11/02/2025 05:39 GMT+7

Ốc bươu Bàu Nghè, nước chè Phú Thượng

Nếu có dịp ghé thăm vùng Tây Bắc TP Đà Nẵng (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang), bạn sẽ nghe câu ca truyền đời: 'Ốc bươu Bàu Nghè, nước chè Phú Thượng'. Đây là hai đặc sản nổi tiếng gắn liền với ẩm thực Quảng Nam - Đà Nẵng.

Ngày xuân về Hoà Sơn nghe kể chuyện ốc bươu Bàu Nghè, nước chè Phú Thượng - Ảnh 1.

Món canh lừng danh ốc bươu Bàu Nghè nấu với chuối chát

Nếu như chè xanh Phú Thượng được người dân nơi đây yêu thích nhờ hương vị thanh mát, giải khát, thì ốc bươu Bàu Nghè lại chinh phục thực khách bởi độ dai giòn, béo ngậy và hương vị đặc trưng khó quên. 

Vùng đất sản sinh những đặc sản quê hương

Các bậc cao niên sinh sống ở xã Hòa Sơn kể lại rằng Bàu Nghè nguyên là một bàu nước lớn, sâu và rộng trên 70ha, vốn là đầm lầy hoang vu đầy cỏ năng, cỏ đế… 

Năm 1962, một người trong làng là ông Hương Thưởng đã mang sen về trồng thí điểm. Ban đầu chỉ là một đám nhỏ, sau đó lan rộng khắp bàu. 

Để cải tạo khu vực này, ông cho đắp một con đường ngăn đôi, chia thành Bàu Trước và Bàu Sau, đồng thời bơm nước từ bàu này sang bàu kia để phục vụ sản xuất lúa.

Ngày xuân về Hoà Sơn nghe kể chuyện ốc bươu Bàu Nghè, nước chè Phú Thượng - Ảnh 2.

Cánh đồng sen Bàu Nghè

Đến năm 1974, cả vùng Bàu Nghè vẫn còn hoang hóa, chỉ chủ yếu trồng sen - một loại sen địa phương gọi là sen sượng, chỉ lấy hoa chứ không lấy hạt. 

Khi hòa bình lập lại, người dân mới khai thác Bàu Nghè để nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Ngoài những loại cá mới du nhập theo các chương trình khuyến ngư, Bàu Nghè còn sản sinh những loài thủy sản truyền thống như rô, giếc, trê, tràu, ốc bươu, sìa, ếch…

Ngày xuân về Hoà Sơn nghe kể chuyện ốc bươu Bàu Nghè, nước chè Phú Thượng - Ảnh 3.

Ốc bươu Bàu Nghè - món ăn dân dã nhưng đầy tinh tế

Từ con ốc bươu, các bà mẹ quê vùng Bàu Nghè đã khéo léo chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn. Mỗi món đều có hương vị đặc trưng riêng, ăn một lần là nhớ mãi như canh ốc bươu, ốc xào sả ớt, ốc um chuối chát, khế.

Mỗi món ăn lại có những cách nêm nếm gia vị riêng, kết hợp với các nguyên liệu như nghệ, rau thơm, ớt hiểm, tạo nên sự hòa quyện đậm đà.

Một trong những món đặc sắc nhất là ốc bươu um sả ớt - món ăn khoái khẩu của nhiều đấng mày râu. 

Ốc bươu bắt về được ngâm qua nước vo gạo một đêm để loại bỏ bùn đất, sau đó chà sạch, chặt đít, luộc sơ rồi trộn với các gia vị như ớt, sả, tiêu, dầu phộng… và um nhẹ cho thấm. 

Ngày xuân về Hoà Sơn nghe kể chuyện ốc bươu Bàu Nghè, nước chè Phú Thượng - Ảnh 4.

Đĩa ốc bươu Bàu Nghè um thơm ngon với nhiều màu sắc

Bí quyết để có món ốc ngon là không um quá lâu để tránh thịt ốc co rút sâu vào vỏ, nhưng cũng không um quá nhanh khiến gia vị chưa kịp thấm.

Ốc bươu sau khi um có màu sắc bắt mắt với sắc vàng xám của vỏ, màu đỏ của ớt, màu nâu của sả, điểm xuyết thêm lá chanh xanh mướt. 

Đặc biệt, nước chấm đi kèm không phải là nước mắm chanh tỏi ớt thông thường, mà là hỗn hợp tương hột giã nhuyễn, dầu phộng phi thơm với tỏi, đậu phộng rang giã dập, hòa cùng đường cát và mì chính, tạo nên hương vị đậm đà khó quên.

Canh ốc bươu nấu chuối chát 

Ngoài món um sả ớt, ốc bươu còn được chế biến thành món canh nấu chuối chát, mang đậm hương vị quê hương. Ốc bươu sau khi ngâm kỹ được đập lấy phần đầu, rửa sạch, sau đó ướp với mẻ chua, nước nghệ, nước mắm, tiêu bột, mì chính, ớt xiêm giã dập… 

Bạc hà tước vỏ, thái lát, bóp muối, chuối chát gọt vỏ, thái mỏng, ngâm nước để loại bỏ nhựa. 

Khi nấu, phi thơm dầu phộng với củ nén, cho thịt ốc vào xào săn rồi thêm nước dùng, đun sôi. Khi hỗn hợp chín mềm, cho chuối chát, bạc hà, khế đã xắt vào, đợi sôi lại rồi nêm nếm gia vị vừa ăn.

Thịt ốc giòn dai hòa quyện với vị chua nhẹ của khế, vị chát bùi của chuối chát, hương thơm của lá tía tô, hành lá, tiêu và ớt xiêm cay nồng tạo nên món canh đậm đà, khó cưỡng, nhất là khi Tết đến xuân về. 

Chính vì thế, đến nay câu ca về ốc bươu Bàu Nghè vẫn còn vang vọng: "Mời anh ăn ốc Bàu Nghè / Ăn xong uống tách nước chè quê em…".

Ngày xuân về Hoà Sơn nghe kể chuyện ốc bươu Bàu Nghè, nước chè Phú Thượng - Ảnh 5.Ra Hà Nội mùa này ăn bún ốc cổ Bùi Thị Xuân, ghé gánh bún ốc nguội cô Báu

Vừa đáp máy bay, em gái Sài Gòn liền thúc giục cô chị Hà Nội dẫn đi tìm mấy hàng bún ốc nguội ở thủ đô vì rất tò mò về mùi vị của một món ăn đã đạt đến cái đích nghệ thuật ăn ngon của người Hà Nội, như lời của nhà văn Vũ Bằng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên