TS Phạm Thị Thúy - Giảng viên học viện hành chính quốc gia TP.HCM
Đây cũng là cách dạy cho trẻ sự tử tế, tránh xa cám dỗ và không dễ sa vào cạm bẫy vô bổ.
Chia sẻ về vấn đề này, TS xã hội học Phạm Thị Thúy - giảng viên học viện hành chính quốc gia TP.HCM - cho biết, có nhiều khía cạnh trong vấn đề sa ngã của giới trẻ.
Nhưng để nhận thức được bản thân đang dần khó chống lại các cám dỗ, ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách để làm một người tốt, có ích cho xã hội, đặc biệt để trở thành một cán bộ nhà nước hay muốn tiến thân con đường chính trị, các bạn cần lưu ý đến 2 dấu hiệu sa ngã: khi bản thân chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, không quan tâm đến người khác sẽ bị tổn hại như thế nào; thứ hai là bắt đầu có những hành động bất chấp lợi ích của người khác mà chỉ vì lợi ích cá nhân và bằng mọi cách đạt được mục đích.
Lúc này con người cần phải thay đổi, bắt đầu từ việc thắng được những cám dỗ dù rất nhỏ mới mong thắng được những cám dỗ lớn hơn. Đặc biệt, ai cũng có lòng tham, và dễ phạm ở điểm yếu này.
Đây là bài toán dài hạn, cần được định hướng giáo dục từ nhỏ, ngay trong chính gia đình. Ban đầu, một đứa trẻ được giáo dục từ sự nêu gương của bố mẹ, người lớn xung quanh và môi trường trường học.
Việc bố mẹ giáo dục ý thức cho con sẽ giúp trẻ nhận thức được phải biết quan tâm đến chính mình trước, từ đó sẽ cảm nhận được việc quan tâm người khác như thế nào.
Bố mẹ ứng xử với con bằng sự tôn trọng sẽ giúp trẻ tự tin hơn. Trẻ lớn lên sẽ học được bài học tôn trọng mọi người xung quanh. Nếu cho rằng nghiêm khắc, áp đặt, khắt khe sẽ khiến trẻ vào khuôn khổ, có thể bố mẹ dễ mắc sai lầm "phản ứng ngược" cho trẻ. Việc bố mẹ mưu cầu sau này trẻ làm người tốt là điều khó thành.
Việc đứa trẻ đối xử với mọi người như thế nào chính là sự phản chiếu cách mà trẻ được đối xử, được giáo dục.
Có nhiều bố mẹ mắc sai lầm, từ nhỏ dạy trẻ coi mình là số một, muốn con phấn đấu giỏi nhất, luôn đứng đầu... Điều đó có thể sẽ hình thành cho trẻ sự ích kỷ, dễ quên đi mối liên hệ của mình với mọi người và môi trường xung quanh - nơi trẻ trưởng thành và thể hiện nhân cách một con người hoàn thiện.
Trẻ hiểu sự kết nối giữa mình với mọi người mọi vật xung quanh trẻ mới hiểu cần tôn trọng và giúp đỡ bảo vệ lẫn nhau để chung sống hòa hợp, không được làm hại nhau.
Khi trẻ càng lớn, trẻ cần càng được trải nghiệm nhiều hơn nữa, được cùng làm việc để thấu hiểu hơn nữa giá trị của bản thân và người khác, từ đó trân trọng bản thân và mọi người xung quanh. Đó là cơ hội cho trẻ học làm người tốt.
TS Phạm Thị Thúy nhấn mạnh, qua việc trải nghiệm, cần trao thêm cho trẻ quyền nói lên quan điểm của mình, quan điểm chính trị chẳng hạn, là cách trẻ phát huy năng lực.
Khi trẻ tự tin được là chính mình, trẻ được tự do, được tôn trọng được yêu thương trẻ sẽ không dễ sa ngã vào những cám dỗ vô bổ.
Báo Tuổi Trẻ Online tổ chức diễn đàn "Xây dựng lối sống đẹp cho giới trẻ, cách nào?". Mọi chia sẻ, ý kiến, giải pháp sống tử tế theo góc nhìn của chính bạn xin vui lòng gửi về email: [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận