
Đã từng có băn khoăn nên cho đi không suy tính hay cần tỉnh táo trong chuyện tiền bạc khi yêu? - Ảnh minh họa: YẾN TRINH
"Sao cô nói tiền bạc đối với cô không quan trọng?", câu hỏi lạnh lùng từ người mình từng sống chung khiến chị Minh Ngọc (32 tuổi, nhân viên truyền thông ở TP.HCM) sững sờ. Chị đang cần tiền gấp để xử lý việc gia đình, nhưng không những không trả, người cũ còn thờ ơ cùng câu hỏi cay nghiệt.
Nợ gần 200 triệu, chia tay không muốn trả
Hơn hai năm sống chung, Ngọc nhiều lần chuyển tiền cho người yêu - giám đốc một công ty nội thất - tổng cộng gần 200 triệu đồng với niềm tin "yêu nhau mà, phải cùng gây dựng tương lai".
Chị kể, chị quen bạn trai vào thời điểm anh ta trắng tay, khó khăn chồng chất sau dịch COVID-19. Không chọn cách quay lưng, Ngọc chủ động đồng hành với suy nghĩ đơn giản rằng đã là người yêu thì mình lo được gì cứ lo, có hoạn nạn mới thấy được chân tình.
Gần như toàn bộ chi phí sinh hoạt hằng ngày, tiền nhà, tiền điện nước, chạy quảng cáo, công trình... chị gánh hết, vì "có tình yêu là đủ"!
Nhưng càng sống chung, chị càng nhận ra người đàn ông ấy có những dấu hiệu không mấy bình thường trong cách hành xử và giao tiếp.
Anh tránh né mọi câu chuyện liên quan chuyện trả nợ, có lúc còn đổ lỗi "vì quen cô mà tôi mới lâm vào cảnh này".
Mỗi lần nhắc chuyện tiền nong, Ngọc luôn bị xoay vòng trong cảm giác tội lỗi. Trong khi anh người yêu lại quá giỏi dùng tình cảm để né tránh hoặc thổi bùng các mâu thuẫn khác đánh lạc hướng.
Chị nhận ra anh luôn đặt bản thân lên trước, biết cách thao túng cảm xúc người khác, thậm chí bạo hành tinh thần và cả thể xác. Mối quan hệ ngày càng ngột ngạt. Chị lo âu, mất ngủ, suy sụp và tìm cách tháo chạy.
Chia tay, nhiều lần chị nhắn tin yêu cầu trả nợ nhưng đều bị phớt lờ hoặc nhận lại sự đáp trả lạnh lùng, cay nghiệt.
Mãi đến khi Ngọc làm căng, nói sẽ đưa sự việc ra tòa vì có giấy nợ và đủ các giao dịch chuyển khoản, người cũ mới xuống giọng: "Mỗi tháng tôi gửi cô 5 triệu được không?". Đủ thứ hứa hẹn, mà tính ra chắc phải gần ba năm Ngọc mới mong lấy lại được số tiền đó.
"Tôi sẵn sàng tiến hành các thủ tục pháp lý nếu anh ta tiếp tục trì hoãn việc trả nợ. Tôi cũng không muốn làm lớn chuyện, nhưng không thể để tiền của mình đổ sông đổ biển được. Đã mượn là phải trả. Vô ơn đã đành chứ muốn giật nợ thì không", Ngọc bức xúc.
Cho tất mới thấy mình ngốc nghếch
Đang yêu cái gì cũng đẹp, Trung Dũng (29 tuổi, làm việc trong lĩnh vực công nghệ) không tiếc gì với người yêu. Cô bạn gái xinh xắn, ăn mặc thời trang nhưng sau nửa năm yêu nhau anh nhận ra cô tiêu tiền như nước. Chưa một lần cô chủ động chi tiền hay cùng trả với anh trong bất cứ khoản chi nào dù nhỏ nhất.
Trong mắt bạn bè, bạn gái Dũng thật may mắn vì có người yêu hào phóng thường đi ăn chỗ sang, đi chơi chỗ xịn theo ý cô. Nhưng đâu ai biết Dũng dần lo lắng khi lẽ ra nếu tiết chế lại thì mỗi tháng có thể dành dụm lo tương lai hai đứa chứ đâu phải chỉ đổ vào những khoản chi thừa mứa.
Anh kể: "Vì thương nên tôi nghĩ chắc tính cổ cũng kiểu vô tư. Với lại con gái hơi điệu đà nên thường mua sắm chút. Thu nhập của tôi cũng không đến nỗi nào, vậy mà chi cả trăm khoản cho hai đứa không thấm vào đâu".
Khi không đủ sức đáp ứng nhu cầu chi tiêu ngày càng nhiều của người yêu cũng là lúc Dũng nhận ra tình cảm cô dành cho anh nhạt dần. Rồi cô có người khác, thường đăng những tấm hình sang chảnh lên mạng. "Tôi mừng cho cổ, chỉ tự trách mình ngốc nghếch, lại buồn rất lâu", Dũng bộc bạch.
Dẫu vậy, cũng có những bạn biết "thủ thế" chuyện tiền nong khi yêu. "Không ai thương mình bằng chính mình. Phụ nữ cần có tiền phòng thân. Mình chủ động chia sẻ tiền đi ăn, du lịch miễn không nhiều quá, không làm mình cảm thấy thiệt thòi là được", Nhật Ánh (27 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM) nói.
Với Ánh, sự tỉnh táo trong chuyện tiền nong khi yêu mang lại những điều tích cực. Bởi khi đó cả hai đều có trách nhiệm với nhau, không ai cảm thấy mình cho đi quá nhiều nên biết tôn trọng nhau hơn, cân bằng cảm xúc và không bị phụ thuộc.
"Không đến mức rạch ròi phải chia đều việc thanh toán mà giữ cho mối quan hệ dễ chịu. Anh chủ động trả hoặc chi phần nhiều, có khi đề nghị mua xe máy, điện thoại mới cho tôi nhưng tôi lắc đầu. Tôi không muốn có cảm giác lệ thuộc hay vì tiền trong mối quan hệ ấy", Ánh cười.
Có ranh giới để tỉnh táo khi yêu
TS Nguyễn Hữu Long, giảng viên tâm lý học Trường đại học Mở TP.HCM, nói khi một người từng bị lợi dụng tình cảm lẫn tiền bạc, cảm giác cay đắng, mất niềm tin và cả sự tự trách là khó tránh khỏi. Điều quan trọng nhất khi ấy là học cách chấp nhận tổn thương, cho phép bản thân được sai, được buồn thay vì mãi oán trách mình vì yêu sai người.
"Nên xem đây là trải nghiệm để trưởng thành, không phải là thất bại. Việc xây lại ranh giới lành mạnh trong các mối quan hệ về sau cũng vô cùng cần thiết. Ranh giới không đồng nghĩa với nghi ngờ mà là sự tỉnh táo để bảo vệ giá trị bản thân", TS Long phân tích.
Khi yêu cũng cần biết nói không với những điều khiến mình không thoải mái và dám xem xét lại mối quan hệ khi thấy dấu hiệu bị lợi dụng. "Đừng vội vàng, quá trình phục hồi cần thời gian và hãy học cách yêu lại chính mình, dịu dàng với chính mình. Tình yêu vẫn đẹp khi ta đủ tỉnh táo để đặt niềm tin vào đúng người", TS Long nhắn nhủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận