14/05/2018 20:07 GMT+7

Cầu Chợ Gạo và đoạn kênh 'tử thần'

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TTO - Trong vòng 10 năm, đoạn kênh dài khoảng 3km quanh khu vực cầu Chợ Gạo (cũ) có tới 58 chiếc sà lan bị chìm và 11 người chết. Nhiều tài công gọi đây là đoạn kênh tử thần.

Cầu Chợ Gạo và đoạn kênh tử thần - Ảnh 1.

Tàu bè kẹt cứng trên kênh Chợ Gạo suốt 6 ngày sau vụ tai nạn ngày 17-5-2008 - Ảnh: V.TR.

Năm 1972, công binh Mỹ và nhà thầu RMK khởi công xây dựng cầu Chợ Gạo để thay cho bến phà chậm chạp. Trong quá trình xây cầu, có hai lính Mỹ bị chết khi canh gác ở đây (một bị rắn độc cắn, một rớt xuống kênh chết đuối).

Đến năm 1973, cầu Chợ Gạo được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Từ năm 2000 trở đi, cầu này biến thành nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với mọi tài công.

Chỗ giáp nước

Tài công Phan Hồng Thái (35 tuổi, quê Gò Công Đông, Tiền Giang) thức nguyên đêm lái sà lan chở 443m3 đá xanh từ Đồng Nai về miền Tây cho kịp lịch hẹn với cảng bốc dỡ.

6h, sà lan của anh vào kênh Chợ Gạo thẳng tắp để trực chỉ hướng sông Tiền. Do sà lan chạy ken cứng trên kênh, nên khi sà lan của anh giảm tốc độ đột ngột thì sà lan chạy phía sau cũng cài số de.

Theo Thái, sở dĩ sà lan ken cứng trên kênh Chợ Gạo là vì lúc này nước đang lớn, tàu bè nương theo cho nhẹ máy, ít hao dầu. Sà lan của anh đang theo nước lớn từ sông Vàm Cỏ vào. Còn sà lan từ miền Tây lên Sài Gòn là theo con nước lớn từ sông Tiền vào.

Hai con nước lớn này gặp nhau ở gần cầu Chợ Gạo, gọi là chỗ giáp nước.

"Chỗ cầu Chợ Gạo từ năm 2013 trở về trước sà lan chìm hoài. Mỗi lần tới đây tôi phải nín thở, căng mắt điều khiển sà lan. Hồi tháng 5-2008, khi sà lan của tôi chuẩn bị chui qua cầu thì có một vụ tai nạn, sà lan chìm chắn ngang kênh. Tôi bị kẹt lại 12 tiếng đồng hồ mới lách qua được" - Thái nói.

Thượng tá Nguyễn Văn Dũng (phó Phòng CSGT đường thủy Công an Tiền Giang) là một trong những người trực tiếp có mặt điều tiết, xử lý các vụ tai nạn tại khúc kênh "tử thần" này suốt từ năm 2000 - 2010.

Ông nói toàn tuyến kênh Chợ Gạo dài 28,5km đều có luồng tàu chạy rộng 70m. Tuy nhiên khoang thông thuyền cầu Chợ Gạo chỉ rộng 28m, giống như cổ chai. Tàu thuyền từ hai hướng tới đây phải dừng lại xếp hàng, từng chiếc một chui qua cầu.

Ở gần cầu có chỗ giáp nước, tàu thuyền dễ bị mất lái trôi tự do, đặc biệt là loại sà lan boong có tàu đẩy (hoặc kéo).

Thống kê của Phòng CSGT đường thủy Công an Tiền Giang cho thấy từ những năm 1980 số lượng tàu thuyền lưu thông qua kênh Chợ Gạo bắt đầu tăng nhanh, đảm nhận vận chuyển khoảng 70% hàng hóa từ miền Tây về TP.HCM.

Đến năm 1990 mỗi ngày có trên 1.000 phương tiện chở hàng hóa.

Những năm 2003 - 2006 có trên 1.300 phương tiện/ngày, nhưng hiện nay chỉ còn hơn 1.000 phương tiện/ngày. Số lượng giảm, nhưng kích thước và tải trọng của sà lan lại tăng gấp nhiều lần.

Trước đây sà lan chở từ 100 - 500 tấn, còn hiện nay có trên 50% sà lan tải trọng từ 500 - 4.000 tấn. Kênh Chợ Gạo lại liên tục sạt lở cộng với cái "bẫy" tại cầu Chợ Gạo khiến tai nạn xảy ra liên miên.

"Năm 2001 chúng tôi đã nhìn thấy cầu Chợ Gạo trở thành cái bẫy tàu thuyền nên đề xuất với tỉnh và Bộ GTVT xây cầu mới có khoang thông thuyền rộng hơn và phá bỏ cầu này. Tuy nhiên lúc đó chẳng ai quan tâm.

Có người còn bảo đề xuất này nhảm nhí vì trên bộ còn không kẹt thì làm gì có chuyện dưới sông kẹt. Nhưng vài năm sau đó đã xảy ra nhiều vụ tai nạn làm kênh Chợ Gạo tê liệt hoàn toàn, một điều chưa từng có trong lịch sử hơn 100 năm của kênh này" - ông Dũng kể.

Cầu Chợ Gạo và đoạn kênh tử thần - Ảnh 2.

Sà lan chen nhau qua cầu Chợ Gạo chật hẹp năm 2009. Tại vị trí này đã xảy ra nhiều vụ chìm tàu khiến kênh Chợ Gạo tắc nghẽn (cầu này được tháo dỡ năm 2013) - Ảnh: V.TR.

Giao thông kẹt cứng

Theo Phòng CSGT đường thủy Công an Tiền Giang, từ năm 2008 - 2017 trên tuyến kênh Chợ Gạo xảy ra tới 61 vụ tai nạn làm chết 11 người, 58 sà lan bị chìm.

Trong đó có hai vụ được coi là hiếm có trong lịch sử ngành đường thủy nội địa VN vì gây tê liệt hoàn toàn tuyến đường thủy độc đạo Sài Gòn - miền Tây và ngược lại suốt nhiều ngày liền. Còn số vụ va quẹt làm kênh bị ùn tắc vài tiếng đồng hồ xảy ra như cơm bữa.

22h30 ngày 17-5-2008, sà lan biển số SG-2591 chở cát san lấp đi từ miền Tây về Sài Gòn. Sà lan này được tàu lai dắt biển số SG-0612 đẩy từ phía sau. Khi đến khoang thông thuyền cầu Chợ Gạo đã va chạm với tàu chở 170 tấn phân bón biển số ĐT-12095 đi hướng ngược lại.

Hậu quả là tàu chở phân bón bị chìm ngay bên dưới dạ cầu. Tàu chìm nằm chắn ngang tuyến đường thủy độc đạo.

Do số lượng tàu thuyền ở hai hướng sông Vàm Cỏ và sông Tiền đổ vào liên tục nên đến sáng hôm sau tuyến kênh Chợ Gạo tê liệt hoàn toàn. CSGT đường thủy hai tỉnh Tiền Giang và Long An huy động toàn bộ lực lượng vào cuộc giải cứu nhưng không có kết quả.

Thượng tá Nguyễn Văn Dũng kể: "Tàu bè đậu chật kín trên kênh kéo dài nhiều cây số. Để tránh va chạm, thuyền trưởng các sà lan đã dùng dây thừng cột vào cây dừa, bạch đàn... ở hai bên bờ kênh để hạn chế va chạm với tàu khác.

Nhưng người dân không cho cột vì sợ tàu kéo ngã cây, gây sạt lở đất. Họ lấy dao chặt đứt dây, thậm chí lấy đá ném xuống sà lan để phản ứng".

Thượng tá Dũng kể tiếp: "Rất nhiều ghe chở nông sản, cá tôm bị kẹt suốt mấy ngày nên bị hư hỏng. Nhiều chủ ghe gặp chúng tôi khóc ròng, nhờ mở đường cho họ thoát ra chứ kẹt thêm một ngày là cả nhà họ đói và lâm vào cảnh nợ nần.

Anh em CSGT đã cố gắng đưa được khá nhiều ghe chở nông sản ra khỏi trận địa. Nhiều người thoát ra được thì chuối đã chín rục, cá tôm chết sạch. Bảy ngày sau, vụ kẹt kinh hoàng trên kênh Chợ Gạo mới được giải tỏa hoàn toàn".

Ngày 17-12-2009, kênh Chợ Gạo tiếp tục gánh chịu trận kẹt nghiêm trọng suốt ba ngày liền do một nguyên nhân kỳ lạ: sà lan bị mắc cạn. Khoảng 6h sáng, sà lan biển số BD-0199 đi từ miền Tây về TP.HCM và sà lan biển số AG-19 đi hướng ngược lại cùng bị mắc cạn cách cầu Chợ Gạo khoảng 1m, phía sông Vàm Cỏ.

Hai sà lan mắc cạn khiến luồng tàu chạy gần như bị bịt kín. Sau ba ngày cật lực giải cứu, đến ngày 19-12-2009 mới thông được luồng, sà lan lần lượt di chuyển qua đoạn kênh tử thần dưới sự hướng dẫn của lực lượng CSGT đường thủy...

Cầu Chợ Gạo và đoạn kênh tử thần - Ảnh 3.

Tháo dỡ cầu Chợ Gạo cũ năm 2013 để giải nguy cho kênh Chợ Gạo - Ảnh: V.TR.

Đập cầu cũ xây cầu mới

Trước tình trạng tai nạn, ùn tắc nghiêm trọng trên đoạn kênh Chợ Gạo này, Bộ GTVT cho xây dựng cầu Chợ Gạo mới có khoang thông thuyền lên đến 150m và đập bỏ cầu Chợ Gạo cũ, đồng thời đầu tư nạo vét thông luồng kênh này.

Năm 2013 cầu Chợ Gạo mới hoàn thành. Hai năm sau, dự án nạo vét, làm kè giai đoạn 1 cũng được tiến hành. Nhờ vậy tuyến kênh Chợ Gạo đã thông thoáng hơn. Đoạn kênh tử thần đã bị xóa sổ. Số vụ va quẹt, tai nạn và ùn tắc giảm hẳn.

______________________

Kỳ tới: Vùng kênh sạt lở

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên