TTCT - 1. Ông Đô là chủ quán nhậu sát nhà bà Tư. Đó là một gã cao lớn, hơn bốn mươi tuổi, bụng phệ. Ông Đô gọi bà Tư bằng cô ruột, lại là hàng xóm nhưng xem ra không có tình cảm là mấy. Ông Đô được thừa kế mảnh đất để cất quán nhậu từ người cha, anh cả của bà Tư. Thật ra bốn mảnh đất liền kề trước đây là của cha bà Tư thừa kế lại cho bốn đứa con. Hai người con khác đã bán đất đi lập nghiệp nơi khác từ lâu lắm rồi, hiện tại chỉ còn lại hai miếng kề nhau này. Phóng to Đô bước vào trong sân nhà bà Tư gọi thân mật: “Cô Tư ơi!”. Đô có quán nhậu giáp với mảnh đất nhà bà Tư. Kế hoạch của gã là chiếm cho bằng được mảnh đất của bà Tư và kết hợp với mảnh đất quán nhậu của gã xây dựng nên một nhà hàng hoành tráng mang tên gã. Có đến mười mấy lần gã hỏi thăm và thỏ thẻ sẽ mua cho bà Tư một căn nhà nhỏ khác đầy đủ tiện nghi và đền bù thêm cho bà một khoản tiền để dưỡng già gọi là tình cô cháu, nhưng bà Tư từ chối. Bà bảo: Cô sinh ra ở đây, cô chết ở đây. Đô thấy bà đang nhặt rau trước cửa nhà. Bảy mươi tuổi, gầy đét, nhăn nheo, lưng còng, nhưng sức khỏe còn dẻo dai như con gái. Bà Tư không chồng cũng không con, nhưng cháu ruột thì bà có cả một lũ chứ không riêng gì một mình Đô. Lũ cháu thỉnh thoảng vẫn tranh nhau đến thăm bà, chủ yếu lấy lòng, nịnh bà để khi bà qua đời thì thừa kế lại mảnh đất đang sống cho chúng nó. Người đời thường nói “Nhất cự ly, nhì tốc độ” nhưng xem ra Đô không thể tận dụng được cơ hội này. Đô thừa biết rằng mình không được lòng bà Tư mặc dù sống gần nhau, mà còn là cô cháu ruột. Gã thân thiện vỗ vào lưng bà Tư, rồi ngồi xuống chiếc ghế đẩu cạnh bà. - Chào cô Tư, vẫn khỏe chứ? - Cảm ơn con, cô vẫn khỏe. Rồi bà Tư chẳng nói gì nữa. Đô nhìn bà làm, có vẻ bứt rứt, ngần ngại, lo lắng, có cái gì ở cửa miệng mà không thốt ra được. Cuối cùng, gã quyết định: - Cái nhà này ấy mà, cô vẫn không muốn nhượng lại cho con hả? - Chuyện ấy thì không. Không được đâu. Dứt khoát rồi, dứt khoát, con đừng nói lại nữa. - Chả là con tìm được cách thu xếp ổn thỏa cho cả hai bên. Thế này nhé. Cô nhượng nó cho con, ấy rồi mà cô vẫn cứ giữ lấy nó, vẫn sống ở đây cho đến chết. Bà Tư ngừng nhặt rau, cặp mắt tinh tường dưới đôi mi nhăn nheo nhìn chằm chằm vào gã cháu ruột máu mủ, là chủ quán nhậu bên cạnh nhà. Gã tiếp: - Con nói rõ nhé. Con đưa cô mỗi tháng hai triệu đồng. Cô nghe rõ chứ? Mỗi tháng con đem qua đây cho cô hai triệu đồng. Và rồi chẳng có gì khác cả, chẳng có gì hết. Cô vẫn ở nhà cô, cô không bận tâm gì về con, cô chả nợ nần gì con sất. Cô chỉ có việc lấy tiền của con thôi. Cô thấy thế được không? Gã nhìn bà Tư với bộ dạng thương người, với bộ dạng rộng lượng. Bà Tư ngắm gã cháu ruột một cách nghi ngại, tìm xem cái bẫy ở chỗ nào. Bà hỏi: - Thế món tiền ấy là phần cô, nhưng phần con, cái nhà này, cô không đem nhà cho con chứ? Gã tiếp: - Cô đừng lo chuyện ấy. Trời cho cô sống được chừng nào thì cô vẫn ở đây. Đây là nhà cô. Có điều cô làm cho con cái giấy di chúc ở chỗ ông luật sư để rồi sau này con được hưởng thừa kế. Cô không chồng, không con cái, chỉ có một đám cháu nhưng có đứa nào hiếu thảo với cô đâu. Khi cô mất con sẽ đứng ra lo đám tang chôn cất cho cô đàng hoàng, con sẽ đem bàn thờ của cô vào chung chỗ bàn thờ của ba mẹ con cho cô gần với anh trai. Hằng năm con sẽ đi tảo mộ cho cô và vào ngày cô mất con sẽ cúng giỗ cho cô đàng hoàng. Cô thấy thế được không? Cô còn sống thì cô cứ giữ gìn lấy cái nhà của cô, còn con đưa cô mỗi tháng hai triệu đồng. Phần cô rất có lợi đấy. Bà Tư vẫn ngạc nhiên, lo ngại, nhưng bị hấp dẫn. Bà đáp: - Cô chả bảo là không. Có điều, cô cần phải có thời gian suy nghĩ xem thế nào đã. Tuần sau con qua đây cô cháu ta bàn lại. Ý cô muốn sao cô sẽ bảo con. Thế là ông Đô chủ quán nhậu ra về, hài lòng như ông vừa thực hiện được một kế sách lớn. Bà Tư đâm nghĩ ngợi. Đêm sau bà không ngủ được, thức trắng cả đêm. Bốn ngày trời bà như bị lên cơn sốt vì băn khoăn do dự. Bà cảm thấy có cái gì đó không hay cho mình, nhưng nghĩ đến hai triệu đồng hằng tháng, đến những đồng bạc thật cứ dốc vào túi của mình, từ trên trời rơi xuống cho mình như thế, chẳng phải làm gì, bà bồn chồn thèm muốn. Bà Tư nghĩ quan trọng là có tiền dưỡng già lúc còn sống chứ chết rồi thì còn cần gì nữa. Sau khi bà chết đi thì nhà và đất này bà thừa kế lại cho Đô. Còn khoản tiền bà để dành được đến lúc chết, bà thừa kế lại cho đứa cháu nào bà tin cậy nhất để thỉnh thoảng nó mua đồ đến cúng, rồi viếng thăm mộ bà và đôn đốc Đô thực hiện đúng như trong di chúc là cúng giỗ bà hằng năm đàng hoàng, như vậy là ổn rồi. Căn nhà mà bà Tư đang ở là của cha mẹ xây cho bà. Cha mẹ bà Tư sinh ba đứa con trai thì mới sinh được một mụn con gái là bà Tư. Gia đình bà sống rất hạnh phúc khi bà còn là một đứa con gái nhỏ. Nhưng khi bà ngày càng lớn thì quả là một điều vô cùng lo lắng, nếu không muốn nói là mất ăn mất ngủ, không phải vì lẽ bà ngang bướng hoặc quậy phá, mà bởi lẽ chẳng có thằng con trai, đàn ông nào để ý đến bà. Bà Tư bị liệt vào hàng ngũ gái xấu, gần hai mươi tuổi đời bà cũng chưa có bạn trai nên cha mẹ bà bắt đầu lo. Kiếm ở đâu ra một tấm chồng cho bà bây giờ? Thôi thì cha mẹ sinh sao phải chịu thế, nhưng càng ngày bà Tư càng mặc cảm và càng không muốn lấy chồng. Bà Tư không hề chịu làm quen với bất cứ một thằng đàn ông nào mà mọi người mai mối cho. Cứ thế bà trở thành gái già không chồng không con. Nên cha mẹ bà quyết chia phần đất cho đứa con gái duy nhất đồng đều như các anh của nó. 2. Bà Tư bèn đến gặp ông luật sư và kể lại câu chuyện. Ông ta khuyên bà nhận lời ông Đô, nhưng đòi bốn triệu đồng một tháng chứ không phải hai triệu đồng một tháng, vì đất và nhà của bà Tư rẻ ra cũng đáng một tỉ đồng. Ông luật sư bảo: - Nếu bà sống mười lăm năm nữa thì như thế ông Đô cũng chỉ phải trả cho bà có bảy trăm hai mươi triệu đồng. Bà Tư run lên khi nghĩ đến bốn triệu đồng hằng tháng, nhưng vẫn còn nghi ngại, sợ trăm ngàn điều bất ngờ, sợ những mưu ngầm cho dù đó là người trong nhà, và bà ngồi lại hỏi han đến tối, không dứt ra về được. Cuối cùng, bà bảo ông luật sư lo thủ tục giấy tờ, rồi ra về bồi hồi rối loạn như thể vừa uống vài xị rượu. Đô đến xem bà Tư trả lời ra sao. Bà để cho gã nài nỉ thật lâu, tuyên bố mình không ưng, song rất sợ gã không đồng ý đưa bốn triệu đồng mỗi tháng. Cuối cùng, thấy gã nằn nì, bà nói ra ý bà. Gã giật nảy mình vì thất vọng và gã không chịu. Thế là để thuyết phục gã, bà bèn bàn luận về tuổi thọ của mình: - Chắc là cô chỉ sống dăm sáu năm nữa là cùng. Hơn bảy mươi tuổi rồi, mà có khỏe khoắn gì cho cam. Tối hôm nọ, cô đã tưởng mình đi theo cha con rồi. Người cứ như chết rồi, mọi người phải khiêng cô về nhà đấy. Nhưng ông Đô không mắc mưu. - Thôi, thôi, cô Tư, cô vững như cây cổ thụ ấy. Xoàng ra cô cũng sống đến trăm linh mười tuổi. Cô sẽ đưa ma con, dám chắc như thế. Mất cả một ngày bàn cãi. Không ai nhượng bộ ai, cuối cùng cả hai bên đều thống nhất là ba triệu đồng cho mỗi tháng. Hôm sau họ mời ông luật sư đến làm giấy tờ pháp lý, cả hai đều đồng thuận ký tên vào. Và bà Tư đòi ngay ba triệu đồng cho tháng đầu tiên. Ba năm trôi qua. Bà Tư khỏe mạnh như có bùa phép. Dường như bà không già đi lấy một ngày, và ông Đô tuyệt vọng. Gã tưởng chừng như gã đã trả món tiền nợ hằng tháng ấy mấy chục năm nay rồi, gã làm như mình bị lừa, gã sốt ruột về kế hoạch xây dựng nhà hàng hoành tráng mang tên gã như dự định. Thỉnh thoảng gã lại đến thăm bà Tư, như người ta thăm đồng, xem lúa đã chín hay chưa để còn lo thu hoạch. Bà Tư tiếp thằng cháu ruột với cái nhìn ranh mãnh. Cứ như thể bà khoái chí vì đã chơi cho thằng cháu tham lam một vố quá đau. Và gã ra về, mồm lẩm bẩm: - Thế là bà còn lâu lắm mới chết được. Ông Đô không biết làm thế nào. Nhìn bà Tư, gã những muốn bà chết ngay. Gã ghét bà với niềm căm ghét của người bị đánh mất tiền. Đô bèn tìm kế cho dù đó là cô ruột của gã. Thế rồi, một hôm gã đến thăm bà, xoa xoa hai bàn tay như cái lần đầu tiên khi gã ướm chuyện hợp đồng với bà. Và sau khi gã đã trò chuyện vài phút: - Cô Tư, sao cô không đến quán con dùng bữa khi cô đi ngang qua quán nhậu của con? Mọi người bàn tán đấy, họ bảo thế là mình không phải là cô cháu tốt của nhau, vậy mà sau này cô chết để lại di chúc nhà đất cho con thì lạ quá, chuyện ấy làm con buồn lắm. Cô biết đấy, ở quán con, cô không phải trả tiền đâu. Con chẳng tính toán gì một bữa ăn. Cô ưng thì cô cứ đến tự nhiên, cho con vui lòng. Bà Tư chẳng để phải được mời lại, và ngày hôm sau nữa bà không nề hà gì đi luôn qua quán nhậu và đòi bữa ăn thằng cháu hứa. Tay chủ quán phấn khởi lắm, tiếp đãi bà Tư như khách quý, thết bà nhiều món ngon. Nhưng bà hầu như chẳng ăn gì mấy, quen thanh đạm từ thuở bé, suốt đời chỉ dùng những bữa cơm đơn giản. Ông Đô nài nỉ, thất vọng. Bà cũng chẳng uống gì. Bà từ chối nước giải khát. Gã bảo: - Thế cô dùng tí rượu nhé! - À! Cái ấy thì được. Thế là gã gọi váng lên, từ đầu này đến đầu kia quán. - Đem rượu ra đây, loại cực ngon, thượng hảo hạng ấy. Và cô phục vụ bước ra, tay cầm cái chai rượu có nhãn trang trí rất đẹp mắt. Gã rót đầy hai ly. - Cô Tư, nếm thử này, loại trứ danh đấy. Bà Tư uống từ từ, nhấm nháp, kéo dài niềm thích thú. Khi ly đã cạn, bà dốc cho hết rồi tuyên bố: - Ừ phải, rượu ngon thật! Bà Tư chưa nói xong, ông Đô đã rót luôn cho bà đợt nữa. Bà toan từ chối nhưng không kịp, và bà lại nhấm nháp rất lâu, như ly trước. Thế là gã muốn mời ly thứ ba, nhưng bà không chịu. Gã nài nỉ: - Cái này như nước trái cây ấy mà, cô thấy đấy, con à, con uống mươi, mười hai ly êm ru. Nó trôi tuột đi như nước lã. Bụng chả sao hết, đầu chả sao hết, như thể vào đến lưỡi là bốc hơi luôn. Lợi cho sức khỏe nhất hạng đấy! Bởi muốn uống quá nên bà nhận lời, nhưng chỉ nửa ly thôi. Thế là ông Đô, trong cơn hào hiệp, reo lên: - Vì cô thích, con sẽ cho cô một thùng luôn để cô thấy rằng chúng ta bao giờ cũng là cô cháu tốt của nhau. Bà Tư không từ chối và ra về, hơi chếnh choáng. Hôm sau ông Đô bê qua nhà bà Tư một thùng rượu lớn. Rồi gã muốn bà nếm thử để chứng tỏ là đúng thứ rượu ấy, và sau khi mỗi người đã uống ba ly, gã tuyên bố lúc ra về: - Cô biết đấy, khi nào hết thì con sẽ lại mang cho cô nữa. Cô đừng ngại, con không tính toán đâu. Bốn ngày sau ông Đô trở lại. Bà Tư ngồi trước cửa đang nhặt rau chuẩn bị nấu cơm. Gã đến gần, chào bà, nói sát vào mặt bà cốt để ngửi hơi thở bà. Và gã thoảng thấy mùi rượu. Thế là mặt gã rạng lên. Gã bảo: - Cô mời con một ly chứ? Và họ chạm ly hai ba lượt. 3. Chẳng bao lâu sau trong vùng có tiếng đồn là bà Tư nghiện ngập say sưa một mình. Người ta nhặt được bà khi thì ở trong sân, khi ở ngoài vườn, khi trên những nẻo đường quanh đấy và phải khiêng bà về, sõng sượt như xác chết. Ông Đô không qua nhà bà Tư nữa, gã nhủ thầm: Cái bà già này mà không rượu chè ấy à, còn là sống thêm được chục năm nữa. Mỗi khi nghe người ta than phiền về bà Tư thì gã khẽ bảo với bộ mặt buồn rầu: - Vào tuổi cô Tư tôi mà mắc chứng ấy thì cũng gay đấy nhỉ? Già rồi thì vô phương cứu chữa. Như vậy thì chẳng tốt đẹp gì cho cô ấy đâu. Quả là chẳng tốt đẹp cho bà Tư thật. Nhưng người tính không bằng trời tính. Ông Đô bị đột quỵ ra đi bất ngờ trước bà Tư một tuần vào mùa đông rét mướt năm đó… Tags: Truyện ngắnTHƯ HIÊNÂm mưu
Trực tiếp: Tình hình giao thông cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 24/01/2025 Mời quý bạn đọc xem tình hình giao thông tại cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 (25 tháng Chạp). Nhiều gia đình bắt đầu về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc ăn Tết 2025, lượng xe di chuyển trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết.
Vì sao tuyển Việt Nam không còn mặn mà với sân Mỹ Đình? NGUYÊN KHÔI 24/01/2025 Thật khó tưởng tượng sân vận động quốc gia lại không phải là lựa chọn số 1 của đội tuyển Việt Nam. Nhưng điều đó lại đang đúng với sân Mỹ Đình (Hà Nội).
Thông tin mới về yêu cầu sắp xếp, tinh gọn bộ máy cấp tỉnh, huyện THÀNH CHUNG 24/01/2025 Việc công bố các quyết định liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy cấp tỉnh, huyện sẽ được thực hiện từ ngày 18 đến 20-2-2025.
TikToker Nam 'Birthday' nhận sai: 'Tôi đã say rượu. Xin khoan hồng cho tôi' HỒNG QUANG 24/01/2025 Bùi Phương Nam cho rằng do đã say rượu, mất kiểm soát, không làm chủ được bản thân nên có hành động sai trái.