TTCT - Cây đa nghĩ? Đây hẳn là phép tu từ, vì cây không biết cảm nhận, chưa nói đến tư duy. Nó chưa tiến hóa đủ nhiều để biết thế nào là đẹp, và để có gu. Cây Banyan (1961). Sơn dầu trên vải, 71,7 x 92cm của Peter Blume. Ảnh: Bảo tàng Nghệ thuật Hoa Kỳ SmithsonianĐộc giả có quyền nghĩ vậy, với vẻ vô lo nghĩ của một con người trung bình, trong lúc những cái cây bí mật mời nhau những bông hoa - chuẩn mực của cái đẹp về mùi hương, màu sắc, vị mật và hình dáng đối xứng.Khoa học đã chứng minh rằng thực vật có mọi giác quan mà con người có, đồng thời có khả năng giao tiếp với các cây lân cận bằng mùi hương và tín hiệu điện, dù thị giác chúng không nhạy. Thiếu cảm nhận, cây đã không biết vươn về phía ánh sáng, lần tìm nguồn nước trong đất, hoặc nhuộm vàng lá mình trước khi con người kịp thấy mùa thu. Dù vậy, đoán gu thẩm mỹ của cây đa không dễ, vì hình như chúng xấu một cách chiến lược: vẻ xù xì, vặn vẹo, hắc ám của chúng khiến con người phải sợ mà tôn làm thần và không chặt, để mặc chúng mọc trong khoảng không gian và thời gian rộng đến mức chúng hóa thành một mốc đánh dấu quê hương. Ai phải đi qua vùng ngoại ô vào ban đêm, xin hãy đi vệ sinh trước ở nhà, trước khi chạm mặt những cây đa xòe tán rộng nhốt một vùng sương đục lững lờ từ đất bay lên, trong lúc dập tàn ánh trăng của cô Hằng và ánh đèn nhiều lần sáng hơn của điện lực thành phố.Trong mắt những người vững bóng vía hơn tôi, cây đa trông thế nào thì đẹp? Tôi đã gặp cây đa đẹp nhất Hà Nội trên vỉa hè đường Hoàng Hoa Thám, nơi tôi kính cẩn cúi xuống, trong tư thế ngồi xổm, để ngắm nó cuồn cuộn chảy như một thác mây đông cứng trong chậu bonsai. Được bàn tay tài hoa của người nghệ nhân uốn nắn tới khi chạm đến tầm giá trị của năm tô phở, cây non xinh xinh ấy đã hội đủ vẻ xù xì, hắc ám và vững chãi của một đại thụ nơi đầu làng. Nhưng cách nó 3km về hướng đông, cây đa cổ thụ cuối dốc Ngọc Hà, đánh dấu làng Ngọc Hà xưa, đang đứng thẳng tưng giữa bồn cây vuông vắn, cải trang làm một cây đô thị gương mẫu. Những người làm vườn cũng gương mẫu như vậy đã không ngừng cắt bỏ các rễ phụ của nó, để chúng không xuyên thủng vỉa hè lát đá trước cổng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ cả hai cây đều đẹp.Ảnh: NGUYỄN VŨ HIỆPNhưng cây đa nghĩ thế nào là đẹp? Để tìm câu trả lời, tôi đi theo hướng chỉ của bàn tay Venus - vị thần La Mã cùng lúc quản trị cái đẹp, ham muốn và tình yêu. Các Venus của Knidos, Botticelli, Giorgione và Titian đồng loạt đưa tay che bông hoa trên hông mình. Cũng như con người, và khác hầu hết những loài cây có hoa, cây đa che bông hoa của nó.Vào mọi mùa trong năm, cành đa chi chít những khối cầu nhỏ đỏ ửng mà người ta tưởng là quả, nhưng thực ra là hoa đa. Mỗi khối cầu này chứa nhị, nhụy và khoảng 50 ấu trùng ong to bằng đầu mũi kim mà cây đa tiết mật để nuôi dưỡng. Vào ngày lột xác trưởng thành, đàn ong giao hoan trong buồng hoa đầy phấn, trước khi ong đực đào hang cho ong cái thoát khỏi khối cầu và bay đi. Con ong đực không cánh sẽ chết ngay trong bông hoa quê mình, bên miệng hang nó mới đào; còn ong cái, lặc lè phấn hoa, sẽ bay xa để tìm cây đa khác. Theo dấu chỉ của một mùi hương bí mật mà chỉ ong và đa mới biết, nó tìm đến cái lỗ nhỏ là con đường độc đạo dẫn vào lòng hoa đa.Gắng sức chui qua đường hầm hẹp và ngoằn ngoèo làm mình gãy dần từng cánh, chân, râu, ong mẹ thụ phấn cho nhụy khi đẻ trứng bằng chút sức tàn, rồi chết đi, bị hoa hấp thu, dùng làm năng lượng để tiết mật nuôi lứa ong con mới.Như con người từng nuôi bồ câu đưa thư, cây đa nuôi ong để đưa thư tình. Gã khổng lồ lưỡng tính ấy chăn nuôi thư, cặm cụi dành nhiều tháng viết một lứa thư bay không ghi địa chỉ. Viết những lá thư đẹp, và gọi thư đến bằng mùi nước hoa đẹp nhưng rất nhẹ, nó ửng phấn hồng trong những ngày đẹp trời của mưa và nắng - tiết trời rót nhiều dưỡng chất nhất cho hoa. Nó cảm thấy được yêu khi xác ong tan trong hoa mình, như chocolate tháng hai từ phương xa bay đến. Nhược bằng không có thư trong hộp, nó đợi và đợi trên thảm hoa ửng đỏ rồi úa nâu vô ích, trong lúc đếm tháng ngày sau tấm mạng che mặt làm từ chùm rễ vươn dài, dài mãi để tìm nước nuôi hoa. Ta hãy chia buồn, vì nó ra hoa vào mọi mùa trong năm: tháng nào trong năm cũng là tháng hai trong nó.Nhược bằng tin vui đến với nó, ngọt nhẹ vị ong tan? Những danh họa Ý thời Phục hưng như Leonardo, Raphael, Botticelli và Lippi rất biết vẽ Đức Mẹ bồng Chúa Hài Đồng: họ vẽ mắt Mẹ nhắm hờ, như ánh mắt các tượng Phật tọa thiền ở phương Đông, tỏa dịu một tình yêu ấm áp lên con mình, thứ tình yêu xóa tan những vị kỷ có thể kết thành một ánh mắt sắc. Ánh mắt khép hờ nối lại sợi dây rốn vừa đứt giữa hai thân hình, để, như con từng ngủ trong tử cung mẹ, giờ mẹ ngủ trong hình bóng con.Ta không bắt gặp lối vẽ này nơi các tác phẩm thời Trung Cổ trước đó hoặc Baroque về sau, hay nơi những Jan van Eck phương Bắc cùng thời: họ vẽ Mẹ nhìn Chúa Con, hoặc một khoảng vô định nằm quá chân trời, bằng đôi mắt mở to tin kính. Nhưng ta lại gặp nó, ngoài mong đợi, ở tượng Đức Mẹ Sầu bi của Michelangelo. Ánh mắt yêu thương của Mẹ, vẫn hiền như lúc đầu, giờ trượt qua xác người con vừa bị đóng đinh mà mình bế trên tay, để tràn ra nhân gian bên dưới. Ấy là ánh mắt buồn cuối cuộc cho đi, không phải ánh mắt đau khổ khi níu chặt. Cây đa mẹ, nếu có mắt, cũng sẽ nhìn các hài đồng của mình theo cách này, khi nó buông tay trao hàng vạn quả mọng cho chim, sóc, chuột, cá, dơi - những thiên thần mang hạt đi gieo xuống các kẽ hở của cõi chết. Hàng vạn hạt tan rã trong bụng chim, chết mục trong nấm mốc, chết khô trên sân gạch. Hàng trăm hạt lả dần vì thiếu nắng khi nảy mầm dưới bóng cây đa khác, thường là mẹ nó hoặc các anh em. Đâu là gu thẩm mỹ của những cây non này? Chúng ta hướng thượng, và ngẩng đầu lên cao, thay vì cúi xuống nhìn những cây thấp hơn mình, nên tất nhiên chúng ta không biết.Dù hầu hết cây đa sẽ chết như cỏ dại khi đang mở to mắt ngước lên trời, một thiểu số may mắn hơn sẽ lớn dần thành những Đức Mẹ đa, tọa thiền trên cao với đôi mắt khép hờ nhìn xuống chúng sinh chim chuột. Chúng mình quên những cây đa chết và thắp nhang thờ riêng cây đa sống, vì chỉ khi sống, đa mới có thể trở thành thần chết của văn vật và cây cối xung quanh. Hôm tu hú đẻ trứng xuống tổ chim chích, chim chích ị một hạt đa xuống ngọn cổ thụ hay mái cổng làng. Hôm trứng tu hú nở, đạp vỡ trứng của bố mẹ nuôi, cây đa nhỏ giăng rễ quấn chặt cái cây, cánh cổng đang cõng nó, cứu nó thoát cơn cớm nắng. Rễ đa lớn dần, siết dần, bóp cây chủ thành gỗ mục và công trình thành phế tích, cho đến khi cổng làng hóa thành một cây đa, và cổ thụ duy nhất trong vùng cũng là những cây đa. Các nhà tự nhiên học người Anh thế kỷ XIX gọi đa là "cây bóp cổ". Còn Tạ Chí Đại Trường thì nhận xét rằng những cây có hình thù kỳ dị, khiến ta tưởng tượng ra mặt người hoặc thần thánh, thường trở thành đối tượng của tục thờ cây. Dân gian có lý: dáng hình vặn vẹo hắc ám của rễ đa được đúc khuôn theo khát vọng sống của loài cây này - một giống mắn đẻ, vậy nên hay chết đói - và theo những cơn giãy chết kéo dài, tuân theo nhịp điệu của những mùa mưa cuối nơi cây nạn nhân. Cả hai đều là sự sống, con người thấy nơi đa cái đẹp của sự sống.Cây đa sống cách nào thì đẹp? Như nàng Medusa hóa đá đàn ông để trả thù trật tự phụ quyền đã khai thác mình như đồ vật, đa trả thù cái chết đói mà đồng loại mình hứng chịu đời đời bằng cách gieo nó lên những cây cạnh tranh. "Đa có lương tâm không?" - tôi hỏi - "Có chứ, vậy nên tôi mới trả thù". Cả hai khuây khỏa, cả hai độc thân, Medusa ngắm nét kinh hoàng trên các bức tượng làm vui, còn đa vĩnh viễn ôm xác cái cây nó từng nép bóng.Tòa án lương tâm cần bên nguyên, bên bị, bồi thẩm đoàn, luật sư và công an theo dõi. Điều này góp phần tạo nên những bất tiện của đời sống độc thân. Năm 1680, Godfried Maes vẽ những lọn tóc rắn của Medusa cắn và nuốt nhau, như biểu tượng Ouroboros, trong lúc chúng dò xét gương mặt đớn đau bi uất của nàng. Có lẽ bi kịch đã xé vụn Medusa thành từng sợi trên mái tóc khiến đám đàn ông mê, để rồi các sợi tóc nuốt nhau đến khi lớn dần thành từng con rắn. Ngày xưa, lũ rắn nuốt đàn ông, để thu hẹp khoảng cách bất công giữa hai cơ thể. Giờ đây, khi đám chiến binh đã sợ - và đàn ông đã hết - bầy rắn quay sang nuốt nhau. Cho đến khi cô gái chỉ còn là một sợi tóc khồng lồ, nằm tròn trịa bất động trong vườn tượng phủ lá vàng. Hoặc, như những bức tượng mẹ-bồng-con của Henry Moore, chúng vĩnh viễn vừa ôm ấp nhau, vừa đẩy nhau ra, vừa đinh ninh ghì chặt, vừa buông thõng bàng hoàng, trong một cuộc đấu tranh về khoảng cách giữa hai cơ thể từng thuộc về nhau nhưng một mai lìa tách. Khi lớn dần rồi chạm đất, những rễ đa kề nhau sẽ phải nhập lại thành một thân đa mới, nối liền với thân cũ chỉ bằng cành đa, để vừa là một, vừa lạ nhau. Như Văn Cao viết rằng: "Từ khi ấy chúng tôi, hai người suy nghĩ. Hai kẻ thù nhau. Hai thái cực tâm hồn. Hai người ấy trong một người chịu đựng". Tags: Cây đaTạp bútSáng tácViết ngắn
Trung Quốc phê duyệt thêm gần 1.000 vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng Việt Nam CHÍ TUỆ 21/05/2025 Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa phê duyệt thêm 829 vùng trồng, 131 cơ sở đóng gói sầu riêng Việt Nam. Đây là cơ hội để sầu riêng nước ta tăng cường xuất khẩu sang thị trường 1,4 tỉ dân.
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương từ trần THÀNH CHUNG 21/05/2025 Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương từ trần hồi 22h51 ngày 20-5 tại nhà riêng, hưởng thọ 88 tuổi.
Ngân 98 lên tiếng: Nghi bị hãm hại có tổ chức, đã gửi đơn tố giác đến cơ quan chức năng BÔNG MAI 21/05/2025 Ngân 98 cho biết vừa làm đơn tố giác gửi đến cơ quan chức năng, nghi ngờ bị vu khống và hãm hại có tổ chức để hạ bệ danh dự và uy tín.
Phá chuyên án kinh doanh đa cấp trái phép đặc biệt lớn, liên quan 9.000 người, tạm giam 12 đối tượng HỒNG QUANG 21/05/2025 Công an tỉnh Lạng Sơn xác định đây là nhóm đối tượng hoạt động tội phạm theo phương thức đa cấp có quy mô đặc biệt lớn, liên quan nhiều địa phương, hoạt động xuyên quốc gia, xuyên biên giới.