
Chủ tịch ADB phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 58 Hội đồng Thống đốc ADB ngày 5-5 tại Milan - Ảnh: ADB
Bất ổn không phải là lý do để thoái lui
Ngày 5-5 tại Milan (Ý) đã diễn ra phiên khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 58 Hội đồng Thống đốc ADB. Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch ADB Masato Kanda cho rằng những bất ổn mà châu Á và Thái Bình Dương đang phải đối mặt cũng là cơ hội để xây dựng một tương lai thích ứng và bền vững hơn.
"Những cú sốc bên ngoài, gánh nặng nợ nần và biến đổi khí hậu đang đè nặng lên người dân và nền kinh tế của khu vực. Nhưng chúng ta không bắt đầu từ con số không. Tăng trưởng vẫn vững chắc, thương mại và hội nhập kinh tế đang ngày càng sâu sắc, chuỗi cung ứng đang đa dạng hóa và kết nối kỹ thuật số và đổi mới đang tăng tốc", ông Kanda chia sẻ.
Chủ tịch ADB kế đó nhấn mạnh tại sự kiện có hơn 5.000 đại biểu tham dự: "Bất ổn không phải là lý do để thoái lui. Đó là lời kêu gọi phải táo bạo hơn, hành động nhanh hơn và hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết".
Theo nhà lãnh đạo ADB, con đường phía trước không hề dễ dàng. Nhưng nó tràn đầy sự lạc quan. Châu Á và Thái Bình Dương là nơi có cơ hội và tiềm năng phi thường.
"Điều này đã rõ ràng với tôi khi tôi nhìn thấy sự lạc quan và nụ cười trên khuôn mặt của các bé gái và bé trai ở trường học tại Campuchia. Nếu chúng ta hành động táo bạo, làm việc cùng nhau và luôn trung thành với các giá trị của mình, chúng ta sẽ xây dựng một khu vực thịnh vượng hơn, hòa nhập hơn, kiên cường hơn và bền vững hơn" - Chủ tịch ADB nêu thông điệp.

Lãnh đạo ADB bày tỏ sự lạc quan về sự phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh: ADB
Bốn lĩnh vực trọng tâm để tạo sự chuyển đổi
Ngoài các thống đốc ngân hàng thành viên ADB, hội nghị năm nay còn có đại diện của các chính phủ bao gồm Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, khu vực tư nhân, dân sự và học viện.
Hội nghị thường niên năm nay nêu bật bốn lĩnh vực trọng tâm đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự thay đổi mang tính chuyển đổi tại châu Á và Thái Bình Dương.
Đầu tiên, để giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương của các hệ thống lương thực trong khu vực, ADB sẽ tăng quy mô tài trợ cho quá trình chuyển đổi hệ thống lương thực lên 40 tỉ USD vào năm 2030.
ADB cũng đang đầu tư vào các công nghệ kỹ thuật số để cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục, tài chính và thị trường.
Với tư cách là ngân hàng đa phương lớn của châu Á, ADB cũng đang đầu tư vào việc hiện đại hóa và kết nối các hệ thống năng lượng, bao gồm cả việc sẵn sàng cam kết lên tới 10 tỉ USD để hỗ trợ công việc trong chương trình Lưới điện ASEAN.
"Chúng tôi đang làm việc ở các lĩnh vực tiên phong của cuộc cách mạng năng lượng thông qua các sáng kiến như Lưới điện ASEAN, sẽ hiện đại hóa và kết nối các hệ thống năng lượng trên khắp các nền kinh tế Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng. ADB sẵn sàng cam kết lên tới 10 tỉ đô la để biến tầm nhìn Lưới điện ASEAN thành hiện thực" - ông Kanda nêu.
Liên quan biến đổi khí hậu, ADB đã và đang tăng cường đầu tư để xây dựng khả năng chống chịu bằng cách củng cố cơ sở hạ tầng, phục hồi và bảo vệ các hệ sinh thái, đồng thời giúp các cộng đồng dễ bị tổn thương thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.
Ngân hàng này cũng tái khẳng định cam kết tăng quy mô phát triển khu vực tư nhân, hướng tới mục tiêu tăng gấp bốn lần nguồn tài trợ cho khu vực tư nhân lên 13 tỉ USD mỗi năm vào năm 2030.
ADB là ngân hàng phát triển đa phương hàng đầu hỗ trợ tăng trưởng đồng đều, thích ứng và bền vững ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương.
Được thành lập vào năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 69 thành viên, trong đó có Việt Nam là một trong những nước sáng lập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận