TTCT - Muốn vi rút SARS-CoV-2 không xuất hiện hoặc xuất hiện ít thôi trong bản tổng kết 2022 là điều bất khả thi. Tệ hơn nữa là còn có vài con vi rút khác cũng tung hoành trong năm qua. Vi rút mpox khiến thế giới bất ngờ trong năm 2022. Ảnh: Getty Images "Năm nay đưa ra nhiều lời nhắc nhở nghiêm túc rằng vi rút corona không phải là mối đe dọa vi rút duy nhất ngoài kia" - trang Science News ngày 16-12 đúc kết, trước khi điểm danh một năm đầy vi rút: từ sự bùng phát mpox (tên cũ là đậu mùa khỉ) và adenovirus đến sự trở lại của Ebola và virus bại liệt. Đó là chưa kể vi rút hợp bào hô hấp và vi rút cúm đồng loạt trỗi dậy và kết hợp với SARS-CoV-2 vẫn đang hoạt động mạnh, gây bệnh đường hô hấp khắp nơi trong mùa đông năm nay. Những đợt bùng phát ngoài COVID Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 15-12, có 110 quốc gia trên toàn cầu và tổng số 82.796 ca nhiễm mpox đã được ghi nhận, trong đó có 65 trường hợp tử vong. Bệnh có thể gây phát ban với các tổn thương gây đau, mưng mủ, chủ yếu lây lan qua tiếp xúc gần. Vi rút mpox - có họ hàng của vi rút gây bệnh đậu mùa, trước đây chưa từng lây lan ra ngoài những cộng đồng ở Trung và Tây Phi. Nhưng kể từ 13-5-2022, lần đầu tiên mpox bắt đầu xuất hiện với tỉ lệ lớn ở các quốc gia vốn không có sự lây truyền của nó. Sự xuất hiện bất ngờ của mpox ở những nơi vốn không có liên hệ dịch tễ học với các khu vực ở Tây và Trung Phi cho thấy có thể đã có sự lây truyền của bệnh nhưng không bị phát hiện trong một thời gian. Có thể do miễn dịch với bệnh đậu mùa - bệnh đã bị loại trừ vào năm 1980 - bị giảm do các chương trình tiêm chủng bị ngừng lại trên toàn thế giới đã tạo điều kiện để mpox lây lan. Dữ liệu sơ bộ của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho thấy tiêm chủng có tác dụng bảo vệ người được tiêm khỏi căn bệnh này. Trong khi thế giới vẫn đang đối phó với đại dịch COVID-19 và đối mặt với những thách thức bất ngờ từ mpox, một kẻ thù cũ đã xuất hiện trở lại ở châu Phi vào tháng 9: Uganda thông báo ca nhiễm Ebola đầu tiên kể từ năm 2012. Đáng chú ý, chủng vi rút này kháng được các loại vắc xin và phương pháp điều trị Ebola hiện tại. Dịch Ebola ở Uganda đã bắt đầu suy giảm sau khi đạt đỉnh vào giữa tháng 10. Kể từ ngày 5-12, không còn ca đang nhiễm bệnh nào ở Uganda. Tổng cộng, có 142 ca nhiễm và 56 ca tử vong do Ebola được xác nhận trong đợt bùng phát này. Các thử nghiệm lâm sàng với ba ứng cử viên vắc xin nhắm tới chủng vi rút này được khởi động vào đầu tháng 12. Ngoài sự trở lại của Ebola, có dấu hiệu cho thấy vi rút bại liệt đã quay lại lưu hành ở các nước nơi bệnh bại liệt vốn đã bị loại trừ, với phiên bản của vi rút bại liệt được phát hiện trong nước thải ở Mỹ, Israel, Vương quốc Anh và khoảng 30 quốc gia khác. Hồi tháng 3, các quan chức y tế Israel xác nhận một trường hợp bị bại liệt ở một em bé 3 tuổi chưa được tiêm phòng. Một người đàn ông chưa được tiêm phòng ở New York cũng bị bại liệt do vi rút bại liệt hồi tháng 6. Những trường hợp bại liệt này được xác định là có liên quan đến vi rút bại liệt có nguồn gốc từ vắc xin. Cụ thể, trong số các vắc xin bại liệt, có một loại vắc xin sử dụng vi rút sống đã được giảm độc lực để kích thích cơ thể chúng ta tạo miễn dịch chống lại căn bệnh này. Trong một số ít trường hợp, vi rút đã bị suy yếu hoặc giảm độc lực đó có thể lây lan, biến đổi và lấy lại khả năng gây liệt ở những người không được tiêm chủng. Vắc xin bại liệt loại sử dụng vi rút sống giảm độc lực không được sử dụng ở Mỹ, nhưng phổ biến ở một số quốc gia như Afghanistan, Pakistan - hai nơi cuối cùng vẫn đang nỗ lực xóa bỏ bệnh bại liệt. Ngoài ra, tính đến ngày 8-7-2022, lần gần nhất WHO công bố bản cập nhật về tình trạng viêm gan ghi nhận ở trẻ em, có hơn 1.000 trẻ em trên toàn cầu bị viêm gan không rõ nguyên nhân. Các chuyên gia chưa thể khẳng định liệu đây là một đợt bùng phát mới của bệnh hay bệnh viêm gan bỗng được chú ý nhiều hơn sau COVID-19. Nhiều trường hợp trẻ bị viêm gan có liên quan đến adenovirus - vi rút thường gây cảm lạnh. Tuy nhiên, có tiền sử mắc COVID-19 cũng có thể là một khả năng. Các loài chim trên khắp thế giới phải đối mặt với một vi rút chết người trong năm nay là vi rút cúm gia cầm H5N1. Chỉ riêng tại Mỹ, hơn 4.300 con chim trời được xét nghiệm có kết quả dương tính với vi rút. Hơn thế, một số lượng gia cầm nhiều kỷ lục - lên đến khoảng 53 triệu con - đã chết hoặc do nhiễm vi rút này hoặc bị tiêu hủy để kiểm soát sự lây lan của vi rút ở Mỹ. Ở châu Âu, mùa dịch năm 2021 - 2022 cũng là đợt dịch cúm gia cầm lớn nhất từng xảy ra với hơn 2.600 đợt bùng phát ở 37 quốc gia với các loài gia cầm nuôi. Các nhà nghiên cứu lo ngại rằng vi rút H5N1 sẽ tiếp tục là mối đe dọa lâu dài với gia cầm, các loài chim trong tự nhiên và cả động vật khác. Năm nay vi rút này có liên quan đến việc hải cẩu ở bang Maine ở Mỹ bị chết hàng loạt. Con người vẫn có thể nhiễm H5N1, và dù cúm gia cầm không dễ lây lan giữa người với người nhưng các chuyên gia lo ngại rằng khi dịch bệnh tiếp tục diễn ra, vi rút sẽ có những đột biến có thể cho phép nó lây truyền từ người sang người. Thế giới quan tâm gì? Theo báo cáo giám sát toàn cầu về dịch vụ y tế năm 2022 của Hãng nghiên cứu thị trường Ipos, dù COVID-19 không gây sợ hãi như trước đây, căn bệnh này vẫn là mối quan tâm hàng đầu về sức khỏe trên toàn thế giới. Điểm khác trong năm thứ ba của dịch bệnh này là thế giới bắt đầu nhận thấy và đối mặt với gánh nặng ngày càng lớn của COVID kéo dài. Bệnh tấn công nhiều hệ thống của cơ thể, gây mệt mỏi, mất khứu giác, rối loạn trí nhớ, xuất hiện cục máu đông nhỏ và thậm chí là cảm giác chấn động bên trong giống như động đất. Chính việc chưa nắm được nguyên nhân của tình trạng này khiến việc tìm kiếm các phương pháp điều trị trở nên khó khăn. Bài báo có tên "COVID kéo dài có là cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu tiếp theo?" đăng trên tập san Journal of Global Health số tháng 10-2022 nhấn mạnh rằng việc không có thuốc điều trị hoặc cơ chế hỗ trợ giải quyết các tác động đến sức khỏe của COVID kéo dài sẽ làm gánh nặng ngày càng lớn cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và y tế công cộng. Dữ liệu mới nhất cho thấy vắc xin chỉ giúp giảm 15% nguy cơ phát triển COVID kéo dài và giảm 34% nguy cơ tử vong. Có hơn 144 triệu người trên toàn cầu đang sống với các triệu chứng đa dạng và theo từng đợt của COVID-19 kéo dài, ảnh hưởng lớn đến hoạt động và chất lượng sống của họ. Điều này kết hợp bởi các tác động kinh tế và xã hội, tiếp tục góp phần làm tăng gánh nặng của COVID kéo dài với dân số toàn cầu. Vấn đề y tế được quan tâm thứ nhì trên thế giới, theo khảo sát của Ipsos, là sức khỏe tâm thần. Theo Tổng giám đốc WHO, bác sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, COVID-19 đã làm gián đoạn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần thiết yếu "ngay tại thời điểm mà chăm sóc sức khỏe tâm thần cần thiết hơn bao giờ hết". Ông Ghebreyesus kêu gọi nhân Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới 10-10: "Các lãnh đạo thế giới phải hành động nhanh và dứt khoát, đầu tư nhiều hơn vào các chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần nhằm cứu mạng người - trong thời đại dịch và xa hơn nữa". Các vấn đề y tế toàn cầu được quan tâm nhiều tiếp theo lần lượt là: ung thư, căng thẳng, béo phì, đái tháo đường, lạm dụng chất gây nghiện, lạm dụng bia rượu, bệnh tim mạch và hút thuốc lá.■ Trong năm 2022, sức khỏe răng miệng - vấn đề từ lâu đã bị bỏ quên trong các nỗ lực chăm sóc sức khỏe toàn cầu - được chú ý trở lại. Tháng 11-2022, WHO công bố báo cáo Tình trạng sức khỏe răng miệng toàn cầu, gần 20 năm sau lần xuất bản cuối cùng. Báo cáo tiết lộ tình trạng đáng báo động về sức khỏe răng miệng toàn cầu với dữ liệu của 194 quốc gia. Theo đó, gần một nửa dân số thế giới, tức 3,5 tỉ người, mắc bệnh răng miệng và cứ bốn người bị ảnh hưởng thì có ba người sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Sức khỏe răng miệng từ lâu đã bị bỏ quên trong y tế toàn cầu. Ảnh: WHO Tổng số ca bệnh răng miệng trên toàn cầu ước tính cao hơn con số khoảng 1 tỉ ca của cả năm bệnh không lây nhiễm chính là rối loạn tâm thần, tim mạch, đái tháo đường, bệnh hô hấp mãn tính và ung thư cộng lại. Các bệnh răng miệng mang lại nhiều gánh nặng nhất là sâu răng không được điều trị, bệnh nha chu nghiêm trọng, mất răng (mất toàn bộ răng), ung thư môi và vòm họng. Bệnh răng miệng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tinh thần, hệ thống y tế và nền kinh tế. Bệnh này đã tăng lên đáng kể trong 30 năm qua do khả năng tiếp cận phòng ngừa và điều trị bệnh răng miệng còn hạn chế. "Sức khỏe răng miệng từ lâu đã bị bỏ quên trong y tế toàn cầu, nhưng nhiều bệnh răng miệng có thể được ngăn ngừa và điều trị bằng các biện pháp hiệu quả về chi phí" - Tổng giám đốc WHO Ghebreyesus phát biểu. Tags: Dịch bệnh2022Tổng kết 2022VirusEbolaCovid-19MpoxĐậu mùa khỉ
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đẩy mạnh đột phá về thể chế vì đó là 'đột phá của đột phá' TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM 24/01/2025 Chiều 24-1, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài phát biểu quan trọng bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sau gần 2 ngày làm việc.
Điều động bí thư Tỉnh ủy Phú Yên làm phó trưởng Ban Kinh tế trung ương NGỌC AN 24/01/2025 Bộ Chính trị có quyết định điều động, phân công, bổ nhiệm ông Phạm Đại Dương - bí thư Tỉnh ủy Phú Yên - giữ chức vụ phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Cục Điện ảnh yêu cầu cắt cảnh Uyển Ân trong trang phục đạo Mẫu phim Thái 404 Chạy ngay đi Đ.DUNG 24/01/2025 Cục Điện ảnh cho rằng đoạn Uyển Ân trong trang phục đạo Mẫu của người Việt xuất hiện ở phim 404 Chạy ngay đi 'không sai phạm nhưng cắt để tránh gây hiểu sai về ý nghĩa và giá trị di sản'.