
Uống nhiều hay ít đều ảnh hưởng đến tốc độ hồi phục sau chấn thương - Ảnh: AI
Hồi phục sau chấn thương là một quá trình cần sự kiên nhẫn, nghỉ ngơi hợp lý và tập phục hồi chức năng đúng cách. Có một yếu tố ảnh hưởng lớn đến quá trình này nhưng thường bị bỏ qua: uống rượu bia.
Dưới đây là 5 lý do chính được các nhà khoa học giải thích vì sao việc tránh rượu bia lại cực kỳ quan trọng trong thời gian hồi phục chấn thương.
Làm suy yếu hệ miễn dịch
Rượu bia cản trở hoạt động của các tế bào miễn dịch, lực lượng chủ chốt trong việc sửa chữa mô bị tổn thương. Điều này làm chậm quá trình dọn dẹp các tế bào chết, kéo dài tình trạng viêm, sưng đau và làm chậm tái tạo các mô khỏe mạnh như cơ, gân và dây chằng.
Uống nhiều hơn 4-5 ly rượu trong một lần có thể làm hệ miễn dịch suy yếu đến 3-5 ngày. Ngay cả việc uống vừa phải (1-3 ly mỗi lần) cũng gây ức chế tái tạo mô và kéo dài tình trạng nhạy cảm tại vùng chấn thương.
Gây cản trở quá trình phục hồi cơ bắp
Việc phục hồi cơ sau chấn thương phụ thuộc nhiều vào quá trình tổng hợp protein cơ bắp. Nhưng chỉ sau một lần uống rượu vừa phải, quá trình này có thể giảm từ 24 - 37% trong vòng 24-48 giờ sau đó.
Điều này đồng nghĩa với việc cơ bắp phục hồi chậm hơn, dẫn đến tình trạng đau kéo dài, yếu cơ và làm tăng nguy cơ tái phát chấn thương trong quá trình trở lại vận động.
Làm chậm quá trình lành xương và mô
Sau tổn thương, cơ thể kích hoạt các tín hiệu sinh học để khởi động cơ chế tự chữa lành. Tuy nhiên, rượu bia làm gián đoạn các tín hiệu này, ảnh hưởng đến khả năng tái tạo của cơ thể. Hậu quả là mô bị tổn thương sưng nề nhiều hơn, lâu lành và dễ bị xơ hóa.
Nếu bị gãy xương, việc uống rượu có thể kéo dài thời gian hồi phục thêm 1-2 tuần. Với bong gân hoặc căng cơ, thời gian phục hồi có thể kéo dài thêm từ 2-3 tuần.

Nếu bạn muốn lành chấn thương nhanh và đầy đủ, hãy nhớ rằng: càng ít rượu càng tốt, tốt nhất là không uống - Ảnh: AI
Rối loạn nội tiết tố quan trọng cho hồi phục
Hệ nội tiết đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát quá trình viêm, tái tạo mô và tăng trưởng cơ. Trong đó, testosterone và hormone tăng trưởng là hai hormone then chốt giúp thúc đẩy phục hồi. Rượu bia làm giảm nồng độ của cả hai loại hormone này, đồng thời làm tăng hormone cortisol, hormone gây stress chính của cơ thể.
Cortisol không chỉ ức chế quá trình hồi phục mà còn thúc đẩy việc phân hủy các mô khỏe mạnh, đặc biệt là cơ bắp, nhằm chuyển hóa thành năng lượng. Những rối loạn nội tiết này có thể kéo dài trong nhiều ngày sau khi uống và ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ lành chấn thương.
Tăng nguy cơ tái chấn thương
Việc phối hợp nhịp nhàng, tốt giữa cơ thể và não bộ là điều kiện tiên quyết để tránh tái phát chấn thương. Nhưng rượu bia làm suy giảm sự kết nối này, ảnh hưởng đến khả năng thăng bằng, phản xạ và điều phối động tác.
Ngay cả lượng rượu nhỏ cũng có thể gây ra các lỗi chuyển động nhỏ nhưng nguy hiểm, đặc biệt khi vùng chấn thương chưa hoàn toàn bình phục. Điều này làm tăng rủi ro tái chấn thương trong quá trình vận động trở lại.
Nhiều nghiên cứu gần đây khẳng định không tồn tại mức độ tiêu thụ rượu bia "an toàn" nào trong thời gian hồi phục chấn thương. Dù là uống nhẹ, vừa hay nặng, rượu bia đều có ảnh hưởng tiêu cực đến các quá trình then chốt như tái tạo mô, phục hồi cơ bắp và điều hòa nội tiết.
Đặc biệt kiểu uống rượu "một lần cho đã", nhịn uống một thời gian rồi tiêu thụ nhiều trong một lần sẽ gây hại rõ rệt ngay lập tức. Trong khi đó, uống thường xuyên với lượng vừa phải lại gây ảnh hưởng âm thầm nhưng lặp lại liên tục.
Dù bạn là vận động viên chuyên nghiệp, người chạy bộ cuối tuần hay đơn giản là đang phục hồi sau một chấn thương thông thường, mỗi ly rượu đều có thể làm chậm bước tiến đến sự hồi phục hoàn toàn. Nếu bạn muốn lành chấn thương nhanh và đầy đủ, hãy nhớ rằng: càng ít rượu, càng tốt, tốt nhất là không uống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận