TTCT - Các nhà bán lẻ trực tuyến, nhất là các đại gia, đang chạy đua để giao hàng sớm nhất có thể cho một thế hệ các thượng đế chuộng mua tất tần tật mọi thứ qua mạng - miễn là có nơi bán, và quan tâm không chỉ giá có rẻ không mà còn thời gian chờ nhận có lâu không. Ảnh: Creative Market Một đôi giày có thể sẽ chu du khắp nơi, từ nhà máy sản xuất, qua nhiều khâu trung gian, vận chuyển bằng đường thủy hay đường sắt cùng các kiện hàng khác, rồi lại chất lên xe tải vận chuyển đường bộ trước khi nằm trong kho của trang thương mại trực tuyến A. Khi có khách đặt mua, quá trình giao đôi giày này từ kho của hãng A đến tay người tiêu dùng được gọi là giao hàng chặng cuối (last mile delivery), và đây là yếu tố quan trọng với các nhà bán lẻ trực tuyến trong thời thương mại điện tử. Nhà kinh tế học chuyên về vận tải Noel Perry cho rằng thị trường giao hàng chặng cuối có thể đạt trị giá 12 tỉ USD trong vòng 10 năm tới, từ mức 3,7 tỉ USD hiện nay. Điều này không có gì ngạc nhiên vì nó xuất phát từ nhu cầu ngày càng cao của người mua hàng. Nếu các trang mua sắm online đều bán cùng một món hàng, với cùng mức giá thì ai giao hàng nhanh hơn sẽ có lợi thế so với đối thủ. Target, nhà bán lẻ lớn thứ 8 Hoa Kỳ cung cấp dịch vụ giao hàng trong ngày cho người mua ở 47 bang với mức phí cố định 9,99 USD cho mọi loại đơn hàng. (Ảnh: the bump) Cuộc đua từ nước Mỹ CNBC ngày 13-6 mô tả đang diễn ra một cuộc chiến về giao hàng giữa các nhà bán lẻ hàng đầu nước Mỹ, gồm Amazon, Walmart và Target - tất cả đều chạy đua cung cấp nhiều hình thức giao hàng nhanh khác nhau cho khách hàng. Tay chơi “ra đòn” mới nhất là Target, nhà bán lẻ lớn thứ 8 Hoa Kỳ, với quyết định cung cấp dịch vụ giao hàng trong ngày cho người mua ở 47 bang ở Mỹ với mức phí cố định là 9,99 USD, bất kể đơn hàng có bao nhiêu món. Các đơn hàng giao trong ngày này sẽ do Shipt, công ty giao hàng được Target mua lại với giá 550 triệu USD hồi năm 2017, xử lý. Nói là trong ngày nhưng thời gian có thể chỉ là vài giờ. Thực tế, Target khẳng định dịch vụ này cho phép 65.000 món hàng được giao trong vòng 1 tiếng kể từ khi đặt mua. Target từ lâu đã cho phép khách hàng nhận hàng trong ngày nếu mua gói thành viên của Shipt với giá 99 USD/năm. Mấu chốt của thay đổi mới nhất là người mua nếu cần nhanh thì cứ trả thêm phí theo từng đơn hàng, thay vì bỏ ra cả trăm đô mà có khi trong năm chẳng dùng tới là bao. Cách làm này của Target được cho là để nhiều khách hàng có thể trải nghiệm “mua liền có ngay”, và có thể sử dụng dịch vụ này thường xuyên. Và nó cũng được xem là “câu trả lời” cho các chương trình tương tự của Amazon và Walmart. Gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến Amazon cho phép thành viên gói VIP (Amazon Prime, phí thường niên 119 USD) nhận hàng trong ngày miễn phí nếu đơn hàng trị giá từ 35 USD trở lên. Amazon cũng có Prime Now, dịch vụ giao hàng trong vòng 2 giờ, áp dụng cho khoảng 100 khu vực thành thị. Người dùng không có tài khoản Prime Amazon có thể chọn giao hàng nhanh với phí 9,98 USD/món hàng. Tháng 5 vừa qua, Walmart ra mắt NextDay, chương trình “đặt hàng hôm nay nhận hàng ngày mai” miễn phí cho 220.000 món hàng phổ biến trong hệ thống, hoặc cho người mua từ 35 USD/đơn hàng. Walmart đặt mục tiêu đưa NextDay phủ sóng 75% dân số Mỹ. Chương trình này tiếp nối tùy chọn “giao hàng sau 2 ngày” miễn phí mà Walmart áp dụng từ năm 2011. Walmart hiện cũng có giao hàng trong ngày đối với hàng thực phẩm, áp dụng cho khoảng 800 cửa hàng, với phí tùy khu vực. Tại Việt Nam, cũng đã có trang thương mại điện tử có hình thức giao hàng nhanh (2-3 giờ) với phí thành viên 500.000 đồng/năm, thỉnh thoảng miễn phí áp dụng cho đơn hàng từ 150.000 đồng với yêu cầu phải thanh toán qua ví di động. Một chuỗi cửa hàng thực phẩm thì cam kết giao trong 2 giờ cho đơn hàng từ 200.000 đồng. Các chương trình này đều chỉ áp dụng cho các thành phố lớn. Dễ nhận thấy trong cuộc chiến giao hàng nhanh, các nhà bán lẻ phải đấu với nhau trong nhiều yếu tố: rút ngắn thời gian, áp dụng cho thêm nhiều món hàng hơn, phủ sóng nhiều khu vực hơn. Chi phí là một cuộc đua khác: thu phí thường niên hay trên đơn hàng, áp dụng cho người mua tối thiểu bao nhiêu thì được… Tất cả đều là những bài toán không dễ giải, nhất là nó đòi hỏi đầu tư vào kho bãi, hệ thống giao nhận… Lực lượng shipper cũng đóng vai trò không nhỏ trong cuộc chiến giao hàng nhanh. Shipt phải huy động 80.000 - 100.000 nhân viên để lấy hàng, đóng gói và giao cho khách trong mùa cao điểm. Trong một bối cảnh gần gũi với Việt Nam, Amazon Ấn Độ dự định thuê sinh viên, nội trợ và người về hưu làm shipper bán thời gian để kịp đáp ứng nhu cầu giao nhanh. Hình thức tuyển dụng là 4 giờ/ngày, mỗi giờ khoảng 120 rupee (40.000 đồng), theo trang LiveMint. Muôn mặt giao hàng Thương mại điện tử không chỉ mang lại sự tiện lợi trong việc mua hàng - mọi lúc, mọi nơi, thanh toán dễ dàng - mà còn trong khâu giao nhận. Danh mục các tùy chọn giao hàng hiện không chỉ gói gọn trong “giao đến tận cửa” sau 2 giờ, trong ngày, hôm sau, hay sau 2 ngày mà còn có cả mang hàng vào nhà, hay thậm chí cho vào tủ lạnh trong nhà người mua. Năm 2018, Amazon ra mắt Key, dịch vụ cho phép nhân viên giao hàng vào gara hay nhà khách hàng để giao hàng, nhằm tránh tình trạng gói hàng để trước cửa bị mất cắp. Amazon Key chỉ dành cho các khách hàng có cửa gara vừa cửa chính có cài khóa thông minh, cho phép mở cửa từ xa và kết nối với ứng dụng của Amazon, giúp giám sát, đảm bảo an toàn khi để người lạ vào nhà. Nhân viên giao hàng sẽ đến địa chỉ cần giao, gửi yêu cầu mở cửa về Amazon. Trung tâm xử lý lúc này sẽ xác nhận, nếu đúng gói hàng đó cần giao đến địa chỉ đó và người giao cũng có mặt đúng địa chỉ, sẽ mở cửa nhà từ xa cho nhân viên bước vào. dịch vụ Amazon Key Hồi đầu tháng này, Walmart tuyên bố còn có thể làm hơn Amazon. Với dịch vụ InHome Delivery, dự kiến áp dụng cho hơn 1 triệu khách hàng ở các thành phố Kansas, Pittsburgh và Vero Beach, Walmart không chỉ giao hàng đến nhà mà còn mở tủ lạnh, cất thực phẩm vào luôn cho khách. Theo trang Engadget, Walmart cho biết hiện chỉ nhân viên thâm niên ít nhất 1 năm mới được giao vị trí “giao hàng đến tận tủ lạnh”, song chưa công bố cụ thể các biện pháp đảm bảo an ninh. Nhà bán lẻ này chỉ tiết lộ nhiều thiết bị, công nghệ sẽ được ứng dụng để người mua mở/đóng cửa từ xa và giám sát quá trình giao hàng. Đến cuối năm nay, Walmart dự kiến cung cấp dịch vụ ngược lại: khách muốn trả hàng cứ để ở quầy bếp, nhân viên sẽ ghé lấy. Cần phải chờ ý tưởng táo bạo này được thực hiện để xem hiệu quả ra sao. Trước mắt đã có ý kiến lo ngại kiểu giao hàng này cũng tốt thôi, nhưng người giao hàng có biết ta để trứng ở đâu và cà chua phải để ngăn nào không? Nếu những sáng tạo giao hàng cho người mua trực tuyến không có điểm dừng, thì sao không thể nghĩ đến ngày thiết bị bay không người lái (drone) thả gói hàng ta vừa đặt xuống sân? Đó là tầm nhìn mà Amazon hướng đến với dự án giao hàng bằng drone - Prime Air. Ngày 5-6, Amazon công bố thiết kế máy bay giao hàng có thể giúp hãng đạt được mục tiêu giao hàng bằng drone: phương tiện chạy bằng điện, lai giữa trực thăng (cất/hạ cánh theo chiều dọc) và máy bay, có thể bay 15 dặm (24km) và giao hàng dưới 5 pound (2,2kg) cho khách trong vòng 30 phút. Cuộc chơi giao hàng bằng drone còn có Uber, vốn đang chuẩn bị thử nghiệm giao bánh hamburger của McDonald’s cho khách đặt qua dịch vụ Uber Eat bằng thiết bị bay không người lái ở thành phố San Diego, California. San Diego là 1 trong 10 thành phố được Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) cấp phép thử nghiệm giao hàng thương mại bằng drone. Amazon và UPS đang đánh cược rất lớn cho mô hình giao hàng bằng drone. Trong khi đó, Wing, start-up có cùng công ty mẹ Alphabet với Google, là công ty đầu tiên nhận được giấy phép giao hàng thương mại bằng drone chính thức từ FAA. Trong vài tháng tới, Wing sẽ dùng drone chuyển hàng của các doanh nghiệp ở Virginia đến hai thị trấn ngoại ô Blacksburg và Christiansburg. Thách thức lớn nhất của giao hàng bằng drone là khung pháp lý. Riêng tại Mỹ, các hãng phải được FAA chấp thuận và đáp ứng nhiều yêu cầu liên quan đến an toàn hàng không như một hãng hàng không thực thụ, như cách Wing đã làm, theo Bloomberg. Các nhà bán lẻ càng đầu tư sáng tạo, phục vụ người tiêu dùng hết mức có thể, thì chính “thượng đế” sẽ hưởng lợi lớn nhất. Cuộc chạy đua giao hàng nhanh chắc chắn sẽ giảm giá dịch vụ, các tùy chọn giao hàng độc đáo “đến tận tủ lạnh” khi đạt độ chín cũng sẽ làm trải nghiệm mua sắm thay đổi chưa từng thấy. ■ Vẫn có những khách hàng không muốn hàng giao đến nhà mà muốn tự lấy, và các nhà bán lẻ đều có dịch vụ giao hàng tương ứng. Một thăm dò trên 1.100 người Mỹ do Hãng Internet Retailer thực hiện năm 2018 cho thấy 53% có ý định sẽ mua hàng online nhiều hơn trong năm 2019, nhưng sẽ đến nhận hàng tại cửa hàng, thay vì chờ giao. Cả Walmart và Target đều có hình thức giao hàng gọi là “in-store pickup” này. Khách đặt online, nhân viên sẽ chuẩn bị sẵn và chờ khách đến lấy. Tags: Thương mại điện tửShipperBán lẻ trực tuyếnDịch vụ giao hàngGiao hàng nhanh
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đẩy mạnh đột phá về thể chế vì đó là 'đột phá của đột phá' TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM 24/01/2025 Chiều 24-1, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài phát biểu quan trọng bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sau gần 2 ngày làm việc.
Chiều 25 Tết, các điểm đầu TP.HCM ken đặc, hành khách xếp hàng ở sân bay nhiều giờ THU DUNG 24/01/2025 Chiều 24-1, người dân bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đường phố TP.HCM càng về chiều càng đông, cuộc xuân vận bắt đầu diễn ra.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Mỹ bắt đầu trục xuất hàng trăm người nhập cư lậu, tuyên bố 'chiến dịch trục xuất lớn nhất lịch sử' KHÁNH QUỲNH 24/01/2025 Ngày 23-1, chính quyền mới của ông Trump đã bắt hàng trăm người nhập cư trái phép và trục xuất nhiều người ra khỏi nước Mỹ bằng máy bay quân sự.