TTCT - Bức tranh chính trị, kinh tế nước Nga 2018 không phải màu hồng. Hầu như không có ngày nào, người Nga không nghe thấy từ cấm vận. Vì sáp nhập Crimea, vì tình hình đông Ukraine, vì “vụ đầu độc” ở Salisbury, và sắp tới có thể sẽ là vì “sự cố eo biển Kerch”… Nhưng trong cơn vây bủa ngặt nghèo, người Nga không hẳn bi quan… Một nông dân Nga đang che phủ lúa mì vừa thu hoạch ở Belgorod, ảnh chụp tháng 7-2018. Ảnh: Bloomberg The Economist đã chỉ ra một trong những đốm sáng lạc quan đó. Trong một bài viết cuối năm 2018, tờ báo gọi Nga là “cường quốc nông nghiệp”. Theo đó, sản xuất nông nghiệp Nga tăng hơn 20% trong 5 năm qua, mặc cho bức tranh uể oải nói chung của kinh tế đất nước. Lợi tức từ sản xuất nông nghiệp đã đạt hơn 20 tỉ USD năm 2017, qua mặt cả ngành kiếm tiền tiêu biểu ở Nga là buôn bán vũ khí. The Economist viết: “Ngũ cốc là ngôi sao. Năm 2016, Nga đã trở thành nhà sản xuất lúa mì hàng đầu, kể từ thời cách mạng Nga. “Ngũ cốc - đó là thứ dầu hỏa thứ hai của chúng tôi” - Aleksendr Tkachyov, bộ trưởng nông nghiệp Nga khi đó, từng nói”. Bức tranh phát triển ngoạn mục của nông nghiệp Nga đã được Tổng thống Vladimir Putin luôn chỉ ra mỗi khi có dịp. Gần đây nhất, trong một phát biểu chúc mừng ngày hội nghề nghiệp của những công nhân nông nghiệp Nga vào tháng 10-2018, ông Putin gọi nông nghiệp là “động lực thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế Nga”, và nêu con số thu hoạch ngũ cốc đáng khâm phục của năm 2017: 135 triệu tấn. Sự phát triển mạnh mẽ này nhờ vào hai yếu tố chính: vai trò của tư nhân và chính sách hỗ trợ của nhà nước, được đẩy mạnh do... cấm vận. Những điển hình tiên tiến Trong những ví dụ điển hình về những “nông dân mới” Nga, The Economist chọn anh em Yuri và Aleksandr Peretyatko ở huyện Zernograd (tỉnh Rostov, miền nam nước Nga). Thập niên 1990, khi anh em nhà Peretyatko mở trang trại ngũ cốc của họ, “xe đạp chúng tôi còn không có”. Giờ đây, họ sở hữu 1.500ha đất, đi trên những con SUV Lexus mới tinh, khoe con họ xài Range Rover. Nước Nga Sa hoàng từng là nhà xuất khẩu nông nghiệp lớn, điều không còn nữa dưới thời chính quyền mới, đến mức những năm 1970, Liên Xô phải nhập khẩu ngũ cốc và thực phẩm. Thời hậu Xô viết, những người như anh em Peretyatko đang khôi phục lại thanh thế cho ngành nông nghiệp. Họ còn sang châu Âu để học hỏi các mô hình tư hữu hóa nông nghiệp, trước khi về đặt cược tương lai vào mảnh đất quê nhà. Giống như anh em Peretyatko ở Rostov, ở vùng Kuban miền nam Nga, có thể kể tên một số gia đình đại diện cho tầng lớp “nông dân mới” thời bị cấm vận: Trubilin, Khvorostina, Nosalenko, Yevdokimov... Kế thừa tình yêu của cha ông với đất đai, họ đã trải qua nhiều thử thách để xây dựng nên những vựa ngũ cốc khổng lồ ngày nay. Một câu chuyện đặc sắc là của vị giám đốc 47 tuổi Aleksandr Kharaman, đang điều hành nông trang mang cái tên đậm chất Xô viết: “Ngọn cờ Lenin”. Nông trang này từng được cha của ông - anh hùng lao động Liên Xô Yuri Kharaman (sinh 1940) - điều hành suốt 30 năm trước. Giờ đây, người con trai đang đặt ra cho mình nhiệm vụ không đơn giản vào một thời đại đầy bất trắc: tăng gấp đôi số đầu bò sữa lên 4.000 con và đưa sản xuất sữa mỗi ngày lên 100 tấn. Con đường Aleksandr Kharaman chọn không giống anh em Peretyatko: trang trại của nhà Peretyatko tập trung vào tăng sản lượng lúa mì chất lượng cao, trong khi Kharaman kết hợp sản xuất ngũ cốc với chăn nuôi để đảm bảo an toàn đầu ra. Những “nông dân mới” của Nga xuất phát từ nền tảng kiến thức vững chắc. Nông dân Yevgheni Komanov ở Krasnodar là một ví dụ. Ông bỏ công việc an toàn ở sở thuế để trở về canh tác, lập nên nông trang gia đình, ăn nên làm ra, đã mở rộng diện tích canh tác lên 500ha, xây hai trang trại bò sữa cho 300 đầu gia súc và đang làm... luận văn tiến sĩ nông nghiệp. Trợ cấp và đầu tư Những nỗ lực từ lĩnh vực tư nhân đã góp phần quyết định vào việc đưa nước Nga trở lại với vị thế nhà sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới, trong đó vai trò chính là ngũ cốc. Theo cơ quan thống kê liên bang Nga Rosstat, bắt đầu từ năm 2016, sản xuất ngũ cốc ở Nga đã cán mốc 120 triệu tấn, vụ mùa lớn nhất thời hậu Xô viết. Dần dần Nga đang qua mặt những người khổng lồ Mỹ, Âu để chiếm một phần thị trường ngũ cốc ở châu Á, Nam Mỹ và thậm chí ở châu Phi. Theo dự báo của công ty Úc Aegic, xuất khẩu ngũ cốc của Nga sẽ tăng 60% trong giai đoạn từ 2015 đến 2050. Còn theo Wall Street Journal, trong lúc thị phần của Hoa Kỳ trong xuất khẩu bắp, đậu nành và ngũ cốc ra thế giới đã giảm một nửa so với năm 1970, thì Nga trong một thập niên qua đã tăng thu hoạch ngũ cốc lên 61% và bắp lên gần gấp ba. Điều gì đã giúp Nga lập nên những thành tích này? Trước hết là nhờ... cấm vận! Sau khi sáp nhập Crimea dẫn tới các quyết định trừng phạt của Mỹ và EU, Matxcơva đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 phải đủ sức tự cung tự cấp lương thực. Ở đất nước phải nuôi sống gần 145 triệu dân, an ninh lương thực chính là an ninh quốc gia, Tổng thống Putin khẳng định điều đó năm 2015. Cùng lúc với việc áp đặt những biện pháp trừng phạt trả đũa với nông sản châu Âu, Matxcơva quyết định tăng trợ cấp cho công nhân nông nghiệp và cho phép người nước ngoài thuê đất. Các công ty thương mại lớn bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để có được phần bánh của họ. Các tỉ phú Nga như Oleg Deripaska và Vadim Moshkovich, được thúc đẩy bởi việc cắt giảm thuế và những trợ cấp khác từ nhà nước, đã đầu tư lớn vào nông nghiệp. Biện pháp trả đũa cấm nhập khẩu nông sản châu Âu giải phóng thị trường cho các nhà sản xuất trong nước, dù bằng cái giá của lạm phát cao. Kết quả, chưa đến cột mốc 2020, từ năm 2016 Nga đã trở thành một nước nông nghiệp có thể tự cung tự cấp, từ ngũ cốc tới thịt gia súc, gia cầm. Đồng rúp mất giá cũng có lợi cho sản phẩm nông nghiệp Nga xuất khẩu. Thêm vào đó là điều kiện thời tiết thuận lợi, giá điện và phân bón giảm. Hứa hẹn những điều kiện thuận lợi vẫn tiếp tục, trong một cuộc làm việc hồi tháng 10-2018, Tổng thống Putin tuyên bố sẽ kéo dài chương trình phát triển bền vững nông nghiệp Nga cả sau năm 2021. Nông dân và kỹ sư Nhưng nếu chỉ có chính sách của nhà nước, có lẽ Nga khó đạt được những thành tích đã nêu. Trở lại Kuban, vựa lúa của nước Nga, có thể tìm thấy cội rễ còn bắt nguồn từ giáo dục và truyền thống. Trong một khảo sát, trang web thành phố Krasnodar, thủ phủ vùng Kuban, cho thấy hai nghề được ưa thích ở “vựa lúa” này là nông dân và kỹ sư. Vốn là miền đất của người Cô-dăc, trẻ em ở đây được cha mẹ dạy dỗ rằng người Cô-dăc không chỉ là chiến binh, mà còn là thợ cày. Những lớp học về nghề nông gần đây được ưa chuộng, và hiện có 62 trường phổ thông ở Kuban có môn hướng nông và trong trường có cả những khu đất để học sinh thực hành thí nghiệm. Khi Matxcơva đặt nông nghiệp làm ưu tiên phát triển, đầu tư vào công nghệ và cơ khí nông nghiệp đã được đẩy mạnh. Nga lại có tiềm năng nông nghiệp rộng lớn, khi hàng triệu hecta đất nông nghiệp sau khi Liên Xô tan rã đang được phục hồi để phục vụ sản xuất. Trang web của những người làm nông Nga agrobook.ru mô tả cơ ngơi của anh em nhà Peretyatko: Trong văn phòng của “Trang trại Peretyatko” treo 3 tấm ảnh lồng khung gỗ. Bên phải là một người đàn ông cương nghị ăn mặc đẹp với bộ râu dày. Đó là ảnh ông cố Sapheli Saphranov của các chủ trang trại hiện nay, chụp năm 1827. Bên trái là bức ảnh đại gia đình năm 1904. Ông chủ gia đình để râu, đội mũ cát-két thời trang thuở ấy, là con trai của Sapheli Shaphranov, bên cạnh vợ, con, dâu, rể, cháu, chắt. Trong số những đứa bé trong ảnh, có cô bé 6 tuổi là bà nội của những chủ nhân trang trại hiện nay. Thuở đó, đại gia đình này sở hữu nhiều đất đai phía đông Rostov, nhà máy dệt, sà lan, nhà trọ. Nói theo ngôn ngữ hiện nay là “kinh doanh đa ngành”. Tấm ảnh thứ ba, cuối cùng, được treo ở giữa, chụp 65 năm sau tấm ảnh thứ hai. Thấy rõ những biến động lớn. Trên một hiên nhà gỗ tuềnh toàng, 3 cậu bé ăn mặc đơn sơ đang ngồi. Hai đứa nhỏ tuổi hơn mang xăngđan, cậu lớn nhất đi chân trần. Những cái quần rõ ràng quá nhỏ so với chúng, mà ở đứa lớn nhất nó đã ngắn lên tới gối. Áo sơmi của một cậu bé tóc sáng cài những hạt nút khác màu. Đó là Yuri Peretyatko. Khó có thể tin đó là hậu duệ của những ông chủ đất trên những tấm ảnh bên phải và bên trái. “Vào thập niên 1960, tất cả đều sống như thế, chẳng phải riêng chúng tôi - Yuri Peretyatko nhớ lại - Tôi treo những tấm ảnh này để các con, cháu tôi đều nhớ chúng tôi đã ra sao, và giờ chúng tôi đang như thế nào. Rằng rất nhiều điều phụ thuộc vào chính chúng ta, chỉ cần tiến lên phía trước. Nhưng đừng quên nhìn lại để đừng tự hài lòng và tuột dốc. Chúng tôi đã gầy dựng lại trang trại, và sẽ chuyển từ cha lại cho con, để phát triển theo kiểu tích lũy, như đang diễn ra trên khắp thế giới…”.■ Người Nga cần tinh thần của ngành nông nghiệp để vượt qua khó khăn hiện nay, khi các biện pháp trừng phạt bủa vây đang tác động họ tứ bề. Một thăm dò do Trung tâm Levada tiến hành tháng 8-2018 liên quan đến những vấn đề của xã hội Nga đang làm người dân lo âu nhất hiện nay, hết 72% cho biết đó là tình trạng giá cả gia tăng, 48% nói là nạn thất nghiệp, 30% lo khủng hoảng kinh tế và sụt giảm sản xuất công, nông nghiệp… Tags: Cấm vận NgaNông nghiệp NgaKinh tế nước Nga
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.