10/11/2003 08:00 GMT+7

"Modem tặc" và những "cái chết" ngọt ngào!

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TT - Những cuộc tranh cãi nảy lửa giữa bưu điện và khách hàng liên tục xảy ra vì liên quan đến tiền cước của những cuộc gọi điện thoại quốc tế. Điều uẩn khúc lớn nhất là “tại sao không hề nói chuyện điện thoại quốc tế mà vẫn bị tính tiền?”.

IkKSSCKd.jpgPhóng to
Những trang web “tươi mát” này luôn sẵn sàng bẫy những ai tò mò! - Ảnh: T.T.D.

Có người phải trả cước điện thoại quốc tế lên đến hàng trăm triệu đồng/tháng, mặc dù không hề gọi đến những nước và vùng lãnh thổ xa xôi có cái tên lạ hoắc, thậm chí chưa từng nghe đến như Solomon, Sao Tome & Principe, Guinea Bissau, Diego Garcia...! Nhưng tại sao “ông” bưu điện lại báo cước?

“Cái chết” bất ngờ!

Dù đang mưu sinh ở một tỉnh còn khá khó khăn, nhưng anh N.P. vẫn cố gắng lắp điện thoại, kết nối Internet để thuận tiện làm việc và cập nhật thêm kiến thức. Đùng một cái giấy báo cước điện thoại của anh P. trong tháng gần đây bị yêu cầu thanh toán đến hơn... 8 triệu đồng (gọi đi Solomon là chủ yếu). Anh P. thật sự choáng váng và vắt óc cũng không hiểu được tại sao như thế. Thế nhưng trường hợp này không phải là cá biệt.

Kinh khủng hơn là trường hợp xảy ra ở Công ty TNHH TP (P.6, Q.3, TP.HCM): chỉ trong ngày 8-1-2003 đã phát sinh cước gọi điện thoại quốc tế (gọi đến số máy 00677927xx ở Solomon) đến 11 triệu đồng. Hệ thống tính cước đã ghi được nhật ký các cuộc gọi từ số máy của Công ty TP đến Solomon, hầu hết đều được thực hiện từ 18g ngày hôm trước đến 1g sáng hôm sau; nhiều cuộc gọi kéo dài đến 30 phút. Vị giám đốc Công ty P khẳng định “trong khoảng thời gian này công ty đóng cửa, không làm việc và không ai ở công ty…”.

Nhưng có lẽ “bi kịch” nhất là trường hợp thuê bao N.T.T. ở An Phú, Q.2, TP.HCM phải thanh toán tiền cước điện thoại quốc tế chỉ trong tháng 3-2003 lên đến 113 triệu đồng. Và cước quốc tế ngoài ý muốn đã xảy ra ở trường hợp này liên tiếp trong ba tháng liền, nâng tổng số tiền lên hơn 200 triệu đồng! Hầu hết các trường hợp phát sinh cước quốc tế ngoài ý muốn, chủ thuê bao đều cho rằng bưu điện đã “bẫy” hoặc “cấy” cước cho họ; hoặc hệ thống tính cước có vấn đề (cũng có trường hợp cho rằng bị câu móc trộm)…

Theo thống kê của hai công ty điện thoại Đông và Tây TP.HCM, từ đầu năm đến nay có đến hàng trăm trường hợp khiếu nại cước quốc tế phát sinh ngoài ý muốn, với tổng số tiền bị khiếu nại ít nhất là 500 triệu đồng.

Cụ thể: khiếu nại ở cấp đơn vị cung cấp dịch vụ trung bình khoảng 20-25 trường hợp/tháng, ở cấp Bưu điện TP (thường là khiếu nại nhiều lần) trung bình khoảng 4-5 trường hợp/tháng. Trên qui mô toàn quốc có thể có đến hàng nghìn trường hợp khiếu nại như thế. Trong đó, có lẽ địa bàn Hà Nội là “điểm nóng” của các khiếu nại về những cuộc gọi quốc tế “ảo” làm nhiều thuê bao phát sinh cước quốc tế đến hàng chục triệu đồng/tháng; trường hợp ít nhất cũng đến vài triệu đồng.

“Sát thủ” giấu mặt!

Các chuyên gia nói rằng hiện tượng trên đang được gọi bằng tiếng lóng nghe khá lạ lẫm: “modem hijacker” (tạm dịch “modem tặc”). Ở nhiều nước người ta kết luận chính “modem tặc” là kẻ gây ra những cuộc tranh cãi triền miên giữa nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và khách hàng của họ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thạc sĩ Phùng Hưng - trưởng phòng kỹ thuật nghiệp vụ Công ty điện thoại Đông TP.HCM - cho rằng hầu hết các trường hợp bị phát sinh cước quốc tế ngoài ý muốn là do chủ thuê bao “viếng thăm” các website chứa nội dung “tươi mát” (cá biệt cũng có những website nhạc hay quảng cáo…) mà thực chất đây là những website kinh doanh hình ảnh (phim) trên mạng.

Năm 2003 Công ty điện thoại Đông TP.HCM thiết kế thành công và hiện cung cấp miễn phí phần mềm giám sát kết nối Internet - iConnection Monitor 2003 (thạc sĩ Phùng Hưng là tác giả), có khả năng phát hiện modem quay số quốc tế.

Khi phát hiện kết nối bất hợp pháp, phần mềm sẽ cắt ngay kết nối và thông báo cho người sử dụng biết.

Trong kinh doanh viễn thông quốc tế, tùy theo thỏa thuận, nhà khai thác viễn thông của nước phát sinh cuộc gọi (đi) quốc tế phải trả một số tiền nhất định cho nhà khai thác điện thoại của nước có cuộc gọi đến. Lợi dụng qui định này, các nhà kinh doanh hình ảnh “tươi mát” trên mạng có thể liên kết với một nhà khai thác viễn thông quốc tế ở một số quốc gia (vùng lãnh thổ) nào đó để ăn chia tiền cước quốc tế chiều đến (ví dụ từ VN gọi đi một nước nào đó).

Và số tiền nhà khai thác viễn thông quốc tế chia cho nhà kinh doanh hình ảnh “tươi mát” trên mạng chính là một phần tiền cước được tính sau mỗi lần những kẻ ham vui say sưa truy cập vào trang web của các nhà kinh doanh hình ảnh “tươi mát” này. Trên Internet, hiện có hàng chục nghìn trang web kinh doanh như thế và mỗi trang web là một cái bẫy. Nhưng cái bẫy được cài đặt như thế nào để lừa được hàng tá người ham vui?

Cả nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và nhà kinh doanh hình ảnh “tươi mát” đều muốn tăng lưu lượng các cuộc gọi đến vì cả hai đều có lợi. Theo thạc sĩ Phùng Hưng, rải rác trên Internet hàng chục nghìn trang web luôn giăng bẫy người sử dụng, dụ dỗ truy cập; chỉ cần click chuột hoặc nhấp OK trước lời mời hấp dẫn như xem phim hay các loại hình ảnh “tươi mát” thì sẽ bị sập bẫy ngay. Trong chớp mắt, một chương trình với kích thước rất nhỏ (thường không quá 25Kb), được gọi là dialer - chương trình quay số tự động - sẽ được tải về và âm thầm cài đặt vào máy tính cá nhân.

Chương trình này thực hiện nhiệm vụ điều khiển modem cắt bỏ kết nối Internet hiện hữu, rồi tự động quay số kết nối đến những số điện thoại quốc tế thuộc quốc gia đã ấn định trước - nơi mà nhà cung cấp dịch vụ đặt trang web (hoặc máy chủ); đồng thời truy nhập trực tiếp vào các trang web “mát mẻ” nhằm lôi kéo những kẻ ham vui.

Thực tế, việc kết nối Internet có bị gián đoạn (để chương trình thực hiện điều khiển quay số điện thoại quốc tế) nhưng trong thời gian rất ngắn nên người dùng khó phát hiện. Khi cuộc kết nối điện thoại quốc tế được thực hiện thành công thì chương trình lập tức điều khiển máy tính tự động kết nối Internet trở lại và truy cập thẳng vào trang web (private server) của nhà cung cấp dịch vụ.

Từ thời điểm này cước điện thoại quốc tế bắt đầu phát sinh vì có tín hiệu trả lời từ đầu dây bên kia (thực chất tín hiệu trả lời là tín hiệu modem chứ không phải tín hiệu tiếng nói như gọi điện thoại bình thường). Thường những cuộc gọi điện thoại quốc tế “ảo” này là những cuộc gọi kéo dài hàng chục phút do người sử dụng quá mê mẩn với những hình ảnh “tươi mát”, trong khi lại không thông thạo tiếng Anh (đối với một số trang web có cảnh báo).

Cứ như vậy, hàng ngàn chiếc bẫy luôn sẵn sàng sập xuống bất cứ lúc nào và trong thực tế đã có không ít “cái chết” ngọt ngào là vì thế!

QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên