50 năm Sài Gòn - TP.HCM - Kỳ 2: Mở đường đón con chip đến bưng biền

"Với quá khứ: tự hào tuổi trẻ/ Với tương lai: Thanh thản bao dung/ Luôn mơ ước chân trời nhân ái/ Người yêu Người son sắt thủy chung".

50 năm Sài Gòn - Ảnh 1.

SHTP những năm thi công - Ảnh: T.TR.

Ông Phạm Chánh Trực (tức Năm Nghị, nguyên phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM) viết câu thơ tặng vợ là bà Nguyễn Thị Nghĩa (tức Chín Ngân) mà cũng là tặng cho mình.

Một đời cống hiến từ những ngày còn là học sinh, trong danh sách những nhân vật tiêu biểu trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển thành phố đợt kỷ niệm 50 năm hòa bình - thống nhất này có tên cả hai ông bà với công trình tâm đắc nhất mà mỗi người đã góp mặt, chung tay: Khu công nghệ cao TP.HCM và Co.opmart Sài Gòn.

Chung tay vun đắp cơ đồ

50 năm Sài Gòn - TP.HCM - Kỳ 2: Mở đường đón con chip đến bưng biền - Ảnh 2.

Ông Phạm Chánh Trực, người nhiều tâm huyết với Khu Công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Chọn nghỉ hưu ở căn nhà trong một khu dân cư bên sông Sài Gòn, mỗi lần "lên phố" là một lần ngược xuôi đại lộ Võ Nguyên Giáp, Mai Chí Thọ, thi thoảng rẽ vào đường D1, D2, ông Năm Nghị thư thả ngắm qua cửa kính xe vùng bưng sáu xã (gồm Phước Long, Long Trường, Trường Thạnh, Tăng Nhơn Phú, Phú Hữu, Long Bình thuộc địa bàn Thủ Đức) nay đã lột xác thành Khu công nghệ cao mỗi ngày mỗi lớn mạnh: thêm nhiều nhà đầu tư, thêm trung tâm nghiên cứu, thêm tập đoàn công nghệ lớn, và nhất là thêm trường đại học, công ty sản xuất công nghệ cao mang quốc tịch Việt Nam.

"Tính từ lúc ấp ủ ý tưởng về Khu công nghệ cao đến nay là hơn 30 năm, thành quả cho thấy nỗ lực của chúng tôi, chúng ta đã đi đúng hướng. Mô hình này cần được nhân rộng ra nhiều địa phương khác. Công nghệ là con đường đến tương lai", ông nhấn mạnh.

Công nghệ là đường đến tương lai thì hôm nay ai cũng đã biết rồi. Nhưng hơn 30 năm trước, tức những năm đầu thập niên 1990, và nhất là ở vùng bưng sáu xã này, "công nghệ" có lẽ còn xa hơn mặt trăng mặt trời, bởi khi ấy nơi đây là đầm lầy chua mặn, rừng lá mịt mùng, ban ngày nắng cháy da và ban đêm gió lộng trăng rượi.

Bao năm chiến tranh, là vùng bưng sông nước - địa bàn hoạt động của những người cách mạng sát cửa ngõ Sài Gòn, bưng sáu xã bị máy bay Mỹ oanh tạc để biến thành vùng trắng.

Nhưng vùng bưng không "trắng", vẫn âm thầm che chở những người con chiến đấu cho hòa bình - thống nhất, vẫn là vùng bí mật với đối phương dù chỉ cách xa lộ Biên Hòa (tức đại lộ Võ Nguyên Giáp nay) một quãng ngắn.

Những đặc điểm của chiến tranh nhân dân làm nên sức mạnh cho bưng sáu xã từ những năm kháng chiến chống Pháp rồi tới chống Mỹ, nhưng hòa bình gần 20 năm rồi vùng bưng vẫn chưa thể thoát nghèo.

"Khi ấy, Khu chế xuất Tân Thuận đã đi vào hoạt động hiệu quả, ban lãnh đạo thành phố bắt đầu nghĩ đến mục tiêu mới xa hơn là khu công nghệ cao, nơi có sẽ có những nhà máy tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới từ nước ngoài, phát triển công nghệ của chính mình, nghiên cứu công nghệ để sản xuất sản phẩm riêng của mình, từ đó mà đi ra khỏi con đường sản xuất gia công, nâng cao năng lực khoa học trong nước.

Chúng tôi thành lập đoàn nghiên cứu đi học hỏi mô hình các nước phát triển, chúng tôi lập kế hoạch, chuẩn bị quy hoạch. Vùng bưng sáu xã được chọn để triển khai.

Nơi đây ngay cửa ngõ thành phố, trục lộ giao thông quốc gia, đến cảng hàng không, hàng hải đều thuận tiện, đáp ứng được 1.200ha cho dự án, lại gần khu quy hoạch làng đại học.

Nhắm mắt lại, tôi đã mường tượng ra cuộc lột xác của đồng bưng, những cơ hội việc làm cho người địa phương, triển vọng học hành và tương lai của con em họ...", ông Phạm Chánh Trực hồi tưởng.

Viễn cảnh đẹp đẽ ấy khiến đề xuất nhanh chóng được sự đồng ý, phê duyệt của các cấp từ thành phố đến thủ tướng nhưng lại phải mất đến 10 năm từ 1993-2002 để đi từ dự án đến triển khai cụ thể vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan.

Đến lúc thủ tục đã xong, nhân sự đã sẵn, tài chính đã được chuẩn bị thì việc bắt đầu vẫn không hề đơn giản.

Đồng bưng khi ấy, các khu dân cư cố cựu đã nở rộng hơn, nhiều khu vực đã thành nhà cửa, thành trang trại, thành vườn cảnh, đã có nhiều người chủ mới với những kế hoạch lập nghiệp, nghỉ hưu riêng của mình.

Việc thuyết phục họ nhường lại đất cùng với những dự định cá nhân cho khu công nghệ không dễ, bất đồng ý kiến - nguyện vọng là khó tránh khỏi.

Như nhiều dự án khác, dự án khu công nghệ cao cũng đã phát sinh khiếu kiện tập thể vì không đồng ý di dời, không đồng ý giá đền bù, thậm chí là khiếu nại kéo dài nhiều tháng, nhiều năm.

"Suốt cả năm, tôi tổ chức họp, rồi trực tiếp đến từng nhà dân để lắng nghe họ và kiên nhẫn giải thích mục đích của mình. Phát triển là phát triển chung, lợi ích là lợi ích chung. Tôi rất tin những nỗ lực trong sáng vì sự phát triển nhất định sẽ được người dân thuận tình.

Về phía Nhà nước, chính sách đền bù, tái định cư phải cẩn trọng, có lý có tình và nhất là công bằng; những di tích văn hóa, lịch sử của vùng đất phải được giữ lại, tu bổ thêm cảnh quan.

Dù lúc này người dân có thể chưa thể hiểu về công nghệ cao, nhưng đây vẫn là đất đã thấm màu cách mạng. Khu công nghệ cao hình thành, công lớn đầu tiên là của người dân", ông Phạm Chánh Trực tâm sự.

Chỉ sau một năm, hàng ngàn hộ dân đã di dời, 70% quỹ đất sạch đã được bàn giao để dự án có thể triển khai.

Ông ghi lại mấy vần thơ mộc mạc: "Đường ta đó thênh thang rộng mở/ Giữa bưng biền lộng gió reo vui/ Gửi ai chia ngọt sẻ bùi/ Từ miền đất mới ngập trời ngổn ngang/ Nào ai biết cảm quang, bán dẫn/ Chiếc wafer bày trận quái đồ/ Tí ti con chip nano/ Chung tay vun đắp cơ đồ mai sau".

50 năm Sài Gòn - Ảnh 3.

Khu công nghệ cao TP.HCM đang hiện thực hóa giấc mơ con chip Việt - Ảnh: TỰ TRUNG

Giấc mơ con chip

2003, SHTP (tên tắt của Khu công nghệ cao TP.HCM - Saigon Hi-tech Park) có nhà đầu tư lớn đầu tiên là Nidec (Nhật), đến 2005 là Tập đoàn Intel (Mỹ).

Một cú sốc cho làng công nghệ thế giới. SHTP đã được chứng nhận kiểm định: tập đoàn hàng đầu như Intel vào được thì SHTP cùng những chính sách linh hoạt, rộng mở của thành phố có thể đón bất kỳ nhà đầu tư nào, dù lớn tới cỡ nào.

Tiếp theo đó là Samsung (Hàn Quốc), Techtronic Industries (Hong Kong), Besi (Hà Lan)... Cho đến hôm nay, SHTP đã không chỉ mời gọi nhà đầu tư mà còn có khả năng lựa chọn những nhà đầu tư uy tín với cam kết chuyển giao - đào tạo công nghệ.

Ngần đó chưa đủ, mừng hơn cả là SHTP đã có rất nhiều nhà đầu tư với công nghệ và sản phẩm mang nhãn hiệu Việt Nam: FPT, RtR, CMC, MK Group, VMICRO, Saigon Silicon City...

SHTP đã không còn là dự án của riêng TP.HCM. Cùng với Hà Nội, Đà Nẵng, mô hình khu công nghệ cao đang được nhân rộng ra Cần Thơ, Hà Nam và nhiều tỉnh thành khác.

Và những người luôn đau đáu với sự phát triển như ông Năm Nghị lại tiếp tục với những mơ ước xa hơn: "Trong tương lai, các khu công nghệ cao nên được tổ chức chuyên biệt, như chuyên về tự động hóa, phần mềm, sinh học, trí tuệ nhân tạo, in 3D...

Có vậy, mạng lưới liên kết nghiên cứu, sản xuất sẽ thông suốt hơn, nguồn nhân lực cũng tập trung hơn và có thêm sức mạnh cộng hưởng. Quanh khu công nghệ cao sẽ hình thành đô thị công nghệ, đô thị tri thức thu hút nguồn nhân lực cao.

Như SHTP đã bắt đầu hình thành đô thị này với tam giác: khu Đại học Quốc gia Thủ Đức, Khu công nghệ cao, khu Công viên văn hóa lịch sử. Không chỉ cả khu vực sẽ đổi đời mà sức mạnh nội sinh chung của đất nước của dân tộc cũng được nâng lên".

Kỷ nguyên mới mà cả nước đang bước vào được xác định là kỷ nguyên công nghệ. Khi xưa bưng biền rừng lá, bưng sáu xã mơ giấc mơ hòa bình. Nay Khu công nghệ cao SHTP đang thực hiện những giấc mơ con chip Việt.

----------------------------

Chiều tan tầm, từ đường Võ Nguyên Giáp rẽ vào đường D1 (TP Thủ Đức, TP.HCM), từng tốp bạn trẻ đi làm, đi học về, ghé vào những hàng quán nhộn nhịp nơi các lô chung cư C2, C3... trong lòng Khu công nghệ cao.

Kỳ tới: Sức sống ở Khu công nghệ cao

50 năm Sài Gòn - TP.HCM - Kỳ 2: Mở đường đón con chip đến bưng biền - Ảnh 3.50 năm Sài Gòn - TP.HCM - Kỳ 1: Người lính trận về khai hoang bờ sông Sài Gòn

50 năm hòa bình. 50 năm thống nhất. Từ Sài Gòn ngày 30-4-1975 đến TP.HCM hôm nay đã biết bao đổi thay, phát triển để tiếp tục công cuộc dựng xây tương lai tốt đẹp hơn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên