TTCT - Mì gói vẫn thường gắn với cảnh khó khăn thiếu thốn, và khi tiêu thụ mì ăn liền khắp thế giới tăng mạnh, ta có thể nói điều tương tự về sức khỏe kinh tế toàn cầu. Ảnh: Hiệp hội Mì ăn liền thế giớiNhu cầu mì ăn liền toàn cầu đạt mức kỷ lục 121,1 tỉ khẩu phần trong năm 2022, tăng gần 2,6% so với năm 2021, theo Hiệp hội Mì ăn liền thế giới, trụ sở chính tại Osaka (Nhật Bản). Đây là mức tăng liên tiếp trong vòng 7 năm. Con số này dựa trên số hàng bán ra ước tính ở 56 nền kinh tế. Trung Quốc, tính cả Hong Kong, là thị trường mì ăn liền lớn nhất năm ngoái (45 tỉ khẩu phần), theo sau là Indonesia (14,26 tỉ), rồi đến Việt Nam (8,48 tỉ), Ấn Độ (7,58 tỉ) và Nhật Bản (5,98 tỉ).Tiêu thụ mì ăn liền đã tăng mạnh đến 9,5% trong năm 2020, khi cả thế giới phải phong tỏa vì đại dịch. Đà tăng chậm lại một chút, 1,4%, vào năm 2021, trước khi vọt trở lại - lần này là do lạm phát khắp nơi, giá lương thực tăng cao khiến nhiều người phải chuyển sang dùng mì gói. Xu hướng này giúp sản phẩm vốn quen thuộc với dân châu Á mở rộng mạnh mẽ sang các thị trường mới như Mỹ (5,15 tỉ gói trong năm 2022) và Mexico (1,51 tỉ) - những nơi "không hề có văn hóa ăn mì tôm", theo tạp chí Nikkei. Tờ này dẫn thông cáo của Nissin Foods cho hay vì lạm phát mà "những người tiêu dùng trung lưu trước đây không ăn mì ăn liền giờ đang gắn bó với chúng trong cuộc sống hằng ngày".Đó là với các thị trường "mới nổi", còn ở sân chơi "truyền thống" châu Á, chuyện dân ăn mì nhiều hay ít, hoặc giá cả của loại thực phẩm "chủ lực" này cũng là một vấn đề kinh tế đau đầu. Tình hình khó khăn đến mức Chính phủ Thái Lan hồi năm ngoái không còn cách nào khác phải đồng ý tăng giá trần mì gói lần đầu tiên sau 14 năm, tức kể từ khủng hoảng tài chính 2008.Giá mì ăn liền, một mặt hàng thiết yếu ở Thái, vẫn được quy định ở mức tối đa 6 baht (khoảng 4.000 VND/gói), nhưng tới ngày 25-8-2022, mức trần đã tăng thêm 1 baht, "dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang lan rộng hơn", theo tường thuật của báo South China Morning Post. Trước đó, các nhà sản xuất mì gói Thái - gồm 3 thương hiệu đại gia Mama, Wai Wai và Yum Yum, vốn chiếm gần 90% thị phần nội địa và nắm kha khá lượng xuất khẩu sang các nước châu Á - đã kêu gọi chính phủ cho phép tăng giá vì nguyên liệu đầu vào tăng.Đó là thời điểm mà mì gói ở châu Á, bữa sáng ở Anh và thịt muối ở Mỹ cùng chung số phận đội giá đầu vào do khủng hoảng năng lượng vì cuộc chiến Nga - Ukraine. Giá lúa mì, dầu cọ và các sản phẩm nông nghiệp, cũng như chi phí hậu cần, đóng gói, năng lượng và nguyên vật liệu khác, đều tăng mạnh. Chính phủ Thái buộc phải gật đầu với thỉnh cầu của các nhà làm mì gói, cùng lúc với việc ngân hàng trung ương nước này tăng lãi suất để ngăn đà lạm phát.Một chính phủ khác cũng đau đầu với mì ăn liền là Hàn Quốc, nơi giá bán lẻ tăng 13,1% trong tháng 5 vừa qua so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất kể từ 2009, theo dữ liệu của chính phủ. Điều đáng lưu ý, đây là số liệu 2023, tức khi khủng hoảng giá lúa mì đã hạ nhiệt. Trong một cuộc phỏng vấn phát trên truyền hình hồi tháng 6, Choo Kyung Ho, phó thủ tướng và bộ trưởng kinh tế tài chính Hàn Quốc, ngầm chỉ trích các nhà sản xuất mì ăn liền vì đã không giảm giá tương ứng với sự sụt giảm giá lúa mì thế giới. Ông Choo không trực tiếp yêu cầu các hãng mì phải giảm giá bán lẻ vì "chính phủ không nên can thiệp và kiểm soát giá", song nhấn mạnh rằng "sẽ tốt hơn nếu các hiệp hội người tiêu dùng đóng vai trò kiểm tra và gây áp lực".Lúc này gói mì đã là trung tâm của tranh cãi chính trị. Chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol đối mặt với sức ép vì quan điểm không can thiệp nhiều vào nền kinh tế, bất chấp giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng mạnh vì lạm phát. Shin Se Don, giáo sư kinh tế tại Đại học Phụ nữ Sookmyung (Seoul), cho rằng dưới áp lực phải ban hành biện pháp giúp đỡ các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn, có lẽ chính phủ cũng sẽ phải bớt cứng nhắc trong quan điểm để thị trường quyết định của mình. "Mọi người ở Hàn Quốc tin rằng chính phủ phải làm gì đó để can thiệp vào các thị trường trọng điểm và các yếu tố then chốt của xã hội, nhưng điều quan trọng là mức độ, nghĩa là mạnh mẽ và thường xuyên đến đâu" - ông nói với Nikkei.Trong khi đó, tại quê hương của mì ăn liền, các nhà sản xuất lớn đã tăng giá khoảng 10% trong năm 2022, và tăng thêm 10% nữa trong năm nay vì chi phí nguyên liệu và đóng gói tăng. Tăng giá 10% liên tiếp trong hai năm là chuyện bất thường, nhưng doanh số vẫn không giảm đáng kể.Nói gì thì nói, các hãng mì ăn liền đang bội thu vì ngày càng có thêm khách hàng. Hai công ty Nhật, Nissin Foods và Toyo Suisan, đều có kế hoạch xây dựng cơ sở sản xuất ở Mỹ trước năm 2025 để đáp ứng nhu cầu ở đó và Mexico. Tags: Mì ăn liềnThị trường mì ăn liềnNgười tiêu dùngMặt hàng thiết yếuChi phí sinh hoạtMì gói
Các cửa khẩu nào sẽ tạm dừng thông quan với Trung Quốc? HÀ QUÂN 23/01/2025 Các cửa khẩu ở khu vực tỉnh Lạng Sơn sẽ tạm dừng thông quan hàng hóa với Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Đại gia gỗ Đỗ Xuân Lập bị bắt vì đánh bạc: Cơ ngơi nghìn tỉ, liên quan một công ty lớn trên sàn BÌNH KHÁNH 23/01/2025 Ông Đỗ Xuân Lập là chủ một công ty chế biến, xuất khẩu gỗ có doanh thu gần 1.000 tỉ đồng. Ngoài ra, ông Lập cũng là thành viên HĐQT độc lập của Công ty CP Phú Tài - một doanh nghiệp có doanh thu lên tới hơn 6.000 tỉ đồng năm 2024.
Nhóm nghi can đánh tử vong nam shipper ở Đà Nẵng khai gì? THÁI BÁ DŨNG 23/01/2025 Khai ban đầu với cơ quan điều tra, các nghi can trong nhóm phía người phụ nữ đặt hàng qua sàn Shopee nói do bức xúc nhất thời. Cả hai phía đều đã có nhậu từ trước.
Kẹt xe trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây từ 4h sáng, kéo dài ra cao tốc TP.HCM - Long Thành MINH HÒA 23/01/2025 Ngày 23-1, nhiều gia đình bắt đầu về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc ăn Tết 2025, lượng xe di chuyển lên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và TP.HCM - Long Thành tăng đột biến, gây kẹt xe kéo dài từ sáng sớm.