
Bà Trần Thị Bé, chứng nhân sự đổi thay của con đường này đã đem lại nhiều lợi ích cho nhân dân - Ảnh: YẾN TRINH
Sau một ngày miệt mài, 17h người xe nườm nượp ngược xuôi trên đường Phạm Văn Đồng (TP.HCM) từ vòng xoay ngã năm hướng sân bay xuống các giao lộ Nguyễn Thái Sơn, Lê Quang Định, Phan Văn Trị, Nguyễn Xí rồi cầu Bình Lợi sắc đỏ đến vòng xoay Bình Triệu - quốc lộ 13... về với tổ ấm của mình.
Bộ mặt tuyến đường với 12 làn xe dài gần 14km đi qua các quận Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp, Thủ Đức đã đổi thay, phát triển quá nhiều sau hơn chục năm thông xe.
Nhà hẻm quanh co thành mặt tiền khang trang
"Cho ly nước cam ít đường dì ơi!", chúng tôi dừng lại ở một xe nước vỉa hè trên đường này, đoạn qua quận Bình Thạnh. Vắt cam xong, bà Trần Thị Bé (73 tuổi) quay sang bán đồ ăn vặt cho mấy em nhỏ vừa đi ngang.
Bán nước giải khát là nghề mưu sinh của bà Bé từ năm tháng nay bên cạnh tiệm tạp hóa bà mở từ hồi con đường mới thông xe. Lòng thoải mái vì mùa nắng buôn bán đắt hàng, người đàn bà tóc bạc như cước cao hứng kể chuyện xưa chuyện nay của khu này.
Chỉ tay ra mé giao lộ Phạm Văn Đồng - Nguyễn Xí bà nói: "Đó, ngay khúc đó cách đây hơn chục năm là làm lễ thông xe con đường này, cắt băng đỏ. Bà con đi lại nhanh chóng, khỏe re chứ trước đó là đường nhỏ lầy nước lắm".
Năm lên 2 tuổi (1954), bà Bé cùng sáu anh chị em được ba mẹ dắt díu từ Hải Dương vào Sài Gòn, mở ra trang đời mới. Ban đầu gia đình bà tá túc nhà người dì ở khu Nguyễn Thượng Hiền (Phú Nhuận), sau năm 1975 dạt ra mé này. "Lúc đó đất đai nhiều, nhà tôi cỡ 1.000m2, nhà cửa sơ sài, làm ruộng, be bờ nuôi cá, trồng mía, khoai sắn, tỏi, ớt... gánh đi bán", bà kể.
Từ thời điểm đó đến tận những năm 2000, nhắc đến khu vực rộng lớn này người dân còn nhớ khu nghĩa địa, rồi khu xóm Thơm có nhà ga, xe lửa chạy rầm rập. Giải phóng mặt bằng năm 2012, đất nhà bà chỉ còn lại gần 40m2. Sẵn tiền đền bù, bà xây căn nhà nhỏ ở với chồng và hai người con. Hai con có việc làm ổn định, vậy nên bà cho rằng nhà mặt tiền có lợi cho việc buôn bán, đi lại, cuộc sống tươi mới, sôi động hơn.
Giọng xởi lởi, ông Nguyễn Kim Quang (71 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) bớt cho một vị khách mấy ngàn đồng khi người này ghé mua mấy thanh chặn cửa. Ông thuê mặt bằng chung với một bạn hàng để bán đồ gia dụng cũ trên đường này, vừa là chỗ bán hàng vừa là chỗ ngả lưng.
"Hồi đó tôi bán ở chợ Bà Chiểu nhưng mặt bằng nhỏ hơn nhiều, qua đây rộng rãi có chỗ cho khách để xe. Đường Phạm Văn Đồng xe đông, sáng người ta ghé mua nhiều. Lái bỏ hàng cho tôi thường đi từ Thủ Đức lên đây tiện lắm", người đàn ông đã theo nghề lạc xoong này hơn 20 năm, chia sẻ.
Mặt bằng khang trang lại nằm trên tuyến đường lớn nên chuyện buôn bán của ông Quang khởi sắc hơn. Bên này là đồ gia dụng, bên kia đồ trang trí, nữ trang, sách cũ, dụng cụ điện nước... sắp xếp ngăn nắp trên nền gạch sáng trưng.
Từ 8h sáng bán tới tối mịt, ông cười: "Cách đây hơn 20 năm khi chưa có đường này, mỗi lần đi ngang tôi sởn da gà. Hồi đó ai đi xe ôm mà nói vô xóm Thơm là không ai dám chở vô vì nghĩa địa không à, giang hồ nọ kia. Còn bây giờ tầm 16h là người ta dọn hàng ra, quán ăn, nước giải khát bán về đêm nhộn nhịp lắm...".
Chiều mát nếu có bạn hú hoặc trúng mánh, ông ngồi lai rai vài chai bia với mấy người bạn. "Trưa tôi thường mua cơm, đồ ăn ở mấy quán gần đây cũng rẻ và tiện", ông nói.

Một đoạn đường Phạm Văn Đồng đầy sức sống đi qua các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức - Ảnh: YẾN TRINH
"Từ sân bay chạy lên Thủ Đức có một đường một"
Thật vậy, con đường Phạm Văn Đồng hiện hữu đã giải quyết bài toán giao thông, rút ngắn thời gian đi lại của người dân. Đường lớn thông thoáng với cây cầu Bình Lợi sừng sững bắc qua sông Sài Gòn như một biểu tượng đón chào tất cả mọi người. Chúng tôi còn nhớ hồi cây cầu mới đưa vào sử dụng, chiều tối bạn trẻ rủ nhau ra hóng gió, chụp ảnh check-in nhộn nhịp như đi hội.
Bà Bé kể trước đây muốn đi xuống mé Thủ Đức, Đồng Nai, nhà bà thường băng qua cây cầu hỏa xa bề ngang có chút xíu (cầu Bình Lợi cũ), "hồi hộp quá trời". Còn ngược ra Phú Nhuận hoặc lên sân bay họ phải đi vòng vèo. Bây giờ bà tuổi cao ít đi lại nhưng các con đi làm khỏe hơn ngày trước rất nhiều.
Đi công việc ngang qua đây, bà Ngọc Hà (56 tuổi, ngụ đường Quang Trung, quận Gò Vấp) cho biết: "Hồi đó tôi hay ghé khu ga xóm Thơm chơi với mấy người bạn, khúc giữa Phạm Văn Đồng xưa chưa có đường lớn. Toàn bộ ở đây là nhà trong hẻm hết, làm đường rồi mới lòi ra mặt tiền. Hồi Nhà nước làm đường, dân tình bàn tán xôn xao, hồ hởi, làm xong là chạy xe ra coi".
Có một khoảng thời gian, bà Hà còn kinh doanh quán ăn trên đường này, cứ chiều tối là tấp nập khách khứa. Giọng hào hứng, bà nói: "Từ nhà tôi qua Phạm Văn Đồng gần xịt. Giờ tôi chuyển qua lĩnh vực trang trí nội thất, công việc hay đi lại qua đường này. Chiều cuối tuần rảnh, tôi chở cháu ngoại ra hóng mát, lựa đồ lạc xoong, mua đồ chơi, mấy trái banh cho cháu".
Nhắc chuyện ngày xưa từ hướng sân bay Tân Sơn Nhất chạy xuống mé Thủ Đức xa vời vợi, giờ bà nói chắc nịch: "Từ hướng sân bay mà bắn (chạy) lên Thủ Đức là có một đường một, rất thoải mái. Tôi đi chừng 15-20 phút, còn hồi xưa đi phải một tiếng vì lòng vòng, kẹt xe tứ tung".
Tạm biệt bà Hà, chúng tôi thấy bên đường những nhóm bạn trẻ, nhân viên văn phòng... đã ngồi vào những chiếc ghế trong các quán nướng, quán lẩu. Những ly nước sóng sánh, mùi đồ ăn sực nức và xe cộ vèo vèo cùng làn gió mát như muốn nói rằng con đường này đã giúp ích thị dân nhiều lắm.
Những ngày tháng 4 lịch sử, người dân ngược xuôi trên đường Phạm Văn Đồng, ngắm nhìn máy bay tấp nập cất - hạ cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất mà lòng càng thêm rộn rã. Đồng bào các nơi đang nao nức về TP.HCM cùng niềm tự hào và niềm vui kỷ niệm 50 năm ngày Tổ quốc được hòa bình, non sông liền một dải...
Tuyến đường Phạm Văn Đồng thuộc dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài đi qua các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức, bắt đầu từ ngã năm Nguyễn Thái Sơn (Gò Vấp) đến nút giao thông Linh Xuân (Thủ Đức), giải quyết nhu cầu đi lại của người dân một khu vực rộng lớn. TP đã di dời gần 4.000 hộ dân với diện tích hơn 60ha, hơn 40 công trình hạ tầng.
Sau lễ thông xe đợt 1 vào tháng 9-2013 đoạn từ nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm đến ngã tư Bình Triệu dài hơn 4,7km, con đường được đặt tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Toàn tuyến của dự án hoàn thành năm 2014 dài 13,6km. Có 13 nút giao thông được xây dựng trên toàn tuyến, như nút giao thông Nguyễn Thái Sơn (Gò Vấp) có quy mô lớn nhất với vòng xoay bán kính 42m, mặt đường rộng 18m cho bốn làn xe và vỉa hè rộng 5m. Nút giao thông quốc lộ 13 (Thủ Đức) gồm hai cầu vượt, bên dưới có vòng xoay bán kính rộng 25m.
--------------------
Tính đến nay tôi đã gần 20 năm làm dân ngụ cư khu vực Nhà Bè, Bình Chánh, đi về trên đại lộ Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ. Tôi được chứng kiến con đường bù lún mỗi năm, những mảnh ruộng mọc lên cao ốc, từng khu dân cư từ vắng lặng đến sôi động, đông đúc, lại thêm cơ duyên nghề nghiệp được tìm hiểu về sự đổi thay, được gặp những người đã trực tiếp xắn tay từ ngày đầu. Đất ở mà thành đất thương...
Kỳ tới: Cơ hội đổi thay từ ánh mắt em bé Nhà Bè
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận