuyển quân, đồng nghĩa sẽ cần khoảng gấp ba số này". ■ Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Chiến sự Nga - Ukraine Tiếp theo Tags: Châu âuHội nghị an ninh Munich (MSC)Tổng thống UkraineĐức Nga
Ông Trump có phát ngôn đáng chú ý về Gaza, nói 'tôi không ép buộc' THANH BÌNH 22/02/2025 "Tôi không ép buộc. Tôi chỉ ngồi lại và đề xuất thôi", ông Trump nói về kế hoạch kiểm soát, di dời 2 triệu người Palestine ở Gaza.
Nhà cung cấp nguyên liệu cho Masan, Vinamilk thay sếp, chủ tịch rời ghế với tài sản 2.500 tỉ BÌNH KHÁNH 22/02/2025 Ông Nguyễn Thiên Trúc đang nắm gần 52 triệu cổ phiếu AIG, tương đương 2.500 tỉ đồng.
Giá vàng 'rớt' thêm, nhiều người mới mua lỗ nặng BÌNH KHÁNH 22/02/2025 Giá vàng giảm mạnh sau khi lập đỉnh lịch sử. Nhiều thương hiệu lớn niêm yết giá vàng SJC hai chiều mua vào - bán ra lần lượt là 89,4 - 91,7 triệu đồng/lượng.
Nghi phạm cướp FPT Shop là sinh viên năm 4, lún sâu nợ nần do tiêu xài hoang phí MINH HÒA 22/02/2025 Là sinh viên đại học năm 4, nghi phạm cướp tiền FPT Shop ăn chơi, tiêu xài hoang phí, lún sâu vào nợ nần nên nảy sinh ý định cướp.