![Ăn cắp vặt có phải... chuyện vặt? - Ảnh 1. Ăn cắp vặt có phải... chuyện vặt? - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/10/n-minh-a-cap-vat-read-only-17392013758781705660516.jpg)
Ở các cửa hàng, siêu thị tiện lợi..., người mua sắm có thể thoải mái chọn lựa hàng hóa và ra quầy thanh toán sau. Nhưng mọi hành động tốt xấu đều được camera giám sát - Ảnh: N.MINH
Có lần họp mặt những người bạn cũ thời phổ thông, tôi bất ngờ khi nghe một người bạn nhắc về một người bạn khác với câu hỏi: "Không biết T. có bỏ thói ăn cắp vặt, bằng không thì khó lắm... ". Năm lớp 9, bạn và người bạn gái kia được xếp ngồi chung bàn.
Sau nhiều lần bị mất tiền, bạn để ý và đã "bắt tại trận" người kia đang mở cặp lấy cắp tiền. Lúc đó bạn chỉ cảnh cáo riêng, không làm lớn chuyện. Và đôi bạn không còn thân thiết từ đó.
Ai cũng có thể mắc sai lầm khi còn quá trẻ. Nhưng câu chuyện từ thời quá khứ có thể được nhắc đến, truyền tai nhau tại thời điểm hiện tại và nhận về những bình phẩm, đánh giá của người thương, kẻ ghét.
Một chuyện đáng tiếc khác cũng vì thói quen ăn cắp vặt. Một cô sinh viên có thành tích học tập tốt nhất nhì khoa, cuối khóa được giảng viên đề cử giữ lại trường. Thế nhưng khi lấy ý kiến của sinh viên trong lớp thì nhận nhiều ý kiến tiêu cực.
Bởi sinh viên này từng bị phát hiện nhiều lần ăn cắp vặt, phải làm cam kết trước bạn bè trong cùng ký túc xá. Một người có thể bị mất cơ hội lớn trong đời vì hành vi đáng tiếc trong quá khứ.
Cuối năm 2024 qua báo chí, nhiều người không khỏi ngạc nhiên với vụ một phụ nữ tại Vĩnh Long khi đi mua đồ ở cửa hàng đã lấy trộm... một hộp xí muội, một hộp hạt dẻ bỏ vào túi xách cá nhân và bị nhân viên phát hiện.
Trước đó người này cũng lấy một số sản phẩm khác tại cửa hàng này. Sau khi vụ việc xảy ra, người phụ nữ cho rằng do bản thân bị bệnh hoang tưởng, áp lực công việc, không kiềm chế được cảm xúc, nên đã lấy hàng hóa, đồng thời gửi kèm phiếu khám bệnh tâm thần được cấp sau đó. Nhưng dù gì đi chăng nữa, thông tin vụ việc đã ảnh hưởng đến cá nhân liên quan...
Ăn cắp vặt cũng cho thấy có khi bắt nguồn từ thói quen, ý thức chứ không hoàn toàn do hoàn cảnh khó khăn, tật xấu này có cả ở người lớn và trẻ nhỏ. Bởi có những người lớn giàu, nổi tiếng, có địa vị trong xã hội thật oái oăm, từng bị phát hiện... ăn cắp vặt.
Với những người bình thường, "thiệt hại" cho bản thân cũng chẳng khác mấy so với người nổi tiếng, không còn được đẹp trong mắt người khác.
Phụ huynh uốn nắn, nhắc nhở ngay con em tránh xa hành vi xấu ăn cắp vặt từ nhỏ cũng giúp tránh rắc rối cho chính họ.
Dạy trẻ tránh xa ăn cắp vặt
Tết này tại một siêu thị lớn chính mắt tôi thấy một bé gái chừng 10 tuổi nhanh tay chộp một viên kẹo trong khu trưng bày các loại kẹo, lén lút cho vào miệng ngậm.
Phụ huynh gần đó bận rộn mua sắm không hay biết gì. Trong khi gian hàng này có ghi sẵn dòng chữ không dùng thử sản phẩm. Nhìn động tác nhanh, thuần thục "trong một nốt nhạc" mà thấy thật đáng lo...
Trẻ nhỏ cần được học những bài học tôn trọng tài sản, sức lao động của người khác, của bạn bè, tránh xa ăn cắp vặt.
Bởi thói xấu này có thể khiến trẻ đánh mất tình bạn, thậm chí bị cô lập, tẩy chay. Không chỉ tập thói quen, hành vi tốt từ lúc nhỏ để lớn lên, trưởng thành luôn ứng xử đúng đắn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận