TTCT - Người hiểu về thần thánh Ấn Độ thì thấy bất cứ một pho tượng nào có bốn mặt đều biết đấy là tượng thần sáng tạo Brahma. Tượng Bayon bốn mặt trong quần thể Angkor Thom, CampuchiaBrahma hay là “nàng” Bayon?Có dạo nhiều nhà báo Việt Nam sang Campuchia đã viết về tượng đài Bayon bốn mặt trong quần thể đền Angkor. Có người gọi đó là mặt Phật. Có người bảo đấy là tượng vua Jayavarman VII của vương quốc Khmer xa xưa. Có người nói nhà vua cho dựng đền thờ Phật nhưng lại dùng chính gương mặt mình để tượng hình cho Phật, vua đã đồng nhất mình với Bồ Tát. Thậm chí có nhà thơ Việt Nam làm thơ ca ngợi nụ cười bí ẩn của Bayon và gọi đấy là “nàng”.Người hiểu về thần thánh Ấn Độ thì thấy bất cứ một pho tượng nào có bốn mặt đều biết đấy là tượng thần sáng tạo Brahma.Khmer ngày ấy chịu ảnh hưởng của Ấn Độ - không chỉ của Phật giáo mà cả Bà La Môn giáo (tiền thân của đạo Hindu ngày nay). Trong quần thể Angkor vẫn còn đó vô số tượng thần thánh Ấn Độ chen lẫn với tượng Phật.Vậy có thể hiểu Bayon chính là thần sáng tạo Brahma? Rất có lý. Chỉ có Brahma mới có bốn mặt, biểu tượng rằng thần sáng tạo luôn hiện diện khắp nơi, khắp bốn phương trời. Quyền lực như thần Shiva, hủy diệt hoàn toàn thế giới cũ và tái tạo thế giới mới, cũng không thể có bốn mặt. Ngay cả vị thần bảo hộ cho cả thế gian trải qua mười kiếp đầu thai oai hùng là Vishnu cũng không có bốn mặt. Duy nhất trong nhóm ba vị thần hùng mạnh chỉ Brahma có bốn mặt. Bốn mặt thì phải là Brahma.Thế thì tại sao bức tượng có nụ cười bí ẩn ấy còn được gọi là "nàng"? Chỗ này phải thể tất cho các nam thi sĩ. Quan niệm lãng mạn xưa cũ khiến người ta nghĩ rằng đã là thi sĩ thì nhìn đâu cũng thấy “em”, họ có thể gọi là em tất tật trời đất, ngọn núi, con sông, chim trời cá nước. Tuy nhiên, Bayon chẳng phải là nàng nào cả. Với người này, đấy là gương mặt của đức vua. Với người kia, đấy là tượng Phật. Với nhiều người khác, đấy là thần sáng tạo Brahma.Nhưng cũng thông cảm cho những ai đã gọi đấy là nàng. Gương mặt ấy quả là nhiều nữ tính. Từ bi, dịu dàng, thùy mỵ. Người Ấn Độ quan niệm trong một vị thần nam cùng lúc mang chứa cả tính nam và tính nữ.Trong tranh tượng thờ, các nam thần được thể hiện có bộ ngực trần nhẵn nhụi, đúng quan niệm thần thánh không lông lá xồm xoàm ô trọc như người trần. Tranh tượng các nam thần Ấn Độ thường có dáng vóc thanh tú nuột nà, gương mặt trái xoan, mũi cao, mắt búp sen. Bayon đã được Khmer hóa, gương mặt tròn trĩnh, mũi tẹt, mắt nhỏ. Nếu đấy là thần Brahma thì cũng dễ hiểu, người Khmer đã bản địa hóa một vị thần Ấn Độ theo đúng nhân trắc học của mình.Chỉ Thần Sáng Tạo mới có bốn mặtTrong tranh tượng Ấn Độ, thần Brahma thường có bốn mặt quay về bốn hướng, không chỉ biểu hiện rằng thần có mặt ở khắp nơi, mà đấy còn là biểu tượng bốn bản kinh Veda. Bốn cánh tay của thần tượng trưng bốn hướng. Tay cầm một số thứ như một tràng hạt, một bình nước, một cuốn sách (kinh Veda), cũng có thể là một quyền trượng, một cây cung hoặc một bông sen. Thảng hoặc tay thần có thể ở tư thế ban phước hoặc bảo hộ (Ban phước: lòng bàn tay hướng về phía người đối diện, năm ngón tay chỉ xuống dưới; Bảo hộ: lòng bàn tay hướng về phía người đối diện, năm ngón tay chỉ lên trời).Tràng hạt tượng trưng cho thời gian. Và bởi vì toàn bộ vũ trụ tiến hóa từ nước, nên Brahma tay cầm bình nước. Thần có thể khoác trên người một tấm da hổ hoặc da sơn dương đen, vai trái đeo sợi dây thiêng. Người ta có thể vẽ thần cưỡi trên một con thiên nga (biểu tượng của tri thức) hoặc trên một cỗ xe do bảy con thiên nga kéo.Trong bản kinh Rig Veda, từ "Brahman" (hoặc Brahma) để chỉ sức mạnh bí ẩn trong những lời thiêng. Về sau, quyền lực này gắn với kỹ năng của đẳng cấp giáo sĩ gọi là Brahmin (giáo sĩ Bà La Môn), những người nói ra “lời”.Kinh Upanishad phát triển lên một bước, coi sức mạnh này mang tính vũ trụ và tạo ra những nhân tố hình thành lên mọi thứ, kể cả các vị thần. Cuối cùng, tinh thần sáng tạo tối cao được nhân cách hóa mà thành Brahma.Nhắc đến sự hình thành vũ trụ thì rõ ràng thần Brahma có vai trò trong khoa học vũ trụ của Hindu giáo. Rất nhiều thần thoại trong những bản kinh sau này xoay quanh nguồn gốc và sự điều hành vũ trụ. Một thần thoại kể rằng Đấng Tối Cao tạo ra nước từ đất, đặt vào trong nước một hạt, về sau hạt thành quả trứng vàng, quả trứng vàng nở ra Brahma.Trong những thần thoại khác, Brahma có khi là một con lợn lòi nâng đất lên cao hơn nước và tạo ra thế giới, hoặc trong hình dạng một con cá hay một con rùa. Nhưng về sau, thần thoại Hindu phát triển theo hướng quy những hiện thân này về cho thần Vishnu và Brahma bị đẩy xuống hàng thứ hai.Từ thế kỷ 6, dân chúng Ấn Độ không còn thờ Brahma nhiều như trước nữa. Ngày nay, người ta vẫn thờ tranh tượng Brahma trong đền, nhưng rất hiếm thấy thần ở vị trí chính. Trên khắp Ấn Độ có hàng nghìn hàng vạn ngôi đền thờ Shiva và Vishnu, nhưng chỉ có hai đền thờ dành riêng cho thần Brahma: một ở Ajmer, bang Rajasthan và một ở bang Odisha.Theo khoa học nghiên cứu vũ trụ của Hindu giáo, xuyên qua thời gian và xuyên qua vũ trụ, một vòng quay cơ bản gọi là kalpa (tức là một ngày của Brahma) tương đương 4.320 triệu năm. Một đêm cũng có độ dài tương tự. 360 ngày và đêm này tạo thành một năm trong đời Brahma, mà cuộc đời của thần Brahma được tính là 100 năm.Thần Sáng Tạo Brahma trong motif tranh dân gian Ấn ĐộThần thánh cũng như ngườiViệc bò được coi là thiêng cũng liên quan đến Brahma. Thần sáng tạo đã tạo ra bò cùng lúc tạo ra đẳng cấp Bà La Môn cao quý. Xuất thân của bò như vậy đã là thiêng. Sau đó, trong khi các giáo sĩ Bà La Môn cúng tế, thần bò lấy sữa của mình chế biến thành bơ tinh khiết để giáo sĩ dùng đốt đèn. Lửa là thiêng. Cúng tế là thiêng. Vậy thì bò cũng thiêng. Lưu ý bò thiêng phải là bò cái, vị thần có sữa. Bò đực không có sữa tất nhiên là không thiêng, được thả rông chẳng ai thèm nhìn ngó.Bò cái là vật được thờ, giết bò có thể phải trả giá bằng tính mạng. Đạo Hindu đã nâng tầm quan trọng của bò cái bằng cách gán cho bò một số biểu tượng. Bốn chân của thần bò được coi như bốn bản kinh Veda. Mỗi bộ phận trên cơ thể thần bò đều có một ý nghĩa tôn giáo: cặp sừng là biểu tượng của thần thánh, mặt bò là biểu tượng của mặt trời và mặt trăng, vai là thần lửa Agni, bốn chân còn tượng trưng cho dãy Himalaya. Thần bò Kamdhenu càng trở nên quan trọng khi suốt đời đi theo vị thần được dân chúng ưa chuộng nhất là Krishna.Trở lại với thần sáng tạo Brahma. Trong nhóm tam thần chủ chốt, Brahma dần dần thất sủng vì nhiều lẽ, trong đó có truyền thuyết sẽ kể ở đây. Có hai loại hoa bị cấm đưa vào đền thờ thần hủy diệt và tái tạo Shiva: đấy là hoa đại champaka và một loại hoa lan tên là ketaki. Cả hai bông hoa này đều phạm phải thói xấu bậc nhất là nói dối. Chuyện rằng khi cây cột linga (dương vật của Shiva, biểu tượng tái tạo cuộc sống) dựng lên giữa trời, không ai biết được gốc và ngọn của nó ở nơi nào. Vishnu hóa thành lợn lòi sục vào lòng đất để tìm chân cột, nhưng không tìm thấy và quay về thú thật điều đó. Vishnu được ghi nhận là trung thực.Thần Brahma hóa thành thiên nga, bay lên cao tìm ngọn mà không tìm được. Thấy một bông hoa ketaki rơi xuống, Brahma thỏa thuận với bông hoa hãy nói với cả thế gian là hoa được Brahma nhặt được trên đỉnh linga, để chứng tỏ Brahma đã lên được đến đỉnh linga. Thì thần thánh cũng có lúc dối trá, thậm chí ở vị trí cao bậc nhất như Brahma. Thần thánh cũng như người phàm trần. Vụ nói dối bị lộ, Shiva nổi giận, nguyền rằng do dối trá, từ nay Brahma sẽ không được thờ trong một ngôi đền nào cả. Hoa ketaki là tòng phạm nên không bao giờ được đem cúng trong đền thờ Shiva.Thậm chí có... tám mặtBayon, ở góc độ nào đó, chỉ là thần sáng tạo Brahma được Khmer hóa. Sau đó, người ta có thể coi đấy là tượng Phật tượng vua. Cũng được. Chỉ là trong khi diễn giải thì không nên đi quá đà, quá đà kiểu gọi Bayon là nàng nọ nàng kia chẳng hạn.Một lần ở Bali (Indonesia) - hòn đảo đậm đặc không khí Hindu giáo và Phật giáo, tôi phát hiện một tượng Phật trong cửa hàng mỹ nghệ. Ai mà hình dung được một pho tượng Phật có tám mặt bao giờ. Thì ra người Bali không chỉ tin theo Hindu giáo rằng thần sáng tạo Brahma có bốn mặt. Thậm chí Phật còn có những tám mặt, Phật cũng hiện diện ở khắp nơi, bốn phương tám hướng. Phật và thần sáng tạo có khi cũng có sự đồng nhất, mặc dù Phật không phải là thần thánh.Tượng Phật tám mặt ở Bali, IndonesiaTôi đã sưu tầm những pho tượng Phật nho nhỏ của nhiều nước, nhưng chưa bao giờ thấy ở đâu có pho tượng tám mặt bằng đồng như Phật ở Bali. Đồ mỹ nghệ sản xuất nhiều nên không hiếm, nhưng mà lạ. Và đặc biệt thú vị. Tranh tượng Chúa Jesus ở nước nào cũng giống nhau, nhưng tranh tượng Phật thì đến xứ nào đều được bản địa hóa theo xứ ấy. Người Bali đã tạc tượng đầu Phật theo quan niệm của riêng họ - bản địa hóa và có cả yếu tố “tam sao thất bản”.Nghĩ ngợi trở lại với tượng Bayon. Ừ nhỉ, có thể đấy cũng là tượng Phật. Không phải mặt vua, không phải mặt Brahma. Bayon biết đâu cũng chính là tượng Phật, Phật bốn mặt theo quan niệm của người Khmer từ xa xưa.Quần thể Angkor Wat được vua Suryavarman II xây dựng vào nửa đầu thế kỷ 12 khi xứ Khmer đã theo Phật giáo, nhưng không phải không còn chịu ảnh hưởng của Bà La Môn giáo. Angkor Thom và Bayon được vua Jayavarman VII xây dựng tiếp sau đó. Các vị vua này và dân chúng thời đó hẳn đã đồng nhất vua với thần với Phật, họ coi vua cũng chính là một dạng Quán Thế Âm Bồ Tát Avalokitesvara.Nghe nói rằng các vị vua thuộc những triều sau đó lại theo Bà La Môn giáo, họ đã không đập phá Bayon vì tưởng nhầm đó là tượng thần sáng tạo Brahma.Xứ Khmer thời ấy, Phật giáo đổi chỗ cho Bà La Môn giáo, rồi Bà La Môn giáo trở lại. Có nhiều điều giống như ở Ấn Độ cổ đại, Phật giáo ra đời trong lòng một xã hội Bà La Môn giáo, kế thừa Bà La Môn giáo nhiều yếu tố tư tưởng, nhiều truyền thuyết, thậm chí là những biểu tượng như chữ vạn swatiska, bánh xe chính pháp chakra hoặc tòa sen cao quý...Giống như trong xã hội Bali ngày nay, Hindu giáo là cộng đồng chiếm đa số nhưng ở đấy vẫn dung chứa những giá trị Phật giáo, thậm chí những nghệ nhân theo đạo Hindu còn tạc tượng Phật tám mặt như đã kể ở trên.■ Tags: Phật giáoHinduTượng BayonAngkor ThomTòa sen
Thông tin mới về yêu cầu sắp xếp, tinh gọn bộ máy cấp tỉnh, huyện THÀNH CHUNG 24/01/2025 Việc công bố các quyết định liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy cấp tỉnh, huyện sẽ được thực hiện từ ngày 18 đến 20-2-2025.
Tin tức thế giới 24-1: Ông Trump: 'Chiến sự Nga - Ukraine là cuộc thảm sát'; Mỹ có giám đốc CIA mới NGỌC ĐỨC 24/01/2025 Washington sẽ áp dụng các mức thuế mới với "những mức độ khác nhau" với mọi nước; Mỹ đảm bảo năng lượng cho châu Âu.
Tin tức sáng 24-1: Cách 'né' kẹt xe khi về miền Tây ăn Tết; Khai mạc Hội hoa xuân TP.HCM TUỔI TRẺ ONLINE 24/01/2025 Tin tức đáng chú ý: Ngân hàng rao bán 400 khoản nợ vay tiêu dùng cận Tết; Cách 'né' kẹt xe khi về miền Tây; Hôm nay khai mạc Hội hoa xuân TP.HCM...
Cầu Rạch Miễu kẹt xe từ sáng sớm MẬU TRƯỜNG 24/01/2025 Sáng 24-1 (tức ngày 25 tháng chạp) hàng ngàn xe máy, ô tô bị ùn ứ tại hai đầu đường dẫn lên cầu Rạch Miễu.