
Bộ trưởng Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc Ahn Duk Geun tại Seoul - Ảnh: AFP
Theo báo New York Times, khi Hàn Quốc chuẩn bị bước vào các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ vào tuần tới, quốc gia châu Á này tin rằng họ đã tìm ra cách thuyết phục trực tiếp Tổng thống Donald Trump: đó là dựa vào ngành đóng tàu đang phát triển mạnh mẽ của mình.
Là đồng minh lâu năm của Mỹ, Hàn Quốc cũng là quốc gia đứng thứ hai thế giới về đóng tàu, chỉ sau Trung Quốc. Các quan chức Hàn Quốc lập luận rằng năng lực này có thể giúp ông Trump thực hiện mục tiêu hồi sinh ngành hàng hải Mỹ.
Đổi lại, họ hy vọng được giảm nhẹ mức thuế nhập khẩu 25% mà ông Trump dự kiến áp lên các mặt hàng xuất khẩu của Hàn Quốc như ô tô Hyundai và Kia, thép, nhôm, hay thậm chí máy rửa chén LG.
Cả hai bên đều cho biết ông Trump muốn lĩnh vực đóng tàu trở thành một phần trong thỏa thuận thương mại mới giữa hai nước.
Thỏa thuận này có thể cũng sẽ yêu cầu Hàn Quốc gia tăng nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ để giảm thặng dư thương mại với Washington.
"Vì Tổng thống Trump và chính quyền của ông đã thể hiện sự quan tâm to lớn đến việc hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu, nên đây sẽ là lá bài đàm phán rất quan trọng đối với chúng ta" - Bộ trưởng Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc Ahn Duk Geun phát biểu trước Quốc hội nước này hồi tuần trước.
Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Sang Mok cho biết ông hy vọng sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tại Washington D.C vào tuần tới.
Giống như nhiều quốc gia khác, Hàn Quốc chọn cách không đáp trả ông Trump bằng các biện pháp thuế quan trả đũa. Khác với Trung Quốc và châu Âu, Seoul lựa chọn con đường đối thoại với ông Trump.
"Giải pháp khôn ngoan hơn là nâng cấp liên minh Mỹ - Hàn thành một liên minh an ninh và kinh tế mạnh hơn" - quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck Soo nói.

Tàu Hải quân Mỹ được tu sửa tại xưởng đóng tàu Hanwha vào năm 2024. Năm ngoái, Hanwha trở thành xưởng đóng tàu đầu tiên của Hàn Quốc tu sửa một tàu tiếp tế của Hải quân Mỹ - Ảnh: HANWHA OCEAN
Hơn một thập kỷ trước, Trung Quốc đã vượt mặt Hàn Quốc trở thành nước đóng tàu thương mại lớn nhất thế giới.
Trung Quốc hiện cũng sở hữu số lượng tàu chiến nhiều hơn cả Mỹ và đang mở rộng hạm đội hải quân với tốc độ mà các xưởng đóng tàu Mỹ không thể theo kịp.
Trong nhiều năm qua, các xưởng đóng tàu của Mỹ đã không thể bàn giao tàu chiến cho hải quân nước này đúng tiến độ và ngân sách.
Theo Nhà Trắng, Trung Quốc hiện sản xuất tới 74% số tàu thương mại trên toàn thế giới, trong khi Mỹ chỉ đóng "1/5 trong số 1%", tức ít hơn rất nhiều. Trung Quốc cũng là nước sản xuất phần lớn các container vận chuyển hàng hóa toàn cầu, và hầu hết cần cẩu bốc dỡ tại các cảng của Mỹ.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào tháng trước, Tổng thống Trump cam kết sẽ "hồi sinh ngành đóng tàu của Mỹ, gồm cả đóng tàu thương mại và đóng tàu quân sự". Ông cũng đã thành lập một "văn phòng đóng tàu" mới tại Hội đồng An ninh quốc gia của mình.
"Hàn Quốc và Nhật Bản gần như là những đồng minh duy nhất của Mỹ còn sở hữu cơ sở công nghiệp đóng tàu quy mô lớn. Mỹ muốn tận dụng hạ tầng đó" - ông Choi Il, người từng phục vụ trong Hải quân Hàn Quốc, bình luận.
Nhưng...
Một số nhà phân tích bày tỏ nghi ngại về mức độ hợp tác sâu sắc giữa Mỹ và Hàn Quốc. Họ cho rằng tình trạng thiếu hụt lao động lành nghề và thiếu đơn đặt hàng tàu thương mại, cùng với các rào cản pháp lý và chính trị đối với các công ty nước ngoài muốn thâm nhập vào ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ... sẽ khiến các khoản đầu tư của Hàn Quốc gặp rủi ro.
Thêm vào đó, chính các mức thuế nhập khẩu quá cao do ông Trump áp đặt, bao gồm thuế đánh vào thép và các vật liệu thiết yếu cho ngành đóng tàu, càng khiến tàu do Mỹ sản xuất trở nên kém cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận