13/02/2025 18:05 GMT+7

Ăn bánh bèo chén, bánh canh hẹ mà nhớ Phú Yên

Má bảo tôi sống ở Sài Gòn sướng lắm, sướng nhất ở chỗ muốn ăn món gì thì ra đầu hẻm là tìm được. Má nói đúng một nửa, một nửa thì chưa đủ. Dân Phú Yên muốn ăn món quê nhà tại Sài Gòn khó lắm, bởi tìm ở đâu cũng không ra được hương vị của quê nhà.

Ăn bánh bèo chén, bánh canh hẹ… mà lòng nhớ về Phú Yên  - Ảnh 1.

Bánh bèo chén, món ăn quen thuộc của người Phú Yên - Ảnh: LAN HƯƠNG

Trong một lần tình cờ, tôi tìm được quán bánh bèo Cô Mai Phú Yên. Bước vào quán, nghe mùi thơm nồng, có chút tanh nhẹ của cá xộc vào mũi mà muốn khóc, mà tưởng mình đã về nhà rồi.

'Bánh canh hẹ Phú Yên ngon nhất Sài Gòn'

Bánh bèo Cô Mai Phú Yên nằm trên đường Hoa Sứ - tuyến đường có cơ man đồ ăn của quận Phú Nhuận. Quán mở cửa từ lúc 7h sáng đến 21h hằng ngày.

Bánh bèo Cô Mai Phú Yên bán toàn những món quen thuộc với dân xứ Nẫu như bánh bèo nóng, bánh canh hẹ, bánh hỏi, chả lụa…

Một tô bánh canh hẹ đầy đủ ở đây có giá 45.000 đồng, trong khi đó phần bánh bèo thì 40.000 đồng, gồm 10 chén con con.

Ăn bánh bèo chén, bánh canh hẹ… mà lòng nhớ về Phú Yên  - Ảnh 2.

Bánh canh hẹ gồm sợi bánh canh bột gạo dẻo dai, chả cá, cá dầm, trứng cút và thật nhiều hẹ xanh - Ảnh: LAN HƯƠNG

Khác với bánh canh Sài Gòn, bánh canh hẹ của dân xứ Nẫu làm từ loại bột gạo dẻo dai, có hình dáng vuông vắn, áo bên ngoài là lớp bột gạo để tránh từng cọng bánh canh dính vào nhau. 

Topping của bánh canh hẹ đơn giản, chỉ một vài lát chả cá, một ít cá thu đen dầm, thật nhiều hẹ xanh non kết hợp với nước dùng ngọt thanh… là đã ra thành phẩm. 

Để ngon hơn và khử mùi tanh của cá còn sót lại, người ăn cay sẽ thêm chút ớt xay nhuyễn.

Điều làm nên linh hồn của món bánh canh hẹ là phần nước dùng ngọt thanh. 

Chị Nguyệt - nhân viên tại quán - bảo vị ngọt của nước dùng hoàn toàn đến từ xương heo và thịt cá nấu nhiều giờ liền trên bếp. 

Bên cạnh đó, quán cũng không sử dụng bột ngọt hay hạt nêm để tạo cảm giác ngọt giả cho thực khách.

Ăn bánh bèo chén, bánh canh hẹ mà nhớ Phú Yên - Ảnh 3.

Bánh bèo nằm gọn trong các chén sứ, hấp cách thủy nên vẫn giữ nguyên độ nóng khi mang ra cho thực khách - Ảnh: LAN HƯƠNG

Bánh bèo chén nằm trọn trong chén sứ nhỏ, hấp cách thủy để giữ bánh luôn nóng. Phần bánh trắng tươi, núng nính.

Tương tự bánh canh hẹ, topping của bánh bèo chén cũng chẳng cầu kỳ, chỉ gồm chút chà bông, bánh mì chiên, hành phi và mỡ hẹ, ăn kèm nước mắm chua ngọt đỏ au. Đơn giản vậy mà ngon, vèo cái hết cả mâm.

Trên trang đánh giá Google Maps, bạn Tuan nhận xét: "Bánh bèo nóng, bột dai dai, nước chấm khá cuốn. Bánh canh hẹ nước lèo vừa, sợi dai, cá tươi. Ăn xong 1 tô, mua thêm 2 tô tối về ăn tiếp!".

Còn bạn Nguyen My khen ngợi: "Bánh canh hẹ Phú Yên ngon nhất Sài Gòn. Quán hơi nhỏ nhưng có máy lạnh, giá cả phải chăng".

Lớn lên từ mùi hương bánh bèo của mẹ

Chị Linh - chủ quán - kể bánh bèo Cô Mai Phú Yên đã có mặt tại Sài Gòn vừa tròn 8 năm.

Khi được hỏi về lý do lựa chọn bán đồ ăn Phú Yên tại Sài Gòn, chị chỉ trả lời đơn giản: "Vì mình nhớ, mình yêu, mình mong muốn được đưa hương vị quê mình đến đây để mọi người cùng thưởng thức".

Bàn tay thoăn thoắt chuẩn bị phần bánh bèo chén cho thực khách - Video: LAN HƯƠNG

Quán hiện tại chỉ là chi nhánh 2, quán Cô Mai chính gốc nằm dưới chân núi Nhạn tại Phú Yên, do mẹ chị làm chủ với "tuổi nghề" lên đến 20 năm.

Phụ giúp chị Linh trong quán là chị Nguyệt, vừa là nhân viên trực tiếp đứng bếp, vừa là con cháu trong nhà. Hai chị lớn lên trong mùi hương bánh bèo thơm lừng của mẹ, của ngoại, từ đó dần yêu hơn về món ăn này.

Quán cô Mai chính gốc không bán bánh canh hẹ mà chỉ có bánh bèo chén và bánh hỏi. Sau khi mở quán ở Sài Gòn, chị Linh mới đưa món ăn này vào menu của quán.

Ăn bánh bèo chén, bánh canh hẹ mà nhớ Phú Yên - Ảnh 4.

Không gian bên trong quán bánh bèo Cô Mai Phú Yên - Ảnh: LAN HƯƠNG

"Khách tới đây người Phú Yên cũng có, người Sài Gòn cũng có. Ban đầu người ta chưa biết món này là gì vì nó cũng lạ, nhưng riết thì người ta ăn quen và dần thích món này.

Các nguyên liệu tại quán đều từ quê gửi vào nên rất an toàn, sạch sẽ, từ chả cá, cá thu, hẹ cho đến chà bông. Món duy nhất không ở Phú Yên có lẽ là bánh mì - topping giúp bánh bèo thêm ngon" - chị Nguyệt vừa làm liền tay vừa kể.

Trong tay tô bánh canh nóng hổi, vừa ăn mà lòng nhớ về quê nhà. Chẳng dám khẳng định món ăn này "chuẩn" vị Phú Yên nhất Sài Gòn như nhiều thực khách khác đánh giá, nhưng đối với tôi, nó lại vừa vặn khít với những ký ức tuổi thơ mình.

Ăn bánh bèo chén, bánh canh hẹ… mà lòng nhớ về Phú Yên  - Ảnh 5.Ra Hà Nội mùa này ăn bún ốc cổ Bùi Thị Xuân, ghé gánh bún ốc nguội cô Báu

Vừa đáp máy bay, em gái Sài Gòn liền thúc giục cô chị Hà Nội dẫn đi tìm mấy hàng bún ốc nguội ở thủ đô vì rất tò mò về mùi vị của một món ăn đã đạt đến cái đích nghệ thuật ăn ngon của người Hà Nội, như lời của nhà văn Vũ Bằng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên