TTCT - “Victoria Braithwaite, nhà nghiên cứu cho rằng cá biết đau, mất ở tuổi 52” - tờ New York Times ngày 2-11 đặt tít cho bài tiễn biệt nhà khoa học người Anh, người vừa qua đời vì ung thư hồi cuối tháng 9. Ảnh: hakaimagazine.com Chúng ta cảm giác rằng cá cũng biết đau, nhưng chứng minh nó bằng khoa học với bằng chứng cụ thể thì sao? Tiến sĩ Braithwaite đã tìm cách trả lời câu hỏi này từ cách đây gần 20 năm, với mong muốn cá cần phải được đối xử một cách nhân đạo vì chúng có thể cảm nhận sự đau. Quyền con cá Braithwaite bắt đầu đặt câu hỏi “cá có biết đau không?” vào cuối những năm 1990. Khi đó đã có các nghiên cứu chứng minh một số động vật như gà và cừu cũng cảm nhận được sự đau, dẫn đến các phong trào bảo vệ phúc lợi động vật, làm thay đổi cách đối xử với vật nuôi ở trang trại. Tuy nhiên, cho đến thời điểm đó chưa ai nghĩ rằng điều này cũng áp dụng cho cá. Nguyên nhân là vì một số nhà khoa học cho rằng hệ thần kinh của cá không đủ phức tạp để có thể nhận thức được cảm giác đau. Braithwaite hiểu rằng muốn chứng minh cá cũng biết đau, cần giải quyết ba vấn đề chính: loài cá có cấu trúc giải phẫu học để phát hiện sự đau đớn không, liệu cá có phản ứng lại các kích thích gây đau không, và cuối cùng - cũng là thách thức lớn nhất - chứng minh được cá thực sự nhận thức được cơn đau. Trong hai bài báo khoa học đã công bố, Braithwaite và các cộng sự cho biết ở cá có các tế bào thần kinh là thụ cảm thể nhận cảm đau (nociceptor), giống các thụ cảm thể ở người. Nhóm nghiên cứu cũng chứng minh cá có phản ứng trước các kích thích có hại hay khó chịu; chẳng hạn, cá tiếp xúc với giấm sẽ có các hành vi khác với cá trong nước bình thường. Hai bài báo nói trên đều gây chú ý khi được công bố cùng trong năm 2003, bởi trước đó không ai quan tâm tìm hiểu để chứng minh vấn đề này. Sau đó, đến năm 2010, Braithwaite xuất bản quyển sách Do Fish Feel Pain? (tạm dịch: Cá có biết đau không?), bàn sâu hơn về kết quả hai nghiên cứu trước đó và lập luận rằng cá cần được bảo vệ bằng các nguyên tắc phúc lợi động vật thường được áp dụng với các loài chim và động vật có vú, chẳng hạn giết mổ nhân đạo. Dĩ nhiên cả quyển sách và lời kêu gọi của bà được các nhà hoạt động vì động vật hoan nghênh và tích cực quảng bá. Nhân đạo hơn với cá Trong bài viết tưởng nhớ Braithwaite trên The Guardian, Susan Healy, nhà sinh vật học đang làm việc tại Đại học St. Andrews (Anh), nhấn mạnh người đồng nghiệp quá cố của mình đã “làm nên một cuộc cách mạng trong nghiên cứu về phúc lợi động vật”. Hơn 15 năm kể từ khi công bố bài báo khoa học đầu tiên về vấn đề này, Braithwaite vẫn tin tưởng vào nhận định của mình và bày tỏ niềm tự hào rằng ngày càng có nhiều người sẵn sàng chấp nhận sự thật này. “Cá thực sự cảm nhận được đau đớn - Braithwaite nói với tạp chí Smithsonian năm ngoái - Nó có thể khác với cách con người thấy đau, nhưng vẫn là biết đau”. Thực tế là, chỉ một tuần trước khi Braithwaite qua đời vì ung thư tuyến tụy hôm 30-9, Đại học Liverpool (Anh) đã công bố một nghiên cứu trên tập san Philosophical Transactions of the Royal Society B, củng cố nhận định của bà rằng cá cảm nhận được đau đớn, và hơn thế nữa, cách cá thấy đau cũng giống như các loài động vật có vú khác. Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Lynne Sneddon, cho biết cá có thể có các triệu chứng như thở gấp và thở sâu hoặc thay đổi hành vi sau khi bị làm đau. “Khi cho tiếp xúc với tình huống có thể gây đau đớn, cá có các thay đổi hành vi theo hướng “phản kháng” như không chịu ăn và giảm vận động, điều này không xảy ra nếu trước đó cá được cho dùng thuốc giảm đau” - Sneddon giải thích cách thí nghiệm. Thí nghiệm còn cho thấy cá khi bị làm đau phần môi sẽ cọ miệng vào thành bể, giống như cách con người xoa ngón chân mỗi khi bị vấp. Nhóm nghiên cứu Đại học Liverpool mong kết quả này được chấp nhận và con người sẽ thay đổi cách đối xử với loài động vật này, chẳng hạn “đánh bắt và làm thịt một cách nhân đạo”, trữ và vận chuyển cẩn thận để tránh làm tổn thương chúng. Kết quả nghiên cứu ban đầu của Braithwaite, và các công trình nối tiếp, đã dẫn đến nhiều thay đổi tích cực trong cách cá được đối xử trong thương mại, trong phòng thí nghiệm và các trang trại nuôi trồng thủy hải sản.■ Mối quan tâm đặc biệt của Braithwaite về cá là một phần trong nhánh nghiên cứu về phúc lợi động vật, với các nhà khoa học tìm cách chứng minh rằng chúng cũng biết đau, biết vui, biết buồn, chẳng khác loài homo sapiens, tức con người thông minh như chúng ta. Hồi tháng 3 năm nay, nhà linh trưởng học người Hà Lan Frans de Waal phát hành quyển sách Mama’s Last Hug: Animal Emotions and What They Tell Us About Ourselves (tạm dịch: Cái ôm cuối cùng của Mama: Cảm xúc của động vật và thứ chúng cho ta biết về chính mình), cho biết cảm xúc của loài vật và con người giống nhau nhiều hơn ta tưởng. Mama là tên một con tinh tinh trong một vườn thú ở Hà Lan, mà theo tác giả, biết ôm và vỗ về người quản thú như an ủi “đừng lo quá, sẽ ổn thôi” khi người này đến thăm nó lần cuối, trước khi con linh trưởng này chết vì bệnh. Nhưng không chỉ có ở loài linh trưởng. Nhà khoa học người Hà Lan còn quan sát thấy voi châu Á biết “ôm” nhau bằng ngà để thể hiện sự an ủi, hoặc động viên nếu có một con trong bầy gặp chuyện buồn, hay như loài gặm nhấm, vốn được cho là có gương mặt “vô cảm”, cũng biết bày tỏ cảm xúc như “thể hiện nỗi buồn bằng cách nheo mắt, duỗi thẳng tai và phồng mang trợn má”. De Waal cũng cho rằng ngựa có gương mặt “biểu cảm y như loài linh trưởng”. Tags: ĐauPhúc lợi động vậtCá biết đauNhân đạo với động vật
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tổ chức bộ máy công an 3 cấp 'bộ, tỉnh, xã', không tổ chức công an cấp huyện THÀNH CHUNG 24/01/2025 Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị khẩn trương triển khai đề án tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy công an địa phương.
Người dân ùn ùn rời Hà Nội nghỉ Tết, cửa ngõ thành phố đông nghẹt hàng cây số HỒNG QUANG 24/01/2025 Kết thúc buổi làm việc cuối cùng, người dân ùn ùn rời Hà Nội để về quê nghỉ Tết. Cửa ngõ phía nam thành phố đông nghẹt người và xe.
PC08 TP.HCM dự báo giao thông các cửa ngõ ùn ứ từ tối nay, 51 đơn vị CSGT đồng loạt ra quân MINH HÒA 24/01/2025 Chiều 24-1 (25 tháng Chạp), đại diện Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) Công an TP.HCM dự báo chiều cùng ngày và sáng mai (25-1) tình hình giao thông tại các tuyến đường dẫn lên cao tốc sẽ diễn biến phức tạp.
500 gia đình công nhân bịn rịn rời TP.HCM về quê đón Tết trên chuyến tàu mùa xuân TRIỆU VÂN 24/01/2025 Liên đoàn Lao động TP.HCM đã tiễn 127 gia đình công nhân (499 người) về quê đón Tết trên chuyến tàu mùa xuân.