21/01/2025 21:11 GMT+7

Thương sao cái Tết vương màu bụi

Tết đã chộn rộn trên mấy chậu cúc được bày bán ngoài ngõ. Vậy mà dưới hiên nhà, mẹ vẫn ngồi thẫn người như mọi khi, hệt cái xuân vẫn còn ngập ngừng chưa tới.

Thương sao cái Tết vương màu bụi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trong không gian khoanh lại giữa cây nạng và nền giếng, mẹ như bịt bùng trong thế giới đơn lẻ lúc trời đất giao mùa.

Từ hồi thất nghiệp, tôi chẳng dám gọi về nhà. Nhiều khi cũng lo, hổng biết giờ này ngoài đó đã chuẩn bị Tết chưa? Rồi thì thằng Long đã biết phụ ngoại mấy công chuyện lặt vặt? Ngồi không lại hay suy nghĩ, rồi tự nhiên bụng dạ cứ bồn chồn.

Thế là tôi khăn gói về quê chớp nhoáng. Thôi, cứ về với mẹ mới yên tâm. Từ ngày ba mất, mẹ già nhanh như nải chuối chín quá ngoài vườn. Điểm tựa của mẹ giờ này không phải là cây nạng, mà là cánh tay của mấy đứa con.

Ngồi nhiều giờ trên xe, đến khi chạm chân xuống mảnh đất quê nhà thì trời dần tắt nắng. Từ cửa trông vào, thấy khoảng sân tuổi thơ lắng mình dưới những khoanh bụi. Bàn ghế, tủ thờ hay nền nhà, đều mờ căm trong lớp bụi vàng dày cộm.

Hốt hoảng dụi mắt mấy lần, dụi thiệt lâu, tới khi thả tay xuống thì mắt đã đỏ hoe ươn ướt. Tự nhiên muốn đánh mình mấy tát thiệt đau, thiệt mạnh cho cái lỗi vô tâm. Người đàn bà hơn sáu mươi phải đi lại bằng nạng, làm sao tự mình quét dọn tinh tươm như những ngày cận Tết thuở còn sung sức?

Nhìn lên bàn thờ ba, thấy nụ cười của ổng cũng vướng màu tro bụi, tim cứ như có con dao cùn cứa qua cứa lại. Mẹ thương ba để tang hoài không chịu xả.

Khi thấy chỗ thờ chồng toàn bụi bẩn vây quanh mà chẳng làm gì được, hổng biết đã bất lực tới chừng nào! Càng nghĩ, mắt càng đỏ, rồi cứ rấm rứt khóc như chịu uất ức gì ghê gớm.

"Bây về hồi nào đây?".

Đó là câu đầu tiên mẹ nói hôm ấy. Tôi ngước sang, thấy lưng mẹ còng hơn, lom khom níu lấy cây nạng, tựa bên khung cửa sắt. Chân tóc trước trán mẹ đã nhuốm bạc một nửa, nếp nhăn hằn sâu cùng mấy vết đồi mồi.

Mẹ không hỏi tại sao tôi về lúc này, chỉ muốn biết tôi đã đứng tần ngần đợi bao lâu. Mẹ nghĩ bà lãng tai, nghễnh ngãng không nghe tôi gọi cửa. Bà chỉ sợ tôi chờ dù chỉ trong vài phút. Dù rằng, tôi đã để ba mẹ đợi hết non nửa cuộc đời..

Tôi ôm chầm lấy mẹ, ôm cả cây nạng của mẹ vào lòng. Mấy giọt nước mắt của tôi giấu khẽ sau bả vai gầy của mẹ. Hình như mẹ cũng đang khóc. Người đàn bà long đong nửa kiếp đã dành hết sự nhạy cảm để thương con.

Chắc mẹ biết điều gì đó. Tôi đoán. Tự nhiên thấy may mắn vì quyết định về nhà. Tết năm nay mà ở lại thành phố, nghĩ tới căn nhà đầy màu bụi cùng cây nạng của mẹ, hổng hiểu sao mà nghẹn ngào chẳng thốt nên lời. Con bất hiếu quá, phải không mẹ?

Tôi lau dọn bàn thờ, rồi thắp cho ba nén nhang. Mẹ đứng cạnh, vịn vào cửa tủ, thủ thỉ kể dạo này đường trước nhà đang mở rộng, làm cống nước. Thành ra, mới quét hôm trước thì hôm sau bụi lại chất đống. Mẹ lọ mọ mãi chẳng xong.

Mẹ nói như thể đó là một yếu tố khách quan. Mẹ hiếm khi nhắc tới đôi chân chẳng còn mấy cảm giác. Tôi biết mẹ sợ tôi lo lắng. Cũng như tôi, sợ mẹ biết trong túi mình đã chẳng còn quá một triệu sau khi mua vé về nhà. Hình như chúng tôi luôn có vô số lý do cho những lời nói dối mình cho là thiện chí.

Tôi dùng hai ngày để dọn sạch những lớp bụi cũ. Chặt bớt mấy lùm cây dại mọc chắn lối đi ngoài vườn, rồi lặt lá mai, tưới hồ hoa súng. Cây mai cùng chậu hoa súng này đã ở cùng nhà tôi cả chục mùa xuân, từ hồi ba còn đi biển đánh cá.

Mỗi cây hoa, nhành lá trong vườn đều do hai ba con tự tay trồng từ những mầm nhỏ. Nhớ hồi đó mẹ thường rầy la, bảo trồng cây hái quả để có trái mà ăn.

Ba con bây cứ suốt ngày hoa cỏ, rồi hổng có để làm gì. Vậy mà khi ba mất rồi, lúc chân còn khỏe, cũng chính mẹ là người chăm bẵm bọn chúng kỹ hơn bất cứ đứa con nào trong nhà. Mẹ nhìn nó để nhớ tới ba.

Tết này nhà tôi không gói bánh tét. Mẹ nói ba bây mất rồi, đâu còn ai thức đêm châm thêm nước hay đốt thêm củi. Rồi mẹ chỉ vào tủ, bảo chỉ kịp ủ hai hủ dưa chua.

Cái này ăn kèm với cơm thì cũng ra vị Tết. Tôi gật gù nghe, tay lọ mọ giã ít muối đỗ, muối mè, vì dạo trước mẹ thích ăn cái này chung với cơm trắng.

Tết năm nay chẳng có mâm cao cỗ đầy. Vậy mà lòng tôi vẫn chật ních niềm thỏa mãn. Chỉ cần gia đình bình an, mạnh khỏe, thì cái Tết vương màu của bụi cũng chợt thấy thương thương nhớ nhớ tới lạ kỳ..

Thương sao cái tết vương màu bụi  - Ảnh 1.

Diễn đàn TẾT DƯỚI MÁI NHÀ diễn ra từ ngày 20-1 đến 20-2-2025, do báo Tuổi Trẻ và Công ty INSEE Việt Nam đồng hành.

Tất cả người Việt Nam, không giới hạn độ tuổi, nghề nghiệp đều có thể gửi bài tham dự diễn đàn TẾT DƯỚI MÁI NHÀ. Bài viết gửi đến địa chỉ email [email protected].

Bài viết tối đa 1.000 chữ, khuyến khích kèm theo ảnh, video minh họa.

Bài viết được thể hiện bằng tiếng Việt.

Tác giả ghi địa chỉ, điện thoại, email, số CCCD cùng số tài khoản để ban tổ chức liên lạc.

Bài viết phải chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi viết được tổ chức trước đây, hiện không tham gia trong bất kỳ cuộc thi viết đang được tổ chức. Bài viết chưa từng được đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

Bạn đọc chịu trách nhiệm về bản quyền, khiếu nại xảy ra (nếu có).

Quyết định của ban tổ chức là quyết định cuối cùng.

Giải thưởng diễn đàn TẾT DƯỚI MÁI NHÀ

Các bài bạn đọc gửi đến diễn đàn sẽ được chấm điểm theo tiêu chí cùng với điểm do bạn đọc bình chọn.

Trong đó điểm chuyên môn do ban tổ chức chấm chiếm 50%, bạn đọc bình chọn chiếm 50% tổng số điểm của bài dự thi.

Số điểm bình chọn được tính dựa trên tương tác với bài viết, trong đó 1 sao = 15 điểm, 1 tim = 3 điểm, 1 like = 2 điểm.

- 1 giải nhất trị giá 5 triệu đồng,

- 3 giải nhì mỗi giải trị giá 3 triệu đồng

- 5 giải khuyến khích mỗi giải trị giá 1 triệu đồng.

Các bài được chọn đăng sẽ được chấm trả nhuận bút theo quy định.

Thương sao cái tết vương màu bụi  - Ảnh 6.20.000 'lộc sách' ngày khai xuân đầu năm Lễ hội Đường sách Tết Ất Tỵ

Theo ông Trịnh Hữu Anh, đại diện ban tổ chức Lễ hội Đường sách Tết Ất Tỵ năm 2025, chương trình sẽ lì xì 20.000 'lộc sách' cho du khách, bạn đọc trong khung giờ từ 16h - 17h ngày mùng 1 Tết.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên