
Bên ngoài khuôn viên công viên nước Đầm Sen - Ảnh: HỒNG PHÚC
Phú Thọ Tourist: Lượng khách sụt giảm, tiếp tục lỗ
Ba tháng đầu năm 2025, Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Phú Thọ (Phú Thọ Tourist), chủ quản công viên Đầm Sen ghi nhận doanh thu gần 45,6 tỉ đồng, giảm hơn 28% so với cùng kỳ năm 2024.
Công ty lỗ ròng gần 5,1 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 5,5 tỉ đồng. Đây là quý thứ ba liên tiếp Phú Thọ Tourist ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ.
Ban lãnh đạo công ty cho biết, kết quả kinh doanh đi xuống do ảnh hưởng của tình hình kinh tế chung khiến nhu cầu chi tiêu, mua sắm và giải trí của người dân giảm sút.
Bên cạnh đó, xu hướng giải trí đang dịch chuyển về các trung tâm mua sắm, nơi có nhiều dịch vụ miễn phí và không gian máy lạnh trong bối cảnh thời tiết TP.HCM ngày càng nóng.
Ngoài ra, năm 2024 đánh dấu sự thay đổi rõ nét trong thị hiếu giới trẻ. Họ ưu tiên những không gian đẹp, mới lạ để check-in, quay TikTok hơn là tham gia các hoạt động giải trí truyền thống tại công viên. Dù Phú Thọ Tourist đã đầu tư làm mới một số trò chơi, quy mô còn nhỏ nên chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Phú Thọ Tourist hiện quản lý, điều hành công viên văn hóa Đầm Sen (Đầm Sen Khô), khách sạn Phú Thọ, Trung tâm Dịch vụ du lịch Đầm Sen và khu du lịch sinh thái Vàm Sát.
Công ty cũng tham gia liên kết kinh doanh với Công ty cổ phần Công viên nước Đầm Sen và đầu tư tài chính vào Công ty cổ phần Sài Gòn Đà Lạt, Công ty cổ phần Sài Gòn Đông Hà.
Tính đến cuối năm 2024, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn sở hữu 49% vốn Phú Thọ Tourist, tiếp theo là SAM Holdings với 34,96% và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hùng Vương nắm 2,95%.
Để cải thiện tình hình, Phú Thọ Tourist dự kiến chuyển đổi khu trò chơi thiếu nhi thành khu khoa học công nghệ cao, phát triển dịch vụ tổ chức sự kiện tại công viên, đầu tư lại hệ thống vé điện tử và mở rộng các hình thức thanh toán hiện đại.
Liên quan đến mảng liên kết kinh doanh, công viên nước Đầm Sen - nơi Phú Thọ Tourist sở hữu 33,54% vốn - cũng ghi nhận kết quả không mấy tích cực. Doanh thu thuần quý đầu năm nay giảm hơn 25% so với cùng kỳ và lợi nhuận ròng chỉ bằng 53% so với quý 1-2024.
Tani Tour: Lợi nhuận cao từ mảng cáp treo, máng trượt
Ngược lại, trong cùng giai đoạn ba tháng đầu năm nay, Công ty cổ phần Du lịch - Thương mại Tây Ninh (Tani Tour), công ty mẹ của Công ty cổ phần Cáp treo Núi Bà Tây Ninh, báo lãi tăng gần 18% so với cùng kỳ, đạt hơn 22,4 tỉ đồng.
Mảng vận chuyển bằng cáp treo và máng trượt tiếp tục là nguồn thu lớn nhất của Tani Tour, mang về hơn 23,5 tỉ đồng doanh thu chỉ trong 90 ngày đầu năm, trong khi giá vốn chỉ khoảng 9 tỉ đồng, tương ứng biên lợi nhuận gộp hơn 61%. Ngoài ra, dịch vụ giữ xe và dọn vệ sinh cảnh quan cũng đạt biên lợi nhuận cao, lần lượt ở mức 37,5% và 27%.
Được thành lập từ năm 1982, Tani Tour tập trung bán hàng và cung cấp dịch vụ du lịch tại khu vực núi Bà Tây Ninh. Theo UBND tỉnh Tây Ninh, trong ba tháng đầu năm 2025, địa phương này đã đón khoảng 2,4 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt hơn 1.800 tỉ đồng, tăng trên 41% so với cùng kỳ.
Trong lĩnh vực lữ hành, Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh không hoàn toàn thuận lợi trong quý đầu năm 2025.
Doanh thu thuần của Vietravel tăng hơn 8% lên gần 1.300 tỉ đồng và lợi nhuận gộp tăng hơn 11%. Tuy nhiên, chi phí tài chính, chi phí bán hàng... đều gia tăng, trong khi lợi nhuận khác giảm khiến lãi ròng quý vừa qua chỉ đạt chưa đến 6 tỉ đồng, tương đương 47% kết quả quý 1-2024.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận