Trong văn hóa của người Việt Nam, lư đồng (lư hương) là một trong những vật dụng không thể thiếu dùng trong thờ cúng ông bà, tổ tiên. Cuối năm, người dân thường vệ sinh, đánh bóng bộ lư ấy để gian bàn thờ ngày Tết trở nên ấm cúng, trang trọng hơn.
Việc thời vụ nhưng kiếm tiền triệu
Những ngày này, trên các tuyến đường của TP Đà Nẵng như Nguyễn Văn Linh, Điện Biên Phủ, Tôn Đức Thắng… không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều người ngồi trên góc phố cùng bảng hiệu "Nhận đánh bóng lư đồng".
Làm nghề thợ hàn, nhưng từ đầu tháng 12 âm lịch, ông Lê Đức Ngọc (55 tuổi, trú phường Bình Hiên, quận Hải Châu) đã sửa soạn đồ nghề, xuống phố làm công việc đánh lư đồng, kiếm thêm thu nhập.
"Nghề này chỉ làm vào tháng cận Tết, nhộn nhịp nhất là độ sau rằm tháng chạp. Tuy ngồi hơi đau lưng, bụi đồng độc hại nhưng cho thu nhập cao, gấp nhiều lần so với công việc làm thợ hàn nên tôi tranh thủ kiếm thêm thu nhập, có tiền sắm Tết", ông Ngọc nói.
Tùy vào độ lớn nhỏ hay hoa văn của bộ lư mà có giá vệ sinh, đánh bóng khác nhau. Bộ lư lớn có giá đánh khoảng 500.000 đồng/bộ. Những bộ vừa, nhỏ có giá dao động từ 200.000 - 300.000 đồng/bộ.
Trung bình một ngày ông Ngọc đánh được 3 - 4 bộ lư, thu nhập từ 600.000 - 700.000 đồng/ngày. Nếu ngày nào may mắn có nhiều khách đặt đánh lư đồng, ông Ngọc có thể kiếm tiền triệu.
Công việc cần sự cẩn thận cao
Hành nghề đánh lư đồng đã lâu, cứ đến gần Tết, ông Nguyễn Thu Minh (48 tuổi, trú phường Nam Dương, quận Hải Châu) tận dụng mặt bằng sửa xe trên đường Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê) hằng ngày của mình làm nơi đánh lư đồng.
Theo ông Minh, lư đồng là vật dụng linh thiêng, có ý nghĩa đối với khách hàng. Chính vì vậy, người thợ phải thật thận trọng, tỉ mỉ để tránh rơi rớt, đứt gãy đồ của khách.
"Khách hàng tin tưởng nên mới giao đồ thờ cúng quan trọng cho mình. Vì thế phải làm thật cẩn thận, vừa để giữ gìn đồ thờ cúng của khách, vừa giữ uy tín cho chính mình. Nếu hư hỏng thì phải đền cho khách. Do vậy, khi nhận lư hương từ khách phải quan sát thật kỹ, xem tình trạng của lư và báo cho khách biết, tránh trường hợp khách nói lư hương hư hỏng do thợ gây ra trong quá trình đánh bóng", ông Minh nói.
Công cụ hành nghề đánh lư đồng đơn giản, bao gồm bộ mô tơ gắn phốt đánh, bột tẩy, cục lơ, bàn chải và vải sạch. Để làm sạch, người thợ tháo rời từng bộ phận của lư trước khi đánh bóng.
Theo ông Minh, những bộ phận như chân lư, khe, rãnh hay những nơi có chạm khắc tinh xảo thường khó đánh sạch. Người thợ phải thật chú tâm, tỉ mỉ đánh bằng mô tơ gắn phốt, sau đó đánh sạch lại bằng bàn chải mới làm sạch những chi tiết nhỏ trên lư.
Cuối cùng, lư đồng sẽ được phủ một lớp bột tẩy và lau lại bằng vải sạch, lắp ráp các bộ phận của lư vào như ban đầu là hoàn thiện quá trình đánh bóng. Với mỗi bộ lư đồng, người thợ mất khoảng 2 tiếng để xử lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận