TTCT - 5-7 năm trước, cây mía bước vào thời “hoàng kim”, giúp nông dân từ Bắc Trung bộ, Tây nguyên đến Đông Nam bộ, duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long đổi đời. Nhưng chi phí kiểu “một tiền gà, ba tiền thóc”, những bất trắc về giá cả, rủi ro từ cây mía ngày càng lớn, túi tiền nông dân trồng mía ngày càng nhỏ đi trong khi nguy cơ đổ vỡ hàng loạt của doanh nghiệp ngành mía đường là không nhỏ. Phóng to Thu hoạch mía tại xã Ia Sol, huyện Phú Thiện, Gia Lai - Ảnh: Thái Bá Dũng Tây nguyên đang bước vào mùa khô, cũng là lúc những cánh đồng mía ở các huyện phía đông Gia Lai như Kon Chro, thị xã An Khê, Ayun Pa, Phú Thiện... bắt đầu vụ thu hoạch mới. Theo Sở NN&PTNT Gia Lai, tỉnh này hiện có tới 30.000ha mía nguyên liệu phục vụ cho hai nhà máy đường (An Khê và Ayun Pa). “Lấy công làm lãi” Những ngày này đi dọc các huyện từ Kon Chro qua thị xã Ayun Pa ở đâu cũng thấy cảnh nông dân đứng trên cánh đồng đợi ngày thu hoạch. Ông Đinh Văn Mạnh (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) được coi là một trong những người may mắn nhất vì lấy được phiếu thu hoạch sớm từ nhà máy cho vụ mía này. Giữa trưa nắng khô khốc của mùa khô Tây nguyên, ông Mạnh buồn rầu: “Mấy năm trở lại đây, lãi từ làm mía chẳng qua là cái công nông dân bỏ ra thôi, những hộ nhỏ lẻ bắt đầu bỏ mía rồi. Những hộ lỡ trồng diện tích lớn, không trồng mía thì trồng cây gì đây?”. Gia đình ông Mạnh trồng 10ha mía, mỗi ha bình quân phải đầu tư từ 30-45 triệu đồng từ giống, phân bón đến công chăm bón. Nếu mọi việc ổn thỏa, năng suất mía đạt khoảng 70-80 tấn/ha, giá mía đạt trên 800.000 đồng/tấn thì ông mới có lãi. “Mọi năm giá mía được thu trên 900.000 đồng/tấn nhưng hiện tôi đang nhập vào nhà máy với giá 850.000 đồng/tấn, trừ chi phí thì còn chừng 20 triệu đồng/ha”. Với cách tính này, chỉ các hộ có diện tích lớn như gia đình ông mới thu về được khoảng 200 triệu đồng/năm, tưởng là cao nhưng bài toán đầu tư/thu nhập trên đất quá bấp bênh. So với khoảng 5-7 năm trước, khi các nhà máy đường tại Gia Lai và các tỉnh lân cận liên tục tăng công suất, tranh giành nguyên liệu đẩy giá lên cao, nông dân ồ ạt chuyển đất trồng khoai mì qua trồng mía, thì câu chuyện cây mía nay đã khác hẳn. Cái thời những hộ có tiền đi thuê, mua hàng chục ha đất để cải tạo và trồng mía, thu về mỗi năm từ 500-600 triệu đồng... nay đã lùi rất xa. Tại Thanh Hóa, mía là cây chủ lực của ngành nông nghiệp tỉnh này gần... 20 năm qua. Nhưng những nông dân mà chúng tôi gặp trong vụ thu hoạch mía nguyên liệu niên vụ này ở thôn Tân Thành, xã Thanh Tân (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) cũng đầy những lời than vãn. Bà Hoàng Thị Bạn (thôn Tân Thành) cho biết: “Gia đình tôi trồng 2ha mía nguyên liệu 10 năm rồi, nhưng chưa năm nào khốn khó như năm nay. Chất đất này, cách canh tác này thì năng suất mía chỉ đạt 50-60 tấn/ha (tùy vụ). Giá thu mua mía nguyên liệu của Công ty cổ phần mía đường Nông Cống áp dụng theo chữ đường (*): mía đạt 10 chữ đường có giá 900.000 đồng/tấn. Mía nhà tôi chỉ đạt dưới 10 chữ đường thì giá còn 850.000 đồng/tấn, mỗi hecta mía chỉ được 42-45 triệu đồng. Chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc, thu hoạch cho mỗi hecta đã mất từ 20-22 triệu đồng”. Như vậy, mỗi hecta trồng mía nguyên liệu, sau khi trừ hết mọi chi phí, nông dân Thanh Hóa còn được khoảng 20 triệu đồng, chia cho 12 tháng trong năm, mỗi tháng được hơn 1 triệu đồng. Trà Cú (Trà Vinh) là huyện có diện tích trồng mía lớn ở ĐBSCL với khoảng 5.000ha. Hơn 5.000 hộ dân trồng mía của huyện cũng đang rơi vào khó khăn bởi năng suất bình quân chỉ đạt 10-13 tấn/ha, giá mía thu mua từ Công ty Mía đường tỉnh Trà Vinh là 960.000 đồng/tấn cho loại mía hàm lượng đường đạt 10 CCS. Ông Lưu Văn Phát (83 tuổi, ngụ ấp Chợ) có 20 năm kinh nghiệm trồng mía, than thở về 1,5ha mía của mình: “Ba năm qua, năm nào cũng lỗ. Năng suất trung bình đạt trên 15 tấn/ha, tổng chi phí khoảng 8 triệu đồng/công (0,1ha) mà chỉ bán được 6-7 triệu đồng/công. Năm ngoái lỗ nặng, không còn tiền xuống giống tui phải đi vay, năm nay cũng vậy”. Cạnh đồng mía ông Phát là ruộng mía hơn 1ha của trưởng ấp Nguyễn Văn Hoàng, người cũng trồng mía ngót nghét 15 năm. Ông Hoàng mới thu hoạch xong 5 công mía, trừ chi phí dư được 25 triệu đồng. Hỏi ông phần lớn ai cũng lỗ hoặc huề vốn, sao ông vẫn có dư, ông Hoàng chỉ tay xuống ruộng mía đang trồng xen canh cây đậu xanh: “Tui đoán trước là lỗ nên bỏ công ngày đêm chăm sóc, không dám thuê làm cỏ, cắt lá, bón phân, vận chuyển gì hết. Tui trồng thêm đậu để bán kiếm tiền phân cho cây mía. Tính trên công sức vun trồng cả năm trời mà được 25 triệu đồng thì sao gọi là lời được”. Nhiều hộ khác thì vay tiền công ty mía đường để tái sản xuất, khi thu mua mía, công ty tự cân đo rồi quy ra tiền trừ, lỗ vốn thì lại ghi nợ năm sau. Số liệu từ Bộ NN&PTNT (niên vụ mía đường 2011-2012) - Đồ họa: M.N. May nhờ... ông nhà máy, rủi chịu... phần nông dân Gia đình bà Nguyễn Thị Liên, thôn Kim Năng 2 (xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, Gia Lai) như đang ngồi trên lửa vì mía bắt đầu chín mà chưa lấy được lệnh chặt từ Nhà máy đường Ayun Pa. Hai năm rồi, chi phí cho 10ha mía tăng vọt, giá mía thì cũng không còn được như giai đoạn trước mà để bán được cây mía “phải lụy đủ nơi: từ ông kiểm sát viên nhà máy tới người đi chặt mía thuê” - bà Liên than phiền. Nông dân trồng mía tại Gia Lai cho biết vào vụ thu hoạch mía chín đồng loạt, họ phải chen nhau lấy phiếu để được chặt sớm, tiêu cực cũng phát sinh từ đây. Nắm được tâm lý nôn nóng của nông dân nên lực lượng các “bầu” thu hoạch mía (người đứng đầu một nhóm chuyên đi chặt mía thuê) ra sức o ép chủ mía, cán bộ phụ trách vùng nguyên liệu cũng nhũng nhiễu, bắt nông dân “chung chi” đủ thứ thì mới cho lệnh chặt. Các chủ mía cũng cho biết họ không hề được tham gia vào quy trình thu mua, tính sản lượng, chữ đường khi về nhà máy hiện nay. Nông dân lấy được lệnh chặt và đưa mía lên xe tải là coi như hết việc. Mía được đưa về nhà máy, toàn bộ việc cân đo đong đếm trọng lượng đến đánh giá chữ đường (yếu tố để tính giá mua mía) đều do nhà máy đường làm. Một nông dân mô tả: “Không chủ mía nào được đi theo xe mía của mình và quan sát việc cân mía. Mỗi xe mía vào đến nhà máy phải chờ ba, bốn ngày mới tới lượt cân, họ cân cách nào cũng chịu, trọng lượng, chữ đường nhiều ít ra sao tùy thuộc vào... độ trung thực của nhà máy”. Để trả lời những câu hỏi của nông dân về việc tính toán chữ đường, cân đếm mía tại nhà máy, chúng tôi đã đến Nhà máy đường Ayun Pa. Ông Cáp Thành Dũng - tổng giám đốc Công ty Mía đường nhiệt điện Gia Lai (Nhà máy đường Ayun Pa) - cho biết hiện việc cân trọng lượng mía cho tới tính chữ đường được thao tác “hoàn toàn tự động bằng máy móc, không có sự can thiệp của nhân viên công ty”. Quy trình là: mía đưa lên bàn cân, trọng lượng hiển thị trên màn hình máy tính, nhân viên lấy mã số xe mía để gửi vào bộ phận kiểm đếm. Mía sau khi được đổ xuống và chuyển vào trục ép, mẻ nước mía ngẫu nhiên sẽ được hút ra và chuyển theo đường ống về phòng đo chữ đường. Nhưng quan sát trực tiếp tại trạm cân và phòng đo chữ đường này thì nhận thấy việc can thiệp vào kết quả là hoàn toàn có thể vì mía được lấy mẫu bằng tay ở một số công đoạn. Nông dân trồng mía phải đối diện với tình trạng mía cháy hằng năm Phóng to Nông dân chạy đua thu hoạch mía từ sáng sớm để tránh mía bị cháy, mía quá già - Ảnh: Thái Bá Dũng Ở vùng mía Thanh Tân, Thanh Kỳ (Thanh Hóa), bên ruộng mía còi cọc, chị Hoa thở dài kể: “Hồi trước, Công ty cổ phần mía đường Nông Cống mua theo phương thức mua mía xô tại ruộng, mang về nhà máy cân đo rồi trừ 5-10% tạp chất, mọi thứ đỡ phức tạp. Nhưng từ năm ngoái, công ty tính theo chữ đường để định giá mà việc kiểm tra, tính chữ đường của từng xe mía nguyên liệu chỉ có người của công ty biết, chứ nông dân chúng tôi có được xem cách tính, kiểm tra chữ đường ra sao đâu. Hiện nay, nông dân chặt, bốc mía lên xe vận chuyển tại ruộng, đồi, rồi tài xế cùng những người trung gian thu mua (gọi là chủ thầu mía nguyên liệu) đưa xe mía lên nhà máy cân, đo chữ đường. Sau khi nhập mía xong, tài xế mang phiếu ghi tổng trọng lượng, chữ đường của xe mía mới nhập chuyển cho nông dân”. Có xe mía tài xế đem phiếu về ghi chữ đường 10 CCS, có xe ghi 9, rồi 8 CCS, dù là mía trồng cùng thửa, cùng năm, chăm sóc như nhau, nông dân không có cách nào thắc mắc. Ở Trà Vinh, tình hình y hệt. “Lúc thì nói chữ đường trong cây mía đạt nên mua với giá 960.000 đồng/tấn, lúc lại nói chữ đường sụt, giá mua tụt xuống chỉ có 360.000 đồng/tấn, có ai mà biết kiểm tra, thôi thì giao mạng cho người mua” - ông Phát thở dài. (*): chữ đường (commercial cane sugar): khái niệm chỉ lượng đường thương phẩm có thể được chiết xuất từ cây mía Ám ảnh mía cháy Hai năm vừa rồi, hàng trăm ruộng mía của nông dân đến lúc thu hoạch nhưng chưa kịp chặt đã “bỗng dưng” bốc cháy khiến nhiều chủ mía khóc ròng giữa đồng. Theo Sở NN&PTNT Gia Lai, trong vụ ép 2012-2013 đã có trên 800ha mía của nông dân bị cháy, trong đó huyện chịu thiệt hại nặng nhất là Phú Thiện với hơn 300ha. Dọc các vùng nguyên liệu mía ở các huyện Phú Thiện, Ayun Pa, Ia Pa dễ dàng bắt gặp cảnh những ruộng mía rộng hàng chục hecta bị lửa thiêu rụi. Vụ thu hoạch mía năm nay vừa bắt đầu trong nguy cơ cháy rất cao, những ruộng mía bắt đầu khô lá và chín rục dưới cái nắng khô khốc. Nông dân đang phải chạy đua với lửa để lấy phiếu thu hoạch, vừa đặt các trạm canh gác, trạm chữa cháy khẩn cấp. Ông Cáp Thành Dũng - tổng giám đốc Công ty Mía đường nhiệt điện Gia Lai (Nhà máy đường Ayun Pa) - cho biết dù vụ ép mới bắt đầu được vài ngày nhưng vùng nguyên liệu mía của công ty (khoảng 9.500ha) đã xảy ra 10 vụ cháy ruộng mía gây thiệt hại nặng cho nông dân. Mía cháy là nỗi ám ảnh lớn nhất của nông dân trồng mía tại Gia Lai. Đại diện phòng nông nghiệp các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Ayun Pa... nói nguyên nhân mía cháy chủ yếu là do người dân bất cẩn để lửa bén qua ruộng mía khi đi đốt mía gốc, bắt chuột, hút thuốc... Còn theo lực lượng chức năng và cán bộ nhà máy đường, họ đã xác định được việc nông dân tự đốt mía hoặc có kẻ xấu đốt mía để gia tăng áp lực thu mua cho các nhà máy. Ông Phan Đình Thọ - chủ mía ở phường Tây Sơn (thị xã An Khê) - cho biết vụ ép vừa qua gia đình ông bị lửa thiêu cháy 4ha, mía cháy đứng trên đồng, một ngày gia đình mất cả chục triệu đồng nên mỗi lần mía cháy coi như cả năm gia đình làm không công. ___________________ Theo Sở NN&PTNT Thanh Hóa, niên vụ mía 2012-2013, nông dân trong tỉnh trồng được trên 34.700ha mía nguyên liệu. Cơ giới hóa khâu làm đất đã được áp dụng trên 80% diện tích mía trồng mới. Toàn vùng nguyên liệu mía phục vụ cho ba nhà máy mía đường (Lam Sơn, Việt - Đài, Nông Cống) có gần 70% diện tích trồng các loại mía chất lượng tốt, mức đầu tư bình quân 15 triệu đồng/ha. Phóng to Nông dân trồng mía tại phường Tây Sơn (thị xã An Khê) thu hoạch mía nhập cho Nhà máy đường An Khê - Ảnh: Thái Bá Dũng Đi vào thâm canh Tỉnh này cũng có một vùng mía với khoảng 3.780ha mía thâm canh, năng suất mía bình quân niên vụ 2012-2013 đạt 61 tấn/ha, sản lượng mía đạt 2,1 triệu tấn, chữ đường đạt 9,8 CCS, tất cả các con số này đều cao hơn niên vụ trước. Niên vụ sản xuất mía đường 2013-2014 này (kéo dài đến tháng 4-2014), sản lượng cũng ước đạt hơn 2,1 triệu tấn, đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu cho cả ba nhà máy đường trên địa bàn tỉnh. Đầu tháng 11 vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thông báo giá mía nguyên liệu vụ ép này, theo đó giá mía nguyên liệu có chữ đường 10 CCS là 900.000 đồng/tấn tại ruộng, giá mua mía nguyên liệu có chữ đường dưới 10 CCS cũng không thấp hơn 850.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN&PTNT Thanh Hóa, việc phát triển mía nguyên liệu không theo quy hoạch vẫn diễn ra ở một số huyện, diện tích mía trồng trên đất dốc từ 150 trở lên chiếm tới 18,4% tổng diện tích. Bình quân mỗi hộ nông dân ở đây chỉ sở hữu 0,52ha đất mía, rất manh mún, nên khó thực hiện cơ giới hóa đồng bộ khâu trồng mía. Việc nông dân dùng ngọn mía thương phẩm để trồng, tỉ lệ trồng giống mía cũ, giống thoái hóa khá cao… Ngoài ra, việc đầu tư giống mía, phân bón ứng trước, thu mua, vận chuyển mía nguyên liệu đều đang thực hiện qua khâu trung gian, nông dân trồng mía phải trả nhiều chi phí, nên lợi nhuận của họ vẫn chỉ là phần… ngọn mía. Chính quyền tỉnh Thanh Hóa đang siết chặt việc trồng mía theo quy hoạch và chuyển diện tích mía đứng trên đất dốc 150 trở lên sang trồng cây lâm nghiệp, cao su, sắn. Đồng thời yêu cầu giảm diện tích mía nguyên liệu toàn tỉnh từ gần 35.000ha xuống còn 28.000-30.000ha, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Tỉnh cũng yêu cầu các nhà máy đường ký hợp đồng trực tiếp với nông hộ, hoặc các hợp tác xã dịch vụ để giảm bớt khâu trung gian thu mua mía vốn đang gây rất nhiều bức xúc cho nông dân. Loay hoay khâu thu mua Ông Sơn Nê - phó chủ tịch UBND xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh - cho biết mấu chốt là chuyện minh bạch trong thu mua vẫn còn bỏ ngỏ. Ông Trần Trung Hiền, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, khẳng định đã cùng đại diện Sở Công thương giám sát hoạt động thu mua của công ty mía đường tỉnh, nhưng dù “đoàn công tác” đã yêu cầu công ty giải thích cách tính các chỉ số liên quan đến công đoạn thu mua và cho nông dân giám sát, song khi phía nhà máy khăng khăng “máy đánh giá chữ đường hoạt động đạt chuẩn” thì lại chưa có phương pháp kiểm định việc chấm chữ đường của những loại máy này. Ngoài việc hỗ trợ người dân theo “hướng lâu dài” như bao đê chống lũ, ngừa dịch bệnh, thay đổi giống mía chất lượng cũng như kỹ thuật chăm sóc…, chính sách hỗ trợ thực tế cho từng mùa vụ mía mà người dân gặp khó khăn cũng “chưa có gì cụ thể” và “sở sẽ xem xét để có hướng xử lý và hỗ trợ cho nông dân trong thời gian tới”. Còn theo ông Sơn Nê, việc phía công ty mía đường hỗ trợ 250 hộ (vay 3,4 tỉ đồng), ngân hàng hỗ trợ 240 hộ (vay 3,5 tỉ đồng) và quỹ tín dụng hỗ trợ 96 hộ (2,2 tỉ đồng) chẳng thấm tháp gì so với mức đầu tư rất lớn của nông dân hiện nay (trung bình 80 triệu đồng/ha hằng năm). Do vùng nguyên liệu mía nơi này vẫn sẽ được giữ nguyên diện tích, xã sẽ thành lập các tổ hợp tác, xây dựng vùng sản xuất mía theo tiêu chuẩn chất lượng cao với giải pháp trước mắt là chuyển đổi giống mía. ____________________ Phóng to Vận chuyển mía bằng đường sông ở xã Tân Hòa, Bến Lức, Long An - Ảnh: Võ Duy Bằng Phải thêm một lần "lột xác"? Ngành mía đường nước ta là ngành “sinh sau đẻ muộn” so với rất nhiều ngành khác. Thế nhưng, cho dù đã được “lột xác” một lần, nó vẫn là ngành đứng trước nguy cơ đổ vỡ hàng loạt. Do vậy, đây cũng chính là ngành cần tái cơ cấu mạnh mẽ khi nguy cơ này đã cận kề. Cho dù cũng có bề dày lịch sử nhiều thập kỷ, nhưng mía đường chỉ thật sự trở thành một ngành nông - công nghiệp của nền kinh tế nước ta nhờ chương trình 1 triệu tấn đường vào những năm cuối thế kỷ trước. “Ăn cơm mới, nói chuyện cũ” Vào giữa thập kỷ 1990, chúng ta chỉ có 14 nhà máy đường “siêu mini” với tổng công suất 11.500 tấn mía cây (tmc)/ngày, còn mía tuy đạt diện tích 167.000ha và sản lượng 7,55 triệu tấn, nhưng sản lượng mía ép chỉ đạt 1,3 triệu tấn, cho nên sản lượng đường chỉ đạt vỏn vẹn 110.000 tấn. Chính vì vậy, các nhà quản lý đã quyết tâm xây dựng ngành nông - công nghiệp mía đường đáp ứng nhu cầu đang trên đà tăng rất mạnh của nước ta, tránh tình trạng phụ thuộc ngày càng nặng nề vào nhập khẩu. Nhưng chặng đường phát triển thái quá của ngành mía đường mà thiếu viễn kiến và giải pháp điều chỉnh linh hoạt dẫn đến hậu quả nhãn tiền ngày nay, khiến ngành mía đường của nước ta trở nên bất cập và nguy cơ đổ vỡ hàng loạt đang cận kề. Có thể dựa trên ba căn cứ chủ yếu sau đây làm minh chứng: Thứ nhất, việc xây dựng ồ ạt các nhà máy đường bất chấp sức cạnh tranh quá kém là nguyên nhân đầu tiên khiến ngành mía đường lâm vào tình trạng dở sống dở chết ngay từ khi kết thúc chương trình 1 triệu tấn đường vào năm 2000. Theo Bộ NN&PTNT, thay vì 14 nhà máy đường “siêu mini” trước khi chương trình 1 triệu tấn đường được khởi động (công suất bình quân mỗi nhà máy là 821 tmc/ngày) chỉ có thể sản xuất trên 170.000 tấn đường, số nhà máy đường hoạt động vào niên vụ 2000-2001 đã đạt kỷ lục 47 và tổng công suất cũng đạt kỷ lục trên 78.000 tmc/ngày. Tức là tổng sản lượng đường theo công suất thiết kế đạt gần 1,2 triệu tấn, thậm chí có thể đạt 1,4 triệu tấn. Đây là một thứ công suất “đón đầu” cả chục năm, và do vậy là sự lãng phí vô cùng lớn. Song, điểm yếu lớn nhất của hầu hết các nhà máy đường được xây dựng theo chương trình này vẫn còn nguyên: quy mô vẫn quá nhỏ nên cũng không có khả năng cạnh tranh. Ở thời điểm kết thúc chương trình 1 triệu tấn đường, công suất bình quân mỗi nhà máy đường của nước ta chỉ là 1.664 tmc/ngày, còn nếu thực hiện bước hai của các dự án (mở rộng) thì cũng chỉ vào khoảng 2.500 tmc/ngày. Trong đó, nếu trừ ba nhà máy đường có công suất tuy “khủng” nhất của nước ta (từ 6.000 tmc/ngày trở lên), mà vẫn thuộc loại trung bình, thậm chí “mini” so với của các cường quốc mía đường thế giới, thì công suất bình quân của 44 nhà máy đường còn lại còn thuộc loại “siêu mini”, bởi chỉ đạt 1.323 tmc/ngày. Đây là điều các nhà quản lý không thể không biết, bởi thời điểm chúng ta bắt đầu xây dựng chương trình 1 triệu tấn đường là thời điểm cường quốc mía đường Thái Lan đã trải qua quá trình tái cơ cấu ngành này của họ tròn một thập kỷ với nội dung mấu chốt là hình thành các nhà máy đường khổng lồ với công suất bình quân trên 19.000 tmc/ngày. Chính vì vậy, sau hơn 10 năm vận hành chương trình 1 triệu tấn đường, công suất bình quân mỗi nhà máy đường của chúng ta hiện cũng chỉ mới đạt 3.475 tmc/ngày, vẫn quá nhỏ để sản phẩm đường của chúng ta có sức cạnh tranh. Không những vậy, mặc dù rất nhiều trong số 40 nhà máy đường đang hoạt động của chúng ta hiện nay là được xây dựng mới, nhưng công nghệ lạc hậu, thậm chí có cả những nhà máy “second hand” đã được nhập khẩu về. Thứ hai, trong khi ngành công nghiệp chế biến đường còn nhiều bất cập như vậy thì ngành mía nguyên liệu cũng bất cập không kém. Kể từ khi kết thúc chương trình 1 triệu tấn đường đến nay, chưa bao giờ các nhà máy đường có đủ mía nguyên liệu để chạy hết công suất. Những năm đầu còn có thể “đổ tại” công tác xây dựng vùng nguyên liệu của các nhà máy đường có quá nhiều bất ổn, khiến khối lượng mía nguyên liệu thu hút được chiếm chưa tới 50% tổng sản lượng mía của nông dân. Nhưng qua chục năm rồi, dù niên vụ vừa qua tỉ lệ này đã tăng vọt lên 85,6%, nhưng khối lượng mía nguyên liệu thiếu vẫn lên tới 1,45 triệu tấn, bằng 7% tổng công suất của các nhà máy đường. Nói cách khác, tình trạng “đói mía nguyên liệu” vẫn là “căn bệnh tự cổ chí kim” của ngành công nghiệp đường nước ta. Thứ ba, chất lượng mía nguyên liệu cũng là vấn đề chưa có lời giải. Bộ NN&PTNT cho biết nếu như hiệu suất thu hồi đường của nước ta trong những năm đầu thập kỷ 1990 dao động trên dưới 12% (tỉ lệ giữa lượng đường thu được so với lượng mía nguyên liệu đưa vào ép) thì bốn năm gần đây chỉ dao động xung quanh ngưỡng 11%. Với những điểm yếu “sống dai” như vậy, giấc mơ cạnh tranh với các cường quốc mía đường thế giới của ngành mía đường Việt Nam vẫn “đi về nơi xa lắm”. Các kết quả tính toán theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho thấy trong khi sản lượng đường thu được trên mỗi hecta mía của Việt Nam niên vụ vừa qua chỉ đạt 5,13 tấn thì năng suất của Thái Lan đạt 7,36 tấn (tức là cao hơn tới 43,5%), còn của Brazil đạt năng suất “khủng” tới 8,87 tấn (cao hơn tới 72,9%). Sự “lép vế” của ngành mía đường nước ta trước đường “made in Thailand” bắt nguồn từ sự thua kém này. Phóng to Nông dân xã Thanh Tân, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa thu hoạch mía - Ảnh: Hà Đồng Phải thêm một lần "lột xác" triệt để Chính vì sức cạnh tranh quá kém, thậm chí có thể nói là không có sức cạnh tranh như vậy, cho nên ngành mía đường của nước ta có nguy cơ sụp đổ hàng loạt khi buộc phải mở cửa thị trường hoàn toàn để hội nhập (Việt Nam phải mở cửa hoàn toàn cho việc nhập đường từ năm 2015 theo cam kết WTO). Do vậy, muốn ngành mía đường không bị xóa sổ hàng loạt, vấn đề tái cơ cấu đặt ra như là một tất yếu. Hiển nhiên, mục tiêu tổng quát cốt lõi của việc tái cơ cấu là nâng cao năng suất đường trên mỗi hecta mía. Vấn đề đầu tiên đặt ra là chúng ta sẽ mở rộng quy mô công suất bằng cách trang bị thêm máy ép mía hoặc dây chuyền ép mía để tăng mạnh, thậm chí tăng đột biến quy mô của hàng loạt nhà máy đường vẫn còn rất nhỏ hiện nay để đạt hiệu quả về quy mô, và do vậy tăng rất mạnh năng lực sản xuất của ngành công nghiệp đường, đồng thời gia tăng mạnh cả diện tích, năng suất và chất lượng mía để đáp ứng nhu cầu mía nguyên liệu. Theo hướng ngược lại, cần sáp nhập các nhà máy đường có quy mô quá nhỏ hiện nay để tăng hiệu quả về quy mô, đồng thời gia tăng mạnh cả diện tích, năng suất và chất lượng mía để đáp ứng nhu cầu mía nguyên liệu của các nhà máy mới, còn diện tích trồng mía ở các nhà máy bị xóa sổ thì chuyển sang các loại cây trồng khác. Trong đó, nếu lựa chọn hướng tái cơ cấu thứ nhất, đương nhiên khối lượng đường sản xuất hằng năm của chúng ta trong những năm tới sẽ tăng vọt, cho nên khối lượng đường xuất khẩu sẽ không phải là 400.000-500.000 tấn như hiện tại mà sẽ tăng khoảng gấp đôi, thậm chí gấp ba. Theo hướng ngược lại, mục tiêu đặt ra có thể là tăng sức cạnh tranh để giữ “sân nhà” cho các nhà máy đường được tái cơ cấu. Trong bối cảnh như đã nói trên, có lẽ khả năng tăng vọt hiệu quả của ngành mía đường để đường “made in Vietnam” có thể cạnh tranh ngang ngửa với các quốc gia xuất khẩu đường trên thị trường thế giới là điều khó xảy ra, thậm chí viễn tưởng, tức hướng phát triển thứ hai là phù hợp. Điều này có nghĩa là cần kiên quyết mạnh tay xóa bỏ những nhà máy đường chắc chắn không đủ sức cạnh tranh khi thị trường đường của nước ta buộc phải mở cửa và sáp nhập vào những nhà máy đường có triển vọng tồn tại nếu mở rộng được quy mô sản xuất. Đây không phải là điều gì mới mẻ, mà là giải pháp chẳng đặng đừng Chính phủ phải áp dụng cách đây tròn một thập kỷ. Bởi lẽ, với việc “lạm phát” nhà máy đường vào năm 2000 (47 nhà máy), trong đó có không ít nhà máy hoạt động không có hiệu quả, thậm chí thua lỗ rất nặng nề, khiến năm 2004 Chính phủ đã phải áp dụng một loạt giải pháp để tái cơ cấu, trong đó có việc xóa sổ tới 11 nhà máy trong vòng ba năm. Mặc dù vậy, cuộc “lột xác” này vẫn rất “nửa vời”, bởi sức cạnh tranh rất kém của ngành mía đường hiện nay là minh chứng. Dù quy mô của các nhà máy đường hiện nay đã tăng hơn gấp đôi nhưng vẫn còn quá nhỏ, năng suất mía hiện đã tăng 26,1% nhưng vẫn còn thấp rất xa so với Brazil và Thái Lan. Việc Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) “la làng” khi Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai có ý định nhập khẩu 30.000 tấn đường thô sản xuất từ Lào về chế biến trong nước để rồi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng bắt nguồn từ chính nguyên nhân này. Việt Nam cần một lần “lột xác” ngành mía đường, nhưng phải là một cuộc “lột xác” triệt để để nâng cao đáng kể sức cạnh tranh - điều vốn rất bức xúc từ nhiều năm nay và hiện đã là rất muộn. Bằng không, tình trạng sụp đổ hàng loạt là điều rất khó tránh. Tags: Mía đườngTrồng míaCây míaNgành mía đường
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đẩy mạnh đột phá về thể chế vì đó là 'đột phá của đột phá' TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM 24/01/2025 Chiều 24-1, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài phát biểu quan trọng bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sau gần 2 ngày làm việc.
Chiều 25 Tết, các điểm đầu TP.HCM ken đặc, hành khách xếp hàng ở sân bay nhiều giờ THU DUNG 24/01/2025 Chiều 24-1, người dân bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đường phố TP.HCM càng về chiều càng đông, cuộc xuân vận bắt đầu diễn ra.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Mỹ bắt đầu trục xuất hàng trăm người nhập cư lậu, tuyên bố 'chiến dịch trục xuất lớn nhất lịch sử' KHÁNH QUỲNH 24/01/2025 Ngày 23-1, chính quyền mới của ông Trump đã bắt hàng trăm người nhập cư trái phép và trục xuất nhiều người ra khỏi nước Mỹ bằng máy bay quân sự.