02/04/2025 10:48 GMT+7

Vương trùn quế làm nông nghiệp tuần hoàn

Tốt nghiệp ngành khoa học môi trường, có công việc ổn định ở TP.HCM, Lê Minh Vương quyết định quay về quê khởi nghiệp với con trùn quế.

rùn quế - Ảnh 1.

Lê Minh Vương tìm tòi sản xuất và thành công với mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ nuôi trùn quế - Ảnh: AN ANH

33 tuổi, Minh Vương đang xây dựng mô hình nuôi trùn quế và làm nông nghiệp tuần hoàn tại thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận), cũng là mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ trùn quế đầu tiên ở tỉnh này.

Trùn quế làm nông nghiệp sạch

Gia đình thuần nông ở vùng "nắng như phang, gió như rang", tuổi thơ của Vương không tách rời những cánh đồng và ao tôm bạc màu vì ô nhiễm. Để vệ sinh ao tôm, người dân quê anh sẽ nạo vét bùn lắng, thường có lẫn xác tôm chết, cứ chất đống gây ô nhiễm môi trường.

"Mình đọc được thông tin trùn quế có thể sinh sống, cải tạo số bùn này nên bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn. Mình nghĩ tại sao không dùng chính "cỗ máy" cải tạo đất và xử lý phân bón hoàn toàn tự nhiên này", anh Vương kể.

Dẫn khách tham quan mô hình vườn - ao - chuồng rộng 4.000m2, Minh Vương tự hào khoe thành quả sau chục năm theo đuổi trùn quế và làm nông nghiệp tuần hoàn của mình. 

Các chất thải và phụ phẩm nông nghiệp đều được trùn quế xử lý. Coi như sản phẩm nông nghiệp được sản xuất khép kín, vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa đảm bảo vấn đề môi trường.

Trùn quế rất dễ nuôi, chỉ cần tạo môi trường có bóng mát và tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho chúng. Lượng đất sau khi được trùn quế xử lý sẽ giàu dinh dưỡng cho sản xuất nông nghiệp sạch. 

Anh Vương tính với 100m2 có thể nuôi được 4 tấn trùn. Sau khoảng 3-4 tháng có thể cho thu hoạch 8-12 tấn sản phẩm như trùn thịt, phân trùn, đất đã được trùn quế xử lý thành phân bón tự nhiên.

"Nuôi trùn quế giúp nguồn đất được cải tạo rất giàu dinh dưỡng nên giảm bớt chi phí phân bón lại có thể cho ra sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao vốn đang được thị trường khá ưa chuộng hiện nay", anh Vương chia sẻ.

rùn quế - Ảnh 2.

... và vừa xuất bản cuốn sách về nông nghiệp tuần hoàn - Ảnh: AN ANH

Sản phẩm hữu cơ từ trùn quế

Mô hình nông nghiệp tuần hoàn của Lê Minh Vương hiện có nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi. Đất sau khi được trùn quế cải tạo, anh sử dụng bón cho rau xanh và cây ăn trái. Riêng con trùn quế sống được dùng làm thức ăn nuôi gia súc, gia cầm và chế biến thành dịch trùn quế đậm đặc vốn là sản phẩm dinh dưỡng được dùng thay thế cho phân bón hóa học trong nông nghiệp hữu cơ. 

Chưa kể anh còn chế biến thành viên nén trùn quế, trùn quế sấy khô và trùn quế đông lạnh để cung cấp ra thị trường.

Bà Nguyễn Thị Châu - giám đốc Hợp tác xã hành tím Nhơn Hải (tại huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) - cho biết vì sản xuất hành theo hướng hữu cơ nên dịch trùn quế và các sản phẩm từ trùn là phân bón không thể thiếu với 23 hộ sản xuất thành viên của hợp tác xã. 

Qua thực tế sử dụng, bà Châu nói sử dụng dịch trùn quế tưới cho hành, tỏi mang lại hiệu quả cao hơn so với dùng phân hóa học.

Kiểm nghiệm cũng cho thấy củ hành có độ cay nồng thơm ngon hơn, lại đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và thân thiện môi trường. 

"Hành tím hữu cơ sử dụng dung dịch trùn quế là sản phẩm chủ lực của nông dân Nhơn Hải, đã đăng ký và được cấp chứng nhận OCOP 3 sao cấp huyện. Đây cũng là một trong số ít mặt hàng nông sản hữu cơ của địa phương được xuất khẩu ra nước ngoài", bà Châu cho hay.

Hiện mỗi tháng Lê Minh Vương xuất bán các sản phẩm như dịch trùn quế, phân trùn quế, trùn quế sấy, trùn quế đông lạnh cùng một số chế phẩm khác ra thị trường mang lại nguồn thu nhập ổn định từ 20-50 triệu đồng. Anh cũng là cổ đông của dự án nuôi trùn quế khác tại huyện Củ Chi (TP.HCM).

Viết sách về nông nghiệp tuần hoàn

Làm và đúc rút kinh nghiệm, Minh Vương chọn cách chia sẻ lại cùng người khác về mô hình nông nghiệp tuần hoàn với trùn quế bằng cách viết sách. Anh là tác giả của nhiều đầu sách hướng dẫn nuôi trùn quế và làm nông nghiệp sạch có thể kể đến gồm: Sáng tạo để phụng sự, Cẩm nang kỹ thuật nông nghiệp sạch, Kỹ thuật nuôi trùn quế và ứng dụng trong nông nghiệp sạch.

Mới nhất, Minh Vương đã xuất bản cuốn Nông nghiệp tuần hoàn ứng dụng. Có thể nói đây là toàn bộ tâm huyết và kiến thức tích lũy sau nhiều năm anh nghiên cứu, ứng dụng sản xuất nông nghiệp tuần hoàn và trùn quế. Hiện làm phó chủ nhiệm câu lạc bộ khởi nghiệp tỉnh, Minh Vương tích cực trong vai trò cầu nối giúp thanh niên trong tỉnh tiếp cận nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, khởi nghiệp thành công.

Anh Huỳnh Hữu Phúc, bí thư Tỉnh Đoàn Ninh Thuận, đánh giá anh Vương là một trong những gương mặt tiêu biểu về khởi nghiệp sáng tạo, một tấm gương dấn thân, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của tuổi trẻ Ninh Thuận.

"Anh Vương vẫn thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tiếp lửa cho các bạn trẻ về tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cả nông nghiệp và lĩnh vực khác. Đó là điều rất quý và đáng trân trọng", anh Phúc bày tỏ.

Tôi làm thực tế rồi viết sách chia sẻ lại không ngoài mong muốn góp phần lan tỏa thông điệp xây dựng, phát triển một nền nông nghiệp bền vững dựa trên các giải pháp an toàn, thân thiện môi trường, tôn trọng tự nhiên và sức khỏe con người.
LÊ MINH VƯƠNG

Ông Trương Khắc Trí, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Ninh Thuận, nói thực tế sản xuất cho thấy con trùn quế giúp cải tạo đất rất tốt trong nông nghiệp, giúp tạo nguồn phân hữu cơ rất có lợi cho cây trồng. Ngoài ra, trùn quế cũng đem lại giá trị không nhỏ trong bảo vệ môi trường, mang lại kinh tế cho người nuôi và ứng dụng.

"Những điều này phù hợp với phát triển nông nghiệp hữu cơ vốn là xu hướng hiện nay. Đặc biệt với sản xuất các loại cây trồng thế mạnh của Ninh Thuận như nho, táo, hành tím hướng đến xuất khẩu", ông Trí chia sẻ.

Vương trùn quế có duyên với giải thưởng

Tham gia một số cuộc thi khởi nghiệp, Lê Minh Vương từng đoạt giải nhất cuộc thi dự án khởi nghiệp Ninh Thuận năm 2023 với dự án nông nghiệp tuần hoàn ứng dụng và trùn quế. Đồng thời đoạt giải khuyến khích cuộc thi Khởi nghiệp thanh niên nông thôn toàn quốc (Trung ương Đoàn) với dự án nông nghiệp tuần hoàn ứng dụng.

Cũng với dự án trên, anh đã nhận được thư khen của bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2024. Trước đó, Minh Vương còn từng giành giải nhất một cuộc thi khác do Trung ương Đoàn tổ chức về sáng tạo, tiết kiệm năng lượng toàn quốc với sản phẩm thiết bị sạc pin di động Solar EGG.

"Vương trùn quế" làm nông nghiệp tuần hoàn - Ảnh 3.Bén duyên với nghề đúc tượng thạch cao

Châu Quang Tiến (30 tuổi) khởi nghiệp thành công với nghề đúc tượng thạch cao, cung cấp sản phẩm đa dạng cho trẻ em và người lớn. Xưởng tượng phát triển mạnh mẽ tại Đắk Lắk, tạo việc làm cho cộng đồng địa phương.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên