TTCT - Trong khi các bên cáo buộc nhau là mua dầu cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thì trên thị trường vũ khí, cuộc mua bán còn nhiều phần công khai và tấp nập hơn. Thời Báo Tài Chính (Anh) đã điều tra về tuyến đường mua bán vũ khí này. Các tuyến đường buôn bán vũ khí của IS -Nguồn: Viện nghiên cứu chiến tranh Tay buôn vũ khí Syria Abu Ali nghĩ đời mình đã tàn khi một năm trước, hai chỉ huy IS từ xe tải bước xuống tiến thẳng đến ông ta. Là bởi Abu Ali chuyên bán vũ khí cho những tay súng nổi dậy chống lại IS. Thế nhưng thay vào đó, họ chìa cho ông ta mẩu giấy ghi rõ: “Người này được phép mua bán bất cứ vũ khí nào trên lãnh thổ IS”. Trên giấy còn có đóng dấu “Trung tâm Mosul” (Iraq - thành phố đã bị IS chiếm đóng), Abu Ali nhớ lại. (Dĩ nhiên, giống nhiều tay môi giới vũ khí khác, Abu Ali chỉ là tên giả). Mạng lưới phân phối Năm 2014, khi các tay súng IS chiếm đông Syria, họ đã dàn xếp quan hệ với những kẻ mua bán vũ khí như cách đã làm với Abu Ali, và qua đó lập ra một mạng lưới phân phối hoàn hảo trên lãnh thổ Caliphate (nhà nước giáo quyền tự xưng), chiếm một nửa Syria và 1/3 lãnh thổ Iraq. “Họ mua (vũ khí) như điên, suốt ngày đêm” - Abu Ali cho biết. Phần lớn vũ khí của IS là do tổ chức khủng bố này chiếm được hay mua được ở Syria: một số nhóm đối lập Syria mua hoặc nhận vũ khí từ những người ủng hộ họ ở các nước vịnh Persic qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng các tay súng hủ hóa của những tổ chức này đã bán phần lớn khí tài được cung cấp đó cho các tay buôn vũ khí địa phương. Các thị trường chợ đen lớn nhất hiện nay là ở những tỉnh biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ như Idlib và Aleppo (tây bắc Syria). Ngoài ra, tại các chợ đen này còn có vũ khí của cả Iran và Nga được cho là dành cho quân đội Tổng thống Syria Assad, tập trung ở tỉnh As Suweida (nam Damascus). “IS đặc biệt thích vũ khí của Nga, của Iran họ cũng mua, với giá rẻ hơn” - Abu Omar, một tay buôn vũ khí khác, cho biết. Có cả khí độc sarin Dường như chưa đủ rắc rối, gần đây lại xuất hiện tin về việc mua bán chất độc hóa học sarin trên thị trường vũ khí Syria. Thành viên của Đảng Nhân dân cộng hòa đối lập Eren Erdem trong một phiên điều trần tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10-12-2015 đã chất vấn về vụ án mã số 2013/139 do Viện tổng công tố Adana mở ra nhưng sau đó đột ngột khép lại. Theo đó, có bằng chứng về việc những người Thổ Nhĩ Kỳ theo chủ nghĩa dân tộc trực tiếp mua bán với ISIS và những tổ chức khủng bố khác, cung cấp cho họ khí độc sarin. Ông này cho biết trong hồ sơ vụ án có những đoạn băng ghi âm đại ý “đừng lo gì ở biên giới, chúng tôi bao sân hết cả rồi”. Và khi vụ việc bại lộ, 13 người đã bị bắt. Nhưng chỉ một tuần sau, những người bị bắt này đều được thả, vụ án khép lại, trong khi công tố viên Adana bị thay thế bởi người khác! (www.globalresearch.ca/turkey-smuggled-sarin-gas-to-al-qaeda-terrorists-in-syria) Sau khi chiếm được Mosul hè 2014, trong tay IS có số vũ khí trị giá hàng triệu đôla, và dự trữ vũ khí của IS cứ thế tăng dần sau mỗi trận thắng. Kho vũ khí của IS hiện gồm xe tăng Abrams, súng trường tự động M16, lựu đạn MK19 (chiếm từ quân đội Iraq) và súng M46 của Nga (chiếm được của quân chính phủ Assad). Nhưng IS cần nhiều nhất là đạn dược, các tay buôn vũ khí cho biết. Theo họ, nhu cầu lớn nhất của IS là đạn cho súng Kalashnikov, súng máy nòng trung và súng bắn máy bay nòng to cỡ 12,5mm và 14,5mm. IS cũng mua đạn cho súng phóng lựu và cho súng trường bắn tỉa nhưng số lượng ít hơn. Khó mà đánh giá được hết mạng buôn bán vũ khí trị giá nhiều triệu đôla của IS. Nhưng theo lời các binh lính và các tay buôn vũ khí, chỉ trong những trận chiến hồi đầu năm nay gần thành phố Deir Ezzor, các tay súng Hồi giáo đã yêu cầu số đạn dược trị giá ít nhất 1 triệu USD mỗi tháng, tương đương trị giá số đạn dược cần cho trận chiến dài một tuần ở sân bay lân cận hồi tháng 12-2014. Nhu cầu đạn dược của IS thể hiện chiến thuật chiến đấu của IS - nhóm này chủ yếu dựa vào các ôtô chứa đầy chất nổ, đai tử thần và các thiết bị nổ tự tạo trong cả những cuộc tiến công lẫn rút lui. Nhưng trong các cuộc chiến đấu nhanh, trực diện khác, chúng cũng cần hàng chục nghìn viên đạn. Theo các tay súng, những xe tải chở đầy chất nổ cung ứng đạn dược ở những tuyến chiến trường khác nhau mỗi ngày. Để bảo đảm cho việc cung ứng, IS tổ chức những chiến dịch hậu cần phức tạp. Đây là hoạt động tối quan trọng nên được hội đồng quân sự tối cao, liên hệ trực tiếp với các thủ lĩnh IS, điều hành. Cũng giống như hoạt động điều phối việc mua bán dầu - nguồn thu nhập chính của IS vậy. Chỉ là làm ăn Nguồn cung cấp đạn dược chính của IS chính là kẻ thù của tổ chức này. Ví dụ, dân quân thân chính phủ của Iraq bán một phần đạn dược cho các tay buôn trên chợ đen, những tay này sẽ bán chúng lại cho các thủ lĩnh IS. Nhưng chủ yếu các tay súng Hồi giáo “dựa vào” các đối thủ của họ ở Syria, binh sĩ của chính phủ Assad và phe nổi dậy đối lập. Chính ở đây mà các tay môi giới vũ khí đóng vai trò quan trọng. Abu Ali đã tháo chạy khi IS đề nghị ông ta tham gia mạng lưới đại lý phân phối vũ khí, nhưng Abu Omar nhận lời. Abu Omar đã làm ăn như thế được một năm nhưng đến tháng 8-2015 chấm dứt hoạt động vì “sự chuyên quyền” của các tay súng Hồi giáo. Các chỉ huy IS đã cấp giấy chứng nhận với con dấu cho những tay môi giới nào được hai nhân viên an ninh của IS thừa nhận. Với tấm giấy này, các tay buôn vũ khí có thể tự do đi lại làm ăn nhưng chỉ với điều kiện IS là người mua hàng duy nhất của họ. Còn mua thì bất kỳ: “Chúng tôi có thể mua vũ khí của chế độ, quân nổi dậy, người Iraq. Thậm chí dẫu chúng tôi có mua của người Israel, họ (IS) cũng chẳng quan tâm, chỉ cần họ có vũ khí” - Abu Omar khẳng định. Các đối thủ của IS khá ngạc nhiên trước khả năng nhóm này có thể thực hiện những thương vụ mua bán ngay trong các trận chiến. Ví dụ ở bắc Iraq các nhóm người Kurd phát hiện những giấy tờ với đơn đặt hàng cho trận chiến mới kết thúc. “Trong vòng 24 tiếng sau khi đưa đơn đặt hàng, một ôtô đầy đạn dược đã được đưa tới” - một quan chức cao cấp trong ngành an ninh Iraq giấu tên cho biết. Các tay môi giới giải thích việc cung ứng nhanh chóng này là nhờ hệ thống thông tin giữa các tín đồ Hồi giáo. Theo lời họ, một “ủy ban” lưu động được hội đồng tối cao ở Iraq bổ nhiệm sẽ đi khắp nơi để liên lạc thường xuyên với các “trung tâm” mua bán vũ khí ở các tỉnh, các “trung tâm” này - đến lượt mình - nhận đơn đặt hàng trực tiếp từ các chỉ huy quân sự mà chúng gọi là “tiểu vương quân sự”. Các cuộc nói chuyện giữa “tiểu vương” và “trung tâm” đôi khi bị đối phương bắt được qua tần số của máy điện đài xách tay. Từ biên giới Syria - Iraq, các đội quân người Kurd cho biết họ đã bắt được những cuộc trò chuyện của IS với các từ mã hóa, kêu các món như “kebab” (ám chỉ súng tiểu liên nòng to) hay rau trộn (có nghĩa là đạn cho súng Kalashnikov), như Abu Ahmad cho biết. Abu Ahmad chỉ huy quân nổi dậy Syria từng chiến đấu trong hàng ngũ IS cho đến mùa hè này, khi ông ta bỏ chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ. Còn Abu Omar liên hệ với các “trung tâm” qua dịch vụ tin nhắn WhatsApp. Cứ vài ngày một lần, “ủy ban” báo cho “trung tâm” danh sách đạn dược họ cần. Nếu giá cả bị các “trung tâm” thay đổi, Abu Omar sẽ báo cho các “ủy ban” biết cũng qua WhatsApp. Hoa hồng cho các tay môi giới vào khoảng 10-20%. Gần đây giá cả tăng cao bởi liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu đã đẩy IS xa khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, gây trở ngại cho việc cung cấp vũ khí. Vì lý do này, IS đã trao nhiều giấy phép hơn cho các tay môi giới để tăng cạnh tranh và hạ giá bán vũ khí xuống, theo than phiền của một trong những tay môi giới. Các tay môi giới sử dụng hệ thống những tài xế xe tải và các tay buôn lậu để giấu vũ khí trong những xe tải chở hàng hóa khác như rau quả hay vật liệu xây dựng. Chúng sử dụng cả những xe chở xăng dầu bởi các xe này sau khi cung cấp nhiên liệu thường chạy xe không trở về căn cứ, như Abu Ahmad cho biết. Hệ tư tưởng giờ chẳng là gì sau năm năm chiến tranh: “Một số tay buôn vũ khí thậm chí căm thù IS, nhưng điều đó chẳng có nghĩa gì khi nói về lợi nhuận” - Abu Ahmad nhận xét. Ngăn chặn việc buôn lậu càng phức tạp hơn bởi khả năng kiếm tiền mưu sinh trong vùng này ngày càng hạn chế khiến nhiều người phải tìm đến “cơ hội” này. “Bây giờ chỉ có tiền là có ý nghĩa. Chẳng ai quan tâm anh là ai. Ai cũng chỉ nghĩ tới đôla” - Abu Omar nói.■ Bom của IS từ đâu ra? Các chuyên gia của Tổ chức Nghiên cứu vũ khí trong xung đột (CAR - trụ sở tại Anh) làm việc với Hội đồng an ninh khu vực Kurdistan ở Iraq để điều tra việc mua súng đạn của IS cho biết IS mua và sử dụng tất cả mọi thứ có thể chế tạo bom. James Bevan, giám đốc CAR, nói sau khi điều tra đạn dược và chất nổ IS bỏ lại trên các chiến trường, họ đã “thấy mọi thứ, từ điện thoại di động, máy Motorola tới remote mở cửa garage và các bộ dây dẫn của laptop”! Nhiều thứ mà IS mua như đồ điện tử để làm chốt cài bom thì vô thưởng vô phạt đến độ gần như không thể kiểm soát. Những chất liệu khác như aluminium oxide hay phân bón mà CAR tìm thấy IS thường mua bên ngoài lãnh thổ chúng kiểm soát, là những chất được phép mua bán trong nông nghiệp và khai khoáng khiến khó mà trừng trị. Một quan chức Iraq than thở: “Các chất liệu này đến từ khắp nơi trên thế giới. Chỉ cần đặt ngón tay lên bản đồ thì họ đã có thể kiếm được gì đó từ đó”. Một trong những đường dẫn lớn nhất đưa các vật liệu này tới IS đến nay là Thổ Nhĩ Kỳ. CAR phát hiện một số công ty Thổ Nhĩ Kỳ đã mua chất nổ cùng vật liệu làm mìn bán cho các bạn hàng bí mật và qua họ sẽ tới tay các nhóm jihad. CAR cũng ghi nhận các trường hợp mà phân bón và hóa chất được bán cho IS qua Iraq và Libăng. CAR đã vào được một cơ sở chế tạo bom của IS ở Iraq và tìm được số chất nổ có thể chất đầy một nửa container 6m. Abu Ahmad từng chiến đấu cho IS cho biết IS còn có cả cơ sở chế tạo xe bọc thép mà chúng dùng để chế xe đánh bom liều chết, bởi chúng muốn bảo đảm xe chở bom sẽ an toàn đến được nơi chúng muốn đánh bom! Tags: Mua bán vũ khíThị trường vũ khíChợ vũ khí ISBuôn bán với kẻ thù
Bắt ông Nguyễn Đăng Nam, nguyên Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TPHCM THEO SGGP 24/01/2025 Chiều 24-1, công an TPHCM đã khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Đăng Nam (nguyên Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), nguyên Trưởng Phòng xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (PV05), Công an TPHCM), theo báo Sài Gòn Giải Phóng.
Người dân ùn ùn rời Hà Nội nghỉ Tết, cửa ngõ thành phố đông nghẹt hàng cây số HỒNG QUANG 24/01/2025 Kết thúc buổi làm việc cuối cùng, người dân ùn ùn rời Hà Nội để về quê nghỉ Tết. Cửa ngõ phía nam thành phố đông nghẹt người và xe.
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tổ chức bộ máy công an 3 cấp 'bộ, tỉnh, xã', không tổ chức công an cấp huyện THÀNH CHUNG 24/01/2025 Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị khẩn trương triển khai đề án tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy công an địa phương.
500 gia đình công nhân bịn rịn rời TP.HCM về quê đón Tết trên chuyến tàu mùa xuân TRIỆU VÂN 24/01/2025 Liên đoàn Lao động TP.HCM đã tiễn 127 gia đình công nhân (499 người) về quê đón Tết trên chuyến tàu mùa xuân.