25/04/2025 16:53 GMT+7

Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn thành lập đảng bộ xã, phường, đặc khu sau sáp nhập

Ban Tổ chức Trung ương đã có hướng dẫn thành lập đảng bộ xã, phường, đặc khu sau sáp nhập, trong đó có việc lập các cơ quan tham mưu, giúp việc, biên chế.

sáp nhập - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND quận Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: HỮU HẠNH

Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành hướng dẫn 31/2025 về thành lập tổ chức đảng tương ứng các đơn vị hành chính ở địa phương và sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể cấp tỉnh, cấp xã.

Xây dựng đề án lập đảng bộ cấp xã mới sau sáp nhập

Về thành lập đảng bộ xã, phường, đặc khu (cấp xã mới) sau sáp nhập cấp xã, ban thường vụ tỉnh, thành ủy hiện nay chỉ đạo xây dựng đề án kết thúc hoạt động của đảng bộ cấp huyện, đảng bộ cấp xã cũ; thành lập đảng bộ cấp xã mới.

Hướng dẫn lưu ý thời điểm kết thúc hoạt động của các đảng bộ cũ phải đồng bộ với thời điểm thành lập và hoạt động của các đảng bộ cấp xã mới.

Nội dung của đề án cần bám sát Điều lệ Đảng, các quan điểm, nguyên tắc, chỉ đạo của Trung ương, rõ về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, cơ quan tham mưu giúp việc, các tổ chức đảng, đơn vị sự nghiệp trực thuộc (nếu có)…

Quy trình thực hiện xây dựng đề án bảo đảm nguyên tắc, quy định.

Thời gian hoàn thành đồng bộ với việc hợp nhất, sắp xếp đơn vị cấp xã, trước ngày 15-5.

Sau khi phê duyệt đề án, các tỉnh ủy, thành ủy triển khai và hoàn thành một số nội dung sau đồng bộ với việc hợp nhất, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã (từ 1-7 đến 15-8).

Triển khai các quyết định của tỉnh ủy, thành ủy: thành lập đảng bộ cấp xã, chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng ủy cấp xã nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Đảng ủy xã, phường được lập 3 cơ quan, đặc khu 4 cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc

Trên cơ sở đề án được phê duyệt và quyết định của cấp có thẩm quyền, ban thường vụ cấp tỉnh, cấp xã theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện việc thành lập cơ quan tham mưu, giúp việc và đơn vị sự nghiệp của cấp ủy cấp xã như sau:

Đảng ủy xã, phường được lập 3 cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc, gồm văn phòng, ban xây dựng đảng, cơ quan ủy ban kiểm tra đảng ủy.

Đảng ủy xã, phường nơi có trụ sở trung tâm chính trị cấp huyện hiện nay được lập thêm trung tâm chính trị là đơn vị sự nghiệp của đảng ủy.

Đảng ủy đặc khu là đảng ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng được lập tối đa 4 cơ quan tham mưu, giúp việc, gồm văn phòng, ban tổ chức, ban tuyên giáo và dân vận, cơ quan ủy ban kiểm tra và trung tâm chính trị là đơn vị sự nghiệp của đảng ủy.

Các tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí, phân công cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức và biên chế của các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp xã theo hướng cơ bản bố trí cán bộ, công chức, viên chức, biên chế cấp huyện, cấp xã hiện nay về cấp xã và tăng cường một số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp ban, sở, ngành cấp tỉnh về cấp xã (nếu cần).

Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh ủy, thành ủy và chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của cấp ủy cấp xã và cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp xã, đảng ủy cấp xã tiếp nhận, phân công, bố trí cán bộ, công chức, viên chức và biên chế về cấp xã theo quy định.

Thời gian hoàn thành đồng bộ với việc hợp nhất, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, trước ngày 1-7.

Về biên chế cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của đảng ủy cấp xã (mới), định hướng khoảng 15 -17 biên chế, ở những nơi có trung tâm chính trị bố trí không quá 20 biên chế.

Trước mắt có thể bố trí biên chế nhiều hơn (gồm cán bộ công tác Đảng của huyện, xã hiện có và một số cán bộ, công chức cấp tỉnh). Sau khi hoàn thiện vị trí việc làm, tối đa sau thời gian 5 năm phải thực hiện đúng theo quy định của cấp có thẩm quyền.

Với đơn vị cấp xã giữ nguyên không sáp nhập: Cơ quan lãnh đạo thực hiện theo chỉ thị 45 của Bộ Chính trị. Bố trí biên chế cán bộ cơ quan tham mưu giúp việc phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế, bảo đảm cân đối chung trong hệ thống chính trị cùng cấp.

Với các chức danh lãnh đạo đảng ủy cấp xã cần xem xét, bố trí cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu công việc chung là chính, đồng thời theo thứ tự định hướng.

Các cán bộ là thường trực; ủy viên ban thường vụ; phó chủ tịch HĐND, UBND; cấp ủy viên cấp huyện hiện nay…; tăng cường một số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp ban, ngành, sở cấp tỉnh (nếu cần).

Với đơn vị cấp xã có điều chỉnh địa giới: Ngoài các nội dung nêu trên, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển giao, tiếp nhận tổ chức đảng, đảng viên giữa các đảng bộ cấp xã theo hướng dẫn của Ban Bí thư.

Hướng dẫn đề nghị báo cáo Ban Tổ chức Trung ương kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ, công chức cấp xã trước ngày 15-8.

Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn thành lập đảng bộ xã, phường, đặc khu sau sáp nhập - Ảnh 3.Bộ Chính trị hướng dẫn về phương án nhân sự chủ chốt các tỉnh, thành phố sau sáp nhập

Theo kết luận của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, các lãnh đạo chủ chốt, Thường trực Ban Bí thư sẽ cho ý kiến về phương án nhân sự lãnh đạo chủ chốt các tỉnh, thành sau sáp nhập.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên