TTCT - 1. Bạn Bảo Linh nói không sai về việc thế hệ trẻ hiện nay khá đắm chìm trong thế giới ảo (“Nói về chúng tôi”, TTCT số ra ngày 28-6). Tôi sinh năm 1990, và như nhiều bạn trẻ cùng lứa khác, lớn lên cùng nhịp với thời đại số hóa, với Internet. Có một "Thế hệ Tôi"? LTS: Tham gia diễn đàn Có một “Thế hệ tôi“, một du học sinh ở Nhật kể về những trải nghiệm cá nhân chỉ riêng ở khía cạnh làm sao để ”giữ mình” trong một thế giới mà mỗi người trẻ đều có quyền năng quá lớn nhờ Internet, trong khi một độc giả trẻ khác kể về câu chuyện lạc lõng giữa bầy đàn. Phóng to Minh họa: Vũ Đình Giang Tiến bộ vượt bậc này của công nghệ khiến không chỉ giới trẻ Việt Nam mà khắp thế giới phải đối mặt với những xung đột giữa hai thế giới mới - cũ. Nhưng nào phải chỉ chúng tôi ngông cuồng? Chẳng phải Socrates vào thời của mình cũng từng nhận xét: “Bọn trẻ ngày nay thích sự xa hoa. Chúng cư xử tồi tệ, coi thường chính quyền, bất kính trước người lớn... Chúng chẳng còn đứng lên chào những người lớn tuổi khi họ bước vào. Chúng cãi lại cha mẹ, tán gẫu không đúng chỗ, ăn ngấu nghiến ngay tại bàn, ngồi gác chéo chân và ngỗ ngược với cả thầy cô” (*). Không khó để nhận ra khoảng cách, hay mâu thuẫn thế hệ, đã là câu chuyện muôn đời. Nhưng có vẻ như trong thời đại này cuộc xung đột đó còn mang màu sắc khác. Là bởi Internet ra đời và lan tỏa toàn thế giới nhưng lại chia cắt xã hội thành hai thế hệ: thế hệ những người trưởng thành trước khi Internet trở nên phổ biến và thế hệ chúng tôi lớn lên cùng sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin. Vì thế đừng trách vì sao chúng tôi có một đời sống tinh thần lệ thuộc vào Internet (dù ít hay nhiều thay đổi theo từng người). Bởi với khát khao khẳng định muôn đời của giới trẻ, Internet tạo cho chúng tôi điều kiện thể hiện bản thân sao cho nổi trội giữa một thế giới mạng, nơi chúng tôi có thể giao lưu với biết bao người. Internet, không nghi ngờ gì nữa, mang lại quyền năng quá lớn. Nó cho chúng tôi không chỉ tri thức mà còn là sự nổi tiếng (?), và hơn hết là tự do gần như vô hạn. Sức hấp dẫn đó thật sự khó cưỡng lại đối với một người trưởng thành, huống hồ là những người trẻ, mà tâm hồn vẫn đang là những khoảng trống bao la! Nguồn tri thức khổng lồ từ Internet vẫn được dùng cho mục đích học thuật, nhưng chúng cũng được dùng để tạo ra vẻ ngoài “trí thức”, hay để chiến thắng trong những cuộc tranh cãi bất tận về đủ loại chủ đề trên mạng nhằm tô vẽ hư danh. 2. Bản thân tôi từng điều hành một diễn đàn mạng, chứng kiến sự tranh cãi do bất đồng quan điểm của các thành viên. Có thể nói những cuộc tranh luận đó đã đem lại kiến thức cho các thành viên khác. Thế nhưng sự nôn nóng khẳng định hoặc thể hiện mình khiến ngay cả những thành viên “thông thái” nhất (trên 20 tuổi, đang học đại học hoặc đã đi làm) cũng không hề giấu giếm sự hả hê khi là “người chiến thắng” trong những cuộc tranh luận đó. Thật không khó để giải thích tại sao phần lớn những diễn đàn dành cho người trẻ lại có một bầu không khí “chợ trời” với những lời miệt thị đầy cay độc. Và từ những lời lẽ gay gắt trên mạng, không ít người trẻ tuổi trở nên cực đoan cả trong suy nghĩ lẫn hành động. Nhẹ thì họ từ chối lắng nghe ý kiến của người khác, lười tiếp thu tri thức mới. Nặng thì dẫn đến những vụ việc động trời chỉ vì nguyên nhân rất vớ vẩn. (Một lần nữa, Internet là nguồn tài nguyên vô cùng phong phú cho những câu chuyện này, nơi bạn chẳng cần mất công tìm kiếm lâu cũng có thể thấy các kiểu “giết người vì chờ mua hủ tiếu”, “giết bạn vì thua game”...). Bên cạnh đó, khả năng kết nối với thế giới đã biến Internet thành một sàn tạp kỹ khổng lồ. Điều này giúp những người có thực tài vươn lên dễ dàng hơn. Nhưng nó cũng mang theo những kẻ học đòi trẻ tuổi khác. Kết quả là những hệ lụy như những bức ảnh “nóng” được đăng lên để thu hút sự chú ý, hay khủng khiếp hơn là kẻ thủ ác lên Facebook thú nhận đã giết người yêu. Chưa bao giờ người trẻ tuổi phát điên vì nổi tiếng đến thế. Thành công của những gì họ làm được đo bằng lượng phản hồi (feedback) mà họ có, bất kể việc họ làm là đúng hay sai. 3. Liệu có còn cách nào để kéo những người trẻ tuổi ra khỏi thế giới hư danh này không? Tôi cho là có. Vì họ vẫn phải tồn tại trong thế giới thực. Họ vẫn cần cơm ăn, áo mặc, một mái nhà để tồn tại. Hãy trải nghiệm cuộc đời thực, thấu hiểu giá trị của những kinh nghiệm thực tiễn. Tôi vẫn còn nhớ như in những ngày đầu du học xa nhà, chịu nhiều khó khăn. Chỉ khi đó sự phù phiếm của thế giới ảo mới hiện ra. Chỉ khi đó tôi mới ý thức mình chẳng là gì dẫu đã nhận được bao nhiêu cái “like” và tán dương “thủ lĩnh” trên Facebook. Tôi vẫn chỉ là một thanh niên có lúc đã nao lòng trước khó khăn, lạc lõng trên vùng đất lạ và dễ dàng thù ghét thế giới vì những khó khăn của riêng mình. Khi đó, người giúp tôi nhìn lại mình lại là một cô bé Nhật. Cô tên Okawa, cùng làm chung với tôi ở một nhà hàng. Cô bé 18 tuổi ấy vừa đi làm vừa kiếm tiền để vào đại học. Một ngày nọ, một va chạm ở nhà hàng khiến cô ôm mặt lao vào phòng nghỉ. Tôi lặng lẽ bỏ ra ngoài để cô có thể khóc. Nhưng cô không khóc, và đáng nể hơn, cô tiếp tục ngày làm việc đó và vẫn không bỏ việc trong những ngày sau đó. Sau này, tiếp xúc với người Nhật khác trong công việc, tôi dễ dàng nhận ra họ không để những khó khăn, nghịch cảnh của bản thân ảnh hưởng đến trách nhiệm với xã hội. Để có thể cư xử mạnh mẽ như thế, ngoài tính cách bản thân còn do quá trình giáo dục đầy khắc kỷ của gia đình người Nhật: đặt một người trong hoàn cảnh thiếu thốn khiến họ nghiêm túc nhìn nhận điều gì quan trọng với mình, bắt buộc họ chiến đấu vì những gì mình cần, đó là cách để có được trách nhiệm và nghị lực. Chính hình ảnh của cô bé và những bài học mà sự cọ xát thực tiễn mang lại hơn là thế giới ảo đã khích lệ tôi đứng vững và vượt qua những khó khăn. Và tôi cũng nhận ra bản lĩnh đích thực của mỗi người là ở cuộc đời dài rộng họ đã và đang sống, mà thế giới ảo chỉ là một cuộc chơi... ___________ (*): “Personality and Adjustment”, trang 277 (bản in 1953), NXB McGraw-Hill Tôi 23 tuổi, tốt nghiệp ĐH Ngoại thương, hiện đang làm việc tại một công ty kiểm toán quốc tế có mức thu nhập cao so với nhiều bạn vừa ra trường. Là một người trẻ đang trưởng thành, tôi thấy mình vẫn còn nhiều lúng túng. Đó là từ một ngày bạn bè tôi chuyền nhau trên Facebook hình ảnh một cô gái nuôi con giun khổng lồ, cho ăn, tắm chung... , thậm chí ngủ chung. Mọi người kinh hãi, đồn ầm ĩ khắp nơi. Hàng ngàn lượt chia sẻ ảnh, thậm chí chỉ trích cô gái này “không được bình thường”. Tôi cũng vậy, cũng lao vào vòng xoáy kỹ thuật số bằng bình luận “Ghê quá!” trên trang cá nhân của mình. Và chỉ một tuần sau, một cô bạn thân của tôi hiện đang làm việc tại ĐH Y dược TP.HCM đã trách tôi rằng: “Bạn đã tốt nghiệp đại học, cũng đi làm nhưng tư duy phản biện của bạn đâu mà có thể hùa theo dư luận một chuyện rõ ràng chẳng có ý nghĩa gì cả? Giun là sinh vật thở bằng da, liệu có thể tắm trong bồn như vậy được không? Giun là loài không có khung xương (nhưng rắn thì có), liệu với cỡ to như vậy chúng có thể ngóc đầu như trong tấm ảnh không?”. Câu nói ấy khiến tôi chợt tỉnh và ngộ ra quanh mình hàng ngàn bạn trẻ khác cũng như tôi: dễ bầy đàn chia sẻ nhưng không hề có ý thức phản biện. Phải chăng chúng tôi đã quen lệ thuộc, dễ dàng chấp nhận? Xung quanh ai làm gì cũng làm theo, quen đi trên một con đường đã dọn sẵn. Học văn mẫu, nhớ thuộc lòng, cố vào đại học, tốt nghiệp xong thì kiếm một việc làm cho tươm tất. Bởi vậy nên mới ngây ngô tin vào hàng loạt câu chuyện chia sẻ trên mạng: khi có kẻ cướp ở ATM thì nhập ngược mã PIN hay bị kim tiêm HIV đâm vào thịt thì nặn máu ra rồi xoa xà phòng...(!). Suy cho cùng, không phải chúng tôi không có đủ tri thức để nhận xét đúng sai, nhưng có vẻ chúng tôi không tự tin để làm điều đó. Ngày còn nhỏ đi học, thầy cô bảo học thuộc lòng thì cứ nghe rồi học. Có đứa đứng dậy hỏi thầy những chỗ “thấy lạ” thì bị thầy mắng: “Tôi là thầy hay em là thầy!”. Một cô bạn cùng khoa tôi ở trường đại học thường tranh luận với giảng viên thì bị bạn bè cho là “chơi trội”. Chẳng nhóm nào muốn nhận bạn vào vì cho rằng bạn lập dị, cá biệt và sợ nhận bạn vào nhóm thì giảng viên sẽ ghét lây cả nhóm. Bạn thành một “cá thể lạ” trong lớp vì những người xung quanh không quen chấp nhận sự khác biệt, đặc biệt là tư duy phản biện mà bạn xây dựng cho mình quanh những câu hỏi “Tại sao?”, “Như thế nào?”. Một người bạn cùng lớp phổ thông của tôi xin bố mẹ nghỉ học một năm để đi trải nghiệm thì bị mắng: “Tao đẻ ra mày thì chúng mày phải nghe!”. Dần dần, chúng tôi hành xử theo số đông bởi khi nói điều gì đó ngược dòng rất dễ bị “ném đá”. Số đông cuốn chúng tôi đi cùng, dù ngay trong “bầy đàn” chúng tôi cũng lạc lõng và cô đơn... Tags: Du học sinhCâu chuyện cuộc sốngTrải nghiệm cá nhânThế hệ tôiĐộc giả trẻ
200 y bác sĩ ở TP.HCM xuyên đêm ghép tạng cứu 4 người TTXVN 26/01/2025 Những ngày cận Tết bận rộn, hơn 200 y bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã chạy đua lấy và ghép tạng cho 4 bệnh nhân từ một người hiến chết não.
VietinBank rao bán những khoản nợ xấu 'lạ lùng' BÌNH KHÁNH 26/01/2025 Cuối năm, VietinBank bỗng rao bán nhiều khoản nợ “lạ”. Một khách hàng của VietinBank vay tiêu dùng với giá trị ghi nợ gồm cả gốc, lãi, lãi phạt hơn 260.000 đồng nhưng không thanh toán, để trở thành nợ xấu.
Vụ sầu riêng gặp khó xuất khẩu sang Trung Quốc: Tuyệt đối không sử dụng vàng O để sơ chế CHÍ TUỆ 26/01/2025 Dù có 7 trung tâm xét nghiệm chất vàng O được Trung Quốc công nhận nhưng để xuất khẩu sầu riêng được thuận lợi thì các doanh nghiệp tuyệt đối không sử dụng chất vàng O để sơ chế, đóng gói.
Vụ nam thanh niên hít xà đơn trên metro số 1: Công ty Đường sắt đô thị đề nghị công an vào cuộc CHÂU TUẤN 26/01/2025 Những ngày qua mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh một nam thanh niên hít xà đơn phản cảm trên chuyến tàu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ngày 26-1, công ty vận hành đề nghị công an vào cuộc.