14/04/2025 21:52 GMT+7

Bộ Chính trị hướng dẫn về phương án nhân sự chủ chốt các tỉnh, thành phố sau sáp nhập

Theo kết luận của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, các lãnh đạo chủ chốt, Thường trực Ban Bí thư sẽ cho ý kiến về phương án nhân sự lãnh đạo chủ chốt các tỉnh, thành sau sáp nhập.

Bộ Chính trị - Ảnh 1.

Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú - Ảnh: TTXVN

Ngày 14-4, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú đã ký ban hành kết luận 150 của Bộ Chính trị hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh cũng như cấp xã sau khi hợp nhất, sáp nhập, thành lập mới.

Xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh

Kết luận nêu rõ các quan điểm, nguyên tắc, yêu cầu và tiêu chuẩn nhân sự. Đồng thời nêu rõ về nội dung xây dựng phương án nhân sự và các bước tiến hành.

Đối với phương án nhân sự lãnh đạo chủ chốt của các địa phương sau khi hợp nhất, sáp nhập (bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và các ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng là ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy), kết luận nêu:

Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị và xây dựng phương án nhân sự cụ thể.

Báo cáo xin ý kiến Tổng Bí thư, các lãnh đạo chủ chốt và Thường trực Ban Bí thư cho ý kiến chỉ đạo để hoàn thiện phương án nhân sự chủ chốt của các địa phương, trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Bảo đảm chặt chẽ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động liên tục của các địa phương và không bị gián đoạn.

Đối với phương án nhân sự của cấp ủy, ban thường vụ và ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp tỉnh sau khi sáp nhập, kết luận đã nêu rõ các bước thực hiện, bao gồm cả việc phân công cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ (sau khi được chỉ định) giữ các chức danh lãnh đạo tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc - trừ những chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Theo quy định, lãnh đạo tỉnh, thành phố được Bộ Chính trị phân công (sẽ có thông báo của Trung ương) sẽ triệu tập và đồng chủ trì cuộc họp với các bí thư tỉnh ủy, thành ủy thuộc diện hợp nhất, sáp nhập.

Cuộc họp sẽ có sự tham dự của thường trực tỉnh ủy, thành ủy và trưởng ban tổ chức của các địa phương liên quan, nhằm chuẩn bị nội dung xây dựng phương án nhân sự.

Các nội dung chuẩn bị bao gồm: tình hình đội ngũ cán bộ tại các địa phương trong diện sắp xếp; đánh giá sơ bộ những thuận lợi, khó khăn; dự kiến phương án nhân sự sau hợp nhất; và định hướng phân công cán bộ đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo tại cơ quan, đơn vị trực thuộc, áp dụng cho cả nhiệm kỳ hiện tại và nhiệm kỳ kế tiếp.

Sau bước chuẩn bị, phương án nhân sự sẽ được đưa ra thảo luận. Lãnh đạo được Bộ Chính trị phân công tiếp tục đồng chủ trì cùng các bí thư tỉnh ủy, thành ủy tổ chức hội nghị ban thường vụ của các tỉnh, thành phố liên quan để lấy ý kiến đóng góp, hoàn thiện và thông qua phương án nhân sự cuối cùng.

Trong quá trình thảo luận, nếu còn có ý kiến khác nhau hoặc chưa thống nhất, thì tổng hợp đầy đủ ý kiến, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định.

Hội nghị này có sự tham gia của đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng.

Phương án nhân sự được địa phương thông qua này được chuyển lên Ban Tổ chức Trung ương để xem xét, cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện phương án nhân sự trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền chỉ định đối với nhân sự theo quy định.

Trên cơ sở ý kiến của Ban Tổ chức Trung ương, người được Bộ Chính trị phân công sẽ đồng chủ trì cùng các bí thư tỉnh ủy, thành ủy trong diện hợp nhất tổ chức cuộc họp với ban thường vụ các địa phương hợp nhất để nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện phương án nhân sự.

Sau đó phương án nhân sự này được báo cáo lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét chỉ định theo thẩm quyền...

Với phương án nhân sự cấp xã

Đối với nhân sự cấp ủy, ban thường vụ và ủy ban kiểm tra cấp xã sau khi thành lập mới, cũng như việc phân công đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo ở xã, toàn bộ phương án nhân sự sẽ do ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xây dựng.

Việc này được thực hiện trên cơ sở tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu và số lượng được quy định trong chỉ thị mới của Bộ Chính trị cùng các văn bản liên quan.

Đồng thời các tỉnh ủy, thành ủy cần nghiên cứu kỹ các yêu cầu trong quá trình xây dựng phương án nhân sự cấp tỉnh để cụ thể hóa và chỉ đạo việc lập, thông qua phương án nhân sự cấp xã.

Việc phân công cán bộ đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo tại cơ quan, đơn vị cấp xã sẽ áp dụng cho nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Toàn bộ quy trình này phải được triển khai thống nhất, đồng bộ và bảo đảm không trái với kết luận nêu trên.

Tuy nhiên Bộ Chính trị lưu ý trước khi kết thúc hoạt động của cấp huyện và thành lập mới đơn vị cấp xã thì ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy cần chủ động tổng rà soát nguồn cán bộ cấp huyện, cấp xã để có phương án xem xét, điều động, phân công, bố trí các cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy, bí thư, phó bí thư.

Cán bộ lãnh đạo các phòng, ban, tương đương ở cấp huyện, lãnh đạo cấp xã và phân công, chỉ định, bố trí, giới thiệu nhân sự giữ chức vụ lãnh đạo ở cấp xã mới ngay khi được thành lập.

Bảo đảm kịp thời, không gián đoạn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cấp xã, phục vụ tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Bộ Chính trị hướng dẫn phương án nhân sự chủ chốt các tỉnh, thành phố sau sáp nhập - Ảnh 2.Bộ Chính trị kết luận sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra, kết thúc hoạt động thanh tra huyện, sở

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống cơ quan thanh tra theo 2 cấp ở Trung ương và địa phương; kết thúc hoạt động thanh tra các bộ, sở, huyện.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên