
Lực lượng chức năng kiểm tra hộ kinh doanh Đỗ Thị Thủy
Ngày 20-5, Công an tỉnh Lai Châu cho biết Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lai Châu chủ trì phối hợp cùng Đội quản lý thị trường số 2 (Chi cục Quản lý thị trường Lai Châu) kiểm tra, xử phạt một hộ kinh doanh bột ngọt (mì chính) vi phạm về ghi nhãn hàng hóa.
Theo đó, ngày 19-5, tổ công tác kiểm tra, phát hiện hộ kinh doanh Đỗ Thị Thủy (ở phường Quyết Thắng, thành phố Lai Châu) do ông Đào Văn Dũng (37 tuổi, là đại diện hộ kinh doanh) đang bày bán 47 thùng bột ngọt Fuji-Moto với tổng trọng lượng 720kg.
Kiểm tra thông tin ghi trên bao bì sản phẩm bột ngọt, lực lượng công an xác định thiếu thông tin bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa (không ghi xuất xứ hàng hóa).
Phòng cảnh sát kinh tế đã lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 17 triệu đồng đối với ông Đào Văn Dũng về hành vi kinh doanh hàng hóa có nhãn ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa quy định tại nghị định 119-2017 và nghị định 126-2021 của Chính phủ.
Đồng thời, buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu hành.
Làm sao chọn bột ngọt chất lượng?
Khi mua bột ngọt, kể cả bột ngọt bày bán tại các siêu thị, người tiêu dùng cũng cần cảnh giác, nên kiểm tra kỹ lưỡng thông tin trên mặt sau bao bì sản phẩm.
Nếu trên mặt sau của bao bì chỉ thể hiện một trong các nội dung sau: Xuất xứ: Việt Nam, hoặc Sản xuất tại: tên và địa chỉ công ty tại Việt Nam thì đây là các sản phẩm được sản xuất trực tiếp tại Việt Nam.
Ngược lại, nếu trên mặt sau bao bì có ghi các nội dung như: Đóng gói tại, hoặc Phối trộn tại, hoặc Hoàn tất tại, hoặc Cơ sở đóng gói… thì đây là loại bột ngọt được các tổ chức, cá nhân tự trộn lẫn, san chia, đóng bao vào nhãn hiệu tự tạo ra, sau đó bán cho người tiêu dùng, tiềm ẩn nguy cơ cho sức khỏe.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận