01/05/2025 17:46 GMT+7

Xem lại những quyết tâm thư viết bằng máu xin vào chiến trường miền Nam

Tháng 11-1969, hai chiến sĩ giải phóng quân Nguyễn Phú Tuấn và Nguyễn Văn Nhẫn dù đang phải điều trị ngoài miền Bắc vì vết thương từ chiến trường đã viết quyết tâm thư bằng máu xin vào Nam tiếp tục chiến đấu ngoài mặt trận 'tới hơi thở cuối cùng'.

Quyết tâm thư - Ảnh 1.

Du khách nước ngoài xem trưng bày Non sông liền một dải - Ảnh: T.ĐIỂU

Hai quyết tâm thư viết bằng máu này cùng những quyết tâm thư xin vào Nam chiến đấu của các học sinh miền Nam đang làm việc tại miền Bắc, những dòng máu thề trước Đảng của đội lái xe đường trường sơn, quyết tâm thư của sinh viên Trường đại học Y khoa Hà Nội…

Cùng nhiều hình ảnh, tài liệu, hiện vật về cuộc kháng chiến chống Mỹ đang được giới thiệu tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong trưng bày chuyên đề "Non sông liền một dải".

Trưng bày được bảo tàng tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.

Quyết tâm thư - Ảnh 2.

Phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe của học sinh, sinh viên các đô thị miền Nam

Từ sông Bến Hải đến dinh Độc Lập

Trưng bày giới thiệu đến người xem toàn cảnh về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kéo dài trong 21 năm, từ sông Bến Hải năm 1954 cho tới dinh Độc Lập trong ngày toàn thắng tháng 4-1975.

Người xem được ngắm cây cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải vào thời điểm nó trở thành giới tuyến tạm thời giữa hai miền Bắc Nam Việt Nam từ tháng 7-1954.

Hay hình ảnh nhân dân miền Bắc vui mừng đón cán bộ và bộ đội miền Nam tập kết ra miền Bắc tại Sầm Sơn, Thanh Hóa, năm 1955; những học sinh miền Nam tại ngôi trường miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nhân dân Sài Gòn - Gia Định đấu tranh đòi thống nhất đất nước, ngày 1-5-1956; chiếc đũa nhạc trưởng Bác Hồ dùng bắt nhịp dàn nhạc đánh bản Kết đoàn tại vườn Bách Thảo năm 1960…

Quyết tâm thư - Ảnh 3.

Những tờ báo đưa tin Miền Nam hoàn toàn giải phóng - Ảnh: T.ĐIỂU

Được hiểu thêm về phong trào đấu tranh yêu nước của các học sinh, sinh viên miền Nam, trong đó có phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe.

Và những hình ảnh về thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, không khí tưng bừng, niềm vui của ngày thống nhất non sông khắp ba miền…

Người xem xúc động bắt gặp những tờ báo đưa tin Miền Nam hoàn toàn giải phóng; hay chiếc đài Sony mà tù nhân nhà tù Côn Đảo dùng để nghe tin Sài Gòn giải phóng...

Quyết tâm thư - Ảnh 4.

Đài Sony tù nhân nhà tù Côn Đảo dùng để nghe tin Sài Gòn giải phóng - Ảnh: T.ĐIỂU

Những quyết tâm thư của một thời để giải phóng quê hương

Gây xúc động cho người xem là những quyết tâm thư của thanh niên, sinh viên xin vào chiến trường.

Hai quyết tâm thư viết bằng máu của hai chiến sĩ giải phóng quân Nguyễn Phú Tuấn và Nguyễn Văn Nhẫn đều được viết vào cuối năm 1969, sau khi học tập di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hai anh đều đang dưỡng thương ở miền Bắc sau khi bị thương ngoài chiến trường, một anh đôi mắt còn mờ, nhưng đều đã viết quyết tâm thư bằng máu (một phần) để xin được tái ngũ tiếp tục vào Nam chiến đấu.

Xem lại những quyết tâm thư viết bằng máu xin vào chiến trường miền Nam - Ảnh 5.

Đơn tình nguyện về Nam chiến đấu của 29 học sinh miền Nam và quyết tâm thư của sinh viên Trường đại học Y khoa Hà Nội - Ảnh: T.ĐIỂU

Quyết tâm thư - Ảnh 6.

Những dòng máu thề trước Đảng của cán bộ đoàn viên thanh niên lao động Đại đội xe 602 - Ảnh: T.ĐIỂU

Bản quyết tâm thư của Nguyễn Phú Tuấn viết ngày 15-11-1969 có những dòng viết bằng máu như: Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ đến hơi thở cuối cùng.

Nguyễn Văn Nhẫn thì viết: "Hiện nay đồng bào miền Nam đang sống trong cảnh khổ sở tù đày chém giết diễn ra hàng ngày, thôi thúc giục giã lòng tôi không thể ngồi yên được".

Đơn tình nguyện về Nam chiến đấu của 29 học sinh miền Nam làm việc tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Hà Nội, ngày 29-3-1966 với những lời tha thiết cũng khiến người xem xúc động:

"Theo lời kêu gọi của Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam, tiếng gọi của những người mẹ, người cha, người anh, người chị thân yêu, và cũng chính là sự thôi thúc của mỗi trái tim chúng tôi.

Vì vậy chúng tôi những học sinh miền Nam hiện đang làm việc tại nhà máy xe lửa Gia Lâm đồng lòng tình nguyện xin về Nam chiến đấu, nguyện cống hiến sức lực và trí tuệ cho sự nghiệp giải phóng quê hương yêu dấu".

Quyết tâm thư của sinh viên Trường đại học Y khoa Hà Nội tình nguyện sẵn sàng nhận bất cứ việc gì, đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần.

"Nghĩ đến đồng bào miền Nam đang đau khổ đã vùng dậy đánh cho bọn đế quốc Mỹ và tay sai những đòn chí tử. Tự hào trước truyền thống đấu tranh anh hùng của dân tộc, lòng yêu nước của chúng tôi đã được khơi sâu.

Lớp Y3C chúng tôi đã sẵn sàng: Có lệnh là đi và đã đi là quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Và những dòng máu thề trước Đảng của cán bộ đoàn viên thanh niên lao động Đại đội xe 602. Đọc những dòng huyết thư này, người xem hiểu được hòa bình đã được đổi bằng triệu thanh xuân hiến dâng cho Tổ quốc.

Nghỉ lễ, đến bảo tàng xem lại những quyết tâm thư viết bằng máu xin vào chiến trường Miền Nam - Ảnh 11.Thăm nơi từng là Tổng hành dinh, nghe Đại tướng Văn Tiến Dũng kể thời khắc hòa bình

Thời khắc hòa bình vào trưa ngày 30-4-1975 tại Tổng hành dinh Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương ở Hà Nội và ở Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh tại miền Nam vô cùng đặc biệt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên